Sự sống ở trong ta

Thứ Bảy, 11/02/2023, 13:00

Những ngày đầu năm, ta thường nghĩ nhiều về những điều sẽ đến với mình trong trọn vẹn 12 tháng. Nào ai biết trước 12 tháng sẽ chứa đựng cả những vẻ đẹp lẫn những nỗi đau nào. Chắc chắn không biết trước!

Tính toán kỹ lắm cũng không thể nào biết trước một cách chính xác. Nhưng, có điều chắc chắn: Bất luận điều gì xảy ra thì năng lực ứng phó của ta cũng sẽ mang tính quyết định. Năng lực ấy nằm trọn vẹn ở những biến động bên trong ta. Thành thử, lắng lòng nhìn vào bên trong sẽ giúp ta lường trước nhiều tình huống có thể xảy đến với mình.

1. Đức Phật bên trong, Khổng Tử bên ngoài

Cốt lõi tư tưởng của Khổng Tử là hướng ra bên ngoài, để kiến tạo một xã hội trật tự và lễ giáo. Cốt lõi tư tưởng của đức Phật là hướng vào bên trong, để xử lý và làm chủ tâm thức một cách ổn thỏa trước mọi tác động của hoàn cảnh. Cũng có lúc Khổng Tử nói về cái bên trong, khi ông khuyên những đấng nam nhi phải rèn nhân - lễ - nghĩa - trí - tín rồi khuyên người phụ nữ phải luyện công - dung - ngôn - hạnh. Nhưng, tất cả những cái bên trong ấy cũng là để tạo nên những ứng xử có tính khuôn phép trong tương tác người - người ở bên ngoài. Ngược lại, đức Phật cũng nói không ít về những cái bên ngoài, chẳng hạn như sự vận hành của các sự vật hiện tượng trong vũ trụ, mà ngôn ngữ Phật giáo gọi là các "pháp", nhưng nói về "pháp" bên ngoài cũng là để nhấn mạnh "vạn pháp duy tâm tạo" - tức là năng lực nhận thức mang tính quyết định trong tâm.

Sự sống -0
Ảnh: S.t

Người cực đoan thường chọn một trong hai, hoặc nghiêng hẳn vào bên trong, hoặc hướng hẳn ra bên ngoài. Và, khi đã chọn thì thường có cái nhìn không tích cực về một cực còn lại. Người tỉnh thức không như thế. Người tỉnh thức nhận ra sự bổ trợ qua lại giữa bên ngoài và bên trong, mà thật ra ngoài - trong cũng chỉ là những khái niệm mang tính chất quy ước của giống loài này.

Thoát khỏi sự kìm hãm của khái niệm, bạn sẽ thấy đức Phật cười, đức Khổng Tử cười và họ cùng ngồi ở một nơi vừa xa chúng ta, vừa gần chúng ta, lại vừa ở trong mỗi chúng ta. Cuộc hội đàm lý thú giữa các ngài đôi khi hiện hữu ngay trong lòng ta, chứ chẳng phải ở mãi đẩu đâu trong một ngôi đền xa xôi vạn dặm.

Chúng ta cảm ơn cuộc đời vì đã nghe thấy những trao đổi lý thú của các vĩ nhân.

Ở đây.

Bây giờ.

Trong từng hơi thở!

2. Nhát cuốc trong tâm

Bạn từng cầm cuốc bổ xuống đất rồi chứ? Đất mênh mông và bao dung nên bạn cứ bổ thoải mái. Nhưng, thử tưởng tượng, tâm trí bạn chính là nền đất và có một người cầm cuốc bổ vào tâm bạn. Tâm sẽ chảy máu ngay.

Tôi từng chịu những nhát cuốc như thế và đã tổn thương. Vết thương phá hủy gần như toàn bộ con người bên trong của tôi, đẩy tôi vào ý nghĩ: Chỉ có cái chết mới giúp mình thoát nạn. May sao, những "phương pháp trị liệu" của đức Phật đã giúp tôi tự chữa lành cho mình. Bây giờ, khi đã đi rất xa khỏi vết thương ngày xưa, nhìn lạ

Sự sống -0
Ảnh: S.t

i, tôi thấy vết thương hóa ra lại là một món quà. Một món quà vô giá. Bởi, nó mở ra một trải nghiệm tâm thức nằm ngoài mọi sự tưởng tượng trước đó của tôi.

Nếu không có những trải nghiệm như thế, tôi sẽ không hiểu nổi tận cùng nỗi đau. Nếu không có những trải nghiệm như thế, tôi sẽ không đi tìm những phương pháp tận cùng để đi qua nỗi đau. Nếu không có những trải nghiệm như thế, tôi sẽ mãi mãi không thể trở thành một con người khác.

Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn hay nhìn lại nhát cuốc vào tâm. Mỗi lần như thế, miệng tôi mỉm cười, lòng tôi thầm biết ơn. Cũng giống như nhát cuốc vào lòng đất, những nhát cuốc vào tâm giúp ta nhận ra: Ở trong tận cùng lòng đất (tâm ta) luôn có một hạt mầm bí ẩn!

3. Cái đinh trong não

Một ngày cuối năm 2022, một chị doanh nhân tới gặp tôi. Tất nhiên không phải là để nói về chuyện kinh doanh - lĩnh vực tôi tuyệt đối không biết gì, mà để nói về một vấn đề tâm lý của chị ấy. Sở dĩ tôi viết lại câu chuyện này là vì sau khi đã giải quyết trọn vẹn vấn đề của mình, chị ấy bảo tôi: Hãy chia sẻ câu chuyện của chị nhé, biết đâu có thể giúp ích cho nhiều người.

Vấn đề của chị khi đó là trong đầu chị tràn ngập định kiến và sự phán xét. Khi biết một điểm xấu của nhân viên thì 5 năm sau, điểm xấu ấy vẫn như một cái đinh găm trong não chị. Mặc dù chị ý thức được rằng người đó của 5 năm sau đã rất khác 5 năm trước nhưng chị không thể tháo gỡ cái đinh ấy. Chị thừa nhận: Trong não chị có rất nhiều cái đinh. Cái đinh về con. Cái đinh về chồng. Cái đinh về bạn bè.

Làm thế nào để nhổ cả một rừng đinh khỏi não?

Hôm ấy tôi đã đưa ra một vài phương pháp, trong đó phương pháp cốt lõi là thiền chỉ. Xin nhấn mạnh, trong trường hợp này là thiền chỉ, chứ không phải thiền tuệ (Vipassana) và khuyên chị thử thực hành phép thiền này theo cách mà tôi cho là hữu ích với những người như chị. Tôi khuyên chị khi ngồi thiền hãy nghĩ đến đại dương mênh mông và gom toàn bộ tâm trí mình vào đại dương ấy. Hít một hơi vào cơ thể, tôi thấy não tôi là một đại dương xanh. Thở một hơi ra ngoài, tôi thấy não tôi là một đại dương xanh. Não tôi là một đại dương, chứ không phải một bức tường, bức vách. Người ta chỉ có thể đóng đinh vào một bức tường chứ không thể đóng vào đại dương. Bức tường khô cứng, bó hẹp; đại dương mềm mại, bao la. Mượn đại dương để chú tâm, định tâm, chiếu tâm..., những cái đinh trong não chị chìm nghỉm từ lúc nào không biết.

"Này cái đinh kia, hãy mọc lên đi" - sau vài tháng, tôi ngồi trước chị và nói. Rồi tôi bảo chị tự nói: "Này cái đinh kia, hãy mọc lên đi". Chị cười: Gọi mãi, mà nó chẳng chịu mọc lên nữa.

Đây là cách mà tôi từng thực hành trong nhiều năm để dần gỡ những cái đinh trong não mình và đã cùng trải nghiệm với khoảng vài trăm người tính đến lúc này. Tôi nghiệm ra rằng: Khi chúng ta gỡ được những cái đinh làm bởi sắt thép của định kiến thì sẽ gỡ được mọi phán xét. Gỡ được mọi ăn - thua. Gỡ được cả sự cầm tù của thế giới ý niệm.

Một sáng mùa xuân, chị doanh nhân tôi kể ở trên bất ngờ gửi tặng tôi bức tranh. Người bạn đang sống cùng tôi nhìn vào bức tranh và hỏi: Bức tranh vẽ cái gì vậy anh?

Tôi trả lời: Bức tranh xóa đi những nét vẽ, chứ không vẽ nên những nét mới. Và, tôi bất chợt nghĩ đến một triển lãm mà ở đó gồm toàn những bức tranh xóa đi những nét vẽ - những cái đinh trong đầu người. 

Liệu có một triển lãm chỉ để "xóa những nét vẽ" không, theo bạn?

Có một người đồng hành ở trong ta

Bạn ấy ở trong ta hằng ngày. Nhưng, ta có để ý đến bạn ấy đâu. Bạn ấy đi vào ta, rồi đi ra ta, rồi lại đi vào ta, rồi lại đi ra ta tự nhiên như cây cỏ. Rồi đến một ngày, bạn ấy tắt lịm ở trong ta. Một chiếc máy kết nối vào ta. Nhờ thế, ta mới giật mình nhận ra: Hằng ngày ta chẳng ý thức gì về bạn ấy. Bây giờ, ta vẫy tay, mỉm cười, quan sát, lắng nghe bạn ấy mỗi ngày. Và ta nói: Bạn ơi! Bạn tự nhiên, không hình, không tướng mà kì diệu làm sao. Tạ ơn cuộc gặp gỡ này.

Bạn ấy là hơi thở của ta!

Mỹ Linh
.
.