Strasbourg - Thành phố của những con đường

Thứ Hai, 16/10/2023, 08:30

Được những người La Mã thành lập từ năm 12 trước Công nguyên, và được mệnh danh là "Thành phố của những con đường", thành phố Strasbourg nằm ở vị trí cạnh các trục lộ chính Bắc - Nam và Đông - Tây, tỏa đi các quốc gia Bắc, Nam và Tây Âu. Lịch sử của Strasbourg có bề dày phong phú, không ít thăng trầm đau thương, gắn liền với sự phong phú và đa dạng về di sản kiến trúc và đặc biệt là chúng được bảo tồn rất tốt và khoa học.

Strasbourg là nơi đặt trụ sở của Hội đồng châu Âu từ năm 1949 và của Nghị viện châu Âu từ năm 1992, của Tòa án nhân quyền châu Âu từ năm 1998, và giờ đây mang danh Thủ đô châu Âu. Là thành phố đứng thứ bảy của Pháp về mặt dân số và là một trong những khu kinh tế trọng yếu của miền Đông Bắc Pháp.

img_e4359 tp strabourg nhìn từ nóc nhà tòa thượng viện.jpg -0
Thành phố Strabourg nhìn từ nóc nhà tòa Thượng viện

1. Thành phố Strasbourg nằm ở phía Đông Bắc nước Pháp, là thủ phủ vùng Alsace. Nếu là lần đầu tiên đến đây, bạn hẳn sẽ choáng ngợp trước thành phố nhỏ xinh xắn, yêu kiều giao duyên tân cổ…

Cuộc sống của người dân thành phố này thư thái hiền hòa. Trong khu petite France (nước Pháp nhỏ), vẫn còn những quán rượu trần thấp, những phiến gỗ mòn vẹt, dẫu được chủ nhân bảo tồn rất tốt. Những con hẻm chật hẹp, chỉ người đi bộ mới có thể lách qua. Trung tâm thành phố có rất ít cây cổ thụ, hay có thì cũng rất thấp, mặc dù gốc cây có khi cả hai người ôm không xuể. Và ít nhà cao tầng.

Toàn bộ khu phố cổ Petite France nằm hai bên bờ sông Ile. Những tòa nhà cổ soi mình xuống dòng nước, và đâu đâu cũng thấy các lẵng hoa đủ màu sắc. Hoa đặt bên hè đường, hoa treo trên thành cầu, trên các bậu cửa sổ. Sông Ile nhỏ nhưng vẫn có những hòn đảo giữa lòng sông. Người dân đã tận dụng kè bờ và xây những ngôi nhà mỹ miều tại đó, nhiều tòa biệt thự dầm chân trong nước, nhất là những đoạn chảy xuyên qua trung tâm thành phố, khiến lòng sông khá hẹp lại càng trở nên hẹp hơn, nhưng vẫn có những con tàu chở khách du lịch chạy qua. Những nơi như thế, thường có những cây cầu xoay để khi tàu đến, những hàng dây chắn sẽ được giăng ra, ngăn khách bộ hành lưu thông trên cầu. Khi đó, cả cây cầu hiện đại và vững chãi từ từ chuyển mình, xoay dần và áp sát vào bờ để tạo lòng sông thông thoáng hơn cho tàu vượt qua.

Từ ga tàu điện trung tâm Homme de Fer có thể đi các ngả thành phố. Đến thăm các quảng trường Kléber, nơi tôn vinh vị tướng Kléber, Thánh đường Đức bà bắt đầu xây dựng, từ thế kỷ 11, một công trình kéo dài hơn hai thế kỷ mới hoàn thành và đưa thành phố vào danh sách những miền lớn nhất của vùng sông Rhin và châu Âu. Hay quảng trường Gutenberg, ông tổ của ngành in cơ động mà phát minh của ông được ví như một cuộc đại cách mạng trong ngành truyền thông thời Trung cổ. Còn có cây Cầu có mái che Vauban, Đảo lớn… và vô vàn những công trình cổ kính khác.

Tất cả các trung tâm văn hóa và khu du lịch đều nằm cạnh hay rất gần các bến tàu điện: Nhà bảo tàng nghệ thuật hiện đại, Nhà hát kịch quốc gia, trường đại học, tòa thị chính, Nghị viện châu Âu, trường đại học và khu thư viện quốc gia, công viên, vườn thực vật… Chính phủ Pháp muốn biến Strasbourg thành  địa điểm kiểu mẫu về tàu điện và… xe đạp. Rất nhiều đường dành cho xe đạp. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã xây dựng được một hệ thống đường dành cho xe đạp dài đến hơn… 600 km, trở thành một trong những nơi có hệ thống đường xe đạp dài nhất châu Âu.

Đến Strasbourg không thể bỏ qua Thánh đường Đức bà. Tôi đã thăm khá nhiều các thánh đường nổi tiếng của Pháp, như thánh đường Sarth, Reims, Orléan... nhưng vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Thánh đường Đức bà Strasbourg, có ngọn tháp cao tới 142 mét, khiến ở bất kỳ nơi nào trong thành phố và vùng phụ cận, đều nhìn thấy. Nhà thờ này có niên đại từ thế kỷ XI, được xây dựng trong gần hai thế kỷ rưỡi mới hoàn thành. Nhưng cũng như các công trình cổ, nơi đây luôn có những điểm cần sửa chữa hay trùng tu. Và khi khám phá nơi này, sẽ được thấy một "kỳ quan" có một không hai trên thế giới cho đến thời điểm này. Đó là bên trong Thánh đường còn có chiếc đồng hồ thiên văn mà có thể nói là một trong những đồng hồ cổ nhất vẫn còn hoạt động.

Strasbourg - Thành phố của những con đường -0
Một góc khu Petite France

Đồng hồ hiện nay là thành quả của sự hợp tác giữa hai nhà toán học Christian Herlin và Conrad Dasypodius cũng như hai thợ làm đồng hồ Josias và Isaac Habrecht và họa sĩ Tobias Stimmer. Chiếc đồng hồ khi ấy được trang bị một thước đo thiên văn cho phép xem lần lượt các hành tinh khác nhau; có thể thấy được nhật thực sẽ diễn ra trong tương lai và lịch vạn niên hiển thị các ngày lễ dịch chuyển khác nhau trong giai đoạn đó.

Nhưng cùng với thời gian gần ba thế kỷ, đồng hồ xuống cấp nghiêm trọng và bị bỏ hoang gần 50 năm, nhưng nhờ quyết tâm của Jean-Baptiste Schwilgué, một người có tài thiên bẩm về nhiều mặt: thợ đồng hồ, nhà toán học và nhà vật lý học, ông đã sử dụng tất cả bí quyết của mình để biến ước mơ ấy thành hiện thực. Với chiếc đồng hồ đó, ông đã cài đặt các cơ chế mới và thay đổi mặt số. Ông sửa đổi cách tính của giáo hội mà khi đó luôn cho hiển thị các ngày lễ của năm tới. Cơ chế phức hợp này có khả năng tính toán ngày nghỉ lễ theo tân lịch Gregory và sau đó đã truyền cảm hứng cho nhiều thợ thủ công khác. Ngoài những tính năng mới này, đồng hồ còn hiển thị rất nhiều thông tin. Ngày, tháng, năm hoặc thậm chí các kỳ mặt trăng cũng có thể được giải mã ở đó. Schwilgué cũng là cha đẻ của nhiều máy tự động nổi tiếng thường xuyên tạo các hoạt ảnh cho Đồng hồ Thiên văn Strasbourg.

Strasbourg - Thành phố của những con đường -0

2. Tôi gọi Strasbourg là thành phố "tân cổ giao duyên", bởi ngoài vô số những công trình cổ, nhà thờ đền đài và các lâu đài, nơi đây cũng là một thành phố hiện đại. Cả tòa nhà Nghị viện châu Âu bề thế lừng lững được xây bằng kính và còn đang được mở rộng và xây dựng thêm. Nhà ga Strasbourg bên trong với bức tường cổ kính thâm nghiêm thì bên ngoài được bao một vòm tròn cũng bằng kính khổng lồ. Hay Hội đồng châu Âu, Điện Nhân quyền… và còn vô vàn những công trình hiện đại đang được xây dựng.

Thành phố Strasbourg có rất nhiều nhà thờ Công giáo, Do Thái, Hồi giáo… nhưng giờ đây, nơi này còn có một ngôi chùa Việt Nam, tên là Phổ Hiền. Chùa Phổ Hiền nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km, có thể đến đó bằng tàu điện. Đây là một ngôi chùa đặc biệt, hoàn toàn bằng gỗ, ngoài ngôi đại điện Tam bảo, tượng Phật được thỉnh trực tiếp từ Việt Nam sang, còn có chùa một cột. Theo lời Ni sư trụ trì Thích Nữ Như Quang thì kiến trúc sư người Pháp, vốn là một nhà báo đã từng công tác tại Việt Nam, khi thiết kế ngôi chùa đã quay lại Hà Nội để tìm hiểu thêm về chùa Một Cột. Hiện nay cảnh chí được thiết kế gần giống như chùa Một Cột ở Hà Nội. Khuôn viên chùa rộng mênh mông, có tượng Phật bà Quan âm lộ thiên, cây cối um tùm, có nhiều khu hồ nhỏ và những cây cầu gỗ cong cong bắc qua.

Nếu đến Strasbourg vào đầu tháng 9, bạn có cơ may được tham dự hội chợ Châu Âu, một trong những hội chợ quốc tế thường niên lớn nhất thế giới, được thành lập từ năm 1932. Lúc đầu Hội chợ chỉ chuyên về nông sản và thủ công mỹ nghệ, nhưng dần dần mở rộng ra các mặt hàng khác. Việt Nam đã tham gia Hội chợ này rất tích cực từ gần 20 năm qua. Năm 2023, đã có tới 460 gian hàng của các nhà sản xuất của hơn 30 quốc gia trên thế giới và ban tổ chức đã dành hẳn cho Việt Nam một khu, gọi là Làng Việt Nam...

Chia tay thành phố Strasbourg xinh xắn và hiếu khách, tôi ra về nhưng cũng đã kịp nhớ được một số ngày tháng lịch sử, in đậm trong tâm tưởng người dân nơi đây: Năm 12 trước Công nguyên, người La mã thiết lập một doanh trại quân đội trong khu Argentoratum. Năm 496, Clovis (Vua Pháp đầu tiên) sáp nhập với Francie và biến chúng thành Strateburgum, "thành phố của những con đường". Năm 870, nhờ Công ước Mersen, Louis Le Germanique, một trong những cháu nội của Charlemagne chiếm được thành Alsace. Năm 1015, khởi công xây dựng Thánh đường Đức bà đầu tiên. Năm 1450, Guntenberg phát minh phương pháp in ấn cơ động đầu tiên. Năm 1792, trong các phòng khách của Thị trưởng Dietrich của Strasbourg, lần đầu tiên bài hát "Ca khúc chiến binh dành cho quân đội sông Rhin" được trình bày mà sau này đã trở thành quốc ca Pháp: La marseillaise. Năm 1949, Strasbourg được chọn là trụ sở chính của Hội đồng châu Âu. Năm 1988, "Strasbourg - Grande Ile" được ghi danh vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Năm 1992, tại Hội nghị Thượng đỉnh Edimbourg, Srasbourg được củng cố thêm bằng việc được coi là trụ sở của Nghị viện châu Âu.

Hiệu Constant (từ Paris, Pháp)
.
.