Sắc màu vương giả

Thứ Hai, 14/03/2022, 20:55

Ai cũng biết thời xưa vua mặc trang phục màu vàng. Dưới vua, các quý tộc sẽ được mặc màu tía, màu đỏ. Nhưng, ít người biết, có thời, màu hồng cũng được dùng cho phẩm phục của các quan chức cấp cao triều đình.

Màu vàng được quy định là màu của vua nước ta dựa theo quy cách từ các triều đại phong kiến Trung Quốc. Theo sử sách Trung Quốc, Tần Thủy Hoàng đế chuộng trang phục màu đen. Trước đó, các vua nước Tần cũng chuộng trang phục đen, lấy cờ hiệu đen. Theo các nhà sử học, các vua Tần cho rằng theo thuyết ngũ hành, dòng họ của mình thuộc mệnh thủy nên chuộng màu đen. Tuy nhiên, sang thời Hán, các vua Hán bắt đầu chọn màu vàng làm màu biểu tượng của mình, là màu của hành thổ, màu của đất, của vị trí trung tâm trên mặt đất.

Nhà sử học Phan Huy Chú, khi biên soạn bộ sách “Lễ nghi chí” trong bộ bách khoa “Lịch triều hiến chương loại chí”, đã viết: Nước ta, từ thời Lý, Trần về trước, mũ áo của vua thế nào, không khảo cứu được. Ông chỉ khảo trong sử cũ, có chi tiết Vua Lê Đại Hành dùng long bào bằng thứ vóc đỏ. Còn về màu vàng, ông cũng nhận thấy đến tận đời Vua Lý Cao Tông, triều đình mới cấm nhân dân trong nước không được mặc áo sắc vàng. Do đó, ông kết luận, trước đó màu vàng chưa phải là màu dùng riêng của nhà vua.

Sắc màu vương giả -0
Long bào của Vua Bảo Đại được phục chế. Ảnh: S.t

Như vậy, từ năm 1182, màu vàng chỉ được sử dụng trên long phục của nhà vua và nhân dân bị nghiêm cấm sử dụng màu sắc này để may trang phục. Từ đó, màu vàng gắn với các vị vua Đại Việt suốt các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Có thể hình dung phong thái của vua nước Việt trong bộ long bào màu vàng qua những dòng ghi chép ở “Đại Việt sử ký toàn thư”, phần chép về Vua Trần Minh Tông: “Vua mặc áo tràng vạt bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen là “nhẹ nhõm như người tiên”. Đến khi sứ giả về nước, kể lại với người Nguyên về vẻ người thanh tú của vua nước Việt. Về sau, sứ nước ta sang, có người hỏi rằng: “Tôi nghe đồn rằng thế tử (tức Vua Trần Minh Tông) vẻ người thanh tú nhẹ nhõm như thần tiên, có phải không?”. Sứ giả nước ta trả lời rằng: “Đúng như thế, song cũng là tiêu biểu cho phong thái cả nước vậy!”.

Dưới thời Nguyễn, còn có sự phân định vai vế và giai cấp qua các sắc độ của màu vàng. Màu áo của vua là màu vàng rực rỡ nhất, màu của mặt trời ban trưa, màu đất sét vàng (hoàng thổ) hay còn gọi là chính hoàng. Thứ đến là màu vàng hoàng yến (như màu lông chim hoàng yến), nhạt hơn màu vàng thổ, màu này có thể may trang phục cho hoàng đế và hoàng thái hậu. Tiếp đến là màu vàng lửa (hỏa hoàng), nghiêng về màu da cam hay màu của vỏ quả quýt, được dùng trong trang phục của các bậc thiên tuế, bao gồm: Hoàng hậu, hoàng thái tử, trưởng công chúa và thân vương. Dưới nữa, ở triều Nguyễn, các bậc đại thần, thân công được mặc trang phục sắc vàng màu da đồng (cổ đồng).

Trong suốt các triều đại lịch sử Việt Nam, duy nhất có bà Nam Phương hoàng hậu, vợ chính thất của vua cuối cùng triều Nguyễn là Bảo Đại, mới được sử dụng trang phục màu vàng như của nhà vua. Trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam”, xuất bản tại Pháp sau này, Vua Bảo Đại viết: “Tôi đã chọn tên trị vì cho bà hoàng hậu mới, là Nam Phương, có nghĩa là hương thơm của miền Nam. Và, tôi ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép bà được phục sức màu vàng - màu dành riêng cho hoàng đế”.

Còn về trang phục của các quan, chính sử nước ta cho biết, vào đời Vua Lê Ngọa Triều, năm Ứng Thiên thứ 13 (1006), triều Tiền Lê bắt đầu đổi phẩm phục của các quan văn võ theo quy chế nhà Tống. Để tìm hiểu quy chế phẩm phục của nhà Tống thì phải lần giở bộ sử thời Tống là “Tống chí”, theo đó, các quan từ tam phẩm trở lên mặc áo màu tía, ngũ phẩm trở lên mặc áo màu đỏ, lục phẩm, thất phẩm mặc áo màu lục, bát phẩm, cửu phẩm mặc áo màu xanh (lam). Ngoài ra, các quan còn đeo bên hông cái túi “ngư đại” (khâu hình con cá), thêu hình cá bằng vàng, bạc theo phẩm trật, áo màu tía thì túi thêu cá vàng, áo màu đỏ trở xuống thì thêu cá bạc. Các quan khi có công việc mặc phẩm phục thì đeo cái túi ấy vào đai, buông về đăng sau để phân biệt cao thấp.

Năm 1395, đời Vua Trần Thuận Tông, nhà Trần quy định quan nhất phẩm áo màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu đào hồng, tứ phẩm màu lục, ngũ lục thất bát phẩm màu biếc, bát cửu phẩm màu xanh. Người không có phẩm hàm và tôi tớ thì dùng màu trắng.

Sách “Văn hiến thông khảo” của học giả đời Nguyên là Mã Đoan Lâm chép rằng: Dùng màu tía, màu đỏ, màu lục làm mệnh phục bắt đầu từ thời Tùy Dạng đế, nhưng quy chế đến thời Đường mới định, đến đời Tống dùng theo. Phẩm phục đời Lý, Trần nước ta, đại khái phần nhiều theo quy chế nhà Tống, mà triều Lê lại dùng theo. Quy chế này cho màu tía là quý nhất, rồi đến màu hồng, màu lục, màu biếc, sau cùng là màu xanh.

Khi biên soạn sách “Lễ nghi chí”, Phan Huy Chú bình luận: “Theo ý tôi, thì màu tía, màu hồng, màu biếc, màu lục đều là gián sắc (tức các màu pha), không phải chính sắc (tức các màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), gần như cách ăn mặc của đàn bà. Khổng Tử còn không dùng màu hồng, màu tía làm đồ mặc thường, huống lại đem dùng ở chỗ triều hội tế tự ư? Kể ra, màu sắc áo mặc nên theo chính sắc, nếu muốn theo chế độ thời cổ thì nên bỏ các màu gián sắc, chỉ dùng hai màu đỏ và xanh, mới có thể gọi là chính đại mà bỏ thói hủ lậu được”.

Cuối thời Trần, Hồ Quý Ly nhăm nhe cướp ngôi vua, lúc đó đang do cháu ngoại (Trần Thiếu đế) của ông ta nắm giữ, nên năm 1399, tự xưng là Quốc tổ Chương Hoàng đế, mặc áo màu bồ hoàng (màu vàng như nhị hoa cây xương bồ), ra vào dùng 12 chiếc lọng vàng. Việc này bị một người tôi trung của nhà Trần là Nguyễn Dụng Phủ dâng thư phê phán: “Chương hoàng là hiệu gì? Bồ hoàng là sắc gì? Đối với sự phó thác của tiên đế ra sao (ý nói Hồ Quý Ly thề với Trần Nghệ Tông sẽ hết lòng phò giúp các vua Trần)”. Hồ Quý Ly tuy rất tức giận nhưng chỉ dám đem giam Nguyễn Dụng Phủ mấy ngày rồi tha. Dù vậy, năm sau, Hồ Quý Ly vẫn phế Thiếu đế, tự lập làm vua. Lúc này thì sắc màu thiên tử được họ Hồ sử dụng không còn e dè gì nữa.

Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Vua Lê Thái Tổ truyền chỉ rằng, quan văn võ từ thượng tướng, có tước trước phục hầu trở lên và quan văn từ chức nhập nội đại hành khiển (tể tướng), tước quan phục hầu trở lên, đều cho mặc áo lụa màu đỏ. Đời Vua Lê Thánh Tông, năm 1466, định phẩm phục cho quan từ nhất phẩm đến tam phẩm mặc áo màu hồng, tứ ngũ phẩm mặc áo màu lục, ngoài ra đều mặc áo màu xanh.

Thời vua Lê, chúa Trịnh, các chúa Trịnh tuy danh nghĩa là bề tôi nhưng quyền hành bao trùm thiên hạ, vua Lê chỉ ở trên ngôi làm vì. Dù vậy, các chúa Trịnh vẫn không cướp ngôi vua và cũng không dám dùng phẩm phục màu vàng. “Lịch triều hiến chương loại chí” cho biết: "Chúa thượng vào các dịp đại lễ như tế Giao, tiến tôn, mặc áo bào tía (Tử bào), đội mũ Xung Thiên, đeo đai ngọc". Còn như bức tượng chúa Trịnh Tùng tại chùa Diên Khánh ở Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội được làm vào thế kỷ 18, miêu tả chúa Trịnh Tùng với áo bào đỏ có bổ tử hình kỳ lân. Đây là trang phục dành cho tước vương được triều Lê quy định từ thời Lê sơ.

Năm 1720, lúc đó chúa Trịnh Cương đang ở đỉnh cao của quyền lực họ Trịnh, Nguyễn Công Hãng được bổ làm tham tụng (Tể tướng), có ý nịnh Trịnh Cương, nên mới cùng chưởng phủ Trịnh Quán xin Trịnh Cương khi tiếp kiến bầy tôi nên mặc áo sắc vàng. Tuy nhiên, Trịnh Cương trả lời: "Ta nối giữ cơ nghiệp chúa, giúp rập nhà vua. Về sự tôn kính nhà vua, ta luôn luôn để trong bụng. Sắc vàng là đồ mặc của thiên tử, ta đâu dám dùng. Nay phủ liêu từ quan tứ phẩm trở lên dùng áo sa hoặc đoạn thì về phần ta chỉ nên dùng sắc tía để phân biệt mà thôi”. Lời đề nghị xin chúa mặc sắc vàng của Nguyễn Công Hãng sau này bị các sử quan triều Nguyễn phê phán rất nặng nề.

Cũng trong sách “Lễ nghi chí”, Phan Huy Chú nói thêm về thường phục của vua Lê và chúa Trịnh thời Lê mạt: “Hoàng thượng... thường phục đội mũ tam sơn, mặc áo có các màu xanh, màu huyền”... “Chúa thượng khi thị chính, triều hội, tiếp kiến quần thần đều đội mũ tam sơn, áo màu tía”.

Sử cũng viết là thời Vua Lê Hiến Tông, định lại triều phục một lần, theo đó các tước công trong hoàng thân và các quan từ tam phẩm trở lên, dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu tía; tứ, ngũ phẩm: về hàng võ, dùng nón sơn trắng; về hàng văn, dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu lục; từ lục phẩm trở xuống, về hàng võ, dùng nón sơn son; về hàng văn, dùng mũ phốc đầu, áo dùng màu xanh. Đến đời Vua Lê Thần Tông, năm 1661, triều đình một lần nữa định lại quy chế triều phục, trong đó phân định bên cạnh mũ áo của hoàng hậu, vương tử, văn võ trăm quan dùng khi vào triều vua Lê thì các hoàng thân, vương tử, văn võ bá quan đội mũ ô sa, mặc áo thanh cát khi vào hầu phủ chúa. (Vải thanh cát là vải nhuộm chàm, sau nhuộm nâu, đem hồ qua, lấy chày nện, vò kỹ rồi phơi khô, gọi là thanh cát y).

Ngoài quy chế về phẩm phục, thời phong kiến cũng có những quy định chặt chẽ về màu sắc các phụ kiện kèm theo trong đoàn tùy tùng của các quý tộc, quan lại, gồm màu lọng, màu quạt vả và màu sơn trên yên ngựa. Như thời Lê, chỉ các hoàng tử, vương tử được phong tước quốc công, được dùng một lọng màu tía. Hoàng tử, vương tử được phong quận công được che lọng xanh. Các quan hầu hết cũng chỉ được dùng lọng màu xanh. Đến màu bít tất đi trong hài của từng chức quan cũng được phân định, như năm Minh Mạng thứ 13 quy định: quan từ hàm tam phẩm trở lên thì thân tất dùng lụa màu lam, miệng tất lót bằng lụa màu; từ hàm tứ phẩm trở xuống thì thân tất dùng lụa màu bạc, phần lót bên trong dùng vải chứ không dùng lụa. 

Lê Tiên Long
.
.