Puebal-Bản hùng ca Mexico

Thứ Sáu, 20/05/2022, 11:56

Cho đến hiện tại, ngày 5/5 vẫn là một ngày lễ trọng đại thường niên ở tầm cỡ quốc gia của Mexico. Mang cái tên "Ngày kỷ niệm Trận Puebla" (El Día de la Batalla de Puebla), nó đánh dấu một chiến thắng mang tính biểu tượng trong lịch sử quân sự Mexico, những đoàn quân viễn chinh hùng hậu của Hoàng đế Pháp Napoleon III.

Mexico trong “mớ bòng bong”

Đó là năm 1862. Một năm trước đó, Mexico vừa có tân tổng thống – Benito Juarez, vị tổng thống đầu tiên của đất nước non trẻ này có trong mình gốc gác dòng máu thổ dân Inca bản địa. Tuy nhiên, ông phải đối diện với rất nhiều thách thức. Mexico khi ấy gần như chỉ vừa kịp bước ra từ thời kỳ độc tài của tướng Antonio Lopez de Santa Anna, để kiến tạo những mảnh ghép đầu tiên cho phong trào cải cách “La Reforma”, với một hiến pháp mới mà trong đó xác định sự tái lập thể chế liên bang, cũng như lần đầu tiên đề cập đến quyền tự do tôn giáo.

Mặc dù vậy, những tàn dư của thời thuộc địa cũng như hậu thuộc địa cũng vẫn còn đang để lại các vết hằn nghiêm trọng. Bốn thập kỷ sau khi giành độc lập từ tay thực dân Tây Ban Nha, Mexico vẫn đầy ắp những mâu thuẫn, xung đột và đối đầu giữa hai phái tự do – bảo thủ.

cincodemayo_battleofpuebla_01 copy.jpg -0
Chiến công rực rỡ nhất trong lịch sử Mexico.

Năm 1836, tướng Antonio Lopez de Santa Anna cố gắng thâu tóm và tập trung củng cố quyền lực của chính phủ trung ương, áp đặt nó lên các địa phương cũng như các phe phái khác. Song, điều này lại dẫn tới hệ quả là sự đình chỉ Hiến pháp 1824, đồng thời khiến ba vùng lãnh thổ thuộc Mexico nổi dậy đòi ly khai – độc lập, bao gồm: Cộng hòa Texas, Cộng hòa Rio Grande và Cộng hòa Yucatan.

Những nỗ lực trấn áp bằng công cụ quân sự từ chính quyền Santa Anna phát huy hiệu quả, với việc thu hồi lại được Yucatan và Rio Grande. Tuy nhiên, Mexico thất bại ở Texas – vốn nhận được những sự hậu thuẫn quan trọng từ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Và sau đó, Texas xin gia nhập, để rồi chính thức trở thành một phần của nước Mỹ (với phạm vi bao trùm toàn bộ bang Texas ngày nay, cùng đất đai ở các bang New Mexico, Oklahoma, Kansas, Wyoming và Colorado).

 Như một lẽ tất yếu, chiến tranh Mỹ - Mexico (1846-1848) bùng nổ, với nguyên nhân là các xung đột về lợi ích và chủ quyền lãnh thổ. Mexico thất bại nặng nề, phải chịu ký Hòa ước Guadalupe – Hildago, theo đó xác nhận mất tới 1/3 diện tích lãnh thổ cho Hoa Kỳ.

Đến thời điểm ấy, như đánh giá của trang History.net, Mexico “đã trở thành một quốc gia suy sụp về tài chính”. Khi nhậm chức tổng thống năm 1861, Benito Juarez buộc phải tuyên bố tạm đình chỉ việc trả lãi cho các khoản nợ nước ngoài trong thời hạn hai năm. Quốc gia ấy xem như đã vỡ nợ, và tất nhiên, họ bị các chủ nợ châu Âu ráo riết thúc bách.

Cuối tháng 10/1861, đại diện ngoại giao ba cường quốc Tây Ban Nha, Anh và Pháp họp tại Luân Đôn. Liên minh ba bên được thành lập, với mục đích chính là bàn thảo một kế hoạch sử dụng vũ lực quân sự nhằm buộc Mexico cam kết “thanh toán nợ nần”.

Tháng 12/1861, quân Tây Ban Nha tiền phong đổ bộ vào cảng Veracruz. Đầu tháng 1/1862, quân Anh và quân Pháp theo sau. Mexico ở thế “nghìn cân treo sợi tóc”.

Khi chiếc lò xo bật lại

Tuy nhiên, trước khi trận Puebla diễn ra, đã có hai điều may mắn không tưởng xảy ra. Thứ nhất, là việc Hoàng đế Napoleon III của Pháp không che giấu được ý đồ thành lập một chính phủ bù nhìn thân Pháp tại Mexico (với hoàng đế tương lai được chỉ định là Đại công tước Ferdinand Maximillian thuộc Hoàng thất Habsburg Áo – Hung). Và thứ hai, do đó, cả Tây Ban Nha lẫn Anh đều không có lý do gì để chia sẻ quan điểm về lợi ích riêng ấy của nước Pháp.

Tháng 4/1862, sau những cuộc đàm phán với chính phủ Benito Juarez, khi đã nhận được những bảo đảm về các khoản nợ, quân Anh và quân Tây Ban Nha triệt thoái, để mặc quân Pháp hành động đơn độc. Liên minh ba bên xem như đã bị giải tán, và Mexico chỉ còn phải đối diện với một “cường địch”, thay vì ba như lúc đầu.

Mặc dù vậy, tương quan lực lượng giữa quân đội hai bên vẫn vô cùng chênh lệch – điều khoác lên chiến công Puebla dáng dấp của một “kỳ tích”.

cinco-de-mayothe-battle-of-puebla-history-5.jpg -0
Chiến thắng khơi dậy lòng ái quốc và tình đoàn kết chống xâm lăng .

Tháng 5/1862, 6.000 quân Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Charles de Lorencez thẳng tiến đến Puebla de Los Angeles. Đây hầu hết đều là những người lính lê-dương Bắc Phi (Zouaves) thiện chiến, mà bản thân tướng Lorencez cũng là một chỉ huy dày dạn.

Ông cực kỳ tự tin, về việc chiến thắng sẽ nhanh chóng thuộc về đoàn quân dưới trướng mình. Bởi, ở bên kia chiến tuyến, sức phản kháng của Mexico chỉ là một tập hợp những người lính xuất thân nông dân thiếu thốn về trang bị, yếu kém về kỹ năng tác chiến. Từ miền bắc, Benito Juarez cũng chỉ có thể gửi đến cho họ một lực lượng viện binh tuyệt vọng. Song, lực lượng trù bị cuối cùng, gồm các cựu binh do tướng quân Ignacio Zaragoza – một người không được đào tạo chính quy nhưng lại rất dồi dào kinh nghiệm thực chiến ở Mexico, đặc biệt là chiến tranh du kích – chỉ huy ấy, đã làm nên điều kỳ diệu, khi được chắp cánh bởi lòng ái quốc.

Biết rõ hơn ai hết là những người lính của mình không đủ khả năng dàn trận chống trả với quân viễn chinh Pháp trên đồng trống, Igancio Zaragoza tập hợp tất cả (khoảng 2.000 người lính trên tổng số khoảng 5.000 người cả dân lẫn lính) vào trong thành Puebla, củng cố các công sự phòng ngự, sẵn sàng chờ đợi các đợt công kích.

Trong khi đó, Lorencez bỏ ngoài tai những lời khuyên của ban tham mưu, về việc bỏ qua Puebla, tiến thẳng về Mexico City. Ông không muốn đường tiếp vận sau lưng mình bị quấy rối hay cắt đứt bởi các hoạt động du kích. Bởi vậy, sáng 5/5/1862, ông hạ lệnh tiến đánh. Những khẩu đại bác gầm vang, dọn đường cho quân Pháp hướng về phía pháo đài Guadeloupe (ngoại vi Puebla, mục tiêu đầu tiên mà Lorencez muốn chiếm). Lúc đầu, Lorencez thừa kiêu ngạo để hạ lệnh cho các tiểu đoàn của mình tấn công vỗ mặt pháo đài. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, ông nhận ra rằng độ dốc của địa hình khiến những đợt xung phong ấy không đạt được hiệu quả, trong khi những loạt pháo cũng chẳng khiến quân Mexico chịu nhiều thương vong như mong đợi.

Thay đổi kế hoạch, sau buổi trưa, Lorencez thực hiện một hướng nghi binh đột kích vào hướng khác, nhằm kéo giãn đội hình quân phòng thủ. Nhưng, sức phản kháng của quân Mexico vẫn không hề suy giảm. Lính Zouaves vẫn không thể vượt nổi tường pháo đài Guadaloupe, còn cánh nghi binh bị tướng Mexico là Porfirio Diaz đánh lui. Đợt tấn công thứ ba diễn ra vào khoảng 2h chiều. Lorencez tung toàn bộ lực lượng dự trữ vào trận, cũng như quyết định bắn “tất tay” cơ số đạn pháo còn lại. Dù vẫn chiến đấu vô cùng quả cảm, những người lính Mexico không thể tránh khỏi bị đẩy lùi từng bước. Họ đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc tử chiến giáp lá cà.

Song, 3h chiều, một cơn mưa trút xuống. Mọi con đường đều trở nên trơn trợt và lầy lội – điều khiến các nỗ lực xung phong cuối cùng của quân Pháp trở nên vô vọng. Khi ấy, Lorencez đành ra lệnh rút quân – một cuộc rút quân cũng tương đối vất vả, bởi kỵ binh của Zaragoza liên tục truy kích. Lorencez còn cố gắng nhẫn nại chờ đợi và khiêu khích thêm vài ngày nữa, nhưng Zaragoza không mắc mưu. Ông nhất quyết không trao cho quân Pháp ưu thế khi được đánh trận địa chiến. Rồi, Lorencez bắt buộc phải triệt thoái về Orizaba.

Có thể về mặt quân sự thuần túy, trận Puebla không phải là một chiến công quá đặc sắc. Thực tế, nó chỉ là một cuộc tử thủ cực kỳ tập trung và kỷ luật, để đứng vững trước địch quân đông hơn và giàu kỹ năng hơn gấp bội.

Tuy nhiên, ở khía cạnh tinh thần, Puebla là một liều thuốc kích thích vô giá, dành cho tinh thần ái quốc của bất cứ người dân Mexico nào (vốn đã bị tổn thương trầm trọng sau thất bại trước người Mỹ). Nó chỉ ra rằng chỉ cần đoàn kết và vững lòng, những người nông dân với vũ khí thô sơ cũng có thể chặn đứng bước quân xâm lược.

Bốn tháng sau chiến công này, Ignacio Zaragoza qua đời vì bệnh thương hàn. Một năm sau chiến công này, quân Pháp đã trở lại và chiến thắng trong trận Puebla lần thứ hai. Ferdinand Maximillian, quả thật, cũng được đặt lên ngai vàng Mexico. Nhưng, đến năm 1867, ông ta đã bị lật đổ (và bị xử bắn). Ngày 2/4/1867, tướng Diaz tái chiếm Puebla, chính thức chấm dứt cuộc xâm lược của Napoleon III.

*Theo Britanica, quân Pháp đã mất tới 1.000 lính trong trận Puebla – điều khiến cả thế giới sửng sốt, khi tất cả đều tiên liệu họ sẽ dễ dàng chiến thắng. Bởi thất bại này, Lorencez đã bị Napoleon III cách chức, và quân Pháp buộc phải bổ sung lực lượng viễn chinh.

*Ngày 9/5/1862, Tổng thống Benito Juarez tuyên bố ngày kỷ niệm trận thắng Puebla sẽ trở thành ngày lễ quốc gia. Đến nay, người Mexico và người Mỹ gốc Mexico vẫn tổ chức ngày lễ này, với cái tên quen thuộc Cinco de Mayo (ngày 5/5). Puebla de Los Angeles cũng được đổi tên thành Puebal de Zaragoza, nhằm vinh danh tướng Ignacio Zaragoza.

Thiên Thư
.
.