Pax Mongolica - nền hòa bình bị quên lãng

Thứ Hai, 06/12/2021, 21:56

Mông Cổ là đế chế của các “chiến thần”. Song, di sản mà Thành Cát Tư Hãn cùng các hậu duệ để lại không chỉ là những trận đánh. Rất đáng ngạc nhiên, nếu người La Mã cổ từng có một giai đoạn phát triển được giới nghiên cứu lịch sử quốc tế gọi là Pax Romana (Nền thái bình La Mã), thì cũng có một thuật ngữ mô phỏng dành cho đế chế Mông Cổ: Pax Mongolica.

Sự hồi sinh của “Con đường tơ lụa”

Bắt đầu từ thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, dưới triều Tây Hán của Trung Quốc, “Con đường tơ lụa” (Silk Road) xuyên qua Trung Á trở thành tuyến thương mại huyết mạch nối liền hai lục địa Á – Âu, trong suốt hàng trăm năm dài sau đó. Nó chính là sợi dây kết nối Đông – Tây, không chỉ phục vụ mục tiêu trao đổi, buôn bán sản vật mà còn là động lực thúc đẩy sự giao thoa văn hóa cũng như những thành tựu văn minh từ hai phía.

Song, theo những biến động của thời cuộc, đặc biệt là những cuộc tranh bá đồ vương ở cả Á Đông lẫn cựu lục địa, không còn cách nào để “Con đường tơ lụa” duy trì được vai trò và ý nghĩa tồn tại ấy nữa.

Tại Trung Hoa, đặc biệt từ sau sự cáo chung của triều Đường, cảnh binh hỏa kéo dài liên miên từ thời “Ngũ Đại tàn Đường” đến sự trỗi dậy mang tính đàn áp của các bộ tộc du mục ngoài biên ải như Liêu (Khiết Đan), Kim (Nữ Chân) hay Tây Hạ (Đảng Hạng) đã làm sâu sắc thêm sự phân rã cũng như tính cát cứ, chặt đứt những mối dây liên hệ, đẩy hai triều Bắc Tống - Nam Tống của người Hán “vào một góc”.

Trong khi đó, ở phương Tây, tiến trình quật khởi của đế quốc Hồi giáo, những cuộc Thập tự chinh tranh giành Đất Thánh Jerusalem và cả những cuộc tranh đoạt quyền lực ngay trong lòng thế giới Kitô giáo cũng làm ngưng trệ mọi vận động trao đổi thương mại xuyên lục địa.

“Con đường tơ lụa” hoang phế dần theo những biến thiên ấy. Đến thế kỷ XIII – nghĩa là khi người Mông Cổ bắt đầu từng bước xây dựng đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, con đường ấy vẫn còn nguyên, song hầu như không đoàn thương buôn nào còn dám đi theo tiếng gọi của tài lợi mà dấn thân vào. Đón đợi họ không chỉ là sự hỗn loạn và cảnh cướp bóc, mà còn là cả sự thiếu thốn đến tận cùng những hệ thống cung ứng nhu yếu phẩm trên suốt hành trình từ Trung Đông tới Trường An.

ba8af021-6996-4691-aeb9-75610c8e33cd.jpg -0
Thành Cát Tư Hãn – nhà cai trị tàn bạo nhưng cũng rất thông minh.

Nhìn lại bối cảnh đó, bất cứ ai cũng có thể hình dung: Cuộc hành trình lừng danh được ghi lại bởi chính tác giả trong cuốn “Marco Polo du ký”  nổi tiếng đánh dấu một sự thay đổi lớn lao đến như thế nào. Vị thương gia – nhà thám hiểm người Venezia đó, theo lời của chính ông (dù có nhiều chi tiết đã và đang bị giới chuyên môn đặt lại các câu hỏi nghi vấn về tính xác thực), đã bỏ tới 24 năm để theo “Con đường tơ lụa” đi tới Trung Quốc – lúc đó nằm dưới sự cai trị của nhà Nguyên thuộc đế chế Mông Cổ, qua hơn 15.000 dặm đường, để rồi mang trở lại phương Tây những câu chuyện kỳ lạ và những cái nhìn chi tiết đầu tiên về Á châu huyền bí.

Và thực tế, vào thời điểm ấy, trên con đường ấy cũng không chỉ có dấu chân của cha con nhà Polo. Bằng chính sức mạnh áp chế khủng khiếp của mình, Thành Cát Tư Hãn cùng các con cháu đã hồi sinh nó, trả lại cho nó cảm giác an toàn tương đối, đủ để những đoàn thương buôn từ hai phía lại có thể dũng cảm lên đường. Hạt tiêu, gấm vóc và vàng bạc châu báu từ phương Đông có mặt ở phương Tây, trong khi những thành tựu kỹ thuật từ châu Âu cũng bắt đầu có cơ hội hiện diện ở Á Đông.

o-silk-road-map-facebook.jpg -0
“Con đường tơ lụa” hồi sinh lần cuối.

Ưu thế của sự thống nhất

Có một câu nói khuyết danh vẫn thường được giới nghiên cứu dẫn lại, khi nhắc tới “Con đường tơ lụa” thời Pax Mongolica (hay ít được biết đến hơn: Pax Tatarica): “Một cô gái có thể mang một khối vàng đi vô định khắp nơi”.

Đó là bởi, dù được chia thành bốn phần: Triều Nguyên ở Trung Quốc, Hãn quốc Kim Trướng, Hãn quốc Sát Hợp Đài (Chagatai) và Hãn quốc Y Nhi (Ilkhanate), đế chế Mông Cổ vẫn duy trì được một hình thái thống nhất tương đối trên thực tế về nhiều mặt (chỉ khác dòng họ cai trị - là những dòng họ thân tộc anh em) như thời Thành Cát Tư Hãn còn là Đại Hãn duy nhất của người Mông Cổ.

“Đế chế Mông Cổ” nói chung ấy, khi Thành Cát Tư Hãn qua đời năm 1227, đã trải dài từ bán đảo Triều Tiên ở phía Đông đến tận Ba Lan tại châu Âu, từ miền bắc nước Nga đến tận Afghanistan hiện đại, phủ lên một phần lớn lãnh thổ của cả đế quốc Ba Tư lẫn đế quốc Trung Hoa. Mà sau cái chết của ông, các con cháu ông cũng vẫn còn chưa dừng vó ngựa chinh phạt.

Bối cảnh này dẫn đến một thực trạng: Đây là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng, cả “Con đường tơ lụa” dài 4.350 dặm (khoảng 7.000 km) hoàn toàn nằm trong tay một thế lực duy nhất.

Và thế lực đó là không thể ngăn cản, nhất là sau khi các chiến binh Mông Cổ, dưới sự dẫn dắt của Thành Cát Tư Hãn cùng những danh tướng như Triết Biệt, Mộc Hoa Lê, Tốc Bất Đài… hủy diệt Khwarezm, diệt triều Kim, đánh tan 8 vạn liên quân Nga và bắc ván lên đầu các vương công Slave tù binh, tàn phá Baghdad, xóa sổ Tây Hạ… để kiến tạo một đế quốc có diện tích rộng gấp đôi Đế quốc La Mã thời cực thịnh.

marco-polo.jpg -0
Marco Polo - chứng nhân của Pax Mongolica.

Quân Mông Cổ, với sự tàn bạo của mình, đặt ra cho những “chướng ngại vật” hai lựa chọn: Đầu hàng, hoặc bị tàn sát. Merv – một kinh thành hoa lệ của Ba Tư, vì lựa chọn kháng cự nên cả 700.000 dân thường đã bị giết sạch vào năm 1221, do mệnh lệnh của Đà Lôi (con trai Thành Cát Tư Hãn). Tuy vậy, do Mông Cổ không có nhân sự cai trị trực tiếp, nên nếu đầu hàng, các thành bang sẽ được “yên thân”, miễn là cung ứng đủ những gì quân Mông Cổ cần.

Những toán cướp đường không còn đáng đếm xỉa nữa, khi mà đến cả các quân đội hùng mạnh cũng đã dễ dàng bị “thổi bay” bởi kỵ binh Mông Cổ. Không kẻ nào dám thách thức và đủ sức thách thức quyền lực đó, để tranh giành quyền kiểm soát các nguồn lợi có được từ  việc hồi sinh con đường thương mại huyết mạch quan trọng nhất thế giới vào thời điểm đó.

Và cũng bởi những nguồn lợi ấy, các hãn quốc riêng biệt trong lòng đế chế Mông Cổ cũng dễ dàng thỏa thuận được với nhau về cách phân chia địa bàn, để cùng thụ hưởng thành quả. Đương nhiên, điều này bao gồm cả việc bảo đảm an ninh, xây dựng các trạm nghỉ, cung ứng lương thực và nước uống… cùng những biện pháp kích thích thương mại. Nói cách khác, bốn hãn quốc Mông Cổ đã cùng khai thác “Con đường tơ lụa” như tiền đề cho hợp tác quốc tế của các định chế khu vực đa phương trong thế giới hiện đại.

Rất đáng lưu ý, trên hành trình chinh phạt, quân đội của Thành Cát Tư Hãn đã làm chủ những trung tâm thương mại lớn nhất của những sắc dân Thổ Nhĩ Kỳ (Turks) hay người Arab, qua đó khống chế thương mại Đông – Tây, không chỉ trên phương diện quân sự hay hành chính.

Ở một phương diện nào đó, người Mông Cổ vẫn là những nhà cai trị phóng khoáng. Và bởi vậy, cho dù ngắn ngủi, “Con đường tơ lụa” vẫn có một khoảng thời gian thực sự được hồi sinh, như chỉ dấu không thể phủ định của Pax Mongolica. 

* Bên cạnh những cách tân mang tính đột phá vẫn được truyền tụng về mặt quân sự, Thành Cát Tư Hãn còn là một nhà lãnh đạo quốc gia có nhiều quyết sách đáng chú ý về kinh tế - xã hội. Ông chủ trương khuyến khích thương mại, chấp thuận cho tự do tôn giáo một cách phóng khoáng, sẵn sàng miễn giảm thuế cho người nghèo cũng như giới tăng lữ. Ông khuyến khích học chữ, và thúc đẩy kiến tạo một thứ chữ riêng của Mông Cổ, dựa trên văn tự Duy Ngô Nhĩ. Vì vậy, cả Hồi giáo, Phật giáo, Cơ Đốc giáo cũng như các luồng tư tưởng, kiến thức đều có cơ hội phát triển và giao thoa mạnh mẽ trong lãnh thổ đế quốc mênh mông của ông.

* Sự thịnh vượng của “Con đường tơ lụa” trên đất liền chỉ kéo dài được đến cuối thế kỷ XIV. Có hai nguyên nhân chính khiến những đoàn thương buôn không thể tiếp tục hoạt động nhộn nhịp như khi mới hồi sinh trong Pax Mongolica: Thứ nhất là bệnh dịch hạch phát tán khắp châu Âu và Trung Á những năm 1348-1350, làm chết khoảng 60% dân số châu Âu. Và thứ hai, khi nhà Minh lên thay nhà Nguyên nắm quyền ở Trung Quốc, những chính sách thuế quan hà khắc của họ  -  cộng hưởng với sự bành trướng của đế quốc Ottoman cùng sự phát triển của ngành hàng hải – đã khiến những ánh hào quang cuối cùng của “Con đường tơ lụa” trên đất liền chìm vào lãng quên.

Mây Linh
.
.