Nuôi voi đánh trận thời xưa

Thứ Hai, 29/01/2024, 09:05

Voi và ngựa là những loài vật làm nên sức mạnh của quân đội Đại Việt trong lịch sử. Từ thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đã có hình ảnh các vị nữ tướng nước ta cưỡi voi đánh giặc. Nhưng, voi được săn bắt, thuần dưỡng thế nào, huấn luyện chiến đấu ra sao thì sử xưa không ghi rõ.

Ngày nay, lên thăm làng cổ Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội, vẫn được nhân dân chỉ cho rặng cây duối cổ thụ, được cho là nơi Vua Ngô Quyền thời trước buộc voi. Nhưng, chuyện vua sử dụng voi thế nào thì sử sách không ghi rõ. Thời Lý, mới thấy "Đại Việt sử ký toàn thư" ghi chuyện các vua Lý đi xem bắt voi rừng ở Thác Bờ (Hòa Bình ngày nay) hay ở Thanh Hóa hoặc có khi bẫy voi rừng ở ngay cạnh hồ Dâm Đàm (tức Hồ Tây, thời đó xung quanh vẫn là rừng rậm).

voichien2.png -0
Voi chiến trong tranh cổ.

Lúc bắt đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh, Bình Định vương Lê Lợi có trong tay 14 thớt voi. Lực lượng tượng binh phát triển mạnh mẽ trong thời Lê trung hưng, được Christoforo Borri, một nhà truyền giáo người Italy từng đến nước ta, mô tả về quân đội của Đàng Ngoài dưới quyền chúa Trịnh, thế kỷ XVII: "Chúa có thể huy động từ 300 đến 400 tượng binh". Còn Jean Baptiste Tavernier, một thương nhân người Pháp cũng kể lại trong cuốn ký sự về nước ta cuối thế kỷ XVII về đoàn quân của chúa Trịnh kéo vào đánh Đàng Trong rằng: "Đội quân đang chuẩn bị hành quân có 8.000 chiến mã, 722 tượng binh, trong đó 130 con dùng để xung trận và phần còn lại để vận chuyển lương thảo của chúa và các tướng lĩnh...".

Việc chăn thả voi công thời Lê

Còn về việc chăn thả voi chiến của triều đình, qua ghi chép từ chính sử triều Lê ghi lại, cho biết vào năm 1730, đời Vĩnh Khánh Đế (Lê Đế Duy Phường), chúa Trịnh Giang mới sai làm nhà voi, chuồng ngựa ở kinh đô. "Đại Việt sử ký tục biên" viết: "Trước đây voi ngựa thường tùy tiện chọn thả ở gần rừng và bãi bồi để giảm bớt phí tổn chăn dắt và cũng là nới sức quân. Đến nay, chúa lại sai làm chuồng để thuần dưỡng. Các nơi chăn dắt trước đều bỏ đi".

Đến đời Vua Lê Hiển Tông, năm 1776, chúa Trịnh Sâm ban lệnh cấm lính chăn voi không được lấy mía và hoa quả, thực phẩm của dân. "Đại Việt sử ký tục biên" viết: "Chúa nghĩ: Mỗi năm phát tiền cỏ voi, nhiều đến hàng vạn, mỗi con voi 20 người chăn, cũng là phiền phí. Bèn đặt tàu nuôi voi ở huyện Mỹ Lương (Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay). Đặt một cơ tượng cho thuộc vào trấn Sơn Tây. Chọn những con voi tốt, nuôi để luyện tập, còn con nào già yếu thì thả về rừng".

Voi chiến được sử sách mô tả nhiều trong các cuộc chiến giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, nhưng các đoạn sử viết về việc chăn nuôi voi như ở trên rất ít. Chỉ trong bộ hình luật triều Lê là "Quốc triều hình luật" (còn gọi là Luật Hồng Đức) có ghi các quy định này. Điều 583 bộ luật này (tức Điều 31, Chương Tạp luật) quy định: "Quân lính giữ voi trận mà thả voi xông đến nhà hay phá hại cây cối và tre trong vườn người ta, thì xử tội trượng hay biếm; tướng lĩnh đội ấy phải xử phạt. Nếu vì voi lồng lên không kìm nổi, đến nỗi làm bị thương hay chết người thì xử nhẹ hơn tội lầm lỡ; nếu cố ý thả ra thì xử nhẹ hơn tội giết người hay làm bị thương người 2 bậc. Nhà nào thấy voi đến phá phách, phải gọi xóm làng đến xem xét, làm chứng, mà trình báo lên quan chứ không được tự tiện đánh hay đâm voi; nếu trái luật này, để voi bị thương thì bị tội biếm hay đồ và bồi thường tiền 50 quan; để voi chết thì phải tội lưu và phải bồi thường 300 quan".

Nuôi voi đánh trận thời xưa -0
Tranh vẽ voi chiến đánh trận.

Về việc rèn tập voi chiến, Điều 622 (tức Điều 70, Chương Tạp luật) Luật Hồng Đức nêu rõ: Những viên quản đội không rèn tập voi ngựa thì phải phạt 50 roi, biếm 1 tư; chăn nuôi không khéo để voi ngựa chết thì xử tội đồ và phải đền tiền, voi đực thì đền 100 quan, voi cái 50 quan, ngựa 20 quan. Nếu voi ngựa ốm mà đã báo cáo, lại dụng tâm cầu khấn, chữa chạy thì được miễn tội. Nếu cố ý để voi chết thì phải tội chém (tức là khi cưỡi voi đi đường thấy có hầm hố, cầu cống hư hỏng, qua sông ngòi thấy nước chảy xiết, những chỗ không thể đi qua được mà cứ cố ý cưỡi đi qua, hay là buộc voi không cho ăn cỏ, cố ý đâm chết voi hay để cho người khác đâm chết).

Trong các chiến dịch của Vua Quang Trung đánh chiếm Phú Xuân, ra Bắc dẹp chúa Trịnh, hay đánh đuổi quân Thanh mùa xuân năm Kỷ Dậu, cũng sử dụng nhiều voi chiến. Dã sử ghi rằng lúc dấy binh, quân Tây Sơn đã có hàng trăm thớt voi và nữ tướng Bùi Thị Xuân là chỉ huy việc huấn luyện voi chiến. Hai tác giả Quách Tấn và Quách Giao, trong cuốn biên khảo "Nhà Tây Sơn", cho rằng voi của quân Tây Sơn phần được mua từ đồng bào, phần do người Thượng tặng, phần là chiến lợi phẩm, cống phẩm. Bùi Thị Xuân thường dùng dãy gò ở Xuân Hòa (xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, Bình Định) để luyện voi. Đến thế kỷ XX, gò "Tập voi" của bà vẫn còn ở địa phương.

Sách cũng ghi lời bà con địa phương kể rằng, luyện voi do các nữ tượng binh dưới quyền nữ tướng phụ trách. Voi theo cờ hiệu sẽ biết sắp hàng ngay ngắn, tiến lui, rẽ bên Nam, sang bên Bắc, khi chậm khi mau, nhịp nhàng, đều đặn. Đầu tiên, voi được tập từng thớt một, sau đó mới tập từng đoàn. Voi chiến được huấn luyện kỹ càng rồi mới đưa xuống thành Hoàng Đế để đưa ra trận, lúc đó ai điều khiển cũng được.

Voi của Vua Gia Long

Trong khi đó, đối thủ của nhà Tây Sơn là chúa Nguyễn Ánh cũng rất chú trọng xây dựng tượng binh. Sử nhà Nguyễn, bộ "Đại Nam thực lục" cho biết, năm 1792, vào tháng 11, chúa Nguyễn Ánh sai Tả quân khâm sai đốc chiến cai cơ là Vũ Công Bảo và Khâm sai cai cơ là Đoàn Văn Trí đem quân đi bắt voi ở các xứ Đồng Nai, Bà Rịa và Hỗn Thủy để nộp. Đến năm 1796, ông lại sai quản hậu thủy dinh là Bảo hộ Nguyễn Văn  Nhàn đi Nam Vang (Phnom Penh) và Bắc Tầm Bôn (Battambang) để chọn mua voi đực.

Với lượng voi có được, năm 1799, chúa Nguyễn Ánh bổ tướng Nguyễn Đức Xuyên làm tri Tượng chính, quản 4 vệ Hùng võ, Hùng uy, Phấn uy, Hùng dũng và 10 cơ tượng. Lực lượng voi ban đầu của nhà Nguyễn chủ yếu có xuất xứ từ Campuchia. "Đại Nam thực lục" cho biết, năm 1799 "Chân Lạp dâng 39 thớt voi đực, vua sai thành thần Gia Định xuất tiền kho trả đúng giá". Đến năm Gia Long thứ 12 (1813), lại ghi "Nước Chân Lạp dâng 88 thớt voi", Vua Gia Long cũng sai các quan thành Gia Định trả tiền đúng giá. Đặc biệt, vào năm 1816, biết tin Ốc Nha (một chức quan cai quản địa phương, như tri phủ, tri huyện ở nước ta) nước Chân Lạp tên là Siêu khéo bắt voi, Vua Gia Long sai gọi ông này về kinh đô Phú Xuân, đặc biệt trao cho chức cai đội, thưởng tiền bạc, quần áo rồi cho về, sai mỗi năm bắt 30 thớt voi để dâng. Thời Vua Minh Mạng, nhà vua cũng sai định giá mua voi ở nước Chân Lạp, phân theo tầm vóc của voi: Voi cao 4 thước trở lên giá 40 lạng bạc, 5 thước trở lên 50 lạng, 6 thước trở lên 60 lạng.

Việc tập tượng trận thời Vua Gia Long được sử triều Nguyễn ghi lại: Sai Nguyễn Đức Xuyên chia voi trận và quản mục làm 3 hạng: Voi trận chiến đấu khỏe là hạng nhất, kém là hạng nhì, kém nữa là hạng ba. Quản mục dũng cảm, giỏi cưỡi thì cưỡi voi hạng nhất, người kém thì cưỡi voi hạng nhì, kém nữa thì cưỡi voi hạng ba. Vua Gia Long từng dụ bảo tướng Nguyễn Văn Thành rằng: "Người đại tướng chỉ huy ba quân, còn phá trận xung phong là chức trách của các tướng lẻ. Từ nay về sau, phàm ra trận thì nên chọn voi chiến cao lớn mà cưỡi để được ngồi cao trông xuống mà phát lệnh chỉ huy. Những voi chiến đấu giỏi thì chia cho thuộc tướng để họ mạnh dạn xông lên, giật cờ chém giặc. Như thế thì vật theo người mà đắc lực, người nhờ vật mà thành công, kỳ thắng trận có thể ngồi mà định được".

Là chỉ huy lực lượng tượng binh, Nguyễn Đức Xuyên rất quan tâm đến việc huấn luyện voi chiến. Năm Gia Long thứ 18 (1819), ông tâu lên vua rằng: "Trong nước tuy yên, không nên bỏ quên việc đánh, xin sai các thành doanh trấn, hằng năm cứ tháng Giêng, tháng 7 duyệt voi, mỗi lần đều 3 ngày". Nhà vua y cho.

Tượng binh đầu triều Nguyễn

Về việc tuyển chọn binh sĩ vào tượng binh thời Nguyễn ưu tiên tuyển "lính mộ ngạch cũ" tức những người từng có kinh nghiệm với voi chiến. Nguyễn Đức Xuyên còn xin vua cho con các binh lính cưỡi voi mà tuổi đã lớn thì vẫn sung ngạch cưỡi voi và được nhà vua đồng ý. Sang đời Vua Minh Mạng, nhà vua ra sắc rằng phàm tiểu mục ở tượng quân phải là con biền binh cưỡi voi vốn theo nghề ấy mới được sung bổ; nếu cho người ngoài lộn vào thì quản quan bị phạt.

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), biên chế số quân ngạch tượng binh cho 3 vệ Thị tượng ở kinh đô được xác định: Voi ngự 1 con thì bổ 20 người lính, ngoài ra thì voi đực 10 người, voi cái 5 người.

Vua Minh Mạng thường xuyên sai diễn tập trận tượng trong kinh thành và các địa phương. Ngay năm Minh Mạng thứ nhất, nhà vua đã sai diễn tập trận voi, có lần vua còn sai diễn tập ngay trước sân điện Cần Chánh. Các năm sau, nhiều lần vua sai diễn trận voi ở trước Phu Văn Lâu, vua ngự giá ra xem. Năm Minh Mạng thứ hai (1821) nhà vua ra Thăng Long nhận lễ thụ phong của nhà Thanh, nhân đó, vua đến phường Nghi Tàm xem diễn trận voi.

Đặc biệt, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), khi diễn trận voi ở phía trước kinh thành, nhà vua ra sông Hương để xem. Lần đó, viên Thị lang Vũ Khố là Hồ Hữu Thẩm sai tượng dịch (thợ phục dịch ở trại voi) buộc hổ để thử voi, nhưng buộc lỏng, hổ sổng ra, chạy gần đến thuyền vua, quân ở thuyền đón đánh hổ chết ngay. Vua mắng rằng: "Chính là câu: Để hổ hủy sổng cũi là lỗi của ai?", sau đó xuống dụ nghiêm trách Thẩm, phạt ông này tội cách lưu (cách chức nhưng vẫn lưu lại làm việc để chuộc tội).

Lê Tiên Long
.
.