Nụ cười chạm tới hạnh phúc

Thứ Sáu, 06/08/2021, 11:00

Cười cũng có thể được coi là nhu cầu cơ bản của con người, bên cạnh hít thở, ăn uống, hay nghỉ ngơi. Có một câu ngạn ngữ cổ, đại ý thế này: "Hài kịch chứa đựng tiếng cười sảng khoái, nhưng nguồn gốc của nụ cười ấy lại đến từ bi kịch. Chỉ có thời gian mới xoa dịu tất cả, biến khó khăn thành niềm tin với những khuôn mặt rạng ngời". Chúng ta cần tiếng cười, ngay cả khi phải đối mặt với điều tồi tệ nhất, để lấy lại sự tự tin vốn có trước bất cứ biến cố nào.

Cười trước khó khăn

Cũng giống như bao người, nhà báo Lucy Rayfield phải trải qua những tháng ngày tồi tệ vì COVID-19. Đại dịch khiến thế giới chao đảo, rơi vào cảnh giãn cách và cách li dài ngày nhằm đối phó với sự lây lan của các biến chủng nguy hiểm. Chúng ta ai nấy đều căng thẳng, khó thoát khỏi suy nghĩ luẩn quẩn trước tin tức về COVID-19. Lucy Rayfield không muốn tâm trạng rơi xuống vực thẳm, và quyết định thay đổi sự nhàm chán khi phải làm việc tại nhà bằng những nghiên cứu về... tiếng cười.

Thời còn là cô sinh viên ít nói, Lucy Rayfield luôn tự hỏi điều gì đã tạo nên thứ âm thanh đầy năng lượng, xua tan bầu không khí ảm đạm và lan truyền rất nhanh trong đám đông tới vậy. Lucy Rayfield là fan ruột của hài độc thoại khi được nghe tiếng cười trực tiếp, luôn chú ý tới các show hài kịch lớn với thứ âm thanh gây cười mà cô gắn mác "giả trân", và nghiện sưu tầm những hình chế thú vị về mọi chủ đề, từ xã hội chính trị cho tới y tế, thậm chí cả về đại dịch COVID-19.

Trong một xã hội hiện đại, áp lực "dội bom" cuộc sống hối hả, khiến chúng ta cần thêm nhiều khoảnh khắc được thư giãn. Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, thậm chí có thể hơn, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức liên tục xuất hiện. "Cười trước khó khăn" là chương đầu tiên trong công trình của Lucy Rayfield, hé mở lịch sử thú vị của một hành vi tưởng như rất đỗi đơn giản ở loài người. 

Thời Rome cổ đại, võ sĩ giác đấu luôn để lại những hình vẽ graffiti hài hước trên tường khi biết mình sắp tử trận. Cho tới người Hy Lạp xưa, họ luôn tìm cách vui đùa và "chế nhạo" bệnh tật để không bi quan vào số phận. Cũng giống như cách nhà văn người Ý Giovanni Boccaccio viết kiệt tác Decameron (Mười ngày) bằng lối văn châm biếm dí dỏm như cách để giúp độc giả thời bấy giờ thoát khỏi nỗi ám ảnh "cái chết đen" (bệnh dịch hạch) năm 1348.

Giới giáo sĩ từ những năm 1400 thừa nhận mỗi người như một hòm thuốc súng - nếu không biết cười để giữ linh hồn và đạt tới sự thanh thản thì lâu ngày sẽ... phát nổ. Điều này được khẳng định khi Sigmund Freud giới thiệu Thuyết Relief (Nhẹ nhõm) cách đây hơn 100 năm. Theo đó, tiếng cười, cùng với sự hài hước, là một hình thức giảm nhẹ những căng thẳng hay đau đớn về thần kinh. Những câu chuyện gây cười dễ thấy ở những người lạc quan, khi mà họ luôn nói bóng gió về những khó khăn của bản thân.

Tất nhiên, vẫn có những quy tắc vô cùng khắc nghiệt với nụ cười. Năm 335 trước công nguyên, nhà triết học vĩ đại Aristotle khuyên răn môn đồ và người dân nên cười "đúng lúc, đúng chỗ". Còn Quintilian, người gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong các trường học mà người La Mã trải rộng khắp đế quốc, đã định nghĩa rõ ràng hai khái niệm "cười" và "chế nhạo", cho thế giới nhận ra ranh giới mong manh của hai hành vi này. Bản thân Lucy Rayfield đồng ý với những quan điểm này, tin rằng nếu chúng ta biết rõ thời điểm và lý do để cười, thì mọi khổ đau sẽ dần được xóa mờ, từ đó chạm tới hạnh phúc cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nụ cười chạm tới hạnh phúc -0
Nụ cười có tính lan truyền mạnh mẽ, kết nối con người ở bất cứ nơi đâu.  

Tiếng cười... đóng hộp

Trở lại một sân khấu hài kịch độc thoại quen thuộc, Lucy Rayfield nhận ra đại dịch COVID-19 đã để lại một khoảng không gian im ắng đến rợn người. Tuy nhiên, những show trên Netflix hay truyền hình mà cô thường xem vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Điều này khiến cô nghĩ tới kỹ sư âm thanh người Mỹ Charley Douglass ở thời điểm cuối những năm 1950. Douglass biết rằng khán giả thường cười sai thời điểm, thậm chí yên lặng bất chợt, khiến một show truyền hình có thể gặp "lỗi" âm thanh. Thế nên, ông đã tạo ra tiếng cười sitcom bất hủ, cùng chiếc hộp Laff Box để thêm các kết cấu "âm thanh gây cười" cho các chương trình hài.

Charley Douglass mang nụ cười đến cho những show tẻ nhạt bằng cách thu sẵn, hiệu chỉnh và "thả" đúng thời điểm để người xem nghe thấy âm thanh hài hước. Laff Box nổi như cồn vào những năm 1960, khi các hãng phim mời ông tham gia để "làm mượt" các chương trình của họ bằng những bản nhạc cười sảng khoái. Laff Box là chiếc hộp được che giấu kỹ lưỡng nhất thế giới. Douglass đã dành nhiều năm để sàng lọc tiếng cười của khán giả trực tiếp được ghi lại, tách thành 320 tiếng khác nhau, từ âm thanh khúc khích của trẻ con đến tiếng cười lớn vang dội.

Trong những lúc khó khăn, khi loài người thiếu đi nụ cười, Lucy Rayfield cho rằng ý tưởng "tiếng cười đóng hộp" thực sự cần thiết. Ở hiện tại, khi mà Laff Box đã rời xa thời hoàng kim của nó, Lucy Rayfield vẫn nghĩ rằng sẽ có cách để chiếc hộp quay trở lại. Chương thứ hai bài nghiên cứu của Lucy Rayfield hé lộ hình mẫu Laff Box của thời đại 4.0. Nếu Laff Box của Charley Douglass thêm gia vị cho những bộ phim còn... nhạt, thì bản thân mỗi cá thể giờ đây giống như một Laff Box "sống", truyền động lực và hi vọng cho người bên cạnh khi cơn bão COVID-19 vẫn chưa tan.

Nguyên liệu ban đầu chính là nỗi bất an, đi kèm với những điều kì lạ xung quanh chúng ta - chất xúc tác ở trong môi trường sống gây ra phản ứng ngạc nhiên trên não bộ trước khi nó ra "tín hiệu cười" đến khuôn miệng. Nghe có vẻ kì quặc, nhưng nhà báo Gil Greengross khẳng định nỗi sợ, đi kèm với sự cảnh giác, lại trở thành động lực để óc hài hước phát triển. Tiếng cười giải phóng nguồn năng lượng lớn, phá bỏ rào cản cảm xúc và sinh lý học, khiến chúng ta vơi bớt nỗi lo để tiếp tục chiến đấu với thử thách. Giới khoa học đều ủng hộ tư duy rằng tiếng cười là một chiến thuật tự nhiên của não bộ, càng đối diện nghịch cảnh thì càng cần những âm thanh vui tươi và sảng khoái để nhanh chóng vực dậy tinh thần.

Nụ cười chạm tới hạnh phúc -0
  Mỗi người giờ đây giống như một Laff Box "sống", truyền động lực và hy vọng cho người xung quanh khi cơn bão COVID-19 vẫn chưa tan.

Vòng tròn kết nối

"Giữa đại dịch này, chúng ta vui cười, thậm chí chế ra vô số hình biếm hoạ Covid, liệu có ổn không?", câu hỏi của Gil Greengross thu hút hàng trăm nghìn lượt bình luận trái chiều. Rõ ràng, chúng ta tìm kiếm sự giải tỏa trong khủng hoảng bởi lẽ chúng ta không muốn phải trải qua hai thái cực sợ hãi - thích thú cùng một lúc. Gil Greengross, và những ai tò mò, hoàn toàn có thể tìm thấy câu trả từ nghiên cứu của bác sĩ thần kinh Sigmund Freud, với quan điểm rằng mọi cảm xúc sau cùng đều hướng đến sự hạnh phúc và niềm vui lan tỏa, chứ không phải là nỗi sợ kéo dài triền miên. 

Cười cũng giống tập thể dục. Cười khoảng 100 lần đốt cháy lượng calories tương đương 15 phút đạp xe, giúp giãn cơ và tăng cường tuần hoàn máu. Thế giới chứng kiến sự kết hợp độc đáo giữa luyện tập và cười - như các lớp yoga cười chẳng hạn, được coi như bài thuốc hữu hiệu cho bệnh nhân mắc chứng trầm cảm. Trên thực tế, tiếng cười giảm bớt hàm lượng hormone gây căng thẳng, đồng thời gia tăng endorphin - hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể. Trong những giai đoạn khó khăn, khi chúng ta bị bủa vây bởi hàng nghìn suy nghĩ mỗi ngày, tiếng cười mở ra không gian thư giãn tuyệt vời cho não bộ, để lấy lại năng lượng tích cực.

Các triết gia vĩ đại như Plato và Aristotle từng đề cập đến Thuyết Superiority (Ưu việt). Theo đó, hài hước xuất hiện khi chúng ta có xu hướng cười bởi những tình huống bản thân may mắn hơn người khác, như lúc ta thấy một người ngã trượt vỏ chuối chẳng hạn. Giới hài kịch trêu đùa, gọi đây là kỹ thuật "tìm tiếng cười" trong nghịch cảnh, ám chỉ mọi khó khăn đều luôn có "điểm yếu" chính là niềm vui để chúng ta bám vào mà tiếp tục cuộc sống. Khi ấy, nụ cười sẽ có tính lan truyền mạnh hơn cả hành động ngáp ngủ.

Ẩn sâu trong nguồn gốc nhân loại, cười phản ánh tính chất cộng đồng. Tổ tiên loài người thậm chí cười theo nhóm trước khi nói được. Tiếng cười, của em bé ngây thơ, hay của một người đàn ông lớn tuổi, chính là cách để họ biểu đạt sức mạnh, giãi bày tâm tư với nỗi sợ mà họ che giấu vì nhiều lý do. Lucy Rayfield kết lại chương thứ ba "Vòng tròn kết nối" bằng kết luận của những học giả thế kỷ trước, lạc quan tin tưởng tiếng cười sẽ kết nối con người ở bất cứ nơi đâu mà không cần chạm vào nhau, để dần xóa bỏ cảm giác cô đơn khi chúng ta phải giãn cách xã hội.

Tất nhiên, Lucy Rayfield nhấn mạnh không phải tình huống nào cũng có thể gây cười. Thế nên, như Aristotle từng khuyên răn, cười cần phải đúng thời điểm, như cách chiếc hộp Laff Box đã làm cho những bộ phim thời trước. Ở một chừng mực nào đó, chúng ta không thể thay đổi thực tế, nhưng hoàn toàn có thể tìm cách thay đổi cách chúng ta nghĩ về thực tế theo hướng lạc quan nhất. Tiếng cười khi ấy sẽ trở thành thứ vũ khí mạnh mẽ giúp chúng ta vươn lên, tìm thấy sự cân bằng và kết nối với thế giới xung quanh, để biết cách ứng phó với những biến động không ngừng của thời cuộc...

Lê Nam
.
.