Nỗi trăn trở của bậc quân vương

Thứ Năm, 03/02/2022, 10:31

Trách phận của người làm vua không phải là chăm lo cho dòng tộc mình, mà là chăm lo cho nhân dân cả nước. “Trăm họ đã đủ, trẫm lo gì không đủ”, Vua Lý Thái Tông từng bày tỏ như vậy.

Cho nên, với chức trách của bậc “chăn dân”, đa số các vị vua Việt đều trăn trở với nỗi lo làm sao để đất nước giàu mạnh, nhân dân sinh sống yên vui.

Đó cũng chính là lý do mà Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Theo “Chiếu dời đô”, vì nhà vua thấy “Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Trách nhiệm của người làm vua được Lý Thái Tông khẳng định, khi trả lời các bề tôi về việc xin đổi tôn hiệu vì mới đánh thắng giặc: "Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chim muông đến múa, phượng hoàng lại chầu, bốn đi theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến như thế!

Nỗi trăn trở của bậc quân vương -0
Tượng Lý Thái Tổ. Ảnh: S.t

Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn. Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên, Chiêm Thành quy phụ, động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng? Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh cáo chăng? Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi". Tuy nhiên, do bầy tôi cố nài vua mới chịu nhận tăng thêm tôn hiệu, điều này khiến sử quan chê trách.

Năm 1044, nhà vua xuất quân đi đánh dẹp nhưng đến vụ đông lại được mùa nên đã xuống chiếu rằng: "Đánh dẹp phương xa, tổn hại việc nông, ngờ đâu mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đã đủ thì trẫm lo gì không đủ? Vậy xá cho thiên hạ một nửa tiền thuế năm nay, để úy lại sự khó nhọc lặn lội".

Ngoài lo cho dân cái ăn, cái mặc, bậc quân vương còn trăn trở đến những nỗi khổ của muôn dân. Đó là lý do Lý Thái Tông cho đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên. Không chỉ nghĩ đến dân thường, bậc minh quân còn nghĩ đến những người còn chịu cảnh chìm đắm trong ngục tối.

Đó là việc ngay sau năm lên ngôi, tháng 10 năm Long Thụy Thái Bình năm thứ 2 (1055), vào mùa đông, gặp dịp đại hàn, Vua Lý Thánh Tông đã bảo các quan tả hữu rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và cấp cơm ăn ngày hai bữa.

Đến năm 1064, khi xử kiện, Vua Lý Thánh Tông chỉ vào công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, bảo ngục lại rằng: "Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm".

Nỗi trăn trở và lòng nhân ái của nhà vua khiến sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong...”.

Các vua Lý đều luôn quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp, bảo vệ sức kéo nên liên tiếp có lệnh cấm giết trộm trâu bò. Thương yêu nhân dân, Vua Lý Anh Tông từng xuống chiếu cho các quan quản giáp và chủ đô, khi sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội. Về cái đức của người trị dân, Vua Trần Minh Tông cho rằng khó có thể dạy cho các con được nên nhà vua từng nói với các hoàng tử rằng: "Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?". Ngài từng nói: "Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi". Là Thượng hoàng, Vua Trần Nhân Tông không chỉ trăn trở chuyện vua con (Trần Anh Tông) có ham chơi, rượu chè hay không, mà lo lắng chi tiết đến việc bổ nhiệm quá nhiều quan lại. Thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Thượng hoàng đã phải trách mắng rằng “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”.

Đức của đế vương là mong muốn cho dân chúng được bình đẳng. Thế nên Vua Lê Thái Tổ từng bảo các bề tôi rằng: “Như người đi đánh giặc thì nghèo, kẻ rong chơi thì giàu. Người đi chiến đấu thì không có một thước, một tấc đất mà còn ở những kẻ du thủ du thực, không có ích gì cho nước lại có quá thừa ruộng đất hoặc đi làm nghề trộm cướp. Thành ra không có ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩa phú quý mà thôi. Nay ra lệnh chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan lại, quân nhân và dân chúng, trong từ đại thần trở xuống, dưới đến người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên”.

Năm Thuận Thiên thứ 2, Lê Thái Tổ ra lệnh chỉ cho các đại thần, Tổng quản, Hành khiển trở xuống rằng: "Người xưa có câu: Vua không chọn tướng thì khác gì dâng nước mình cho giặc. Trẫm luôn suy nghĩ điều đó, ngày đêm không quên, nên đem việc quân, việc nước quan trọng trao cho các ông. Thế mà các ông cứ điềm nhiên ngồi nhìn, không để ý tới, nên phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới chẳng đoái thương tới quân dân, sao lại trễ biếng chức sự quá thế? Nay ra chiếu này để răn bảo, nếu không biết sửa lỗi đổi mới, vẫn lại như thế nữa thì nhà nước còn luật pháp đó, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ có công đấy!".

Bậc quân vương cũng luôn trăn trở vì chuyện tìm người tài để giúp nước. Do đó, Vua Lê Thái Tổ đã dụ bảo các quan “Nay trẫm gánh vác trách nhiệm nặng nề, sớm khuya kính cẩn lo sợ, như đứng bờ vực thẳm, chỉ vì chưa tìm kiếm được người hiền tài giúp đỡ trị nước” và lệnh hậu thưởng cho người tiến cử hiền tài ở mức cao nhất. Trăn trở với việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, Vua Lê Thánh Tông từng dụ bảo bầy tôi: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của Vua Thái Tổ để lại mà làm mồi cho giặc thì kẻ đó sẽ bị trừng trị nặng”.

Vua Lê Thánh Tông cũng dụ quan lại phủ, châu, huyện, các xứ thừa tuyên trong cả nước rằng: "Đặt luật để trừ kẻ gian, sao dung được bọn coi thường pháp luật; đặt quan để dẹp mối kiện, lại gây ra cái tệ bán quan mua tước. Nếu không cấm triệt cho nghiêm thì sao chấm dứt được nạn tranh đoạt rắc rối”. Cho nên, để cho dân được yên ổn, nhà vua lệnh khảo xét, các quan viên nào lười biếng, bỉ ổi, đê tiện, yếu hèn, nếu là con cháu công thần thì bãi chức bắt về làm dân; nếu là con cháu thường dân thì bãi chức sung quân.

Những lời nói của Vua Lê Thánh Tông trong thời “Hồng Đức thịnh trị” chính là tiêu biểu cho những trăn trở của đấng minh quân với đất nước: "Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc cần kíp của chính sự, là chức trách của các quan nuôi giữ dân. Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ tất cả những phép dạy dân nên phong tục tốt, những việc dấy lợi trừ hại cho dân, không điều gì không nói rõ trong các huấn dụ để các ngươi theo thế làm. Thế mà của cải của dân vẫn chưa được dồi dào, phong tục dân vẫn chưa được sửa tốt, há chẳng phải do bọn các ngươi chỉ lấy sổ sách làm việc gấp mà coi giáo lệnh chỉ là mớ hư văn, xem ước hẹn hội họp là cần trước tiên mà để phong tục của nhân dân ra ngoài suy nghĩ, cho nên đến nỗi như thế? Kể từ nay, bọn các ngươi hãy bỏ hết tệ trước, tất cả sắc lệnh của triều đình, phải một lòng một dạ thi hành”.

Sau khi định hướng, Vua Lê Thánh Tông chỉ dạy cụ thể các biện pháp làm cho dân no đủ: “Dân chúng bị đói rét thì phải trăm phương nghĩ cách xoay xở. Quan phủ, huyện, châu hằng năm phải định kỳ xem xét chỗ ruộng cao, ruộng thấp, khuyên dạy việc nông tang. Đất nào còn bỏ không thì tìm cách mà khai khẩn, người nào còn sức lực thì tùy việc cho trông nom, để cho dân có của thừa và không còn nạn đói rét lưu vong nữa. Hoặc là trong dịp tuần hành hằng năm, đến chỗ dân cư thôn xóm nào, đều phải lần lượt nên rõ nội dung của các sắc dụ đời trước, lời dạy về lễ nhạc xưa nay, ân cần bảo ban, để dân theo điều lành, sửa tội lỗi. Nếu có việc gì hại giáo hóa, xấu phong tục phải để ý răn trị. Người nào trung tín, hiếu, đễ, phải chú ý khen thưởng. Như vậy thì dân đều trở nên trung hậu mà thói điêu bạc gian dối đều được trừ bỏ. Người nào biết tuân theo và thi hành có hiệu quả thì hai ty khai tâu lên để khen thưởng. Nếu viên nào coi thường chức sự thì bãi chức bắt sung quân làm lính".

Lê Tiên Long
.
.