Những “khúc xạ” xung quanh thuyền cổ ở Bắc Ninh

Chủ Nhật, 13/04/2025, 08:41

Cho đến nay, niên đại hai thuyền cổ mới phát hiện tại thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh) vẫn chưa được xác định trên cơ sở khoa học, và cũng chính vì thế nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ đã đưa ra những đoán định khá khác nhau, thậm chí có độ “vênh” về công năng, tên gọi cho đến nguồn gốc xuất xứ…, làm nên những “khúc xạ” đầy vẻ bí ẩn.

Điều này càng khiến hai thuyền cổ này ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, đòi hỏi giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ cần dày công tìm hiểu và có những bước đi thận trọng trong việc nhìn nhận, đánh giá, tránh hiện tượng “bốc đồng” …

1. Giới chuyên môn bước đầu đồng thuận đánh giá, hai thuyền cổ được tìm thấy tại trung tâm lỵ sở Luy Lâu xưa, lại nằm sát (bên hay trên) sông Dâu cổ là một phát hiện khảo cổ rất quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, mở ra nhiều vấn đề nghiên cứu trong tương lai. Kiểu dáng, loại hình cũng rất độc đáo với kích thước lớn, vượt trội so với những thuyền cổ được phát hiện trước đây, đem lại nhiều sự bất ngờ, có một chưa có hai ở Việt Nam.

Bước đầu có thể nhận định, đây là loại hình thuyền hai đáy, phần đáy được làm từ hai thân cây gỗ lớn khoét rỗng (độc mộc), phía trên ghép ván tạo thành vách cao, lòng thuyên sâu, thân ngang rộng. Ở đầu hai mũi thuyền có thanh gỗ giằng giữ cố định. Với nhận diện sơ bộ này, nhiều nhà nghiên cứu trong đó có PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện Khảo cổ học) cho rằng, đây có thể là thuyền “song thân” hay thuyền “hai đáy”, thuyền “hai lòng”.

Những “khúc xạ” xung quanh thuyền cổ ở Bắc Ninh -0
Hiện trường khai quật hai chiếc thuyền cổ.

Qua khảo cứu của chúng tôi, trong Việt sử lược có chép, vào năm 1106 vua sai “đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy”. “Đại Việt sử ký Toàn thư” cũng ghi rõ, vào năm 1124, “tháng giêng nhuận, đóng thuyền Tường Quang kiểu hai lòng”. Hai thuyền cổ vừa mới được phát hiện ở Thuận Thành có phải là thuyền “hai đáy” hay “hai lòng” như chính sử ghi chép hay không lại là một vấn đề khác, cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng ít nhất cũng đã cung cấp những thông tin tham khảo hết sức thú vị.

Cũng liên quan đến việc đoán định niên đại, nhiều ý kiến bước đầu ngả theo hướng, rằng hai thuyền cổ này không thể có trước thế kỷ X và cũng không thể xuất hiện sau thế kỷ XV. Một trong những căn cứ để đưa ra giả thuyết trên là toàn thân hai thuyền cổ này không có đinh kim loại mà chỉ lắp ghép ván tạo thành vách bằng các mộng gỗ; kiểu thuyền hai thân hay còn gọi thuyền “song thân” đã được sử sách ghi chép, định rõ niên đại.

Gần đây cũng có một nhận định mới khi cho rằng khi xưa nhà Lý đã cho mở xưởng đóng thuyền hải quân ở vùng Mãn Xá (tức thị xã Thuận Thành hiện nay)? Hai thuyền cổ mới phát hiện có khả năng thuyền nằm trong xưởng đóng tàu chiến hoặc thuyền của giới quý tộc, vì chưa đóng xong nên đành bỏ lại hoặc một vì một lý do nào đó. Ý kiến này cũng nhận định thêm, “khác với thuyền độc mộc Đông Sơn của người Việt, dù cách vào mộng, dựng khung giống nhau, thì thuyền hai lòng (hai thân) của thủy xưởng nhà Lý không chỉ khác về kỹ thuật dựng vách thuyền (vách cao hơn, lòng thuyền sâu và rộng ngang hơn) mà còn ở kết cấu dựng lên được một cánh buồm lớn có thể điều khiển được. Ngoài ra, kỹ thuật hải hành (mà các vua Lý hành quân xuống biển Chàm, hay Lý Thường Kiệt hành quân lên biển Quảng Đông) là kỹ thuật khác hẳn với đi trong hệ thống sông Hồng, sông Mã và sông Thái Bình, hay chỉ đi ven các cửa biển…”. 

2. Ở chiều ngược lại, TS Nguyễn Việt, một chuyên gia khảo cổ và nghiên cứu sâu về thuyền Đông Sơn lại cho rằng, với kiểu dáng, cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng thuyền vừa mới được phát hiện, có khả năng niên đại của nó còn sớm hơn, ít nhất cách nay hơn 2.000 năm. Lập luận này được ông căn cứ vào quá trình nghiên cứu hàng chục thuyền cổ Đông Sơn và đã công bố trên một số tạp chí khoa học quốc tế. 

Theo lý giải của ông, thuyền độc mộc chỉ thích hợp với sông tuyến dọc vì khi gặp sóng ngang, thuyền rất dễ bị lật. Để khắc phục hạn chế này người cổ đại đã phát minh bằng cách gắn thêm phao hai bên, hoặc kết nối hai thuyền với nhau để tạo kết cấu ổn định. Bằng chứng là, thanh nối chắc chắn ở đầu hai thuyền cổ ở Thuận Thành là điểm mấu chốt khiến TS Nguyễn Việt nhận ra, “đây là một hệ phao nổi nghi lễ, chứ không phải phương tiện vận tải thông thường. Để nguyên xi mà thả xuống nước thì hai thuyền cổ ấy sẽ không di chuyển được bởi nó không có hệ thống điều hướng tức không lỗ cắm cọc chèo, không có vị trí đặt cột buồm. Ban đầu, tôi cũng đoán niên đại hai thuyền cổ mới phát hiện ở Thuận Thành thuộc thời Lý – Trần, nhưng sau khi khảo sát trực tiếp, phát hiện hệ thống mộng, kỹ thuật ghép thuyền độc mộc và ván, tôi phải thừa nhận mình sai và sửa sai ngay”.

Ngoài ra TS Nguyễn Việt còn căn cứ mảnh gốm phát hiện trong khoang thuyền cổ ở Thuận Thành, mà theo ông đây là một trong những cứ quan trọng để góp phần xác định niên đại hiện vật. Cũng theo TS Việt, đó chính là mảnh gốm tương đồng với gốm phát hiện tại di chỉ Làng Cả, xuất hiện khoảng thế kỷ 2 - 3 trước Công nguyên, thuộc về vùng Phong Châu – Văn Lang, cái nôi của nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. “Kỹ thuật thuyền độc mộc ghép ván này chỉ xuất hiện trong khoảng 2.400 – 1.800 năm trước. Trước đó chưa hề nhận thấy và sau đó cũng không còn,” TS Nguyễn Việt nhận định.

Trong ý kiến nhận định của TS Nguyễn Việt có một vấn đề rất đáng lưu tâm, đó là trong quá trình khai quật, nhóm các nhà khảo cổ còn phát hiện những mảnh gốm nhỏ bên cạnh các loại hạt thảo quả được tìm thấy khi sàng kỹ bùn, đất. Nghĩa là đã có phát hiện hiện vật chứ không tìm thấy bất cứ hiện vật gốm, sứ, kim loại nào ở trong khoang thuyền cổ như thông tin trước đó đưa ra. Tuy nhiên, nhiều kiến giải khác lại cho rằng, việc xuất hiện những mảnh gốm trong khoang thuyền cổ ở Thuận Thành cần phải được nghiên cứu sâu hơn và có sự đối sánh kỹ hơn với gốm ở di chỉ khảo cổ Làng Cả. Hơn nữa ba mảnh gốm này chưa thể tạo thành một hiện vật hoàn chỉnh nào đó, và nó có thể nằm sâu ở đáy thuyền qua quá trình trôi dạt, bồi lắng. Nói cách khác, những mảnh gốm ấy có thể từ nơi nào đó rồi qua thời gian bồi tụ mà nằm sâu ở trong khoang thuyền. Vì thế chưa thể khẳng định niên đại thuyền cổ ở Thuận Thành qua các mảnh gốm này?   

3. Cho đến thời điểm này, giới chuyên môn vẫn chưa có đủ tư liệu để khẳng định hai thuyền cổ ở Thuận Thành là loại hình thuyến chiến, thuyền thương mại hay thuyền của giới thương lưu…, duy chỉ mới có ý kiến của TS Nguyễn Việt thiên hướng về thuyền lễ nghi.

Tại hội thảo khoa học “Các loại hình thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam” do Nhóm nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức cuối năm 2023, GS.TS Nguyễn Văn Kim, Trưởng nhóm Nghiên cứu Biển và Thương mại châu Á, cho biết thuyền đã được sử dụng với nhiều mục tiêu khác nhau, trong nhiều không gian tự nhiên, xã hội khác biệt. Người Việt đã tạo ra những phát minh quan trọng về thuyền từ kỹ thuật bánh lái, tài năng trong việc điều khiển cây xiếm và cơ chế sử dụng, điều khiển các cánh buồm đã đưa nhiều tộc người đến với các không gian biển xa để tiến hành các hoạt động bang giao, giao lưu kinh tế, trao truyền tri thức, kỹ thuật và văn hóa.

Theo GS Nguyễn Văn Kim, thuyền và các loại hình thuyền được phân lập thành thuyền đi trong sông, hồ (thuyền nước ngọt), thuyền đi trên biển (thuyền nước mặn) và thuyền pha sông biển (thuyền nước lợ, thích ứng với cả hai hệ sinh thái). Cũng có thể phân lập thành thuyền nhỏ, thuyền trung và thuyền lớn, tùy theo quan niệm, quy cách của mỗi quốc gia, triều đại. Lại cũng có thể phân định thành thuyền công, thuyền tư. Và cũng có thuyền giao thông, vận tải chuyên phục vụ cho các chuyến đò dọc, đò ngang, đi lại trên biển; thuyền chiến, thuyền bảo vệ chủ quyền biển đảo, thuyền ngoại giao (sứ thuyền) v.v...

Trên phương diện văn hóa, cũng có những con thuyền thiêng, thuyền chuyên sử dụng trong các nghi lễ, thuyền của hoàng gia và thuyền của giới trung lưu, bình dân, thuyền đua, thuyền giao duyên trong các dịp lễ hội. Trong thế giới tâm linh của các xã hội sông, biển, có những con thuyền thực và cũng có nhiều con thuyền ảo. Các con thuyền mang tính biểu tượng của thế giới thần linh (nhà mồ, nhà hình thuyền trên dải Cao Nguyên) trong ký ức xa xưa của nhiều cộng đồng về nguồn cội gắn với thế giới nước, đi lên từ nước. Các con thuyền cũng giúp người ta giao tiếp với thế giới của các vị thủy thần và cả những con thuyền luân chở linh hồn con người từ bến mê đến bến giác và xa hơn đến miền Cực lạc…

Nhưng tại cuộc hội thảo này, kiểu dáng, loại hình thuyền cổ phát hiện ở Thuận Thành lại chưa hề xuất hiện trong các tham luận cũng như ý kiến trao đổi. Vì lần đầu tiên được tìm thấy nên tại diễn đàn khoa học “Các loại hình thuyền và phương thức sử dụng thuyền trong lịch sử Việt Nam” chưa thể xếp nó vào loại hình thuyền gì chăng? Vậy đây là loại hình thuyền đi trong sông, thuyền đi trên biển hay thuyền pha sông biển? Đây là loại thuyền chuyên sử dụng trong những nghi lễ, thuyền của hoàng gia, thuyền của giới trung lưu hay của bình dân? Niên đại hai thuyền cổ ở Thuận Thành thuộc thời nào, công năng của nó là gì, vì sao lại nằm ở đấy (do bị bỏ lại hay do đóng chưa xong hay vì một nguyên nhân nào khác)… là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, thảo luận.

Một vấn đề quan trọng không kém tại thời điểm hiện nay là giải pháp bảo quản, bảo tồn hiện vật thuyền cổ. Nếu không có giải pháp đúng, khoa học sẽ khiến cho thuyền cổ bị biến dạng, không có cơ hội để cứu chữa. Trong những trường hợp như vậy, sau khi tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ hiện trường khai quật; tiến hành quét 3D, xử lý nấm mốc thì có thể tiến hành lấp cát để bảo quản, chờ đợi những biện pháp tiếp theo. 

Nguyễn Thanh Sương
.
.