Những kẻ không hoài nghi bắt đầu hoài nghi

Thứ Sáu, 17/02/2023, 21:25

Trải dài lịch sử nhân loại, đôi khi chúng ta bắt gặp các dòng chảy tư tưởng "chạm nhau" ở đâu đó. Đó là khi phân tích của Wittgenstein mang bản chất Kant, bản thân Kant khai thác điểm yếu tư duy Descartes, còn Descartes coi thắc mắc của mình có nguồn gốc từ chủ nghĩa cổ đại thời ông tổ Pyrrho. Ba trong bốn triết gia hoàn toàn không phải là những người hoài nghi, nhưng tư duy của họ tạo nên những dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển của một chủ nghĩa xoay quanh việc đặt câu hỏi để xác nhận đúng hoặc sai.

Ba tầng hoài nghi

Pyrrho (khoảng 365 - 275 TCN) lấy cảm hứng từ những cuộc đối thoại với các nhà sư Ấn Độ vốn nổi danh với lối sống khắc kỷ để tạo nên chủ nghĩa hoài nghi. Đối với thế giới hiện đại, chủ nghĩa hoài nghi gắn liền với thất vọng, chẳng khác nào tảng đá chắn ngang con đường công danh sự nghiệp của chúng ta. Pyrrho thì khác, cùng với giới triết gia cổ đại, coi mình như kẻ hoài nghi xuất chúng, vận hành sứ mệnh điều tra, tôn thờ hoài nghi là lẽ sống cùng tôn chỉ loại bỏ niềm tin - nguyên cớ cuối cùng của mọi nỗi lo lắng.

Những kẻ không hoài nghi bắt đầu hoài nghi -0
René Descartes xây dựng tòa tháp hoài nghi ba tầng, miêu tả "con quỷ lừa dối" giăng bẫy và thao túng mọi phán xét.

Hoài nghi kiểu Pyrrho chẳng khác nào nhịp điệu một bài hát cứ mạnh dần lên. Ông quyết định không bao giờ tin vào những giác quan của mình. Ông không phủ nhận khả năng chúng mang đến thông tin chân thực, nhưng quyết giữ một thái độ cực đoan. Pyrrho kêu gọi mọi người không đưa ra bất kỳ một suy xét dứt khoát nào về sự vật, cho rằng con người không thể vượt ra khỏi giới hạn những cảm giác của mình và cũng không thể xác định được là trong số các cảm giác ấy cảm giác nào là thật.

Nhiều người coi Pyrrho bị điên vì ông không cam kết với bất cứ điều gì. Pyrrho theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi bằng những cách vô cùng khác thường, sống với triết lý về sự thờ ơ tuyệt đối và chinh phục hoàn toàn những khuôn mẫu cảm xúc, hành vi tự nhiên của con người. Suy cho cùng, khước từ nhận thức thì sẽ dẫn đến thái độ bàng quan đối với sự vật, làm cho con người thoát khỏi những hoài nghi và đạt đến trạng thái Ataraxia - sự bình thản trong tâm hồn. Hạnh phúc rốt cuộc phụ thuộc vào thái độ chứ không phải sự chắc chắn của chân lý.

Tương tự Pyrrho, triết gia thế kỷ 17 René Descartes hoài nghi mọi thứ. Trong quá trình trưởng thành, ông phát hiện có những thứ chúng ta tin là sự thật nhưng hóa ra không phải, như ông già Noel, hay ông Kẹ chẳng hạn. Và khi chúng ta tin những sự thật đấy, chúng ta không nhận ra đó là kiến thức sai. Thế giới hoài nghi của Descartes ngập tràn câu hỏi kiểu "không hiểu thực tại của chúng ta... thực đến đâu?", "liệu những gì chúng ta nhìn, sờ, cảm hay ngửi thấy đều chỉ là một phần ảo ảnh của một thực tại cao hơn?", và "có lẽ nào chúng ta đang sống, hay chỉ đang mơ một giấc mơ quá sống động?".

René Descartes đưa hoài nghi lên một cấp độ mới khi xây cho chúng ta toà tháp ba tầng. Suy ngẫm về triết học tiên khởi (1641) luận rằng, tầng 1 là khi ta không hoàn tin vào giác quan sau khi bị lừa dối dù chỉ một lần. Các giác quan thường xuyên thất bại trong công việc thu thập thông tin và phản ứng với thế giới bên ngoài, dẫn đến chuyện "dở khóc dở cười". Có lần, ta chạy vội ra vỗ vai người bạn nhưng hóa ra nhầm người, hay thấy một tòa tháp từ xa và tin rằng nó hình tròn, trong khi thực tế nó hình vuông.

Bước lên cao hơn, tầng 2 bao trùm thế giới của những cơn mơ, nơi chúng ta cảm thấy thân thuộc. Trải nghiệm "mơ trong mơ" để rồi tỉnh dậy ta tưởng đang ở thực tại tỉnh giấc, nhưng hóa ra lại vẫn chỉ đang mơ. Thực tế buộc ta phải ngờ vực: trùm chăn kín mít, lạnh co ro trong căn phòng không lò sưởi, chứ chẳng phải khung cảnh ấm áp bên tách trà thơm mùi quế, cảm nhận ngọn lửa bập bùng như giấc mơ mỗi đêm. Descartes miêu tả bằng khái niệm “Nghi ngờ nội tại”, loay hoay phân biệt tỉnh - ngủ, như rơi vào cuộc sống trong phim “Ma trận”, đến mức hoài nghi về chính việc ông đi ngủ mỗi ngày.

Tầng 3 cao nhất, nơi "con quỷ lừa dối" trú ngụ, chơi khăm chúng ta về mọi điều, giăng bẫy cho mọi phán xét khiến ta mãi hoài nghi. Thực thể này đủ khôn ngoan và tinh tế nhằm reo rắc niềm tin sai lầm vào mỗi chúng ta. Cho dù bản thân Descartes không tin "con quỷ lừa dối" có thật, nhưng cũng không có cách nào để loại bỏ trường hợp nó tồn tại. Vậy nên, chúng ta còn khả năng bị kẹt bên trong mớ niềm tin sai lầm, rồi không thể tin vào bất kì suy nghĩ, ý tưởng nào nữa. Tất cả những gì chúng ta mong muốn và trải nghiệm, mọi ý tưởng hay kiến thức, đều có thể bị "con quỷ lừa dối" thao túng.

Những kẻ không hoài nghi bắt đầu hoài nghi -0
Immanuel Kant không thương tiếc "linh hồn" của triết học tiền bối, loay hoay với suy nghĩ kiếm tìm tri thức vững chắc ngay trong hoài nghi triệt để.

Từ tâm trí đến thế giới

Ở thế kỷ 18, chủ nghĩa hoài nghi được khôi phục dưới dạng chủ nghĩa bất khả tri của Immanuel Kant, người được nhiều vị tiền bối "đánh thức" khỏi giấc ngủ giáo điều, coi hoài nghi là khởi điểm của mọi sự phê phán. Kant vẽ hai vòng tròn trên giấy trắng, nhìn hai thực thể Kinh nghiệm và Hình thức tạo nên sự hoài nghi. Kinh nghiệm, cùng nhận thức và niềm tin, là những thứ có thể sử dụng trong các cuộc tranh luận, thuộc về "không gian của các lý do". Còn hình thức là các thực thể vật lý nằm ngoài không gian đó, hoàn toàn vô dụng khi chúng ta... cãi nhau.

Hai vòng tròn có phần chung, càng khiến Kant trăn trở về lý do tại sao hai yếu tố cực kỳ khác biệt, hai thực thể không đồng nhất, lại tồn tại mối quan hệ với nhau. Descartes thậm chí không yêu cầu một lời giải thích bởi gì bản thân ông chưa bao giờ nghĩ về sự hoài nghi của Kant. Trên lý thuyết, hai hòn đá cản trở con đường giải phóng tư tưởng của Kant đến từ hai phía cực đoan: thuyết duy lý giáo điều (dùng lý trí để giải thích mọi việc) và thuyết hoài nghi giáo điều (không tin vào năng lực giải thích nào hết).

Kant mang tinh thần phê phán hết sức rõ rệt, trực diện và không thương tiếc toàn bộ "linh hồn" của triết học tiền bối. Kant loay hoay với suy nghĩ làm thế nào để ngay trong sự hoài nghi triệt để vẫn có thể xây dựng tri thức vững chắc. Một tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vừa phải phá hủy, vừa phải cứu vãn, để đưa khoa học tiến bước vững chắc lên một cấp độ mới. Hai mươi năm ôm ấp mối hoài nghi, Kant cuối cùng hoàn thiện “Phê phán lý tính thuần túy” (1781), biện luận không gian, thời gian, nhân quả, các phạm trù logic hay các phạm trù đạo đức hóa ra đều là những thứ có sẵn trong nhận thức, con người sử dụng chúng để làm ra kinh nghiệm chứ không phải chúng được tạo ra từ kinh nghiệm. 

Ludwig Wittgenstein, cột mốc thứ tư trong lịch sử chủ nghĩa hoài nghi, đã hỏi một điều khiến Kant cũng phải bất ngờ. Vẫn biết hướng đi truyền thống trong nghiên cứu của giới triết gia là từ thế giới đến tâm trí, nhưng Wittgenstein, với “Điều tra triết học” (1953), đã "quay xe", lựa chọn đi từ tâm trí này sang thế giới khác, nghiền ngẫm sâu sắc về những gì chúng ta đã, đang và sẽ làm ở đời: làm sao có thể tuân theo một quy tắc?

Trong câu hỏi này, chúng ta có một thứ nằm trong "không gian của các lý do", ấy là hành động hoặc ý định hành động, và một thứ ở ngoài là sự kiện đang diễn ra trên thế giới. Ví dụ, ta có ý định uống cà phê (phần bên trong) và điều này gây ra một chuyển động vật lý trong tay (phần bên ngoài). Giống như Kant, Wittgenstein không nghi ngờ gì về sự tồn tại của mối quan hệ giữa hai điều này. Thắc mắc nằm ở chỗ: chúng ta cần một lời giải thích hợp lý cho sự liên kết giữa hai thực thể không đồng nhất như vậy.

Triết gia người Mỹ Saul Kripke đã xây dựng lập luận chi tiết để lý giải liên kết kiểu này, mà như ông thừa nhận phản ánh bản chất Wittgenstein nhưng không phải của Wittgenstein, được biết đến trong triết học với cái tên Kripkenstein. Kripkenstein mô tả về một nghịch lý: không quy tắc nào xác định hành động, bởi vì bản thân mỗi hành động đều đã phải tuân theo một quy tắc. Nếu mọi hành động có thể phù hợp với quy tắc, thì nó cũng có thể mâu thuẫn với chính quy tắc đó. Thế nên, sẽ chẳng có sự hòa hợp hay xung đột nào ở đây.

Nhiều người cho rằng, đối với Wittgenstein, nhìn thấy một nghịch lý chỉ là sự hiểu lầm. Giống như tư tưởng của Kant, khoảng cách giữa khái niệm và phi khái niệm là ảo giác, thì Wittgenstein ám chỉ chúng ta dễ hiểu sai tình huống nếu nghĩ rằng cần gắn tình huống ấy với một quy tắc nào đó, buộc nó chi phối mọi thứ liên quan. Kì thực, khi tuân theo một quy tắc, chúng ta chỉ đang vận dụng nó hết mức để không bị "trượt" ra khỏi nó mà thôi... 

Lê Nam
.
.