Những đôi chân không ngừng nhảy

Thứ Sáu, 03/12/2021, 10:09

Nhà bác học Charles Darwin từng viết: Tổ tiên loài người, trước khi biết cách thổ lộ tình yêu bằng ngôn từ phức tạp như bây giờ, đã luôn cố gắng trao cho nhau những tín hiệu âm thanh đầy cảm xúc. Nhắc tới nguồn gốc vạn vật, có thể chúng ta của ngày nay tồn tại qua hàng tỉ biến động lịch sử là nhờ nhịp điệu - một thứ “ngôn ngữ” ẩn sâu bên trong âm nhạc khiến đôi chân không thể ngừng nhảy theo.

Hiện tượng phổ quát

Peter Keller là một fan cuồng của Micheal Jackson, đến độ ngoài thời gian ở phòng nghiên cứu, vùi đầu vào những bài báo khoa học hàng nghìn chữ, anh chuyên tâm dành thời gian học nhảy theo những bước chân của thần tượng. Thế giới biết đến ông hoàng nhạc Pop với các điệu nhảy huyền thoại, tạo dựng ảnh hưởng vô cùng sâu rộng đối với xu hướng âm nhạc trong suốt hàng chục năm. Trên màn hình trước mặt Peter Keller là từng bước di chuyển bùng nổ cảm xúc, với điệu bước giật lùi (moonwalk), hay những bước trượt nhẹ rồi xoay vòng đậm chất M.J.

Cho tới khi hình ảnh cú ngả người 45 độ trong điệu nhảy không trọng lực xuất hiện, sự kinh ngạc lên tới đỉnh điểm. Ngay cả những dân “a-ma-tơ” cũng khó lòng cưỡng nổi, muốn thử được một lần uyển chuyển giống Michael Jackson. Chúng ta vốn không phải vũ công chuyên nghiệp, nhưng hãy thử tưởng tượng đôi tai của mình đang nghe tiếng đĩa hát vang lên, lời ca sôi động đầy những âm bass. Chắc hẳn, đôi lần chúng ta sẽ gõ nhẹ ngón tay trong vô thức, rồi đầu gối nhịp theo tiếng nhạc. Đến một khoảnh khắc nào đó, chúng ta sẽ lắc lư đầu theo giai điệu, rồi đứng lên và... nhảy một cách hoàn toàn tự nhiên.

Khoa học vẫn chưa thể giải thích tại sao hình ảnh Micheal Jackson nghiêng người, hay thứ âm nhạc xập xình ở các quán bar lại tạo nên chuyển động vô thức ở người. Điều khiến Peter Keller chú ý ấy là tính chất phổ quát của hiện tượng này bởi lẽ bất cứ ai dù ở độ tuổi, giới tính, hay dân tộc nào đều dễ dàng bị kích thích với âm thanh, rồi bắt đầu những điệu nhảy chẳng rõ từ đâu đến. Bằng chứng đơn giản nhất chính là những em bé, khi hoàn toàn chưa có khái niệm về thế giới, vẫn hồn nhiên nhún nhảy theo nhạc trông thật vui mắt. Khẳng định của Darwin về nhịp điệu đã “hằn” sẵn lên não bộ từ lúc con người xuất hiện trên Trái Đất khiến Peter Keller chú ý hơn cả. Con người, bằng trí tuệ và năng lực thích ứng với tự nhiên trong khi xây dựng các mối quan hệ cộng đồng xã hội, biết sử dụng các công cụ tạo ra âm thanh có nhịp điệu để thưởng thức. Theo thời gian, xu hướng nhảy múa theo giai điệu xuất hiện, trở thành một phần của lịch sử loài người, gắn với cuộc biểu diễn, lễ hội và sự kiện nơi công cộng.

Nhiều bằng chứng chỉ ra sự tồn tại của cả một nền văn hóa các điệu nhảy của người Ai Cập cổ đại từ hàng nghìn năm trước. Nhiều nét tương đồng trên phương diện chuyển động nhịp nhàng theo nhạc cũng được phát hiện khi so sánh khiêu vũ ở châu Âu với hoạt động nhảy múa thuộc các bộ tộc người đầu tiên. Trên thực tế, nhảy múa có vẻ xuất hiện ở nhiều nền văn hóa, không chịu ảnh hưởng từ nhau. Hai dân tộc sở hữu hai phong cách âm nhạc hoàn toàn khác biệt, nhưng có lúc dân tộc này sẽ lắc lư theo nhịp điệu âm nhạc của dân tộc khác.

Những đôi chân không ngừng nhảy -0
Loài người không thể nào cưỡng lại sự chuyển động của âm thanh, luôn tìm cách giải phóng cá tính và xúc cảm qua những điệu nhảy ngẫu hứng.

Giai điệu và chuyển động

Peter Keller nhìn đứa con gái đang nhún chân theo nhịp nhạc Baby Shark, suy nghĩ về mối liên hệ thú vị xoay quanh âm nhạc. Bản chất của “thứ âm thanh hấp dẫn thính giác” do con người sáng tạo nên bao gồm những rung động được sắp xếp theo cao độ, nhịp, phách, hòa âm và giai điệu. Khi ấy, trong âm nhạc chứa âm thanh, còn âm thanh tạo nên sự rung động. Chính điều này khiến các triết gia cổ đại như Aristotle and Plato tin rằng loài người không thể nào cưỡng lại sự chuyển động của âm thanh, luôn tìm cách giải phóng cá tính và xúc cảm qua âm nhạc, hay những điệu nhảy ngẫu hứng.

Giống như các lực trong vật lý học, âm thanh biến chuyển không ngừng, tạo nên những giải sóng kích thích não bộ thích nghi và phản ứng nhanh với chúng, khiến tâm trạng chúng ta thay đổi. Khi ta nghe tiếng trống hiệu lệnh, ta muốn thể hiện sức mạnh bằng những bước nhảy đầy nội lực, còn tiếng hát ru nhẹ nhàng như đưa tâm trí tới thế giới của điệu múa dân gian thấm đượm tình mẫu tử. Lý thuyết đầu tiên do nhà nghiên cứu Spohn đưa ra từ năm 1977, nhận định vùng hưởng thưởng âm nhạc trên não (vỏ não trán ổ mắt và thể vân) có liên kết với vùng vận động.

Nhiều năm sau, một số nghiên cứu phỏng đoán âm nhạc vốn cấu thành từ một chuỗi những chuyển động nhịp nhàng theo giai điệu, mà cụ thể là nhịp chân của con người. Thế nên, tay chân chúng ta không thể “yên” với âm nhạc khi tiểu não được kích hoạt mạnh mẽ - vốn là bộ phận của trung ương thần kinh nằm phía sau và bên dưới đại não có nhiệm vụ phối hợp và điều hòa các chuyển động. Thậm chí, khi nhìn thấy người khác di chuyển thì vùng não điều khiển hoạt động cũng chịu phản ứng kích thích chúng ta làm theo, giúp cơ thể tận hưởng các loại chuyển động bất ngờ.

Tuy nhiên, Peter Keller lại nghiêng về quan điểm: bản chất loài người sống theo xã hội, vô cùng nhạy cảm và dễ dàng hoà nhịp với những chuyển động cơ thể của người khác. Trải nghiệm giác quan vì thế có mối liên hệ trực tiếp tới cơ chế vận động. Những tế bào thần kinh phản chiếu được tìm thấy trong vỏ não sẽ được kích hoạt trong cả hai tình huống: khi cơ thể đang thực hiện một chuyển động và khi nhìn thấy người khác làm điều đó. Hệ quả là trong vô thức, não bộ sẽ dự đoán và chuẩn bị các chuyển động kế tiếp song song với phân tích giai điệu, tạm thời “lờ đi” hoạt động hiện tại để ra tín hiệu kích hoạt thao tác tay chân rất tự nhiên.

Những đôi chân không ngừng nhảy -0
Khi nghe nhạc, tay chân chúng ta không thể giữ yên khi tiểu não được kích thích mạnh mẽ.

Lấp đầy khoảng trống

Trên diễn đàn khoa học, một thành viên đặt câu hỏi: tại sao nhảy lại giúp tăng cường sức khỏe não bộ, thậm chí ngăn ngừa chứng mất trí. Kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu thần kinh vẫn chưa giúp loài người tìm thấy câu trả lời. Có lần, “thi sĩ ngành y” Oliver Sacks từng gợi ý về khả năng “lấp đầy khoảng trống”. Vị giáo sư thần kinh học kể lại những câu chuyện trong cuốn sách Musicophilia (2007), xem xét sức mạnh lay động và chữa lành của âm nhạc với não bộ. Với ông, ca từ đã tác động vào vùng não mà chúng ta dùng để hiểu cảm xúc ẩn chứa trong hành động, để rồi khiến chúng ta thực hiện các chuyển động cơ thể.

Khó tưởng tượng, nhưng lại có thể là thật: nhịp điệu từ đôi chân, hay những cái gõ tay xuống bàn, chính là cách con người lấp đầy khoảng trống các nốt nhạc trong nhịp điệu của bản nhạc. Chúng ta vô thức dùng hành động vật lý để tạo nên sự hoàn hảo cho giai điệu. Oliver Sacks tin rằng, não luôn ở trạng thái dự đoán, xem xét và đánh giá từng nốt trong giai điệu mà ra tín hiệu khiến nhiều bộ phận thích hợp tham gia chuyển động. Tất nhiên, giai điệu phải đủ dài và đều đặn, với các khoảng ngắt quãng “mời gọi” thì chúng ta mới hòa mình với từng nốt nhạc được.

Thí nghiệm đảo phách nổi tiếng, khi giai điệu tuy vui nhộn nhưng rất phức tạp và chứa những khoảng lặng nhất định, chỉ ra những cá nhân với phản ứng thần kinh mạnh mẽ sẽ dễ nhảy theo điệu nhạc hơn người khác. Thậm chí, có nhiều trường hợp mang sẵn năng lực cảm nhận âm thanh nên chỉ cần một vài nốt nhạc cũng có thể đứng lên khiêu vũ vài đường, trong khi số khác cần thêm kích thích từ môi trường bên ngoài (như nhìn thấy người khác nhảy chẳng hạn) để bắt đầu nhịp điệu của riêng mình.

Đáng chú ý, khả năng cảm nhịp của mỗi người không giống nhau. Có người nhạy đến mức “bắt” được cách di chuyển của Michael Jackson ngay lần đầu tiên, trong khi số khác lại tự nhận bản thân “mù âm nhạc”, không thể... nhảy theo giai điệu. Khái niệm hiệu ứng thần kinh đồng bộ ra đời, xoay quanh hoạt động tăng cường của các neuron thần kinh sau khi bị kích thích bởi giai điệu bên ngoài. Các neuron truyền dẫn xung tín hiệu, dự đoán thời điểm các xung tiếp theo và từ đó nối tiếp nhau, dần hình thành các chuyển động cơ thể phù hợp với từng người.

Bất chấp nhiều lý thuyết xuất hiện nhằm giải mã tại sao chúng ta luôn nhún nhảy theo điệu nhạc, khoa học vẫn chưa thể ngừng tranh cãi về tương tác giữa âm nhạc và hành vi cơ thể. Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, liên quan đến nguồn gốc của khả năng cảm nhịp, vai trò của khoảng trống trong nhịp điệu hay kỹ thuật kích thích não bộ nào có thể can thiệp vào hiệu ứng thần kinh đồng bộ. Khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu, còn chúng ta thì nhớ lại châm ngôn của huyền thoại nhạc jazz Miles Davis, rồi nghiền ngẫm về ý nghĩa thực sự của nó: trong âm nhạc, khoảng lặng nhiều khi quan trọng hơn cả âm thanh...

Việt Dũng
.
.