Những dấu “xa thư”
Những du khách yêu thích lịch sử dân tộc, khi tham quan Đại nội trong cố đô Huế, hẳn sẽ rất xúc động khi chiêm ngưỡng bài thơ tứ tuyệt được sơn son thếp vàng đặt ngay ngắn giữa điện Thái Hòa với những câu thơ vang vọng “Văn hiến thiên niên quốc”.
Lời thơ hào sảng, khơi dậy tự hào truyền thống văn hiến nghìn năm của đất nước. Nguyên văn bài thơ chắc nhiều người đã thuộc: “Văn hiến thiên niên quốc. Xa thư vạn lý đồ. Hồng Bàng khai tịch hậu. Nam phục nhất Đường, Ngu”. Nghĩa là: Đất nước có ngàn năm văn hiến. Đến nay đã thống nhất rộng hàng vạn dặm. Kể từ ngày họ Hồng Bàng dựng nước đến nay. Nước Nam đã trở nên thịnh vượng như đời Đường, Ngu. Một số giả thuyết cho rằng đây là thơ của Vua Minh Mạng hoặc Thiệu Trị, điều này hiện chưa có đủ cơ sở để giải đáp, tuy nhiên dù tác giả là ai thì nội dung bài thơ cũng chứa đầy hùng khí. Nhiều người cho rằng, đây chính là một bản “tuyên ngôn độc lập” của triều đại nhà Nguyễn, nối tiếp những áng hùng văn như bài thơ “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê...
Đặc biệt, câu thơ thứ hai khẳng định một mệnh đề chắc nịch về sự thống nhất của đất nước - “Xa thư vạn lý đồ”. “Xa thư” là điển tích nhắc lại mệnh lệnh của hoàng đế Tần Thủy Hoàng khi thống nhất Trung Quốc, cũng là câu rút từ sách Lễ Ký “thư đồng văn, xa đồng quỹ”, tức văn bản viết chung một thứ văn tự; xe cộ (chủ yếu là xe ngựa kéo) cùng một cỡ trục bánh xe. Hai yếu tố này xác định sự thống nhất của một đất nước (theo quan niệm thời cổ): Cùng chung văn tự để người trong nước đọc được chung văn bản; xe cùng cỡ bánh do cả nước đắp chung một cỡ đường để giao thông được thông suốt, nối liền từ kinh đô đến mọi địa phương cả nước.
Hai chữ “xa thư” đã thể hiện lòng tự hào về công cuộc thống nhất đất nước. Khái niệm “xa thư” ở đây tất nhiên mang tính chất tượng trưng, vì về “thư” thì khi nước Việt Nam bắt đầu dựng nền tự chủ, cả nước đã sử dụng chung chữ Hán để trao đổi, học tập, ghi chép (kể cả thủ lĩnh và trí thức ở các bộ tộc thiểu số). Sau này, nước ta có thêm chữ Nôm, nên cả nước đều thống nhất văn tự. Còn về “xa đồng quỹ”, nước ta vốn có rất nhiều sông ngòi, không có truyền thống dùng xe ngựa như ở Trung Quốc. Tuy nhiên, từ thời đô hộ đã để lại nhiều con đường đất, đến thời kỳ tự chủ, sử sách ghi lại các vua nhà Ngô, nhà Đinh, Tiền Lê đã có thể hành quân bằng đường bộ vào tận vùng biên giới, giáp với Chiêm Thành.
Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng lên ngôi sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, nhưng ở thời Đinh, Tiền Lê, Lý, vẫn còn rải rác tình trạng cát cứ hay nổi dậy chống triều đình, khiến nhà vua phải cử quân hoặc thân chinh đi đánh dẹp. Việc thống nhất, ổn định có lẽ bắt đầu từ thời nhà Lý, với mô hình quân chủ tập quyền bắt đầu khác biệt với các triều đại trước.
Dấu ấn quan trọng nhất ở triều Lý chính là sự việc năm Càn Phù Hữu Đạo thứ 4 (1042), Vua Lý Thái Tông cho ban hành Hình thư, bộ luật hình sự đầu tiên của đất nước. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, trước đó “việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng”. Do đó, nhà vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của triều đại, để cho người xem dễ hiểu. “Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng”, sử cũ khen ngợi. Do đó, Vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu cho đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo để ghi dấu.
Tiếp sau đó, nhà Lý để lại những dấu ấn trong giáo dục Nho giáo, như xây Văn Miếu (1070), lập Quốc Tử Giám (1076), tổ chức khoa thi văn học đầu tiên (1075)... khởi đầu cho một nền văn hiến rạng rỡ của đất nước.
Sau những biến loạn của đất nước cuối thời Lý, nhà Trần nối tiếp với chế độ phân đất phong cho các vương hầu, quý tộc rất đặc trưng. Dấu ấn thống nhất ở nhà Trần thể hiện qua các sự kiện như “chia trong nước làm 12 lộ, đặt chức đại tiểu tư xã, định phép đánh thuế” (“Toàn thư”, chép sự kiện năm 1242) xác định triều đình nhà Trần đã thống nhất quản lý hành chính trên cả nước.
Từ thời vua Trần đầu tiên, triều Trần đã bắt đầu kiểm điểm số đinh, khai báo nhân khẩu rồi căn cứ vào sổ hộ khẩu để kê rõ các loại tôn thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán... để bắt lính. Các xã ở thời Trần đều phải làm sổ hộ khẩu, con trai 18 tuổi là tiểu hoàng nam, trên 20 tuổi là đại hoàng nam, 60 tuổi trở lên là hạng lão để đánh thuế nộp thóc.
Cũng vào đầu thời Trần mới quy định chế độ lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và các quan túc vệ. Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú thì thời Lý, các quan trong kinh ngoài trấn đều không được cấp lương bổng, chỉ có các quan giữ việc hình ngục được cấp tiền và lúa, cá muối để ăn từ năm 1067, mục đích được sử sách ghi lại là “cốt để gây nuôi lòng thanh liêm của họ”.
Dấu ấn thống nhất trong quản lý cả nước mạnh mẽ vào thời Trần được thể hiện vào đầu năm 1280, đời Vua Trần Thái Tông, khi nhà vua sai ban hành thước công, với các loại thước đo gỗ, thước đo vải cùng một kiểu.
Nhà Trần chú trọng việc thống nhất thể thức văn bản, nên từ thời Vua Trần Anh Tông, trong những cuốn sách đầu tiên được in khắc thì bên cạnh các bộ kinh Phật, có sách “Công văn cách thức” theo mẫu của triều đình phong kiến Tống - Nguyên, để ban bố cho cả nước.
Tuy nhiên, việc thống nhất văn bản được quy định chặt chẽ hơn sau khi Vua Lê Thái Tổ đánh thắng quân Minh xâm lược và lên ngôi vua. Ngay trong năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), nhà vua đã ra sắc dụ rằng: Phàm ai dâng thư bàn nói việc gì và các giấy tờ khế khoán đều phải tuân theo phép nước, viết đúng niên hiệu và quốc hiệu. Kẻ nào vi phạm, sẽ bị phạt trượng và biếm truất.
Không chỉ thống nhất về đo đạc, các triều đại phong kiến Việt Nam cũng thống nhất về trang phục. Thời quân Minh xâm lược, chúng cấm người dân nước ta không được cắt tóc; phụ nữ đều phải mặc áo ngắn, quần dài, theo như cách ăn mặc của người nhà Minh. Sau khi Vua Lê Thái Tổ lên ngôi, đã lệnh cho nhân dân quay về với truyền thống xưa. Cuộc chiến về trang phục thể hiện rõ thái độ “ly khai” triều đình vua Lê - chúa Trịnh của chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Đàng Trong, khi vị chúa này hạ lệnh thay đổi trang phục trên toàn cõi, bao gồm cả lễ phục và thường phục, từ đó bắt đầu hình thành nên nguyên mẫu của chiếc áo dài ngày nay. Cho nên, sau chiến dịch đánh thắng chúa Nguyễn năm 1774 của quân sĩ chúa Trịnh, khi được cử vào cai quản Phú Xuân, Hiệp trấn Tham tán quân cơ của quân đội Lê - Trịnh là Lê Quý Đôn đã hết sức ngạc nhiên khi thấy trang phục của dân chúng Đàng Trong hoàn toàn khác với Đàng Ngoài. Để thể hiện ý đồ thống nhất về phong tục, y phục, tháng 7 năm 1776, Lê Quý Đôn ra hiểu dụ, bắt dân chúng Đàng Trong sửa đổi lại cách ăn mặc theo kiểu người Đàng Ngoài.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn thì trang phục giữa người dân hai miền vẫn còn rất khác biệt. Do đó, đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), Vua Minh Mạng cũng ra lệnh thống nhất y phục trên toàn quốc, yêu cầu người dân phía Bắc phải đổi quần áo mặc theo cách thức từ Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn cho đến cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10, phải nhất tề sửa đổi lại.
Dù vậy, có lẽ do việc thay đổi chưa diễn ra quyết liệt ở các địa phương miền Bắc, nên 10 năm sau, vào năm 1837, Vua Minh Mạng lại phải ban tiếp một đạo dụ với thái độ quyết liệt: “Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội”. Từ những yêu cầu này mà dân gian mới có những câu ca dao để lại đến ngày nay như “Tháng Tám có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng...”.
Về phương tiện đo lường, từ năm Gia Long thứ 9 (1810), vị vua đầu triều Nguyễn đã ban “thước kinh” - là loại thước đo ruộng ban hành từ thời Lê - cho các địa phương. Tháng 3 năm 1826, Vua Minh Mạng tiếp tục sai chế thước may và thước đo gỗ bằng đồng để cấp cho các nha môn ở kinh và ở ngoài. “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Vua thấy từ trước đến nay thước may bằng đồng nhà nước cấp chưa được thống nhất, mà thước đo gỗ bằng đồng cũng chưa ban hành, sai Bộ Hộ, Bộ Công hội đồng với Vũ Khố theo cách thức mà làm để cấp”.
Như vậy, các vấn đề thống nhất các các mặt đời sống xã hội trong cả nước đã được các triều đại quân chủ Việt Nam lần lượt triển khai qua năm tháng. Điều quan trọng nhất chính là thống nhất lòng người, bởi vì sự phân biệt người Bắc, người Nam đã tồn tại từ lâu. Như mùa đông năm Minh Mạng thứ 16 (1835), quan Giám sát ngự sử đạo An - Tĩnh là Nguyễn Bá Nghi đã tâu với vua về hiện tượng kỳ thị Nam, Bắc, xin vua răn bảo.
Nhà vua nghe vậy, dụ rằng: “Việc tâu đó rất phải! Ta từ khi lên ngôi đến nay, dùng người làm việc giữ một lòng công, nào có kỳ thị bao giờ! Nay thống nhất một nhà, sách cùng văn tự, xe cùng vệt bánh, chính là vận hội phong hóa cộng đồng. Bộ, viện và Nội các ở kinh, các trực và các tỉnh ở ngoài từ trước đến nay, người Nam, người Bắc, miễn có tài là đều được dùng, muốn cho họ gom công góp sức, kính cẩn giúp việc. Đến như truất bỏ hay thăng chức, chỉ nhằm vào người đó hay hay dở; thưởng hay phạt chỉ tùy người đó có công hay có tội, chứ chẳng vì Bắc hay Nam mà đối xử khác nhau. Thế mà có một vài lũ xấu xa, nảy sinh ý kiến càn bậy!”.
Lời dụ của Vua Minh Mạng chính là biểu hiện cao nhất của sự thống nhất “xa thư vạn lý đồ” trong tâm trí người dân nước Việt!