Những danh tướng dũng cảm

Thứ Năm, 28/12/2023, 08:57

Thời xưa chọn võ tướng, không chỉ chọn người giỏi binh pháp, quản quân tốt, biết võ nghệ, mà còn chọn những người dũng cảm. Trong các cuộc thi võ cử, dũng cảm cũng là tiêu chí quan trọng để lựa chọn thí sinh vào các vòng trong để lên ngôi Võ trạng nguyên.

Một mình vào chỗ nguy hiểm

Sử sách ghi lại nhiều danh tướng Việt có hành động dũng cảm, như Lê Phụng Hiểu một mình một ngựa đánh tan phủ binh của 3 vị hoàng tử nổi loạn, giành lại ngôi vua về tay thái tử Lý Phật Mã (Vua Lý Thái Tông), hay Lê Phụ Trần gỡ cả ván thuyền ra để che cho Vua Trần Thái Tông trước cơn mưa tên của quân Mông Cổ, dũng mãnh không kém gì hình ảnh Điển Vi hộ vệ cho Tào Tháo trong truyện “Tam Quốc diễn nghĩa”. Sử gia Ngô Sĩ Liên đã nhận định: "Lê Phụ Trần dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy". Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Vua Trần Thái Tông cũng ca ngợi Lê Phụ Trần rằng: "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay". Thậm chí, nhà vua còn ban cho ông một ân điển rất lạ là... gả vợ của mình, tức công chúa Chiêu Thánh, cho Lê Phụ Trần.

nguyentriem.png -0
Tranh minh họa Nguyễn Chiêm bị kiêu binh sát hại.

Một vị danh tướng khác, là tôn thất nhà Trần, cũng nổi danh dũng cảm, là Trần Nhật Duật. Câu chuyện về sự dũng cảm của ông được ghi lại trong chính sử cũng rất độc đáo. Đó là chuyện xảy ra năm 1280, chúa đạo Đà Giang (vùng Mộc Châu, Sơn La và Đà Bắc, Hòa Bình ngày nay) là Trịnh Giác Mật nổi lên chống lại triều đình. Cùng lúc đó, nhà Nguyên đang sửa soạn đại binh đánh nước ta. Để dẹp yên tình hình trong nước, Vua Trần Nhân Tông phái Trần Nhật Duật trông coi đạo Đà Giang, chiêu dụ Trịnh Giác Mật đầu hàng.

"Toàn thư" kể rằng: "Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành: "Mật không dám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng". Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5-6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại vì sợ nguy hiểm, nhưng ông nói: "Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến". Câu nói cho thấy tuy là hoàng tử, vị trí tôn quý, nhưng Trần Nhật Duật coi cái chết như lông hồng, sẵn sàng hy sinh thân mình vì đại nghiệp của đất nước.

Khi Trần Nhật Duật tới trại của Giác Mật, Mật cho bộ hạ dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong có ý uy hiếp ông, nhưng Nhật Duật bình thản đi thẳng vào, trèo lên trại, cùng ngồi nói chuyện, ăn uống với Mật. Do Trần Nhật Duật thạo tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều dân tộc, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật, nên Mật thích lắm. Khi Trần Nhật Duật trở về, Trịnh Giác Mật đã đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang.

Không sợ thú dữ

Thời Lê trung hưng, có viên Phó Đô ngự sử là Nguyễn Mại nhờ dũng cảm, được chúa Trịnh tin dùng, bổ dụng làm trấn thủ Sơn Tây.

Theo sử sách thì Nguyễn Mại "là người có sức mạnh, có trí lực, giỏi về việc cưỡi ngựa, bắn tên". Câu chuyện dũng cảm của ông được kể rằng: Một hôm, đương bàn công việc ở phủ chúa, có con voi xổng chạy vào, mọi người đều sợ hãi bỏ chạy, duy chỉ có Mại tinh thần, khí sắc không thay đổi, vẫn trình bày công việc như thường, không chạy như các quan khác. Chúa Trịnh Cương lấy làm lạ về đảm lược của Mại, nhiều lần hỏi Mại về việc binh, rồi cử ông chỉ huy thủy quân. Chuyện này diễn ra vào năm 1715, vào đời Vua Lê Dụ Tông.

Theo sử triều Lê, Nguyễn Mại là người Ninh Xá, Chí Linh, Hải Dương, đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi năm 1691, từng làm việc ở Lễ phiên (cơ quan phụ trách về nghi lễ, ngoại giao trong phủ chúa). Lúc ấy, Đặng Đình Sở giữ trấn Sơn Tây, thi hành chính trị một cách lỏng lẻo, trễ tràng, thành ra trộm giặc các nơi nổi dậy, dân bị tai hại, nên triều đình cách chức Đình Sở, bổ dụng Nguyễn Mại lấy chức thấp làm nhiệm vụ trấn thủ Sơn Tây.

Không chỉ dũng cảm, Nguyễn Mại còn là người giỏi cai trị, giữ nghiêm pháp luật. "Mại ở trấn, hiệu lệnh gì đã ban bố là bắt phải tuân hành, điều cấm gì đã ấn định là bắt phải thôi hẳn, vì thế mà bọn trộm giặc phải ẩn nấp một nơi, không dám hành động. Mại nổi tiếng là người có tài về chính trị". Còn "Đại Việt sử ký tục biên" khẳng định: "Trộm cướp phải im hơi". Năm 1720, ông chết ở trấn Sơn Tây, khi được kiêm chức Thị lang Bộ Lễ. Chúa cho thưởng chức Thượng thư Bộ Lễ, tước Đông quận công.

Thời xưa cũng có nhiều tấm gương dũng cảm, không sợ thú dữ. Điển hình được ghi trong "Đại Việt sử ký toàn thư" có gương bà Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu, con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sử khen: "Thái hậu nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, nhân hậu với kẻ dưới" nhưng cũng dành nhiều phần ca ngợi sự dũng cảm của bà. Đó là hồi Thượng hoàng Trần Nhân Tông làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, Thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Lầu thấp, song chuồng hổ và thềm cũng thấp, hổ bỗng nhiên thoát khỏi chuồng trèo lên lầu. Người trên lầu đều tan chạy cả. Chỉ có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4-5 thị nữ còn ở đó. Thái hậu nghĩ không khỏi bị hại nhưng vẫn bình tĩnh lấy chiếc chiếu che cho Thượng hoàng và tự che mình. Hổ lên lầu gầm rống rồi nhảy xuống mà không vồ hại ai cả.

Lại một lần khác, Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên xổng thoát, xông tới, định lên điện, tả hữu đều sợ hãi, tan chạy cả, chỉ có Thái hậu vẫn ở đó. Vì vậy, khi Thái hậu băng, sử thần Ngô Sĩ Liên khen rằng: "Hổ hay vồ, voi hay quật, há chẳng đáng khiếp sợ sao. Thế mà Thái hậu đương lúc chúng lồng lộn xông xáo, tâm thần không dao động, bình tĩnh đối phó vì bà suy nghĩ chín chắn, lý lẽ đã sáng tỏ vậy".

Vị sử gia thời Lê sơ khen tiếp: "Kể người đàn bà dáng điệu mềm yếu mà có thể như thế, so với nàng Tiệp Dư ngày xưa đứng chắn gấu cho vua, có lẽ cũng không thẹn gì. Ở đây, ông ví Khâm Từ Thái hậu với nàng Phùng Tiệp Dư, là một cung nhân của Hán Nguyên Đế. Khi vua xem chuồng gấu, gấu bỗng xổng thoát, định trèo lên điện, nàng đã đứng chắn trước vua, ngăn không cho gấu đụng đến vua.

Trong lịch sử Việt Nam, còn nhiều chuyện về sự dũng cảm khác như của Vua Lê Thái Tổ khi bị giặc Minh truy đuổi, trốn trong hốc cây, bị chúng đâm giáo vào đùi mà cắn răng không kêu, còn bình tĩnh lấy vạt áo lau vết máu, hay chuyện Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt mà giáo đâm không biết. Nhưng, đây đều là giai thoại, không thấy ghi trong chính sử.

Viên Tạo sĩ dũng cảm

Thời Lê mạt, câu chuyện về Chiêm Vũ hầu Nguyễn Triêm (hay Chiêm) cũng cho thấy sự dũng cảm khác thường của một người từng thi đỗ Tạo sĩ (Tiến sĩ võ). Ông là người xã Phú Hoa, huyện Tiên Phong, nay thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Là thủ hiệu cầm một đội binh, sau vụ kiêu binh nổi loạn, chính ông bắt chém 7 tên kiêu binh, khiến chúng quyết tâm vào tận phủ chúa đòi ông đền mạng, chúa Trịnh Tông xin cũng không được. Do đó, Chiêm Vũ hầu xin chết, nộp mình cho kiêu binh.

Theo cuốn sử "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng, nghe thế, chúa Trịnh Tông khóc, từ biệt Chiêm và hứa hẹn rằng: "Sau khi ông chết, ta sẽ cấp cho một nghìn khoảnh ruộng làm thế nghiệp và phong làm phúc thần, lấy mười làng làm dân giữ việc thờ cúng". Chiêm nói: "Bề tôi vì chúa mà chết dám đầu mong cầu tước lộc. Thần chỉ mong nhà chúa hăng hái giữ vững kiền cương, xoay chuyển cuộc loạn thành cuộc thịnh trị thì thần dù chết nắm xương cũng bất hủ". Chúa Trịnh Tông bèn tự tay viết 6 chữ "Trung nghĩa tráng liệt đại vương" (ý đây là danh hiệu phong để thờ phụng cho Chiêm sau khi qua đời). Chiêm quỳ xuống nhận lấy, vê tròn mảnh giấy có 6 chữ ấy và nuốt, rồi lạy tạ đi ra.

Khi Chiêm qua điếm Tiểu bút, bọn ưu binh lôi ra đánh. Chiêm nói: "Đây là nơi cấm địa, không nên. Để tao đi ra ngoài phủ ngồi yên đâu đấy, tha hồ cho chúng bay muốn làm gì tao thì làm". Chiêm bèn thong thả đi đến bên cầu. Chiêm ngồi yên rồi quân chúng bèn lấy gạch đá nện vào đầu Chiêm, máu chảy đầy cả mặt mũi, Chiêm vẫn ngồi không nhúc nhích, lấy tay áo lau mặt, cười và nói: "Mình bây giờ không thi Bác cử nữa thế mà vẫn phải còn thử xem có can đảm hay không! Khoái nhỉ! Khoái nhỉ!". Một người lính từ đằng sau đâm một nhát giáo dài, thế là Chiêm chết.

Nguyễn Chiêm nhắc đến kỳ thi Bác cử, là kỳ thi võ tổ chức dưới thời Lê trung hưng, ban đầu gồm 2 kỳ là thi Sơ cử ở địa phương và Bác cử ở kinh đô. Từ năm 1724 thì kỳ Sơ cử được chia thành 2 vòng, nên cũng đủ 3 vòng như thi văn. Người đỗ đầu cũng được phong danh hiệu Võ trạng nguyên, còn ngang với tiến sĩ văn thì bên võ gọi là Tạo sĩ.

Vậy, thể thức chọn người dũng cảm khi thi Bác sử thế nào? Theo "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" thì người ta lấy cái dùi đồng bọc rơm, đến trước mặt rồi gõ vào đầu sĩ tử 3 lần, sĩ tử can đảm thì phải không chớp mắt hay rung động.

Nhắc lại chuyện thời Trần, năm 1281, khi sứ Nguyên là Sài Thung sang Thăng Long, ngạo mạn nằm khểnh không tiếp các quan Đại Việt, Hưng Đạo vương đã cạo đầu, mặc áo vải giả làm nhà sư đến sứ quán gặp, hắn mới tiếp chuyện. Khi đang nói chuyện, có tên lính Nguyên lấy mũi tên nhọn chọc vào đầu ông chảy máu, nhưng sắc mặt ông vẫn không hề thay đổi. Do đó, khi Vương ra về, Sài Thung kính trọng ra tận cửa tiễn.

Với những người giữ trọng trách với quốc gia và quân đội như Hưng Đạo vương thì việc bình thản trước sự khiêu khích của đối phương cũng là lẽ thường, vì người quân tử đều biết nhẫn nhịn mới làm nên đại nghiệp. 

Lê Tiên Long
.
.