Nhìn cờ nghe lệnh
Thời xưa, khi chưa có các phương tiện truyền tin hiện đại, con người dựa vào âm thanh, hình ảnh để truyền tin. Hiệu lệnh của quân đội dựa vào tiếng trống, hay lá cờ, ngọn đèn, cột khói.
Ở nước ta, từ thời Lý, Trần về trước, sử sách không ghi chép đầy đủ về các phương tiện thông tin trong quân đội. Chỉ từ thời Lê sơ về sau, những điều này mới dần được ghi lại.
Trong sách “Binh chế chí” thuộc bộ bách khoa thư “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, cho biết, vào đời Vua Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), nhà vua bắt đầu “định các phẩm vật của các quân, cờ, xí, nghi trượng, chiến khí và thuyền ghe”. Theo đó, mỗi quân chia làm 3 đội, có màu cờ khác nhau; trung đội thì cờ vàng, thượng đội thì cờ đỏ, hạ đội thì cờ trắng. Mỗi vệ chủ tướng có 1 lá cờ to, mỗi quân có 1 lá cờ nhỡ, cờ đội 10 lá, cờ nhỏ 40 lá.

Không phải lúc nào cờ của vua cũng màu vàng, màu của hành thổ, của trung ương, của vua. Khi vua hành quân ở hạ đội, thì cũng treo cờ chủ tướng màu trắng. Như cuối tháng 7 năm Hồng Đức thứ 10 (1479), khi Vua Lê Thánh Tông thân hành đi đánh Ai Lao, đã xuống chiếu xuất quân rằng: “Nay trẫm tự cầm cờ mao trắng điều khiển, tự cầm lưỡi búa vàng chỉ huy. Đánh dẹp đất man, trói bắt bọn giặc mà đời trước không trói bắt được; kế tục ông cha, làm xong công việc mà người xưa chưa thể làm xong”.
Như mô tả của “Binh chế chí” và “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng có ghi, thì cờ của quân đội nước ta thời xưa có nhiều loại, gồm loại làm biểu tượng và loại để phát tín hiệu. Cờ làm biểu tượng, như lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” của Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, hay khi chép về Bình Định vương Lê Lợi dấy binh chống quân Minh xâm lược cũng có việc “dựng cờ chiêu mộ quân sĩ”.
Cuối đời Lê sơ, khi các tướng cùng Giản Tu công Lê Oanh nổi lên chống lại Vua Lê Uy Mục, tiến quân từ Đông Kinh (Thanh Hóa) ra Thăng Long, sử cũng ghi quân của Giản Tu công “dựng gậy làm cờ, chặt cây làm binh khí”, nhưng với khí thế mạnh mẽ, khiến quân triều đình phải thất bại.
Về việc dùng cờ làm hiệu lệnh, “Toàn thư” cũng chép chi tiết về quá trình huấn luyện nghĩa quân của Bình Định vương trong kháng chiến chống quân Minh, năm 1425: “Vua huấn luyện tướng sĩ, sửa chữa chữa vũ khí, chưa đầy 10 ngày, chiến cụ đã đầy đủ cả. Bèn duyệt võ nghệ, dạy cho binh sĩ phép ngồi, đứng, đánh, đâm, chỉ bảo các thế kỳ, chính, phân, hợp, cho họ biết hiệu chiêng, hiệu trống, hiệu cờ”.
Cũng trong “Toàn thư”, khi kể về giai đoạn chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê trung hưng, cho biết việc các biện pháp liên lạc với nhau của quân Mạc như sau: “Niên hiệu Chính Trị năm thứ 3 (đời Vua Lê Anh Tông, tức năm 1560), tháng 2, Mạc Phúc Nguyên sai tướng đem quân giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng đồn một dải từ dọc sông về phía Tây, trên từ Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang (sau đổi là Lý Nhân, Hà Nam), dinh trại liền nhau, thuyền ghe san sát, ban ngày thì phất cờ gióng trống báo nhau, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu cho nhau để chống giữ với quan quân”.
Cờ lệnh cũng được dùng làm tín hiệu bảo mật. Như lệnh của Vua Lê Hiến Tông, vào năm Cảnh Thống thứ nhất (1498), quy định: “Nếu thấy đặc chỉ cho gọi người vào, ban ngày thì dùng bài ngà tuyên triệu, có cả cờ lệnh và bài đồng nữa. Nếu không thì không được tự tiện mở đóng cửa doanh.
Ban đêm thì dùng bài vàng song hổ, có cả cờ lệnh và bài đồng. Nếu không có phù vàng, bài ngà thì nhất thiết không được thi hành. Kẻ nào không nhận rõ thực giả, không theo sắc chỉ, thì bị tội theo quân luật”.
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, quân đội chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng ban hành các quy định về hiệu lệnh cờ. Sử triều Nguyễn, bộ “Đại Nam thực lục”, ghi về trận Thế tử Dũng Lễ hầu Nguyễn Phúc Tần đánh thủy quân Ô Lan (tức Hà Lan) ở cửa Eo (cửa Thuận An) năm 1644 như sau: “Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa (Nguyễn Phúc Lan) đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung, ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc xuất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc xuất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía Đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng, phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về”.
Cờ không chỉ dùng cho thuyền quân sự, mà ở Đàng Trong, năm 1700, chúa Nguyễn Phúc Chu còn quy định các sắc cờ cho thuyền vận tải các địa phương. “Đại Nam thực lục” ghi lại: “Hạt Thăng Hoa thì cờ vàng; Điện Bàn cờ xanh; Quảng Ngãi cờ đỏ; Quy Ninh cờ trên đỏ, dưới trắng; Phú Yên cờ trên trắng, dưới đen; còn Bình Khang, Diên Ninh, Bình Thuận, Gia Định thì cờ trên xanh, dưới đỏ để cho dễ nhận”.
Sử triều Nguyễn cũng cho biết quân đội của chúa Nguyễn Ánh cũng dùng cờ và đèn để phát tín hiệu. Năm 1801, khi chúa ở cầu Tân Hội, Quảng Nam, đã hạ lệnh cho các quân chia đắp đồn bảo, đối lũy với quân Tây Sơn và ra sắc chỉ quy định, hễ có báo động ban ngày thì treo cờ hiệu ở trên núi, ban đêm thì đốt đài lửa hiệu để các quân biết mà tiếp ứng nhau.
Sau khi Vua Gia Long lên ngôi, năm Gia Long thứ 11 (1812), nhà vua cũng ban lệnh quy định: “Biền binh ở trại các phía tả, hữu và hậu, ban ngày thấy treo cờ ở trên cột cờ, ban đêm thấy treo đèn lồng thì cũng đều chỉnh bị cờ, trống, súng ống, khí giới ở trước trại để chờ sẵn”.
Quy định chi tiết về các hiệu cờ khi hành quân đường thủy của quân đội nhà Nguyễn được ban hành vào mùa hạ năm Minh Mạng thứ 8 (1827), do Bộ Binh biên soạn, cụ thể: Khi các thuyền thấy cờ Tam tài thì nhổ neo đi; thuyền hiệu lệnh đánh 3 hồi trống, các thuyền theo thứ tự bày hàng nghiêm chỉnh; nếu thấy cờ ấy mà thuyền hiệu lệnh không đánh trống thì phạt 80 trượng; đã đánh trống mà các thuyền không nhổ neo đi thì phạt 50 roi; nếu chưa thấy hiệu cờ tiến hành mà đã vượt thứ tự tiến lên thì phạt 100 trượng.
Khi thấy cờ Thiên địa thì phải theo thứ tự tiến đi; nếu trông ngóng không tiến thì phạt 50 roi. Khi tiến đi, theo đường nước quanh co, khúc sông rộng hẹp, phải cho nghiêm chỉnh hàng ngũ, theo thứ tự mà tiến, nếu trước sau linh tinh, so le lẫn lộn thì phạt 80 trượng.
Khi thấy cờ Tứ định thì phải đi thong thả; nếu vội vàng tranh nhau đi trước, rối loạn trật tự thì phạt 80 trượng. Khi thấy cờ Ngũ hành thì phải đi nhanh; nếu không ra sức theo thứ tự tiến nhanh, đến nỗi thuyền đáng ở trước mà lại lùi về sau thì phạt 50 roi.
Khi thấy cờ Tứ tượng thì phải dừng thuyền mà nghe; nếu không xem xét rõ ràng, cứ hò hét tiến lên thì phạt 80 trượng. Khi thấy cờ Giao thái thì những thuyền đi tuần hôm ấy phải chiếu giang phận mà tuần xét, còn các thuyền khác phải đậu ở bờ mà nghỉ ngơi; làm trái thì phạt 30 roi; nếu chưa thấy hiệu cờ mà đã đỗ vào bờ thì phạt 80 trượng.
Khi thấy cờ Lục hợp thì phải nấu cơm; nếu lệnh ra không theo, lệnh chưa ra mà làm thì phạt 40 roi. Khi thấy cờ Bát quái thì phải thả neo, làm trái thì phạt 40 roi. Những điều trên đều lấy viên quản thuyền chịu trách nhiệm.
Còn khi thấy cờ Nhất thống thì các đại thần thị vệ đến ngay thuyền ngự để nghe lệnh; ai đến sau sẽ hỏi tội nặng.
Cờ là biểu tượng của quốc gia, của quân đội nên thời xưa, vào mùa xuân có lệ tế cờ vào tháng 3. Thời Lê trung hưng, mỗi khi tế cờ, chúa Trịnh trực tiếp ra ngự ở lầu Ngũ Long, các quân dàn cờ và các đồ nghi trượng ngay ngắn, đẩy xe súng đại bác ra hầu. Đến giờ, các đàn tế theo thứ tự làm lễ, trong đó đàn Kỳ đạo, rồi lần lượt bắn súng, nhưng không có đạn, sau đó chiêng, trống, thanh la nổi lên, các đội mở cờ và thét to. Hết lễ, các đội lần lượt thổi tù và, cuốn cờ trở về nơi trú đóng, các quan từ tam phẩm trở lên hầu chúa ở trên lầu, các quan từ tứ phẩm trở xuống lạy dưới sân, chúa ban yến cho các quan.
Lễ xuất quân của quân đội triều Nguyễn dưới thời Vua Gia Long cũng có nghi lễ ban cờ mao tiết cho các tướng rất trang trọng. Ghi chép về lễ xuất quân vào tháng Giêng năm Gia Long thứ 6 (1807) cho biết tuần tự các nghi thức: “Trước kia xuất quân đầu năm, vua thân ra hiệu lệnh, tới nay mới sai quan lãnh cờ mao tiết để thi hành. Đầu tiên đặt nghi tiết thường triều ở điện Cần Chánh, ban cho mỗi quan khâm mạng một cờ mao tiết. Đến ngày, quan khâm mạng mặc nhung phục, trước tiên xuất bộ binh. Trống đánh 3 hồi, bộ binh đánh thanh la mở cờ, đội Trung hầu theo lệ bắn đại bác, các quân bắn súng tay. Trống đánh 3 tiếng, các quân tiến 7 bước, hoan hô 3 tiếng, rồi đánh chuông thu quân. Thứ đến xuất thủy binh và binh tượng mã. Trống đánh 3 hồi, đội Trung hầu bắn đại bác. Trống đánh 3 tiếng tiếp theo, đội Tiểu hầu cử nhạc, thủy binh mở thuyền múa chèo. Binh tượng mã mở cờ tiến đi. Kết thúc thì khua chuông thu quân, vua ngự ở điện Càn Nguyên, trăm quan lạy mừng. Quan khâm mạng phục mạng, nộp cờ mao tiết”.
Ngoài ra, cờ của quân đội còn được sử dụng vào mục đích đặc biệt nữa. Đó là chuyện vào đời Vua Lê Tương Dực, mùa hè năm Hồng Thuận thứ 6 (1514). “Toàn thư” ghi: “Nước lũ rất lớn, hồ ao trong kinh thành có rắn lớn xuất hiện đến 20 ngày. Vua sai đốt pháo, mở cờ, đánh trống để dọa nó”. Tuy nhiên, kết quả đến khá chậm, khi sử cũ cho biết: “Sau 4 tháng rắn mới đi”.