Người xưa trị nạn trộm cướp

Thứ Ba, 28/03/2023, 11:12

Thời phong kiến, pháp luật xử nặng tội cướp, kẻ phạm tội thường bị chém đầu để làm gương cho dân chúng.

Sử sách thời xưa thường chép lẫn những cuộc nổi dậy của nhân dân chống triều đình đều là “giặc cướp”, quy vào tội phản nghịch, ai mắc vào sẽ bị xử tử. Tuy nhiên, hành vi cưỡng đoạt tài sản, dù dùng vũ khí hay không, cũng đều bị xử đến mức nghiêm nhất.

Như thời Lý Thái Tông, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết, vào tháng 12 năm Minh Đạo thứ 2 (1043), vua đến hành dinh Cổ Lãm, xuống chiếu rằng kẻ nào ăn cướp lúa mạ và tài vật của nhân dân, nếu đã lấy rồi thì xử 100 trượng, nếu chưa lấy được mà làm cho người bị thương thì xử tội lưu (tức đày đi xa)”. Đây là chiếu chỉ ban hành sau khi nhà vua đã ban hành bộ “Hình thư”, bộ luật hình sự đầu tiên chế độ phong kiến nước ta được 3 năm. Tiếc rằng bộ hình luật này đến nay không còn lưu giữ được.

Người xưa trị nạn trộm cướp -0
Một kẻ phạm tội bị quan xét xử.

Về luật pháp thời Trần, hiện cũng đã thất lạc. Tuy nhiên, theo các sách Trung Quốc bình luận về luật thời Trần, ban hành niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 13 (1244), đời Vua Trần Thái Tông, có viết: "Theo lời chép trong sách "Khả lao cố sự sao", hình pháp triều Trần khốc liệt lắm: Kẻ trộm cướp và kẻ bỏ trốn đi (mà bắt lại được) thì đem chặt ngón chân, mặc cho phải chịu khổ, hay là đem cho voi giày chết". Hình phạt chặt ngón chân đã bị bãi bỏ khi triều Lê ban hành bộ “Quốc triều hình luật” dưới thời Lê Thánh Tông, còn được nhắc đến với tên gọi “Luật Hồng Đức”.

Trong “Quốc triều hình luật”, Điều 16 trong Quyển IV (Đạo tặc), tức Điều 426 trong tổng mục, quy định: "Những kẻ ăn cướp (nghĩa là ban đêm cầm khí giới giết người lấy của), thủ phạm thì xử chém, tòng phạm thì xử giảo (thắt cổ chết), ngoài việc phải đền tang vật ăn cướp, điền sản phải sung công. Cướp của lại giết người thì xử chém bêu đầu, tòng phạm xử chém, phải nộp tiền đền mạng và phải đền tang vật gấp đôi trả cho nhà chủ bị cướp. Kẻ chứa chấp bọn cướp lâu ngày thì xử đồng tội, mới khoảng 10 ngày thì xử giảm một bậc, đều phải bồi thường một phần ba nộp vào kho. Kẻ biết việc mà không cáo giác thì xử tội đồ làm chủng điền binh (tức lao động khổ sai trong đồn điền của quân đội)”.

Luật Hồng Đức cũng quy định chặt chẽ về trách nhiệm của quan chức địa phương khi xảy ra cướp. Điều 48 trong quyển V (tức Điều 458) quy định: “Ở các phố phường hay ngõ trong kinh thành (làng xã cũng vậy) xảy ra việc cướp mà quan bản phường, quan đương trực (ở làng xã thì là xã quan) không đem người đến cứu và bắt, thì xử tội đồ; người trong phường hay quân lính không đi cứu, thì xử trượng hay biếm (giáng chức). Nếu sức không địch nổi với quân cướp, mà quan phường, quan đương trực ở hạt bên cạnh không cùng hợp sức thì cũng xử tội như thế. Nếu là trộm thì được giảm tội 2 bậc. Nếu có người bị giết mà không đến cứu và bắt hung thủ thì xử theo tội không phó cứu lúc có cướp”.

Nhưng, để hạn chế sự lạm quyền của quan chức địa phương, Điều 51 (461) bộ luật này cũng nêu rõ: “Quan giữ việc bắt trộm cướp, nhân có việc trộm cướp mà vu cáo cho người lương dân để lấy tiền của, thì phải đồ làm chủng điền binh và phải phạt tiền tạ tùy theo việc nặng nhẹ (vu cho người ta ăn cướp thì phạt 20 quan, vu ăn trộm thì tạ 10 quan) và trả cho người bị vu. Nếu bắt giam khiến người bị vu chết thì phải tội giảo (thắt cổ chết) và phải đền mạng như luật định”...

Luật hình thời Nguyễn cũng kế thừa các luật lệ này của triều Lê. Trong bộ hình luật chính thức của triều Nguyễn là “Hoàng Việt luật lệ”, hay còn gọi là Luật Gia Long, Điều 235 "Cưỡng đạo" quy định: "Phàm cướp giật nhưng không lấy được tiền thì phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm; cướp được tiền của người thì không cần chia thủ phạm hay tòng phạm, đều đem chém hết”.

Điều luật này cũng quy định nếu kẻ cướp có tạm thời chống cự và gây thương tích cho người thì dù cướp được của hay không cũng khi bị tóm bắt đều đem chém.

Luật triều Nguyễn xử nặng hơn hành vi ăn cướp có tổ chức. Theo đó, nếu nhóm cướp tập hợp 5 người trở lên thì không kể là cướp trộm được tiền hay không, đều chiếu theo luật cướp của tiền, xử chém ngay. Liền sau đó, làm văn bản tâu lên cho vua quyết đoán là chém bêu đầu để cảnh cáo. Nếu chỉ gây thương tích cho người mà chưa lấy được tiền của thì kẻ đầu sỏ bị chém (nhưng được giam chờ), kẻ a tòng sẽ bị đày đi biên giới xa.

Người xưa trị nạn trộm cướp -0
Cảnh xét xử tội phạm thời xưa.

Kẻ bạo trộm cầm cung tên, quân khí ban ngày ban mặt đón đường, cướp của, nếu tang chứng rõ ràng thì không cần chia ra cướp được nhiều hay ít, được tiền hay không đều y luật xử chém; thủ cấp bị bêu chỗ gây ra cướp bóc để cảnh cáo mọi người. Làm người bị thương nhưng không lấy được tiền của thì kẻ đầu sỏ xử chém (giam chờ), kẻ a tòng đày đi biên giới xa. Nếu chưa lấy được tiền của, chưa làm ai bị thương thì kẻ đầu sỏ đày đi biên giới, đứa a tòng bị đánh 100 trượng, lưu 3.000 dặm. Các hành vi tổ chức đánh cướp lớn trên sông, biển thì chiếu theo luật lệ, chém ngay, bêu đầu.

Luật thời Nguyễn cũng kế thừa luật thời Lê các điều khoản về các việc cấm quan, lính vu cáo người dân là cướp; cấm nghiêm việc thu giữ tang vật từ các vụ cướp; hay xử lý các quan quân không ứng cứu khi có cướp; tuy nhiên với các mức phạt có thay đổi đôi chút.

Thời phong kiến, quân đội kiêm luôn nhiệm vụ của cảnh sát ngày nay trong việc bắt trộm, cướp, truy nã tội phạm. Ngoại trừ các vụ cướp lẻ, thì mỗi khi có nạn đói, triều chính nghiêng ngả, triều đình không quản nổi dân thì hiện tượng cướp bóc lại nổi lên và thường triều đình phải sai các tướng đem quân đánh dẹp. Như vào năm 1208, đời Vua Lý Cao Tông, có nạn đói to, người chết đói nằm gối lên nhau. Triều đình sai tướng Phạm Du coi việc quân ở Nghệ An, nhưng Du làm phản, thu nạp những kẻ vong mệnh và trộm cướp, chia đi cướp bóc các nơi. Vua phải sai Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di đem quân châu Đằng đi đánh dẹp.

Người xưa trị nạn trộm cướp -0
Cảnh xét xử tội phạm thời xưa.

Thời Lý Huệ Tông, Lê Tương Dực các vua không quan tâm đến chính sự, nên giặc cũng cướp nổi dậy khắp nơi, quân triều đình dẹp không xuể.

Có một vụ ăn cướp kéo dài đến 20 năm đã bị phá diễn ra vào thời Lê trung hưng, dưới triều vua Lê Hy Tông. Sử chép, dân xã Đa Giá Thượng (nay thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình), do đường núi hiểm trở, lại nhiều hang hốc ở khu vực động Định Lộng, nên đã bàn nhau đặt điếm canh, hễ có người đi lại hoặc ngủ trọ thì nhân ban đêm đón đường giết chết, vứt xác vào trong hố mà cướp lấy của cải. Việc này đã trải hơn 20 năm, xương trắng chứa chất thành đống. Đến năm 1694, việc mới bị phát giác, triều đình sai Thạc quận công Lê Hải đi khám xét, bắt được đồ đảng tất cả lên tới 290 người, đem chém và bêu đầu 52 tên hung ác đầu sỏ, còn những người khác đều đem chặt ngón tay rồi lưu đi viễn châu, sau đó xóa bỏ tên làng của xã này.

Tuy nhiên, thời xưa cũng có những tấm gương các vị quan điều tra vụ cướp một cách cẩn trọng, không xử oan người vô tội. Đó là chuyện diễn ra đời Vua Trần Minh Tông, cũng xảy ra nạn trộm cướp bắt đầu hoành hành. Có tên Văn Khánh được xem là đầu sỏ một băng cướp. Triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt mà không được. Bỗng một ngày, có người khai bắt được Văn Khánh và mang nộp cho quan. Ai cũng tin đây đúng là tên tội phạm nguy hiểm đang bị truy lùng. Duy nhất, quan Hình Bộ Lang trung Phí Trực nghi ngờ, ông cho rằng tên tướng cướp đầu sỏ không thể bị bắt dễ dàng thế, lại còn khai ngay là Văn Khánh chứ không chối quanh trong khi hắn phải thừa biết sẽ phải nhận cái chết đau đớn.

Thượng hoàng Trần Anh Tông biết chuyện đã hỏi và Phí Trực trả lời: “Mạng người rất trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết”. Lần sau cũng vậy, thượng hoàng giận bảo: “Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi”. Phí Trực tâu: “Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ”. Một tháng sau, tên Văn Khánh thật bị bắt, thượng hoàng lúc đó công nhận tài phân tích của Phí Trực.

Thời Nguyễn, ở các vùng có cướp, triều đình cho đặt một bảo (đồn binh nhỏ) để phòng giữ, bắt cướp, trách nhiệm như các đồn cảnh sát sau này. Như năm Gia Long thứ 15 (1816), quan Bắc Thành thấy đất ở Tiên Lệ (nay là huyện Lục Nam, Bắc Giang) kế đường quan lộ, thường có bọn cướp lén lút quấy nhiễu người đi đường, xin đặt bảo ở đấy để phòng giữ. Điều này được Vua Gia Long y cho.

Hoặc, cuối năm 1819. Vua Gia Long cũng hạ lệnh cho hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An xét các bảo ở các phủ trong hạt, chỗ xung yếu thì lấy binh trấn 80 người, ngoài ra 50 người hoặc 30 người, lệ theo quan phủ sai phái để bắt giặc cướp.

Không phải lúc nào những người dân cùng cực tụ tập cướp bóc đều bị xử tội. Như khi Lê Văn Duyệt tuân lệnh Vua Gia Long đi diệt giặc cướp ở Nghệ An, sau khi tìm hiểu tình hình, đã dâng sớ nói: “Xét về cớ đến nỗi như thế thì có hai mối là quan thì không có tài năng vỗ trị, lại thi đua nhau tham lam tàn ngược. Dân đi trộm cướp là do đấy cả. Xin chọn quan trấn khác để vỗ yên dân. Lại tha cho thuế đã giục, dừng hẳn công dịch, để thỏa lòng mong mỏi của dân”. Vua đều theo lời tâu này.

Lê Tiên Long
.
.