Người Việt đào kênh mở đường như thế nào?

Chủ Nhật, 19/09/2021, 13:43

Thời xưa, đường bộ ở nước ta còn chưa thông suốt, nhất là chưa có cầu bắc qua các sông lớn, nên di chuyển bằng đường thủy vẫn là thuận tiện nhất. Do đó, hầu hết các triều đại phong kiến nước ta đều có động thái đào, vét sông, kênh để mở mang đường thủy.

Qua sử sách của triều Nguyễn, ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu chi tiết về việc đào các kênh ở đồng bằng Nam Bộ, như kênh Bảo Định, kênh Vĩnh Tế… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đào kênh mở đường ở nước ta đã có từ thời Bắc thuộc, cách nay trên 1.150 năm.

Cao Biền 'mượn uy trời' đào kênh

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", từ thời nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, đời vua Đường Ý Tông, tháng giêng năm Đinh Hợi, niên hiệu Hàm Thông thứ 8 (867) Tiết độ sứ nhà Đường cai trị nước ta là Cao Biền đi tuần thị đến hai châu Ung, Quảng thấy đường kênh từ Giao Chỉ sang Quảng Đông có nhiều đá ngầm làm đắm thuyền, vận chở không thông, bèn sai bọn Nhiếp trưởng sử Lâm Phúng, Hồ Nam tướng quân Dư Tồn Cổ đem quân bản bộ và thủy thủ hơn nghìn người đến đục đá khai đường.

Cao Biền bảo tùy tùng rằng: "Đạo trời giúp người thuận, thần linh phù kẻ ngay. Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu mình không theo lòng riêng thì có gì khó. Các đô hộ thời trước không khao thưởng quân sĩ, giữ phép không vững, làm sai lời hứa, trái ước hẹn, mưu lợi riêng, cho nên mọi người đều trễ biếng. Nay ta không như thế, chỉ cốt làm cho xong việc của nhà vua mà thôi". Cao Biền nói xong, bọn Phúng vâng lệnh đi ra. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 5, khởi công khơi đào, trong khoảng hơn 1 tháng, thì kênh gần được thông suốt.

"Toàn thư", có lẽ chép lại từ sử liệu của nhà Đường, ghi lại một câu chuyện về việc Cao Biền khắc phục khó khăn trong việc đào kênh có phần ly kì và làm nổi bật năng lực kỳ lạ của Cao Biền, nhưng cũng là một nguồn sử liệu cho chúng ta biết về tình hình đào kênh mở đường thời đó: "Duy ở quãng giữa kênh có hai chỗ đá lớn quanh co chắn ngang đến mấy trượng, đục xuống thì quằn đục, dùng búa thì gãy cán, người làm việc cả ngày nhìn nhau, công việc cơ hồ bỏ dở".

Trong mấy thế kỷ gần đây, việc đào kênh mương khi gặp đá lớn thường được xử lý bằng thuốc nổ. Tuy nhiên, từ thời Đường, chưa thấy sử sách viết về loại vật liệu này. Do đó, chúng ta chỉ tạm thời đọc những gì sử viết để tham khảo: "Ngày 26 tháng 5, đương ban ngày bỗng nhiên mây dồn, gió nổi dữ dội, trông vào rừng tối như đêm, ngửa bàn tay không nhìn thấy, chốc lát hàng trăm tiếng sét nổ vang trời ở chỗ đá lớn, chỉ trong khoảnh khắc trở lại bừng sáng. Người làm việc chạy tới xem thì thấy các khối đá đã bị tan nát cả. Về phía tây lại gặp hai chỗ đá lớn dựng đứng, người làm cũng phải chịu bó tay. Ngày 21 tháng 6 lại có sét đánh như trước, chỉ trong một lúc đá lớn đều bị tan vụn cả. Kênh bèn đào xong, vì thế gọi là kênh Thiên Uy (tức là nhờ uy trời)".

Khi chép lại đoạn sử trên của "Toàn thư", các sử quan triều Nguyễn biên soạn bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" đã nhận xét rằng kênh ấy không thuộc địa phận nước ta, mà có thể là ghềnh Bắc Thú, ở huyện Bác Bạch, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay".

Bình luận về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê viết rằng: "Việc Cao Biền đào kênh sao mà kỳ dị thế? Đó là việc làm hợp lẽ, cho nên được trời giúp. Trời là lẽ phải. Đất có chỗ hiểm, chỗ bằng, đó là lẽ thường. Sức người có thể vượt hiểm được, đó cũng là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt được thì trời phải nhờ đến tay người làm gì? Vua Vũ trị thủy, nếu không hợp lẽ thì trời do đâu mà tác thành được? Đất do đâu mà bằng phẳng được? Công hiệu đến mức rùa sông Lạc hiện điềm lành, thế không phải là trời giúp ư?".

Ngô Sĩ Liên là người rất tin vào thuyết Thiên mệnh, nên ông bình luận: "Xem như lời của Cao Biền nói: "Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu không theo lòng riêng thì có gì khó". Lòng thành phát ra từ lời nói, thì lời nói ấy há chẳng là thuận ư? Lòng tinh thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời? Việc gì trời đã giúp sức là thuận. Kinh Dịch nói: "Giữ điều tín mà nghĩ điều thuận, thì trời sẽ giúp cho, đều tốt cả, không có điều gì bất lợi". Thế thì việc sét đánh đá lớn để giúp chẳng có gì là lạ cả".

bo-3-thai-giam-quyen-cao-chuc-trong-ai-ai-cung-ne-so-trong-lich-su-viet-nam-147810192215398-l--2-1501124665-width660height477.jpg -0
Khi đem quân vào Quảng Bình, Lý Thường Kiệt đã cho nạo vét nhiều con kênh.

Mở mang thời Tiền Lê

Ngày nay, đi dọc Bắc Trung Bộ, chúng ta vẫn còn thấy dấu vết của những con kênh nhà Lê, nối từ Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An và Hà Tĩnh. Thời đó, biên giới nước ta đường bộ đến chân Đèo Ngang, đường biển cũng chỉ đến cửa Nam Giới. Các vua nước ta mỗi khi đem quân đi chinh phục Chiêm Thành, dùng đường thủy vẫn là tiện lợi nhất. Do đó, sử cũ cho biết, năm 983, vua Lê Hoàn cho đào kênh từ sông Mã qua núi Đồng Cổ (huyện Thiệu Yên, Thanh Hóa) đến sông Bà Hòa (nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Cụ thể, trong "Toàn thư" chép rằng: "Khi vua đi đánh Chiêm Thành, qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong, thuyền bè đi lại đều được thuận tiện". Năm 1003, vua Lê Hoàn tiếp tục cho đào kênh Đa Cái nối tới Hà Tĩnh.

Từ sông Bà Hòa đổ ra cửa Bạng, quân lính của nhà Tiền Lê đào mới một đoạn kênh thẳng ở vùng Mai Lâm, để uốn thẳng dòng sông chảy men theo khe nước lạnh vào đất Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tiếp đó, vào năm Quý Mão (1003), vua Lê Hoàn đi Hoan Châu (Nghệ An), đã sai đào kênh Đa Cái nối kênh Sắt ở bắc Nghệ An với sông Lam. Nhờ vậy, từ đó đi từ vùng sông Mã (Thanh Hóa) đến vùng sông Lam (Nghệ An) ngoài tuyến đường bộ và đường biển đã hình thành thêm một tuyến đường thủy nội địa an toàn, thuận tiện.

Ở phía Bắc, đường sông đã thông thẳng từ kinh đô Hoa Lư ra các cửa biển. Do đó, năm 990, khi nhà Tống sai Tống Cảo, Vương Thế Tắc sang sắc phong cho vua Lê Hoàn, ta thấy rằng "Vua cho quân ra đón, theo cửa biển mà vào, nửa tháng đến sông Bạch Đằng, theo nước triều mà đi. Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe".

Sang thời vua Lê Ngọa Triều, năm 1008, có Ngô đô đốc và Kiểu hành hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long (huyện Nga Sơn, Thanh Hóa ngày nay) qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung. Sau vua Lê Ngọa Triều đích thân đi Ái Châu, khi đến sông Vũ Lung, nghe tâu rằng người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhà vua đã cho đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại.

Mùa thu năm sau, khi vua Lê Ngọa Triều lại thân đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà, sử cũng ghi việc thuyền rồng của vua từ cửa Hoàn (tức cửa Nam Giới) ra ngoài biển. Tuy nhiên sử cũng cho biết "sau đó sợ đường biển khó khăn nguy hiểm đi đường bộ về kinh sư".

Hệ thống sông ngòi chính là con đường vận chuyển khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên kinh đô thành Thăng Long sau đó.

Lý, Trần, Lê đưa kênh mương nối dài vào Thuận - Hóa

Những con kênh, mương nối với sông lớn tiếp tục được mở thêm dưới thời nhà Lý, để thuận tiện việc đi lại. Năm 1075, thời Lý Nhân Tông, khi Thái úy Quốc công Lý Thường Kiệt đem quân vào vùng Quảng Bình, đã tiến hành nạo vét các con hói (kênh mương nhỏ) nhỏ như hói Di Luân, Xuân Kiều, Ngoại Hải. Tháng 11 năm 1161, vua Lý Anh Tông sai Tô Hiến Thành làm Đô tướng, Đỗ An Di làm phó, đem 2 vạn quân đi tuần các nơi ven biển tây nam, để giữ yên miền biên giới. Vua thân đi tiễn đến cửa biển Thần Đầu ở Đại An (tức cửa biển Thần Phù, Nga Sơn, Thanh Hóa) mới trở về.

Qua thời Trần, ngay từ những năm đầu tiên của triều đại đã chú trọng việc khai thông đường thủy. "Toàn thư" cho biết: "Năm Tân Mão (1231), mùa xuân, tháng giêng, vua Trần Thái Tông sai Nội minh tự là Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) trông coi các binh hữu đường phủ, đào vét các kênh Trầm và Hào từ phủ Thanh Hóa ("Cương mục" ghi chú hai kênh này ở huyện Tĩnh Gia) đến cõi Nam Diễn Châu". Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu”.

Ở thời Lê, các vua thường xuyên từ kinh thành Thăng Long về thăm Lam Kinh bằng thuyền, và các kênh liên quan đến hệ thống sông Mã liên tục được nạo vét. Năm 1438, vua Lê Thái Tông tiếp tục cho khơi đào các kênh ở Thanh Hóa và Ninh Bình. Năm 1445, Lê Nhân Tông sai các quan đốc thúc quân lính đào các kênh ở lộ Thanh Hóa và Nghệ An. Năm 1467, thời  vua Lê Thánh Tông, "Toàn thư" cho biết có sự kiện "Khơi đào kênh Sen ở Thuận Hóa và các kênh ở Thanh Hóa, Nghệ An".

Kênh Sen nối từ Ngò (Lệ Thủy, Quảng Bình) vào sông Sa Lung ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã được nhà Hồ đào từ năm 1402, nhưng do địa chất vùng này là cát và bùn, đào đến đâu bị sụt lở và lấp đến đó, nên kế hoạch phải dỡ bỏ. Đến khi Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành năm 1471, muốn khơi lại mà không thành. Câu chuyện khơi kênh Sen của nhà vua để lại giai thoại ở địa phương về miếu ông Bản ở làng Thủy Liên, Lệ Thủy, mang tên người vì căn ngăn vua đừng nạo kênh mà bị chém đầu.

Đến cuối triều Lê, năm 1744, vua Lê Hiển Tông tiếp tục cho khơi kênh từ Thanh Hóa vào Nghệ An. Hệ thống các tuyến sông này hiện vẫn được gọi là sông Nhà Lê mà chúng ta có thể thấy ngay gần với quốc lộ số 1. Đây được xem là tuyến đường giao thông thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

Lê Tiên Long
.
.