NATO, sau giấc ngủ 45 năm

Thứ Bảy, 26/02/2022, 08:55

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn nhấn mạnh rằng họ là một liên minh phòng thủ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự thuần túy cũng như trong rất nhiều khía cạnh khác của cuộc đời, đôi khi “tiến công chính là cách phòng ngự hiệu quả nhất”. Mặc dù vậy, cũng phải đợi tròn 45 năm sau khi thành lập, NATO mới có những hành động quân sự đúng nghĩa đầu tiên.

Từ sứ mệnh Bosnia

Đó là ngày 28-2-1994, khi cuộc xung đột ở Bosnia chuẩn bị khép lại giai đoạn thứ nhất, để chuyển sang giai đoạn thứ hai đẫm máu và khốc liệt hơn. Ngày hôm đó, bốn chiếc máy bay của không quân Serbia bị xác nhận vi phạm vùng cấm bay do Liên Hợp Quốc quy định, tiến vào không phận Bosnia. Do đó, những đơn vị không quân của NATO đã bay lên đón đánh, và bắn hạ phi đội ấy, mở đầu chiến dịch quân sự mang tên Cấm bay (Deny Flight Operation).

Hai tháng sau, tháng 4-1994, máy bay NATO lần đầu tiên ném bom các mục tiêu mặt đất trong một chiến dịch gần Goražde. Như NATO tự đánh giá: Những cuộc giao tranh này cho thấy NATO đã thích nghi với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, và có thể tiến hành các hoạt động quân sự trong những môi trường tương đối xa lạ, như các vùng đồng bằng Trung - Đông Âu. Sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và NATO trong quá trình hoạt động cũng giúp mở đường cho các hoạt động chung trong tương lai.

NATO, sau giấc ngủ 45 năm -0
NATO đang tìm lại lý do cốt lõi để tồn tại, đặc biệt là sau cuộc triệt thoái hỗn loạn khỏi Afghanistan.

Vấn đề là, mặc dù giúp siết chặt mối liên kết Liên Hợp Quốc – NATO, nhưng các hoạt động của không quân NATO ở cuộc chiến tranh Balkan lần này, ở một phương diện khác, cũng làm nảy sinh những bất đồng giữa hai tổ chức. Đáng chú ý nhất, căng thẳng đáng kể đã nảy sinh giữa hai bên, sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bị bắt làm con tin để đáp trả cuộc ném bom của NATO.

Nhưng dù sao, kể từ dấu mốc ngày 28/2/1994 cho đến khi cuộc chiến này thực sự kết thúc (ngày 14/12/1995), sự tham chiến của quân đội NATO vẫn là một trong những yếu tố then chốt, tác động đến kết quả cuối cùng thể hiện ở Hòa ước Dayton (được ký kết ngày 21/11/1995).  Nhờ hòa ước ấy, những tấn bi kịch chết chóc, tang thương, cướp bóc, hãm hiếp, thảm sát… cuối cùng cũng đã khép lại, và đất nước  Bosnia – Herzegovina (với phần đông dân chúng theo Hồi giáo) cũng vẫn tồn tại như một quốc gia độc lập, giữa sức ép từ cả Croatia Thiên Chúa giáo La Mã và Serbia Chính thống giáo.

Từ ngày 20/12/1995, NATO bắt đầu triển khai 60.000 quân để thực hiện Hòa ước Dayton. Lực lượng NATO đã tiếp quản nhiệm vụ này từ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, những người đã chứng tỏ vai trò then chốt trong việc phân phối viện trợ nhân đạo cho thường dân Bosnia. Lực lượng NATO, với sự hỗ trợ của Mỹ và việc tập trung vào thực hiện thỏa thuận Dayton, đã chứng minh họ thành công hơn trong việc duy trì hòa bình tại những vùng bị chiến tranh tàn phá. Nói cách khác, lính NATO thiện chiến hơn, sẵn sàng hành động hơn, và hành động mạnh tay hơn để trấn áp các nguy cơ.

Thí dụ, như việc nhiều lần không kích các căn cứ quân sự của Serbia trên đất Bosnia – một hoạt động tiêu biểu cho lý thuyết “lấy tấn công làm phòng thủ”. Nhưng cũng bởi vậy, chính các cuộc oanh tạc này, đến lượt mình, lại tạo nên các thảm trạng, như cuộc không kích kéo dài 78 ngày trong chiến dịch mang tên “Sức mạnh liên minh”, cướp đi mạng sống của khoảng 2.500 người (trong đó có 88 trẻ em) ngày 24/3/1999. Cũng dễ hiểu, vì sao đến tận thời điểm này, Serbia vẫn chưa từng bày tỏ nhu cầu gia nhập NATO như nhiều người “hàng xóm láng giềng Đông Âu” khác.

Sau Nam Tư (Serbia & Montenegro) năm 1999, NATO không bao giờ còn “ngủ yên” như trong 45 năm đầu thành lập nữa. Chúng ta có thể kể tới những cuộc tấn công (bao gồm cả oanh kích lẫn đổ bộ) vào Afghanistan năm 2001, Iraq năm 2003, hay Lybia năm 2011… Và do đó, việc định nghĩa NATO là một liên minh phòng thủ, thực chất, cũng chỉ là một tấm vỏ ngôn từ.

Đến nhu cầu về một đối thủ

Vì sao suốt 45 năm ấy, quân đội NATO không một lần chính thức “động binh” với danh nghĩa là hoạt động chung của toàn khối? Có lẽ, lý do lớn nhất là bởi suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh ấy, đứng đối diện với NATO luôn là một đối trọng đáng gờm: Khối Hiệp ước Warsawa – tổ chức liên minh quân sự do Liên Xô dẫn đầu. Tính chất “kình địch” và các cuộc chạy đua vũ trang giữa hai khối đã luôn là những diễn biến chính của Chiến tranh Lạnh.

Đáng lưu ý, ở thời điểm ra đời, NATO không hẳn đã là một liên minh quân sự, mà giống với một liên minh chính trị - nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô cũng như chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, những kết cấu quân sự hợp nhất đã nhanh chóng được kiện toàn, để NATO “thay hình đổi dạng”. Thậm chí, bất chấp cả việc nước Pháp rút khỏi Bộ Chỉ huy quân sự NATO (từ năm 1966 đến tận năm 2009 mới quay trở lại), NATO vẫn là một tổ chức gắn bó chặt chẽ, với ý thức rõ ràng về một đối tượng – một mối hiểm họa chung mà tổ chức này “quán triệt” tới mọi thành viên.

 Chính vì vậy, hai lần Liên Xô ngỏ ý muốn gia nhập NATO – lần đầu không chính thức, trong một cuộc họp tại Paris vào năm 1951, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô khi ấy là A.A.Gromyko nói rằng nếu NATO được thành lập chỉ với mục tiêu phòng ngừa các mối nguy; và lần thứ hai vào ngày 31/3/1954, Bộ Ngoại giao Liên Xô chính thức đề đạt nguyện vọng gia nhập NATO nhằm xây dựng một nền an ninh chung – thì cả hai đều bị từ chối. Dĩ nhiên, với giới quan sát quốc tế, Liên Xô không bao giờ “ngây thơ” đến độ tin rằng đề nghị của mình sẽ được chấp nhận, và những lời đề nghị đó thực chất cũng chỉ là những ngón đòn ngoại giao tinh tế. Song, dù thế nào, chi tiết này cũng đã phác họa bản chất của các mối quan hệ, cũng như nguyên nhân đích thực để NATO hiện hữu.

NATO, sau giấc ngủ 45 năm -0
Không quân NATO trên bầu trời Bosnia.

Sau Chiến tranh Lạnh, Khối Hiệp ước Warsawa giải thể (năm 1991), thế giới trở nên đơn cực, với sự thống trị của hệ giá trị phương Tây. Sức mạnh quân sự của NATO trở thành “vô địch” trong một thời gian rất dài, không thể bị kiềm tỏa bởi bất cứ đối thủ nào. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, thế giới tiến vào một quỹ đạo tái định hình trật tự mới đa cực. Do đó, nhu cầu vô hình về những đối tượng để hướng đến, những nguy cơ đủ sức giữ các đồng minh cùng nhìn về một hướng, thậm chí là những cuộc “tập trận” trên chính các thực địa chiến trường… cũng lại đang ngày một trở nên cấp thiết.

Sự chia rẽ nội khối ở NATO, thời gian gần đây, mỗi lúc lại nhiều thêm những tín hiệu báo động. Trong lập trường giữa hai bờ Đại Tây Dương, trong quan điểm của trục Washington – Luân Đôn với trục Paris – Berlin, hay trong cách ứng xử “ngang ngạnh” xuất phát từ những xung đột lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ…, không phải ngẫu nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng thốt lên rằng NATO đã… “chết não”, đồng thời thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho việc ra đời một “Quân đội châu Âu” riêng biệt. 

Còn lý do cốt lõi nào hiện hữu, để chính NATO vẫn còn tồn tại với tôn chỉ chung thống nhất không? Với câu hỏi ấy, câu trả lời thích hợp nhất dường như vẫn là việc tạo nên những kẻ thù mới, với hình ảnh được xây dựng mang màu sắc ác quỷ, đầy tham vọng xấu xa, như đã từng có suốt 45 năm. Một cách lạnh lùng, điều này được gọi là “sự cân bằng chiến lược” giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu.

* Chiến dịch Deny Flight bắt đầu với tư cách là việc thực thi vùng cấm bay của Liên hợp quốc trên Bosnia và Herzegovina. Liên hợp quốc và NATO sau đó đã mở rộng nhiệm vụ của chiến dịch bao gồm hỗ trợ không quân chặt chẽ cho quân đội Liên hợp quốc ở Bosnia, và thực hiện các cuộc không kích cưỡng bức nhằm vào các mục tiêu ở Bosnia. Mười hai thành viên NATO đã đóng góp lực lượng cho chiến dịch và tính đến cuối ngày 20/12/1995, các phi công NATO đã thực hiện 100.420 phi vụ.

* Trong chiến dịch “Sức mạnh liên minh,” các máy bay NATO đã phóng tổng cộng 2.300 quả tên lửa nhằm vào 990 mục tiêu quân sự và dân sự trên lãnh thổ Nam Tư, bao gồm cả thủ đô Belgrade và tỉnh Kosovo (nay đã tách ra thành quốc gia độc lập). Trung bình mỗi thành phố tại Nam Tư khi ấy (chỉ còn bao gồm Serbia và Montenegro) phải hứng chịu 14.000 quả bom; riêng thủ đô Belgrad đã phải trải qua 212 trận ném bom lớn nhỏ. Chiến dịch quân sự này có sự tham gia của 19 quốc gia thành viên NATO ở các mức độ khác nhau, là cuộc không kích lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Thiên Thư
.
.