Mỹ - Xô những ngày "nồng ấm" và chiếc "van an toàn" giữa 2 siêu cường

Chủ Nhật, 29/05/2022, 14:27

Sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine, quan hệ Nga - Mỹ nhanh chóng xấu đi, gây ra nhiều hệ lụy với thế giới. Thế nhưng tròn 50 năm trước, đã có 9 ngày liền lá cờ sao của nước Mỹ tung bay trên nóc Điện Kremlin, còn nguyên thủ quốc gia của hai siêu cường thảo luận về cách họ sẽ cố gắng "chung sống hòa bình".

Chuyến công du lịch sử

Đó là ngày 29/5/1972, tròn 50 năm về trước, ngay trong Chiến tranh Lạnh. Như trang Russian Beyond xác nhận năm 2021, suốt 9 ngày liền, quốc kỳ Mỹ được treo tại Điện Kremlin, theo lệnh của Tổng bí thư Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết khi ấy - Leonid Brezhnev. Và hành động đó được thực hiện để đánh dấu một sự kiện chưa từng có tiền lệ: Chuyến công du lịch sử của tổng thống Mỹ Richard Nixon.

Cho đến thời điểm ấy, kể cả những lần kề vai sát cánh với nhau trong phe Đồng minh chống phát-xít trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai, cũng chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ được chào đón tại Liên Xô với sự trang trọng đến mức độ đó. Thậm chí, vào ngày 22/5/1972, đón Tổng thống Nixon tại sân bay Vnukovo ở thủ đô Moskva, là những "yếu nhân" hàng đầu của Liên Xô: Tổng Bí thư Brezhnev, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Nikolai Podgorny.

Theo Russian Beyond, phía Liên Xô đã chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết cho chuyến thăm này. Để sân bay Vnukovo bớt "trống trải", ngoài giới chức Liên Xô, đội danh dự gồm đại diện các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân theo nghi thức ngoại giao, còn có sự xuất hiện của các thanh, thiếu niên Liên Xô. Các thanh, thiếu niên này ban đầu dự kiến sẽ cầm trong tay những tấm biển với các khẩu hiệu như "tình hữu nghị", "thương mại tốt hơn chiến tranh", nhưng kế hoạch này sau đó đã bị hủy bỏ, chỉ còn vẫy quốc kỳ hai nước.

Từ sân bay Vnukovo, đoàn xe chở Tổng thống Nixon hướng về Điện Kremlin theo một tuyến đường đã được tính toán kỹ lưỡng. Theo lời kể của ông Viktor Sukhodrev, phiên dịch viên của các nhà lãnh đạo Liên Xô trong các cuộc làm việc chính thức với phía Washington, các con phố dẫn đến Điện Kremlin đều treo cờ Mỹ và Liên Xô. "Tuy nhiên, trên đường phố lại không có sự hiện diện của những đám đông người dân Moscow náo nhiệt vốn thường được bố trí để chào đón lãnh đạo các nước bạn bè. Ngoài ra, ngay cả những người đi bộ cũng không được phép tập trung trên vỉa hè. Tất cả những việc này đã được thống nhất từ trước", ông Sukhodrev hồi tưởng.

210321-lienxo1.jpg -0
Chuyến công du lịch sử.

Lằn ranh không được phép vượt qua

Vì sao Richard Nixon quyết định đến Moskva?

Trước hết, đây là kết quả của nhiều diễn biến đáng chú ý trong suốt 5 năm trước đó. Tháng 1/1967, Mỹ và Liên Xô thống nhất hợp tác với dự án vũ trụ Soyuz-Apollo. Đến tháng 6 cùng năm, Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin đến thăm Mỹ. Tháng 12/1967, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thành lập Viện nghiên cứu Canada và Mỹ. Năm 1969, Liên Xô và Mỹ đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược ở Helsinki (Phần Lan). Tháng 9/1971, đường dây nóng giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng được thiết lập. Thời điểm này, Mỹ và Liên Xô cho rằng cuộc đua vũ khí hạt nhân cần chấm dứt và hai bên nên xây dựng cầu nối quan hệ ngoại giao.

Như vậy, cũng có thể nói như dư luận chung từ giới nghiên cứu chính trị quốc tế phương Tây, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Moskva "với mục đích hòa giải" (History.com). Song, rõ ràng, "mục đích hòa giải" ấy lại xuất phát từ những đòi hỏi cụ thể trong thực tế.

Tròn 10 năm trước đó, mối quan hệ ngoại giao Xô - Mỹ lên đến đỉnh điểm căng thẳng, với "Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba". Thậm chí, quân đội hai bên đã "trừng mắt nhìn thẳng vào nhau", với những đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được phóng. Và vào lúc đó, thế giới cũng đã đứng mấp mé trên lằn ranh tự hủy diệt, khi chưa ai quên được sức tàn phá khủng khiếp mà những quả bom nguyên tử tạo nên ở Hiroshima hay Nagasaki năm 1945.

Chính vì vậy, việc thiết lập một cơ chế kiểm soát nhằm giảm nguy cơ đối đầu hạt nhân xuống mức tối thiểu - giữa hai cực của thế giới khi ấy - trở thành nhu cầu vô cùng bức thiết. Nhu cầu ấy xuất phát từ chính lợi ích cốt lõi của cả Liên Xô lẫn Mỹ, bởi thượng tầng chính trị ở cả hai siêu cường đều hiểu rất rõ: bất cứ cuộc xung đột hạt nhân nào cũng sẽ tạo nên những hệ lụy không thể cứu vãn.

Trong 9 ngày ở Liên Xô, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Bí thư Brezhnev đã ký kết 8 văn kiện quan trọng, bao gồm Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, Hiệp ước Hạn chế vũ khí chiến lược SALT-1 cũng như thỏa thuận song phương về hợp tác khoa học, vũ trụ, y dược và bảo vệ môi trường. Trong đó, SALT-1 là thỏa thuận quan trọng nhất.

Sau chuyến công du 9 ngày "độc nhất vô nhị" của tổng thống Mỹ Richard Nixon đó, một thời kỳ "hòa bình" (hiểu theo nghĩa tương đối) được kéo dài đến tận năm 1979, khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Nhưng, thực ra, nó đã thiết lập những cơ sở cần thiết cho các cơ chế kiểm soát vũ khí lẫn nhau giữa hai phía, cụ thể hóa bằng các hiệp ước tiếp nối như SALT-2 (ký kết ngày 18/6/1979, giữa tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng Bí thư Brezhnev); ba Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1, 2 và 3); Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NNPT, ký năm 1968, được 187 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia); hay Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF, ký năm 1987 giữa Mỹ với Liên Xô).

f570d8f9-a946-46fe-8024-0828ad8df176.jpg -0
SALT-1 - sự cân bằng vô giá.

SALT-1 và sự cân bằng vô giá

Từ ngày 17/11/1969, các nhà đàm phán từ Liên Xô và Mỹ đã gặp nhau tại Helsinki để bắt đầu các cuộc đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược (Strategic Arms Limitation Talks, SALT). Cuộc họp này là đỉnh điểm của nhiều cuộc thảo luận giữa hai bên liên quan đến các biện pháp để hạn chế cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.

Ba năm tiếp đó, cho đến tận tháng 5/1972, các cuộc thảo luận tập trung vào hai hệ thống vũ khí chính: tên lửa đạn đạo (ABM) và tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRVs- tên lửa với nhiều đầu đạn, mỗi loại có khả năng tấn công các mục tiêu khác nhau).

Vào thời điểm đàm phán bắt đầu, Liên Xô đã nắm giữ một lợi thế nhỏ về công nghệ ABM. Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng vượt lên trong việc phát triển MIRVs. Theo quan điểm của Mỹ, việc kiểm soát ABM là chìa khóa. Tuy vậy, thực tế là nếu Liên Xô có thể bắn hạ tên lửa Mỹ trước khi chúng tấn công được mục tiêu, tác dụng của MIRVs sẽ bị hạn chế. Vì Liên Xô dẫn đầu về số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), nên một hệ thống ABM hiệu quả của Liên Xô cũng vẫn luôn là một mối đe dọa ghê gớm.

Nhưng, nhìn từ phía ngược lại, Liên Xô cũng có đầy đủ lý do để lo lắng về sự phát triển của công nghệ MIRVs. Không chỉ các tên lửa MIRV có công nghệ cao hơn vũ khí của Liên Xô, mà chuyện liệu ngay cả một hệ thống ABM tiên tiến có thể bảo vệ được Liên Xô khỏi loại tên lửa này hay không cũng vẫn là bài toán không thể có đáp án chính xác. Và do đó, hai phía đều cảm thấy cần phải thảo luận về những gì dường như là "một cuộc đua vũ trang không bao giờ kết thúc".

Những nỗi e sợ dành cho nhau giữa hai siêu cường ấy, cuối cùng, lại trở thành động lực hoàn hảo để Liên Xô và Mỹ cùng chấp nhận một cơ chế cân bằng cần thiết. Nhìn rộng ra, các hiệp ước kiểm soát vũ khí mà Washington và Moskva có được sau đó, kể cả cho đến khi Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, cũng không chỉ có lợi cho riêng họ. Quân đội Mỹ và quân đội Liên Xô (cũng như quốc gia thừa kế là Nga) tránh giảm thiểu đến tận cùng nguy cơ xung đột trực diện, song nhờ vậy, thế giới cũng tạm thời không phải lo lắng quá nhiều về các thảm họa đến từ việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh.

Song, hiện tại, giữa Nga và Mỹ, chỉ còn tồn tại duy nhất một chiếc "van an toàn": Hiệp ước New START (mới được tái gia hạn 5 năm vào tháng 2/2021). Và hiện tại, khác xa với quá khứ, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn, thường xuyên hơn, công khai hơn…

* "Hiệp định SALT-1 giới hạn mỗi quốc gia không được có hơn 100 bệ phóng ABM tại mỗi địa điểm do họ lựa chọn. Vũ khí tấn công cũng bị hạn chế. Mỹ chỉ được sở hữu 1.000 ICBM và 710 SLBM; Liên Xô có thể có tối đa 1.409 ICBM và 950 SLBM. Chính quyền Tổng thống Richard Nixon đã biện hộ sự chênh lệch rõ ràng này bằng cách lưu ý rằng hai bên đã không đưa ra thỏa thuận gì về MIRVs. Các tên lửa của Mỹ, dù ít về số lượng, nhưng lại có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.

* "Chuyến thăm lịch sử của Nixon tới Moskva được giới quan sát quốc tế xem là "Cơ sở của sự hợp tác giữa Liên Xô và Hoa Kỳ". Cả hai bên đều nhận ra rằng sống chung hòa bình của hai cường quốc là cơ sở chấp nhận duy nhất cho mối quan hệ. Ngoài ra, cả hai quốc gia có trách nhiệm ngăn chặn xung đột địa phương, có nhiệm vụ kiềm chế và giải quyết sự khác biệt bằng biện pháp hòa bình.

Thiên Phong
.
.