Màu nâu xa xỉ đến từ xác ướp
Nghĩ tới xác ướp cổ đại, chúng ta thường hình dung về những viện bảo tàng hay kim tự tháp đầy bí ẩn ở Ai Cập. Thế nhưng, với những chuyên gia nghiên cứu như Kristin Romey, dấu ấn của xác ướp cách đây hàng nghìn năm lại xuất hiện trong các bức tranh đậm chất nghệ thuật, thấm vào từng nét vẽ nhờ một loại màu vô cùng đặc biệt.
Chất bột kì lạ
Giống bất cứ vị khách nào tới bảo tàng Lourve (Pháp), Kristin Romey không thể rời mắt khỏi “Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân” của danh họa trường phái lãng mạn Eugene Delacroix. Trong lịch sử hội họa kinh điển của nền mỹ thuật Pháp, bức tranh luôn được xem là tác phẩm đắt giá, ghi lại được tinh thần của Cách mạng Tháng 7 (1830) của nước Pháp.
Tuy nhiên, điều khiến Kristin Romey kinh ngạc lại chẳng hề liên quan đến nội dung, mà lại nằm ở thứ màu kì lạ mà chính cô đang cố gắng giải mã bằng cách... đi ngược về quá khứ. Đó là loại bột tán mịn từ xác ướp nghiền nhỏ, hòa chung với dung môi đặc biệt để tạo nên màu vẽ từng vô cùng phổ biến trong thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20.
Trải dài lịch sử, vì những lý do khác nhau, nhiều màu sắc bị nghiêm cấm sử dụng, dần biến mất trong đời sống con người. Số ít tài liệu nhắc tới cái tên màu nâu xác ướp (hay sắc nâu Ai Cập), kích thích trí tò mò của bất cứ ai yêu thích Ai Cập cổ đại. Chúng ta nghĩ đơn giản đó là sự sáng tạo của giới nghệ sĩ, với cái tên mượn hình ảnh huyền bí cổ kính của xác ướp để thể hiện chất lãng mạn nghệ thuật. Nhưng kỳ thực, có người sẽ nổi da gà khi biết Eugene Delacroix có thể đã tạo nên một tuyệt tác bằng chất bột từ... phần sót lại của thi thể người.
Màu nâu Ai Cập bắt đầu được thương mại hóa từ khoảng những năm 1700. Cái tên A La Momie nổi khắp nước Pháp khi tuyên bố độc quyền bán bột nghiền từ xác ướp, hương liệu, mộc dược và sơn cho giới nghệ sĩ châu Âu. Thời hoàng kim của màu nâu độc đáo này rơi vào giữa thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, đem tới nguồn cảm hứng mới cho hội họa thời bấy giờ nhờ khả năng lên màu đậm và không lẫn tạp chất. Sắc nâu kì ảo xuất hiện trong nghệ thuật châu Âu, vự
c dậy niềm yêu thích vào một thứ màu vốn không mấy được ưa chuộng. Thực tế, nhiều họa sĩ sử dụng sắc nâu Ai Cập vì hứng thú, chứ chẳng hề biết bí mật ẩn sau thứ bột xác ướp được trộn khéo léo với mộc dược.
Khao khát vẻ đẹp khiến con người muốn tạo ra màu nâu đẹp đẽ, tráng lệ mà các bậc thầy như Rembrandt Harmenszoon và Tiziano Vecelli sử dụng trong tranh của họ. Có giai thoại rằng họa sĩ chuyên vẽ chân dung người Anh Sir William Beechey “cuồng” màu nâu xác ướp đến mức trữ hàng cân bột trong nhà vì sợ... cháy hàng, còn danh họa Pháp Martin Drolling thậm chí trộn bột nâu với tro của hoàng đế Pháp để vẽ lên tuyệt tác “Bên trong căn bếp” năm 1815. Trong suốt hàng trăm năm, bảng vẽ của giới nghệ sĩ không thể thiếu thứ bột màu làm từ xác ướp của người Ai Cập, đưa những tàn dư của cổ nhân vô danh lên khung hình được chiêm ngưỡng bởi biết bao thế hệ tại bảo tàng ở thời hiện đại.
Món hàng đắt đỏ
Cho đến nay, giả thuyết được đa số chấp thuận về lý do xác ướp trở thành “nàng thơ” cho thế giới màu sắc của hội họa liên quan đến điều trị bệnh. Nhiều tài liệu từ thời Trung Cổ miêu tả niềm tin về sức mạnh siêu nhiên ẩn chứa bên trong xác ướp, tạo nên trào lưu trộn thảo dược với bột tro xác ướp được đốt hoặc nghiền nhỏ để uống hay đắp lên vết thương, nhằm chữa mọi loại bệnh từ động kinh đến đau dạ dày. Thú vị hơn, tồn tại một quan niệm cho rằng xác ướp chứa nhựa đường có công dụng y học, thế nhưng sự thực thì vô cùng mơ hồ. Chỉ có học giả Abd' el-Latif từ thế kỷ 12 đề cập đến “dịch lỏng màu đen cực sánh” để ngâm xác ướp, biến chúng trở thành nơi chứa đựng những tinh hoa mà chất đen này sở hữu, khiến bao người phải truy tìm.
Xã hội thế kỷ 16-17 cũng chứng kiến xu hướng sử dụng xác ướp làm đồ trang trí, hoặc bữa tiệc mở vải liệm xác ướp. Không ai biết danh tính người đầu tiên pha màu nâu Ai Cập cho tranh vẽ, chỉ đồn đại rằng một xác ướp đủ cung cấp lượng sơn cho họa sĩ trong suốt 20 năm. Nhu cầu mua xác ướp tăng đột biến, không chỉ giới hạn ở một loại thuốc được y sĩ bấy giờ khao khát mà giới họa sĩ cũng âm thầm thu gom bột nghiền xác ướp để pha màu nâu ưa thích của mình. Xác ướp trở thành món hàng xa xỉ, “chạy vượt rào” từ Ai Cập sang tới châu Âu trong những giao dịch triệu USD kinh doanh trên thi thể người thật.
Cairo và Alexandria thu hút thương gia Anh, Ý, Pháp, Đức và Tây Ban Nha, đến kiếm tìm những xác ướp còn nguyên vẹn hoặc các gói hàng chứa “phần thịt hoàn hảo nhất”. Trong cuốn “Lịch sử xác ướp Ai Cập”, Thomas Pettigrew kể lại bi kịch hàng loạt ngôi mộ bị khai quật, xác ướp bị xé vụn và bán với giá rẻ mạt chỉ với 1/10 USD cho ba cái đầu để nghiền bột. Hành trình tay lái buôn gốc Anh Sanderson đi tìm xác ướp cho một công ty Thổ Nhĩ Kỳ khắc họa sâu sắc tham vọng của con người lúc bấy giờ: muốn sở hữu những bộ phận ướp xác tốt nhất để làm thuốc, chế sơn vẽ hoặc trưng bày trong tủ nhà cho thú vui sưu tầm đồ vật kì dị.
Ở vào thời điểm cạn kiệt xác ướp, thi thể tù nhân trở thành vật thay thế. Năm 1564 hé lộ sự thật kinh hoàng sau khi bác sĩ Guy de la Fontaine khám nghiệm “xác ướp” ở Alexandria, bất ngờ trước kết quả đây là cơ thể của một người vừa mới qua đời, được ngâm trong nhựa đường và trải qua những thủ thuật vô cùng tinh vi để có nguồn gốc... Ai Cập. Nhiều vụ việc tương tự bị phát hiện, trong đó bọn lái buôn sử dụng động vật chết hay cây cối để ngụy trang thành những chất bột xác ướp “thuần khiết”, đem rao bán cho giới nhà giàu hay họa sĩ chẳng biết chút gì về lịch sử với cái giá không tưởng.
Chỉ còn là quá khứ
Khoa học thừa nhận còn nhiều bí ẩn xung quanh màu nâu Ai Cập, không thể xác định chính xác bức tranh nào còn lại dấu vết của nó, kể cả khi dùng phương pháp khối phổ. Trong tài liệu của mình, Kristin Romey lưu lại một số công thức “pha trộn bột xác ướp”, với rất nhiều dị bản cả về nguyên liệu lẫn thao tác tạo màu. Đôi khi, người xưa lấy nguyên cả thân người bọc kín bằng lớp vải đã mòn để nghiền thành bột, có lúc lại chỉ cần “phần thịt hoàn hảo nhất” vì muốn chất màu đồng đều. Chất màu thành phẩm cũng khiến Kristin Romey băn khoăn: cháy đen giống các di vật của xác ướp Ai Cập, đậm đặc và bóng như viên socola đầy ngọt ngào, hay hơi nhợt nhạt giống màu của đất?
Người đồng nghiệp Alan Phenix quả quyết, phải chăng màu nâu xác ướp không bao giờ có bản 1.0 nguyên vẹn, bởi kỹ thuật ướp xác thay đổi theo thời gian, và như thế tính chất của xác ướp cũng khác biệt. Những điều chúng ta biết ngày nay chẳng khác nào câu chuyện dân gian người xưa truyền miệng, pha chút kỳ ảo theo dòng lịch sử, rồi được sưu tập lại giống kiểu anh em nhà Grimm. Giống như nền văn minh cổ đại, thời kỳ thống trị của màu nâu Ai Cập đi đến hồi kết từ giữa thế kỷ 20 với lý do... hết xác ướp. Thay đổi nhận thức trong giới nghệ sĩ xuất hiện, khi các nhóm hoạ sĩ mở đầu trào lưu vứt bỏ tuýp màu nâu vì muốn tôn trọng ý nghĩa lịch sử, khoa học và khảo cổ lớn lao của xác ướp cổ đại.
Nhiều ý kiến lên án sự tồn tại (và nếu còn tiếp diễn) quá trình tạo ra thứ màu tưởng như chỉ thấy trong phim kinh dị. Các giả thuyết tâm linh cảnh báo giới nghệ sĩ đừng chạm tới người Ai Cập, e sợ điều không may sẽ xảy ra chỉ cần đưa một nét cọ màu nâu lên khung tranh. Người cổ đại tin rằng linh hồn tồn tại ở một thế giới bên kia, song song với loài người, mà ở đó thể xác vẫn là “nhà” của linh hồn. Ướp xác, đồng nghĩa với mong muốn giữ lại linh hồn để người chết tiếp tục cuộc sống mới. Thế nên, chuyện tìm tới xác ướp để nghiền vụn, biến thành chất màu trong hội họa giống như một hành động tước bỏ mạng sống, khiến bất cứ ai cũng sẽ phải chịu lời nguyền hoặc ám ảnh tinh thần.
Ngày nay, màu nâu được dùng trong hội họa có thể chế ra từ Caput Mortuum, với nghĩa đen là “đầu chết” hay “hài cốt vô giá trị”, dễ khiến chúng ta liên tưởng tới màu nâu Ai Cập. Tất nhiên, không hề xuất hiện thứ bột nào được nghiền từ thi thể người khi màu được hình thành do pha trộn cao lanh, thạch anh cùng nhiều loại đá như goethite và hematite - sản phẩm phong hóa của các khoáng vật chứa sắt có sắc tía và nâu đỏ. Tuy khái niệm màu nâu xác ướp đã biến mất nhưng vẫn có tay buôn rao bán những tuýp màu “bột Ai Cập 100%”. Rõ ràng, chúng ta biết đây chẳng khác nào một cú lừa thời hiện đại...