Luyện tập, thao diễn thủy quân thời xưa
Nước ta có truyền thống thủy quân mạnh, dù không vươn ra làm bá chủ vùng biển, nhưng mỗi khi đất nước có chiến tranh, thủy quân ta đều đánh cho quân giặc thất điên bát đảo. Để thủy quân mạnh thì phải luyện tập. Thủy quân Đại Việt có truyền thống luyện tập chăm chỉ vào mùa thu hằng năm, khi nước sông lên cao. Sau này, sang triều Nguyễn, thời gian thao diễn cũng vào ngay những ngày đầu năm.
Việc đánh giặc bằng thủy quân nước ta được ghi chép trong sử sách từ thời Tiền Lý, khi "Đại Việt Sử ký toàn thư" cho biết Triệu Quang Phục đem 2 vạn quân rút vào đầm Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên), dùng thuyền độc mộc đêm đêm ra đánh quân của Trần Bá Tiên theo lối đánh du kích. Sau đó là những chiến công của thủy quân Đại Cồ Việt trên cửa sông Bạch Đằng của Ngô Vương Quyền đánh quân Nam Hán năm 938, hay Vua Lê Hoàn chiến thắng quân Tống năm 981.

Việc chuẩn bị chiến thuyền được "Toàn thư" mô tả vào năm 982, khi Vua Lê Hoàn chuẩn bị dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, sau khi 2 sứ thần của nước ta bị vua Chiêm bắt giữ: "Vua giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Phê Mị Thuế tại trận. Chiêm Thành thua to...". Chắc chắn thủy quân của Vua Lê phải luyện tập thành thạo mới có thể hoàn thành chiến dịch kéo dài cả năm trời hoàn toàn thắng lợi.
Việc phô diễn thủy quân được cả sử nước ta và nước Tống mô tả vào năm 990, trong sự kiện các sứ thần Tống Cảo, Vương Thế Tắc mang chế sách sang phong thêm cho Vua Lê Hoàn. Theo "Toàn thư" thì: "Mùa thu, tháng 9, đến trạm Nại Chinh ở Trường Châu. Vua ra ngoài giao để đón, bày thủy quân và chiến cụ để khoe". Bài tấu của Tống Cảo gửi lên vua Tống sau chuyến đi cũng tả là vua nước ta "cho dong hết chiến thuyền thủy quân ra, nói là diễu binh".
Việc luyện tập thủy quân được sử sách mô tả bắt đầu từ thời Lý. Triều Vua Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (1012), "Toàn thư" chép "Mùa thu, tháng 7, vua ngự điện Hàm Quang xem đua thuyền". Điện Hàm Quang được xây dựng từ năm trước ở bên bờ sông Hồng, làm nơi vua ngự xem thủy quân đua tài. Năm sau (1013), cũng vào tháng 7 nước lớn, Vua Lý Thái Tổ tiếp tục xa giá ra điện Hàm Quang xem đua thuyền.
Sang đời Vua Lý Thái Tông, sử cũ cũng cho biết, vào năm Thông Thụy thứ 4 (1037), nhà vua cũng noi theo vua cha, vào tháng 7 ra ngự điện Hàm Quang xem đua thuyền. Đến đời Vua Lý Nhân Tông, vào năm Hội Tường Đại Khánh thứ 10 (1119), vào tháng 9, "Toàn thư" cho biết: "Ngày Giáp Thân, vua ngự điện Linh Quang xem đua thuyền. Đặt lễ yến tiệc mùa thu, sau đó cứ hằng năm vào tháng 8 đua thuyền thì đặt yến tiệc làm lệ thường". Việc này được tiến hành sau khi Vua Lý Nhân Tông sai đóng 2 chiếc chiến thuyền Cảnh Hưng và Thanh Lan vào tháng 7, đồng thời sai các quan đóng chiến thuyền và sửa soạn đồ binh giáp vì nhà vua muốn thân chinh dẫn quân đi đánh động Sa Ma (tức vùng Đà Bắc, Hòa Bình sau này).
Có lẽ, điện Linh Quang này thay thế cho điện Hàm Quang thời trước. Sang thời Lý Thần Tông, năm 1130, cũng có ghi việc nhà vua tháng 9 ra điện Linh Quang xem đua thuyền,
Dù sử cho biết thời các vua đầu triều Lý, vào mùa thu, nhà vua đều ngự ra sông Hồng xem đua thuyền chứ chưa có việt thao diễn thủy quân, khí giới, nhưng việc đua thuyền cũng là nội dung quan trọng để thủy quân sẵn sàng chiến đấu.
Việc luyện tập thủy quân được mô tả rõ hơn vào thời Trần. Dù thủy quân đã lập nhiều chiến công trong chiến thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258, nhưng phải đến tháng 3/1262, mới thấy chi tiết "Toàn thư" ghi việc Vua Trần Thánh Tông, đã "xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền; quân thủy, lục tập trận ở 9 bãi phù sa sông Bạch Hạc".
Cho đến trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, lúc này vua tôi nhà Trần đã có tin tức thám thính, biết trước các động thái của giặc nên có sự chuẩn bị chu đáo. Mùa đông năm 1283, dù miền Bắc nước ta tiết trời rét mướt, nhưng tháng 10 năm đó, Vua Trần Nhân Tông vẫn đích thân đem các vương hầu điều động quân thủy bộ tập đánh trận. Đến tháng 8/1284, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cũng đích thân điều động quân của các vương hầu đại duyệt ở bến Đông cạnh sông Hồng gần lối vào thành Thăng Long, sau đó chia thủy quân xuôi dòng xuống các xứ Bình Than đóng giữ những chỗ xung yếu để chuẩn bị đánh giặc.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, vua tôi nhà Trần biết chúng còn kéo sang lần nữa, nên lại tích cực chuẩn bị. Cuối hè năm 1286, Vua Trần Nhân Tông lại sai Hưng Đạo vương chỉ huy các vương hầu và tôn thất điều quân và làm đồ khí giới, thuyền ghe. Đến mùa đông, tháng 10, Hưng Đạo vương sai kiểm điểm và cho các quân đã điều động luyện tập sôi nổi. Chiến thuyền răm rắp tuân theo sự chỉ huy. Lần này, Hưng Đạo vương tự tin trả lời nhà vua "Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp mà quân họ ngại về đi xa. Cứ ý thần xem thì tất đánh tan được!".

Trước khi bước vào trận chiến lần 3 vào cuối năm ấy, tháng 4/1287, Vua Trần Nhân Tông lại sai Tá Thiên Đại vương Trần Đức Việp quyền giữ việc tướng quốc và tiến hành duyệt binh lần nữa. Với sự chuẩn bị kỹ càng và tinh thần lên cao, cùng sự chỉ đạo tài ba của các vua Trần cũng như tài thao lược của Hưng Đạo vương, quân dân Đại Việt lần này dễ dàng khiến quân Nguyên phải lui binh, sau khi thủy quân của Trần Khánh Dư bắt trọn toàn bộ đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ đi qua cửa biển Vân Đồn.
Khi đất nước đã yên bình, tan bóng giặc, Vua Trần Anh Tông lại tiếp tục theo gương các vua thời Lý, sai thủy quân luyện tập chèo thuyền trên sông Hồng, mùa thu nước lớn, vua ngự ra xem. Như sử chép: "Mùa thu, tháng 7 năm Hưng Long thứ 5 (1297), vua ngự đến bến Đông Bộ Đầu xem đua thuyền".
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thành công, Vua Lê Thái Tổ vừa lên ngôi thì ngay năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), nhà vua đã ra lệnh cho các tướng hiệu và quân nhân các vệ quân 5 đạo tập trận thủy và trận bộ. Đến thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 6 (1465), "Toàn thư" chép rằng vua ban trận đồ luyện tập quân thủy bộ. Trận đồ về thủy quân có đến 9 phép, gồm các phép: Trung hư, thường sơn xà, mãn thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn, yển nguyệt. Về thủy trận, nhà vua ban hành quân lệnh gồm 30 điều.
Tháng 2/1467, Vua Lê Thánh Tông đại giá đi tuần phía Nam, ban phép tập trận, ngày 20 tập trận trung hư ở Lỗ giang (khúc sông Hồng thuộc huyện Lý Nhân, Hà Nam ngày nay), ngày 23 tập trận tam tài, trận thất môn ở Vỹ giang (tức sông Ông Vỹ thuộc huyện Vũ Thư, Thái Bình ngày nay), ngày 26 tập trận ngư đội, trận nhạn hàng ở sông An Cha, tập trận thường sơn ở ngã ba Bạch Hạc.
Việc luyện tập tích cực này giúp thủy quân của Vua Lê Thánh Tông tiếp tục nối tiếp các triều tiền Lê, Lý, Trần, liên tục giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với Chiêm Thành sau đó. Trong chiến dịch đánh Chiêm Thành năm 1471, đúng Tết Nguyên đán năm Tân Mão thì đoàn quân của nhà vua đang đóng ở đất Thuận Hóa (Huế ngày nay). Ngay ngày mùng 2 Tết, nhà vua đã xuống chiếu cho binh sĩ xuống thuyền ra biển luyện tập. Do chuẩn bị kỹ càng như vậy, chỉ trong một tháng, quân của Vua Lê Thánh Tông đã bắt gọn được vua Chiêm là Trà Toàn.
Ở kinh thành, năm 1467, Vua Lê Thánh Tông đã cho đào hồ Hải Trì và dựng điện Giảng Võ cạnh hồ để luyện quân. Có lẽ, các hồ Giảng Võ, Ngọc Khánh ngày nay từng là nơi triều đình nhà Lê dùng làm nơi thao diễn thủy quân. Theo "Đại Việt Sử ký toàn thư" thì thời Vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, năm 1630: "Chúa ngự ở lầu Giảng Võ... duyệt quân thủy và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh".
Lúc đất nước chia làm Đàng Ngoài, Đàng Trong do hai chúa Trịnh - Nguyễn phân tranh, hai bên đều đẩy mạnh thủy quân để tìm cách tấn công bên kia. Ngoài Bắc, chúa Trịnh lập trại thủy quân ở hồ Hoàn Kiếm, nên gọi đó là hồ Thủy Quân. Bên bờ hồ, chúa Trịnh cho xây lầu Ngũ Long, nhiều lần mời Vua Lê ngự lên lầu xem thủy quân luyện tập.
Ở Đàng Trong, việc thao diễn thủy quân được ghi chép từ thời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Theo bộ sử triều Nguyễn "Đại Nam thực lục": "Năm Nhâm Ngọ (1642), mùa hạ, tháng 5, chúa thấy nước nhà phong phú, có chí đánh miền Bắc, từng kén chọn bộ binh, thao diễn trận pháp. Một hôm chúa ngự thuyền rồng đi chơi cửa Eo, thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh cho 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phước (tức xã Hồng Phước, thuộc huyện Phú Vang bây giờ), đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa. Từ đấy trở đi, thủy quân đều tinh luyện".
Đời chúa Nguyễn Phúc Thái, năm 1690, tháng 4, chúa cũng cho thao diễn thủy quân, định các hạng hơn kém, thưởng bạc tiền theo thứ bậc.
Chúa Nguyễn Ánh vào năm 1789, nghe Cai cơ Nguyễn Đình Đắc biết về binh pháp, đã sai đem trận pháp thủy bộ để huấn luyện cho quân sĩ. Lệ duyệt binh đầu năm của triều Nguyễn bắt đầu từ năm Gia Long năm thứ 2 (1803). Ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, đến khai ấn, Vua Gia Long đã sai thủy quân thao diễn phép chèo thuyền. Tuy nhiên, ở đây là thao diễn chèo trên cạn chưa không phải chèo thật dưới nước.
Sách "Đại Nam thực lục" cho biết: "Phép diễn là đặt đồ bơi chèo ở trên cạn, chọn người chèo giỏi vài trăm người khiến diễn tập, y như dáng đi thuyền. Buổi quốc sơ trong việc dụng binh thủy chiến rất giỏi, cho nên đầu mùa xuân thường sai diễn tập. Vua ngự xem, thưởng tiền cho các quân, mỗi thuyền đều 80 quan".
Sau đó vài ngày, quân đội của triều Nguyễn mới chính thức bước vào ngày duyệt binh. Vua Gia Long đích thân mặc áo trận, đeo gươm, ban phát hiệu lệnh. Bắt đầu duyệt từ bộ binh, sau đó đến duyệt thủy binh: "Đội Trung hầu bắn súng lớn 3 tiếng. Thủy binh khai thuyền đua chèo. Rồi kế đến quân voi ngựa được duyệt ra như thế".