Lịch sử qua lăng kính trẻ thơ

Thứ Năm, 30/12/2021, 21:46

Cách đây hơn sáu thế kỷ, nhà sử học người Pháp Philippe Ariès từng gây tiếng vang cực lớn với cuốn sách “Những thế kỷ của thời thơ ấu”. Tuyên bố ấu thơ chính là khái niệm gắn liền với xã hội hiện đại, phải trở thành một phần của nghiên cứu lịch sử, đã tốn không ít giấy mực tranh cãi.

Người lớn thu nhỏ

Giáo sư Karen Sánchez-Eppler chăm chú lắng nghe hai nhóm sinh viên tranh luận sôi nổi. Phía bên trái là những cô cậu năm nhất, vẫn còn dáng vẻ “thiếu trải nghiệm” của học sinh mới tốt nghiệp cấp 3, nhưng thể hiện niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của thời thơ ấu. Ở đối diện, mấy anh chị năm cuối trông chững chạc hơn hẳn, hầu hết đã trải qua ít nhiều việc làm thêm, va chạm với xô bồ cuộc sống và tất nhiên... những lần thi lại đầy thử thách.

Điều khiến vị giáo sư băn khoăn là luận điểm của sinh viên năm cuối. Lúc bé, chỉ nghĩ được trong phạm vi của con nít, nhưng trưởng thành thì cần gạt bỏ mấy thứ trẻ con sang một bên. Có cậu sinh viên tự tin cho rằng mỗi cuộc đời tựa thước phim quay cú máy duy nhất, càng kéo dài thì càng nhiều tình tiết phức tạp. Thế nên, cách tốt nhất để tiếp tục hành trình sống là... quên đi phần mở đầu, tức là thời niên thiếu.

Nhiều nhà khoa học ủng hộ quan điểm kiểu này, vin vào lý lẽ cách trẻ em tư duy, nói cười và quan sát thế giới khác hoàn toàn so với suy nghĩ não bộ người lớn. Philippe Ariès thì ngược lại, coi trẻ em tựa người lớn thu nhỏ, sở hữu trí tuệ cùng cá tính độc đáo, ẩn chứa nhiều thú vị về thế giới quan. Gia tài nghiên cứu của ông vô cùng đồ sộ, từ tranh vẽ, tới học bạ hay những bài tập làm văn. Ông tìm tới gia đình thuộc đủ mọi giai tầng trong xã hội, như giới văn sĩ, tư bản công nghiệp, thậm chí cả trại trẻ mồ côi, hay trại giáo dưỡng.

Liệu chúng ta, và chính giáo sư Karen, có bất ngờ khi biết Philippe Ariès đã vẽ lên bức tranh xã hội chỉ từ những dòng viết văn của trẻ em? Sau khi xem xét các hình ảnh thời Trung Cổ, ông kết luận rằng không có sự phân biệt giữa trẻ em và người lớn vì họ đã chia sẻ các hoạt động giải trí hoặc công việc tương tự nhau. Một số bản ghi tiết lộ, trẻ em Tây Âu từ 5 đến 6 tuổi đã làm những công việc nhà cần thiết cho cha mẹ. Từ các trang nhật ký còn sót lại, Philippe Ariès nhận định trẻ em có một vai trò thiết thực trong gia tăng thu nhập gia đình.

Cảm xúc của con nít quá đỗi chân thực khi chúng thốt lên mấy từ kinh ngạc, buồn bã và bật khóc khi buộc phải rời bỏ gia đình để làm đầy tớ cho các gia đình giàu có hoặc đi theo người khác để học nghề buôn bán. Karen cầm trên tay những bức ảnh chụp lại trang nhật ký đẫm nước mắt, hay chân dung các cô cậu chỉ mới 12-13 tuổi ở thế kỷ 16, đang làm việc trong xưởng cơ khí đầy bụi bặm. Vẻ mặt non nớt, ánh mắt lo lắng khiến bà nhớ lại thời kỳ công nghiệp hoá bùng nổ trong thế kỷ 18 và 19, tạo ra một nhu cầu rất lớn về lao động trẻ em, kéo theo vô số hệ lụy liên quan đến sự phát triển cũng như đấu tranh đòi quyền lợi trẻ em trong xã hội.

1.jpg -0
Mô hình thế giới lý tưởng của ba anh em trai nhà Nelson ở New Hampshire cách đây gần 150 năm.

Lịch sử từ những trang nhật ký

194 năm trước, “ngày 7-11, trời đổ tuyết cả ngày, và tối nay mình bắt đầu bài học đầu tiên về địa lý... lúc sau, mẹ chơi đàn ghi-ta ngoài phòng khách, mình và mấy đứa em rồng rắn lên mây xung quanh cái bàn nhỏ...”. Chúng ta đọc mấy dòng này, coi chúng chỉ như con chữ bình thường. Chúng ta chẳng còn muốn thử động não xem điều gì đang diễn ra, chỉ quan tâm tới thế giới của người lớn. Ấy là ngày mai sẽ làm gì, ăn gì cho bữa tối, hay màu sắc nào đang thắng thế trên thị trường chứng khoán.

Nhưng Karen Sánchez-Eppler lại khác. Nhật ký của cô bé Mary Ware Allen 8 tuổi, con gái một mục sư ở Northborough (Massachussetts) để lại ấn tượng kỳ lạ. Từng từ trở thành thứ nguyên liệu cơ bản nhất để giáo sư hình dung về một thời đã qua, dưới lăng kính trẻ thơ. Một gia đình trung lưu có tiền mua đàn ghi-ta, những đứa trẻ tự do chơi đùa theo tiếng nhạc. Bản chất của việc vui chơi những năm đầu thế kỷ 19 chính là sự kết nối giữa người lớn và trẻ em, chẳng cần đồ chơi nào khác.

Nhóm sinh viên năm cuối, sau khi đọc nhật ký ngày 7-11, chỉ cười và nhắc lại trò đùa “vô nghĩa” nối nhau đi lại quanh bàn. Karen cắt ngang những tiếng cười lớn trong lớp, chiếu lên màn hình ý nghĩa của trò chơi rồng rắn tuổi ấu thơ là cách gắn kết tình cảm anh chị em, khi không có đồ chơi riêng, thường xuất hiện trong những gia đình trung lưu, hoặc nghèo hơn, ít thấy ở giới thượng lưu.

Thế nhưng, sự kết nối này mất dần khi lũ trẻ sẽ nhanh chóng bị thu hút bởi mấy thứ màu mè trong thời kỳ hoàng kim của sự phát triển đồ chơi cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 trên toàn thế giới. Búp bê bằng gỗ và sứ trong những ngôi nhà thu nhỏ rất được bé gái trung lưu ưa chuộng, trong khi bé trai chơi với viên bi và xe lửa đồ chơi. Những hình ảnh này được tìm thấy trong các bức tranh vẽ tay tô màu nguệch ngoạc do Philippe Ariès sưu tầm.

Chưa hết, trang viết tay dày đặc chữ của cậu bé Grenville Norcross làm chúng ta không khỏi kinh ngạc về góc nhìn Nội chiến Hoa Kỳ. 9 tuổi, tự nghịch mấy chú lính đồ chơi, phân chia làm hai phe Liên minh miền Nam và Liên bang miền Bắc, Grenville Norcross miêu tả lại cuộc giao tranh Nam - Bắc những năm 1983 căng thẳng. Tiến sĩ Reesa Sorin phát hiện sự thực thú vị: nhiều trận chiến trong tưởng tượng của cậu bé lấy cảm hứng từ chính cuộc Nội chiến, được cậu bé tạo ra sau khi nghe người lớn kể chuyện chiến tranh.

Đôi khi, tư duy trưởng thành xuất hiện ở chính những bộ não non nớt. Grenville Norcross hiếu chiến, ủng hộ Liên bang miền Bắc, nhưng lại bày tỏ sự nuối tiếc và đồng cảm, thậm chí hy vọng cho phe còn lại. Có thể một cậu bé chưa thể hiểu hết chính trường, chiến tranh và tham vọng của người lớn, nhưng cách cậu viết lại tên của từng người lính tử trận khiến chúng ta không khỏi xót xa. Cái giá của chiến tranh là quá đắt, và lịch sử đã chứng minh điều đó.

3.jpg -0
Philippe Ariès tin rằng trẻ em tựa người lớn thu nhỏ, sở hữu trí tuệ cùng cá tính độc đáo, cùng thế giới quan thú vị.

Thế giới quan phong phú

Đến đây, nhiều người hẳn đã nhận ra: thế giới quan của trẻ con không hề đơn giản. Câu chữ, tranh vẽ hay bức hình thường chứa đựng các giá trị lịch sử nào đó mà chúng ta dễ bỏ qua. Từng phản đối Karen Sánchez-Eppler, nhưng chính Reesa Sorin cuối cùng phải thừa nhận tầm quan trọng của “di sản thời thơ ấu” trong cuộc đời mỗi người. Khoa học cũng dần dịch chuyển, bắt đầu con đường tìm kiếm “dấu ấn lịch sử” trong các tài liệu liên quan đến trẻ em.

Nhiều người coi đó là hướng đi... ngược, từ những gì đơn giản nhất. Mỗi khi Karen Sánchez-Eppler hay Reesa Sorin bắt gặp sách cho trẻ em, họ sẽ không chỉ đọc truyện mà sẽ tìm kiếm cảm nhận lũ trẻ để lại cho tác giả ở bìa sách, hay một trang nào đó. Reesa Sorin sưu tầm khá nhiều câu chuyện tưởng tượng của trẻ em thế kỷ 19 về xây dựng thế giới của riêng mình, đa phần do các cô bé vừa vẽ minh họa vừa kể lại bằng ngôn từ vô cùng đơn giản. Điều này gợi ý về sự mạnh mẽ cùng tham vọng tự chủ của phụ nữ trong lịch sử, nhấn mạnh vai trò bình đẳng giới mà ngày nay phái yếu vẫn đang cố gắng đạt được trong thế giới nam quyền.

Reesa Sorin từng nói trẻ em chính là những vườn ươm khoa học của nhân loại, nhất là khi cô tìm thấy mô hình thế giới lý tưởng của ba anh em trai nhà Nelson ở New Hampshire cách đây gần 150 năm. Những hòn đảo kỳ lạ “Lục địa lớn”, “Lục địa dài”, và “Lục địa tròn” vẽ nên tấm bản đồ lý thú, tô điểm bởi các cuộc phiêu lưu, mở ra ý niệm về sự phát triển vượt bậc của khoa học, với các phát minh đỉnh cao cùng kĩ thuật xây dựng hệ thống cầu đường hoàn hảo, hay kính viễn vọng lấy cảm hứng từ chính đời thực. 

Buổi tranh luận kết thúc, giáo sư Karen giơ lên trước cả lớp bức tranh cô bé lớp 1 Dolly Cogswell tô da Robinson Crusoe màu hồng. Giới học giả thế giới dành nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về Robinson Crusoe, cũng như ảnh hưởng của nhân vật này đối với giáo dục trẻ em ở thế kỷ 18 và 19. Một câu hỏi đặt ra: màu hồng, cùng con người ấy, sẽ được hiểu như thế nào trong tư duy của Dolly Cogswell về chủng tộc và chủ nghĩa thực dân?

Chung suy nghĩ với sử gia Philippe Ariès, vị giáo sư muốn đưa thế giới quan của trẻ em lên bản đồ tư duy của người lớn, trở thành công cụ tìm hiểu về lịch sử và văn hoá nhân loại. Với Karen, thế giới này giống một cuốn nhật ký, được viết bởi cả bàn tay của trẻ em và người lớn. Vì vậy, sự tò mò, trí tưởng tượng phong phú cùng tính cách ngây thơ cho chúng ta lăng kính trong sáng nhất để nhìn về những thời điểm đã qua, mở ra một cách tiếp cận quá khứ trọn vẹn và sâu sắc hơn...

Lê Nam
.
.