Kim cương nuôi cấy: "Kẻ soán ngôi" mới?

Thứ Bảy, 02/03/2024, 12:16

Những viên kim cương lấp lánh khi nhìn bằng mắt thường, nhưng rất có thể chúng tồn tại những khác biệt rất lớn: đá quý tự nhiên có tuổi đời tới hơn một tỷ năm được khai thác, hay những viên đá được tạo ra từ phòng thí nghiệm với mức giá chưa tới một nửa? Dư luận đang nhắc nhiều đến một cuộc cạnh tranh, hay thậm chí là khả năng tái định hình thị trường trang sức kim cương toàn cầu trị giá 89 tỷ USD. Thực chất vấn đề này là như thế nào?

Kim cương nuôi cấy đang chiếm lĩnh thị trường

Ngành xuất khẩu kim cương sản xuất từ phòng thí nghiệm từ Ấn Độ - một trong những thị trường kim cương nuôi cấy hàng đầu thế giới - đã tăng gấp 3 lần về giá trị trong giai đoạn 2019- 2022, trong khi khối lượng xuất khẩu từ tháng 4-10/2023 tăng 25%, tăng từ mức 15% cùng kỳ năm trước. Thị phần toàn cầu tính theo giá trị của đá quý được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã tăng vọt từ 3,5% năm 2018 lên 18,5% vào năm 2023 và có thể sẽ vượt quá 20% trong năm nay. Thực tế này được cho là đang gây áp lực mạnh mẽ cho ngành công nghiệp kim cương tự nhiên vốn đã bị ảnh hưởng bởi các bất ổn địa chính trị và nhu cầu sụt giảm.

Kim cương nuôi cấy:
Bên trong một nhà máy nuôi cấy kim cương với các lò phản ứng.

Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức Ấn Độ (GJEPC), các nhà sản xuất kim cương phòng thí nghiệm của Ấn Độ đã xuất khẩu 4,04 triệu carat trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10/2023, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các công ty kim cương tự nhiên ở Ấn Độ báo cáo doanh thu giảm hơn 25%, xuống còn 11,3 triệu carat so với cùng kỳ.

Doanh số bán kim cương tự nhiên trong giai đoạn đại dịch COVID-19 từng tăng vọt khi những khách hàng giàu có "giải khuây" bằng cách mua sắm hàng xa xỉ khi xã hội duy trì tình trạng đóng cửa, và tất yếu, nhu cầu nhanh chóng giảm mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Tăng trưởng kinh tế chậm đi ở các thị trường cực kỳ quan trọng như Mỹ và Trung Quốc, cũng như tình trạng dư thừa nguồn cung hay các lệnh trừng phạt đối với kim cương thô của Nga cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới điều mà nhiều người xem là "cuộc chiến" giữa kim cương nuôi cấy và kim cương tự nhiên.

Phân biệt

Hầu hết các viên kim cương tự nhiên trên thị trường hiện nay đều được hình thành ở sâu bên dưới bề mặt Trái Đất. Sức nóng và áp suất cao hàng tỷ năm đã khiến nguyên tố carbon sắp xếp lại ở cấp độ nguyên tử và hình thành dạng rắn là kim cương. Ở những nơi điều kiện và nhiệt độ đã đủ chín muồi để tạo ra những loại đá quý này, các vụ phun trào núi lửa từ sâu trong lòng đất đã đưa những viên đá này đến gần bề mặt Trái Đất hơn. Kim cương bị vỡ vụn trong quá trình này, tạo ra nhiều mảnh nhỏ. Những miệng núi lửa khổng lồ và sâu này sau đó là nơi con người khai thác để lấy đá quý.

Kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm trải qua một quy trình hoàn toàn khác, được gọi phổ biến bằng cụm từ "lắng đọng hơi hóa học", một loại công nghệ hóa học sử dụng một hoặc một số hợp chất khí hoặc các nguyên tố có chứa các nguyên tố màng mỏng để tạo ra màng mỏng bằng phản ứng hóa học trên bề mặt chất nền.

Về cơ bản, quy trình này bắt đầu với một lát kim cương rất mỏng, nơi "hạt giống" kim cương, cấu thành từ carbon nguyên chất - đó có thể là kim cương tự nhiên hoặc kim cương từ phòng thí nghiệm - được đặt trong các lò phản ứng bơm đầy các loại khí chứa carbon như metan và tinh thể kim cương phát triển dưới nhiệt độ và áp suất mô phỏng tự nhiên. Những viên kim cương thô "lớn lên" từ đó sẽ được đưa đến một cơ sở khác, nơi hàng trăm công nhân sẽ thiết kế, cắt và đánh bóng. Quy trình này cũng gần như in 3D một viên kim cương và quá trình tạo ra những viên kim cương nhân tạo chỉ mất chưa đầy 8 tuần. Viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm vẫn là carbon nguyên chất nên về mặt hóa học, chúng giống hệt như kim cương tự nhiên.

Kim cương nuôi cấy:
Cận cảnh một lò nuôi cấy kim cương.

Thế mạnh và "thế yếu"

Ngành công nghiệp nuôi cấy kim cương dù phát triển mạnh song tồn tại những vấn đề. Theo phân tích của Golan, nguồn cung đã tăng vọt và giá cả giảm mạnh, với giá bán buôn giảm 58% chỉ trong năm 2023. Theo AFP, các nhà bán lẻ ở Surat cho biết giá của một viên kim cương nuôi cấy 1 carat chất lượng thấp hơn đã giảm từ 2.400 USD (năm 2022) xuống còn hơn 1.000 USD trong năm 2023. WD Lab Grown Diamonds, nhà sản xuất kim cương nhân tạo lớn thứ hai của Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 10/2023.

Xét về khía cạnh được chấp nhận, các viên kim cương tự nhiên thường được chấp nhận giao dịch rộng rãi hơn bởi giá trị cũng như quy trình kiểm định có giá trị toàn cầu. Một trong những kiểm định phổ biến và tin cậy nhất hiện nay là kiểm định kim cương GIA từ Viện Đá quý Mỹ. Các loại giấy kiểm định kim cương cung cấp rõ ràng, chính xác về chất lượng của kim cương với thông số 4C về trọng lượng, màu sắc, độ tinh khiết và giác cắt của kim cương. Đây cũng chính là cơ sở định giá và đảm bảo giá trị toàn cầu cho viên kim cương tự nhiên. Trong khi đó, kim cương nhân tạo có khả năng trao đổi và phạm vi lưu hành hẹp hơn. Giá của kim cương tự nhiên cao hơn kim cương nhân tạo gấp nhiều lần.

Kim cương nuôi cấy lần đầu tiên được phát triển vào đầu những năm 1950 nhưng phải tới cách đây chưa đầy một thập kỷ, sau những bước nhảy vọt về công nghệ để người ta có thể tạo ra một quy trình có tính khả thi về mặt thương mại. Các nhà sản xuất kim cương nuôi cấy tự tin rằng các sản phẩm mà họ tạo ra "có chi phí carbon thấp hơn", dù vẫn còn đó những câu hỏi về việc liệu quy trình nuôi cấy và sản xuất sử dụng nhiều năng lượng có thực sự tốt hơn cho môi trường hay không.

Những người bán đá quý khai thác tự nhiên khẳng định "kim cương xung đột" từ các vùng chiến sự sẽ không được đưa ra thị trường nhờ việc tuân thủ chứng nhận Quy trình Kimberley chuẩn quốc tế, song đây cũng chính là điểm mà các nhà sản xuất kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đặc biệt nhấn mạnh với lý lẽ chính các sản phẩm mà họ cung cấp cho thị trường mới đảm bảo hồ sơ trong sạch.

Những tuyên bố về môi trường và vấn đề nhân đạo đang vô hình trung giúp những viên đá được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến cho người tiêu dùng, bên cạnh vấn đề về giá thành.

Cuộc cạnh tranh lành mạnh?

Tuy nhiên, không giống ngành ngọc trai vốn đã bị bão hòa bởi ngọc trai nuôi và thiếu sức mạnh tập thể để chống đỡ, ngành kim cương tự nhiên đã được chuẩn bị tốt hơn để tách biệt hai thị trường ngay từ đầu. Thứ nhất, thay vì chờ xem điều gì sẽ xảy ra, ngành công nghiệp này đã chủ động trong chuỗi cung -cầu của thị trường bằng cách đầu tư vào công nghệ kim cương tổng hợp cho những mục đích sử dụng cụ thể, chẳng hạn như các ứng dụng công nghiệp, nơi vẻ đẹp và độ quý hiếm của viên kim cương tự nhiên rõ ràng không phải là yếu tố quyết định.

Thứ hai, công nghệ ngày càng phát triển đã hỗ trợ đáng kể việc phân tách 2 ngành công nghiệp này. Bằng các công nghệ xác định kim cương "thật", tự nhiên hay kim cương nuôi cấy, người ta có thể nhanh chóng loại bỏ các viên kim cương nhân tạo khỏi chuỗi cung ứng tự nhiên. Với những món hời cao, và nguy cơ tội phạm thâm nhập vào ngành công nghiệp kim cương tổng hợp, điều này rất quan trọng để bảo vệ tính toàn vẹn của kim cương tự nhiên.

Những người quan tâm tới ngành công nghiệp kim cương chắc không quá xa lạ với cái tên Everledger. Với tư cách là bên thứ ba đáng tin cậy, Nền tảng Everledger giúp chứng minh kim cương là tự nhiên bằng cách thiết lập "dấu vân tay" cho kim cương, đảm bảo giám sát hành trình trọn đời trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Nền tảng Everledger thu hút sự chú ý đặc biệt trong giai đoạn nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở các thành phố lớn trên thế giới, khiến nhiều nhà bán lẻ trang sức và doanh nghiệp sản xuất kim cương đã buộc phải đóng cửa và chuỗi cung ứng bị đặt nhiều dấu hỏi về tính xác thực. Nền tảng Everledger sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để theo dõi các tính năng như đặc điểm và chất lượng của kim cương, cũng như đánh dấu kim cương lậu từ châu Phi - nguồn gốc của "kim cương máu", hay kim cương xung đột, nơi thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột đẫm máu để giành quyền kiểm soát những mỏ khoáng sản quý hiếm.

Mã nhận diện kim cương bao gồm 40 điểm siêu dữ liệu, như màu sắc và đặc điểm, độ rõ nét, vết cắt và trọng lượng cara. Với việc hợp tác cùng các cơ quan, tổ chức xác nhận chính trên khắp thế giới - bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Israel và Bỉ (Antwerp), nơi mà kim cương được xếp loại và chứng nhận - Everledger xây dựng hồ sơ dữ liệu về "dấu vân tay số" cho từng viên kim cương tự nhiên. Những "dấu vân tay kỹ thuật số" này được lưu giữ trên blockchain. Sau đó, những thông tin này sẽ trở thành một chứng chỉ ghi lại quyền sở hữu của đồ trang sức. Hàng triệu triệu viên kim cương đã được chứng nhận như thế. Những người tham gia vào hệ thống này, kể cả các doanh nghiệp, ngân hàng và công ty bảo hiểm, có thể xác minh xem liệu tài sản (trong trường hợp này là viên kim cương) có hợp pháp hay không.

Cuối cùng, có lẽ giá trị thương hiệu và lòng trung thành là yếu tố đặc biệt giúp khẳng định vị thế của kim cương tự nhiên. Đối với các thương hiệu trang sức xa xỉ, không có sự thay thế nào cho các loại đá quý tự nhiên. Kim cương tự nhiên vẫn được xem là một phương tiện lưu trữ giá trị mà nhiều người  mơ ước và đáng tin cậy. Và khi viên kim cương đó được đính vào sản phẩm của các nhãn hàng như Cartier hay Tiffany, đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Thái Hân
.
.