Kiệt tác hay phế phẩm?
"Thật sự là ta phải sợ chiếc giường của mẹ ta sao?", chàng Oedipus hỏi. Khi đó chàng chưa nhận thức được câu hỏi ấy ẩn chứa những kinh hoàng gì. Bi kịch của chàng Oedipus trong vở kịch vĩ đại “Oedipus Rex” của Sophocles đến nay vẫn là nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh, sân khấu, tâm lý học, thần thoại học... Bi kịch ấy bắt đầu chỉ từ một lời tiên tri của thần Apollo dành cho vua Laius và hoàng hậu Iocasta, rằng nếu họ sinh ra một đứa con trai, khi lớn lên, nó sẽ giết cha mình và cưới mẹ mình.
Nghĩa là trong truyền thống nghệ thuật, không có đề tài nào được xem là không-được-phép-chạm-tới, bất kể chúng có cấm kị đến mức nào. Bài viết này mào đầu bằng câu chuyện của Oedipus là bởi gần đây, công chúng phẫn nộ khi có một rapper tương đối tiếng tăm tại Việt Nam phát hành một bản rap với phần lời dung tục và đề tài cấm kị. Rapper đó ngay lập tức bị xử phạt và bêu gương. Không có gì để bào chữa cho bản rap đó. Nhưng, câu hỏi là, tại sao có những tác phẩm nghệ thuật gây sốc vẫn được thừa nhận như một kiệt tác, còn có những tác phẩm gây sốc lại bị coi như phế phẩm, trong khi chúng cùng khai thác một chủ đề? Có gì khác biệt giữa chúng và tại sao có rất nhiều tác giả ngộ nhận sự thô tục như một cách tân trong nghệ thuật?
Để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này, hay chăng ta tìm đến một trong những đại văn hào khét tiếng nhất: Vladimir Nabokov. Tai tiếng thì khỏi phải bàn. Truyện kể rằng mỗi khi Nabokov ra đường, vợ ông phải kè kè giấu khẩu súng trong người để đề phòng có kẻ tấn công chồng mình. Tháng 5-1969, Vladimir Nabokov là nhà văn Nga thứ hai sau Boris Pasternak trở thành nhân vật trang bìa của tờ Time. Chỉ trước đó vài tháng, ông cho ra mắt “Ada”, cuốn đại tiểu thuyết mà trong lần xuất bản đầu, nhà phê bình Alfred Kazin đã viết rằng: “”Ada”, sau “Lolita” và “Lửa nhạt”, đã tạo nên bộ ba tiểu thuyết mà không tác phẩm đương thời nào sánh kịp". “Ada” xoay quanh mối tình giữa Van Veen và cô em họ của mình, nàng Ada - hay nói đơn giản, một tình yêu phi đạo đức.
Nói về tâm thức của mình khi viết tác phẩm này, Nabokov giãi bày trong một cuộc trò chuyện: "Thật lòng, tôi cóc quan tâm đến chủ đề loạn luân theo bất cứ cách nào. Tôi chỉ đơn thuần là thích âm "bl" trong các từ "siblings" (anh chị em), "bloom" (nở hoa), "blue" (màu xanh), "bliss" (chân phúc), "sable" (đen tuyền)". Quả là cú bẻ lái ngoạn mục từ một chất vấn về mặt đạo đức sang một niềm khoái cảm thuần túy mĩ học! Dường như với Nabokov, cuộc chinh phục những đề tài thách đố chẳng là gì nếu so sánh với cuộc chinh phục vũ trụ ngôn từ - và “Ada”, như mọi khi, vinh danh Nabokov như một Sa hoàng của ngôn ngữ, đến mức người ta có thể băn khoăn với đề tài của câu chuyện nhưng người ta không thể không thán phục đền đài ngôn ngữ hoa lệ mà Nabokov đã dựng lên trong gần 600 trang giấy và chỉ riêng sự lao động ấy đã đủ khiến ta phải thừa nhận rằng, dù ông đang kể điều gì thì ông cũng đang trút cả linh hồn mình ra để kể nó. Và, liệu có ai trút cả linh hồn mình để kể một câu chuyện đáng bỏ đi? Vậy mới nói, tự thân cái đẹp đã là đạo đức.
Mấu chốt nằm ở đó. Chẳng hạn như, khó ai am tường ngôn ngữ đường phố hơn Céline. Cuốn “Chết chịu” của ông tựa như một bản giao hưởng của ngôn từ chửi rủa. Nhưng, như thế có nghĩa, trước hết nó là một bản giao hưởng! Thật dại dột làm sao nếu một cây bút cho rằng điều làm nên sự độc đáo của Céline là vốn từ vựng đường phố phong phú hơn bất cứ cuốn từ điển nào và rồi theo chân Céline, họ cũng đem ngôn từ sống sượng lên trang viết nhưng theo cách vụng về, vậy mà tưởng rằng mình đang làm nên một thứ văn chương ngồn ngộn chất đời, trong khi thiếu hoàn toàn nhạc tính và sự lảnh lót mà Céline đã tạo nên khi xếp đặt những lời tục tĩu cạnh nhau. Ôi thôi, họ chỉ giống như những người thợ hạng hai cố gắng bắt chước tác phẩm của người thợ hạng nhất nhưng kết quả lại xô xẹo và thô thiển.
Nhưng, sự tinh xảo chưa phải tất cả. Ta sẽ thấy ở đây cùng một cách giải thích khi người ta hỏi, tại sao John Baldessari chỉ cần gọt một chiếc bút chì cũ rồi đặt hai tấm ảnh về tình trạng của chiếc bút chì trước và sau khi gọt là đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật để đời. Nghệ thuật không hẳn là một nghề nghiệp, mà là một thái độ. Không hẳn hình thức mà chính ý niệm đằng sau tạo nên nghệ thuật. Sự giống nhau giữa Nabokov (nghệ sĩ "tinh xảo") và Baldessari (nghệ sĩ "thô mộc") nằm ở ý niệm. Trong khi đó, có những tác phẩm tinh xảo hơn của Baldessari cũng không được gọi là nghệ thuật (như một số món đồ thủ công sao chép lẫn nhau), hay có những tác phẩm tìm đến những đề tài tương tự như của Nabokov cũng không được gọi là nghệ thuật, đều vì chúng thiếu đi một ý niệm.
Trong “Ada”, tình yêu cận huyết thống chỉ là một cái cớ. Với một nhà văn cho rằng hư cấu "chỉ tồn tại chừng nào nó mang lại được cho tôi thứ mà tôi sẽ gọi thẳng ra là niềm chân phúc mỹ học" như Nabokov, tình yêu cận huyết thống thật ra cũng là một ẩn dụ về nghệ thuật. Một tác phẩm văn học luôn là kết quả từ cuộc hôn phối của những tác phẩm văn học có liên hệ gần gũi về chủ đề và bối cảnh. Bản thân trong “Ada”, Nabokov đã cố tình tham khảo đến rất nhiều tác phẩm thời kỳ Lãng mạn của Pushkin, Chateaubriand hay Byron để tạo nên một kiểu giễu nhại.
Nói như nhà phê bình D.Barton Johnson, ““Ada” là sản phẩm cuối cùng theo nghĩa tình dục của nhiều thế hệ tôn sùng sách". Tương tự với Oedipus, tình yêu cận huyết thống trong vở kịch của Sophocles là một bi kịch mang tính định mệnh mà Oedipus càng cố gắng chống lại thì càng không thể thoát ra. Nó khác hẳn với những tác phẩm cùng chủ đề bị sáng tạo một cách vô minh nhưng lại huyễn tưởng rằng mình táo tợn.
Vậy là, ta thấy có hai điều phân biệt giữa nghệ thuật chân chính và mạo xưng nghệ thuật: đạo đức của cái đẹp và ý thức của sự sáng tạo. Nhưng, làm sao có thể đạt tới hai điều đó?
Chúng trước hết là phẩm chất có sẵn ít nhiều trong những thiên tài nghệ thuật nhưng chúng cũng đến từ sự kiên nhẫn. Hãy nhìn xem, sự lao động giũa gọt từng từ của Nabokov là gì nếu không phải sự kiên nhẫn? Và, làm sao ông nhìn ra mối liên hệ giữa quá trình viết một tác phẩm văn chương và tình yêu cận huyết nếu chẳng phải nhờ sự kiên nhẫn đây? Ngay cả một tác phẩm tưởng chừng giản dị như của John Baldessari cũng sẽ không thành hình nếu không nhờ việc ông thường xuyên đã có cái bút chì đó "trong một thời gian dài" và "mỗi lần thấy nó đều thấy khó chịu", nhìn mãi đến mức một lần "không thể chịu nổi lâu hơn được nữa nên tôi gọt nó". Đừng nói rằng những họa sĩ trường phái ấn tượng thì chỉ dùng vài phút để vẽ tranh. Monet - cha đẻ của trường phái ấy - đã vẽ đến hơn 200 bức tranh chỉ về một ao hoa súng ("Bạn phải mỗi ngày ngắm nó hàng giờ để bạn hiểu nó theo đúng hướng nhìn ấy", đây là lời khuyên của Monet cho các họa sĩ trẻ).
Ngay cả Van Gogh, những nghiên cứu mới nhất sử dụng công nghệ phản xạ ánh sáng trên tranh ông cũng cho thấy danh họa không hề là người vẽ một cách ào ạt và điên cuồng, mà kỳ thực, ông vô cùng chỉn chu và cẩn trọng. Thậm chí, những nghệ sĩ theo trường phái tối giản như đạo diễn Abbas Kiarostami với những thước phim không thoại, không nhạc, không diễn tiến nhưng trong sự tối giản kiệt cùng tưởng như không có dấu vết lao động sáng tạo ấy lại là một sự kiên nhẫn đến tột cùng để theo dõi trạng thái trống rỗng vô tận ấy. Sự tối giản ở đây không có nghĩa là không nhìn ra sự phức tạp, mà là đủ kiên nhẫn để nhìn nhận sự phức tạp và lại đủ kiên nhẫn để loại bỏ sự phức tạp ấy.
Những nhà sáng tạo vĩ đại ít khi hành động tùy hứng. Họ đều có sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn ấy không hẳn được đo đếm bằng thời gian, có những bản nhạc vĩ đại được viết trong vòng một tiếng nhưng chúng là tích lũy từ một quá trình kiên nhẫn đợi chờ chân lý hiển lộ và đừng quên trong hàng trăm ca khúc mà Lennon-McCartney hay Bob Dylan viết ra một năm, chỉ có một vài được phát hành. Sự chọn lọc ấy cũng là biểu hiện của kiên nhẫn.
Hay, một kẻ bồng bột sẽ chỉ thấy tình yêu cận huyết như một cỗ xe ngựa lớn lao của sự cám dỗ rồi bị cỗ xe ấy kéo lê đi xềnh xệch đến đâu chẳng biết và những tác phẩm tạo nên thì không hơn gì một đường rãnh bề bộn trên mặt đất. Nhưng, một nghệ sĩ thực thụ đủ kiên nhẫn lại là người học cách điều khiển cỗ xe, buộc cỗ xe phải đưa họ đến điểm đích họ đã định, như Nabokov, ông lái nó đến điểm đích là ẩn dụ cho nghệ thuật, hay như Marquéz, điểm đến là ẩn dụ cho một lịch sử cô đơn và tự hoại, hay như Haruki Murakami, điểm đến là ẩn dụ cho sức nặng của quá khứ và tuổi thơ.
Sự kiên nhẫn, nó là nguyên lý cơ bản của một tác phẩm lớn và những nhà sáng tạo lớn. Thiếu kiên nhẫn, ta sẽ chỉ có những tác phẩm lâm li sến sẩm thay vì dằn vặt ám ảnh, sa vào tức tối thay vì cật vấn lương tri, dằn hắt dỗi hờn thay vì hài hước mỉa mai, chọc ngoáy ác ý thay vì sâu cay trào lộng. Một phép so sánh khác đó là, những nghệ sĩ xoàng xĩnh giống như một người học võ chưa kịp hiểu hết căn cơ đã vội vàng luyện tập những môn võ thuật cao xa, kiểu như Chu Chỉ Nhược luyện Cửu âm chân kinh vậy, rồi đâm tẩu hỏa nhập ma lúc nào không biết, lúc thi triển võ công nhìn như yêu tinh quỷ mị. Ngược lại, những nghệ sĩ vĩ đại giống như Hoàng Sam Nữ Tử, cùng tập bộ võ học ấy nhưng vì hiểu biết thâm sâu nên thi triển võ công như nước chảy mây trôi, chẳng khác gì tiên nữ trên trời.
*
Một trong số những cuốn sách hay nhất về quá trình sáng tạo, có lẽ, chính là “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami. Dù là câu chuyện về hành trình luyện tập một môn thể thao bền bỉ như Marathon nhưng sau rốt, đó là cẩm nang của một người viết nói riêng và một người làm nghệ thuật nói chung. Khi Murakami nói rằng, chạy là một ẩn dụ của cuộc đời và ẩn dụ của sự viết, có lẽ ông cũng muốn nói rằng, để sáng tạo, người ta cần sự kiên nhẫn, sự đều đặn, chứ không phải những cảm xúc bốc đồng và chớp nhoáng.
"Bước này nối tiếp bước sau. Cứ lặp lại thường xuyên chừng nào hoàn thành", Murakami nói. Nghe có vẻ chẳng có gì kỳ diệu như người ta vẫn tưởng tượng về những phút giây cảm hứng thần thánh được ban phước từ các Nàng thơ (Muses) nhưng cuối cùng, đó là thái độ tốt nhất đối với nghệ thuật, mà cũng là thái độ tốt nhất đối với cuộc đời.