Khởi tạo và lĩnh hội: Kẻ tám lạng, người nửa cân

Thứ Bảy, 15/10/2022, 14:14

Có người nói ngôn ngữ là "sinh vật" kì lạ. Nó biến đổi theo thời gian, đôi khi theo những cách khó hiểu, khiến loài người tò mò. Ẩn sâu bên trong ngôn ngữ, dù giản đơn hay phức tạp, là hai thế lực đầy tham vọng: người nói muốn giãi bày suy nghĩ và người nghe cần được thấu hiểu, tránh sự mơ hồ.

Chạm tới một thỏa hiệp

Sean Trott bắt đầu bài nghiên cứu bằng câu hỏi: khi ngôn ngữ thay đổi, người nghe hay người nói sẽ được lợi? Chàng sinh viên, với niềm đam mê ngôn từ bất tận, luôn tin rằng ngôn ngữ, ở bất cứ dạng thức nào, tồn tại trong nền văn hóa Tây hay Đông, đều phản ánh một lịch sử lâu dài về sự đánh đổi và thỏa hiệp. Hệt mối quan hệ hai chiều qua lại trong cuộc đối thoại giữa người nghe cố gắng kiếm tìm ý nghĩa từ người nói đang truyền tải một thông điệp nào đó ra bên ngoài não bộ.

Khởi tạo và lĩnh hội: Kẻ tám lạng, người nửa cân -0
Mỗi đối thoại luôn là cuộc chiến đầy tham vọng giữa kẻ khởi tạo (người nói) và kẻ lĩnh hội (người nghe).

Nhìn vào bản chất của ngôn ngữ, chúng ta thấy một số từ xuất hiện thường xuyên hơn những từ khác. Giả dụ, trong một mẫu gần 18 triệu từ thuộc các văn bản tiếng Anh đã xuất bản, từ “can” (có thể) xuất hiện khoảng 70.000 lần, trong khi từ “souse” (ngâm) chỉ vỏn vẹn đôi ba lần. Thú vị hơn, “can” không chỉ đơn nghĩa, mà nó khoác trên mình một tấm áo có thể... đổi dạng theo ngữ cảnh. Sean Trott mở từ điển. “Can”, từ có thể, trở thành cái lon, rồi cái thùng đựng đồ ăn thức uống, thậm chí chốn lao tù. Sự biến đổi tiếp diễn, khi một danh từ chuyển thành động từ, rồi động từ mở ra hai ba nhánh nghĩa tùy thuộc ý người truyền tải.

Năm 1945, nhà ngôn ngữ học George Kingsley Zipf nhận thấy tần suất sử dụng của từ vựng tỉ lệ thuận với "thế giới nội tâm", hay bản chất ngữ nghĩa của chúng. Định luật tần số nghĩa Zipf ra đời, coi sự thay đổi ngôn ngữ tương tự tiến hóa: sinh vật được định hình qua các thế hệ kế tiếp bởi môi trường, còn ngôn ngữ biến đổi theo nhu cầu người dùng. Zipf đùa rằng ngôn ngữ thay hình đổi dạng vì chúng ta ngày càng trở nên lười biếng, muốn tìm kiếm công cụ truyền đạt hoàn hảo nhất mà chẳng cần phải nỗ lực quá nhiều.

Ngôn ngữ sẽ không thay đổi theo cách khiến chúng không thể sử dụng được, giữ vai trò công cụ chi phối giao tiếp là con đường hai chiều. Dù ở dạng thức nào, viết hay nói, giao tiếp đều cần kẻ khởi tạo - sản xuất và truyền tải thông điệp, cùng kẻ lĩnh hội - tiếp nhận và thấu hiểu thông điệp. Trớ trêu thay, hành trình từ cái miệng đến đôi tai không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi mà kẻ lĩnh hội tưởng như mình đã thành công giãi bày ý niệm, nhưng lại hoá thành vô nghĩa trong tư duy của kẻ lĩnh hội.

George Kingsley Zipf coi đây là hai lực lượng cơ bản, vừa cạnh tranh vừa tương hỗ lẫn nhau nhằm định hình sự phát triển của ngôn ngữ. Kẻ khởi tạo có thể ưa thích phong cách ngắn gọn, chẳng muốn vướng vào rắc rối với 10 từ thừa thãi trong khi chỉ cần nói một từ là đủ. Chúng ta cũng vậy, thay vì liệt kê chi tiết từng phút giây của một sự kiện, có lẽ chỉ sử dụng một cách diễn đạt đơn giản, nhưng vô tình lại mơ hồ. Năm từ bồ tôi nay ở đó, đặt gánh nặng suy luận lên kẻ lĩnh hội, vốn chẳng biết đó là đâu, rồi bồ là người thế nào.

Kẻ khởi tạo buộc phải nói lại nếu không muốn thất bại trong giao tiếp: bồ tôi, cái cậu Simon cao cao, nay mới tới quán cà phê chỗ tôi đang làm bán thời gian. Ngôn ngữ lý tưởng của kẻ khởi tạo sẽ chỉ là từ đơn, kiểu bồ - nay - đó, thậm chí là những chữ có thể thay thế cho mọi suy nghĩ. Trái lại, ngôn ngữ lý tưởng của kẻ lĩnh hội nằm ở việc nội dung được truyền đạt bằng các từ khác nhau, giảm thiểu khả năng nhầm lẫn, như cao cao - quán cà phê - bán thời gian.

Sean Trott nhớ lại cuốn từ điển tự biên soạn mà anh cóp nhặt tới vài chục nghĩa của từ “this” (này) hay “it” (ấy) chỉ để giao tiếp tối thiểu với bạn bè. Đóng vai trò người nói, anh mặc định người nghe hiểu mọi thứ, từ bối cảnh đến nhân vật, mà quên rằng đó chỉ là... tưởng tượng. Kì thực, kẻ khởi tạo kì vọng kẻ lĩnh hội sẽ nhanh chóng hình dung ẩn ý của họ, biến mọi cuộc gặp gỡ ngôn ngữ trở thành bài luyện tập đọc hiểu suy nghĩ. Điều này không phải lúc nào cũng suôn sẻ, trong bối cảnh cạnh tranh tư duy giao tiếp là cuộc chiến không có hồi kết.

Bên trong cuộc chiến vô hình ấy, hai thế lực đối lập được tạo ra bởi nhu cầu của người nói và người hiểu, vừa thống nhất vừa đối đầu, đôi bên cùng có lợi. Chẳng hạn, chúng ta có nhiều từ cụ thể hơn chữ đó, đáp ứng nhu cầu biểu đạt của kẻ lĩnh hội trong bối cảnh nhất định. Nhưng vài từ phổ biến nhất trong nhiều từ ấy có thể được sử dụng để diễn đạt hơn một ý nghĩa, trở thành lợi thế cho kẻ khởi tạo. Thế nên, ngôn ngữ phản ánh lịch sử lâu dài về những thay đổi hệ thống, hướng đến sự đánh đổi trước khi chạm tới một thỏa hiệp, với kết quả mang tên Định luật tần số nghĩa Zipf.

Khởi tạo và lĩnh hội: Kẻ tám lạng, người nửa cân -0
Ngôn ngữ tồn tại ở bất cứ dạng thức nào hay nơi đâu trên thế giới, đều phản ánh một lịch sử lâu dài về đánh đổi và thỏa hiệp.

Hai kẻ thích đối đầu

Nhiều người tranh biện rằng chẳng tồn tại cái gọi là... thỏa hiệp. Chúng ta kỳ thực chưa thể hiểu rõ bản chất của đối thoại, của mối quan hệ song phương giữa kẻ khởi tạo và kẻ lĩnh hội. Thực chất, hai kẻ này có sức mạnh ngang nhau, hay cán cân vốn đang nghiêng về bên nào đó trong trò chơi ngôn từ luôn tiếp diễn? Một số quan điểm khẳng định nhiều khía cạnh của ngôn ngữ, chẳng hạn như ngữ pháp, được định hình chủ yếu bởi áp lực lấy kẻ khởi tạo làm trung tâm. Điều này dường như chính xác theo trải nghiệm của Sean Trott.

Với nỗ lực tạo ra ngôn ngữ, Sean Trott trước hết tìm cách "dịch" các khái niệm não bộ muốn truyền tải thành chuỗi từ phức tạp. Thế nên, kẻ khởi tạo có xu hướng lựa chọn từ đơn giản, bắt ép ngữ pháp biến đổi phù hợp để diễn đạt thành công. Ý niệm bị động, tôi bị giật mình bởi tiếng ồn, hay chủ động, tiếng ồn khiến tôi giật mình phụ thuộc vào thời điểm, cùng đối tượng Sean Trott muốn nhấn mạnh trong giao tiếp, phản ánh sự linh hoạt ngữ pháp cho phép kẻ khởi tạo tự do xây dựng phong cách riêng. 

Số khác nghiêng về lập luận từ vựng đảm bảo ưu thế cho kẻ lĩnh hội không bị lạc lõng trong giao tiếp. Tuy nhiên, vốn từ của chúng ta không nhiều, ngay cả khi tự hào vỗ ngực thông thạo tiếng mẹ đẻ chứ chưa đề cập đến ngôn ngữ thứ hai. Sean Trott khẳng định cán cân từ vựng nghiêng về bên nào phụ thuộc vào lý thuyết mỗi từ thực sự có bao nhiêu nghĩa ở trạng thái 0, không bị chi phối bởi tư duy khởi tạo hay lĩnh hội. Khi những từ thường xuyên sử dụng, như “can” chẳng hạn, mang nhiều ý nghĩa hơn trạng thái 0 thì cán cân lệch về kẻ khởi tạo; ngược lại, một từ ít nghĩa hơn mong đợi thì kẻ lĩnh hội chiếm ưu thế.

Để xác định trạng thái 0, Sean Trott gợi ý tính toán xác suất âm vị của một từ nhờ Mô hình Markov, xem xét tất cả các từ trong một ngôn ngữ nhất định và xác định chuỗi âm nào xuất hiện nhiều hoặc ít nhất. Mỗi ngôn ngữ có quy tắc về âm bắt đầu và kết thúc một từ, hoặc trình tự âm xuất hiện, nhờ vậy quyết định sự phổ biến của từ. Ví dụ, mb không mở đầu các từ tiếng Anh hiện đại, nhưng tồn tại trong tiếng Swahili (một ngôn ngữ được nói bởi các dân tộc ở khu vực trải dài dọc bờ biển Ấn Độ Dương).

Dựa trên cơ sở ngữ âm, đa số từ thông dụng trong nhiều ngôn ngữ, từ tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp cho tới tiếng Nhật và tiếng Quan Thoại, thực chất có ít nghĩa hơn dự đoán. Kẻ lĩnh hội thắng cuộc, buộc đối phương khởi tạo phải diễn đạt chi tiết bằng ngôn từ cụ thể để tạo nên đối thoại không có khả năng bị hiểu lầm. Phát hiện này mang ý nghĩa hoàn hảo bởi nếu các từ có quá nhiều lớp nghĩa thì kẻ lĩnh hội đối mặt với "bão từ", chìm trong đại dương ý niệm đến mức bất lực trong giao tiếp.

Tất nhiên, sẽ có lúc kẻ khởi tạo tìm cách lấn át kẻ lĩnh hội bằng từ nhiều nghĩa. Điều này dễ hiểu bởi số lượng từ qua mỗi thời đại ngày càng tăng lên. Hiện nay, với lượng từ hạn chế trong từng ngôn ngữ, ngoài việc sáng tạo từ mới, chúng ta hẳn muốn tận dụng vốn sẵn có, biến một từ trong hoàn cảnh A thành nghĩa khác thuộc trường hợp B nhằm mục đích biểu đạt nội dung phù hợp. Chúng ta nghĩ đến ẩn dụ, chuyển tên gọi nhờ so sánh thuộc tính giống nhau giữa các đối tượng, hay hoán dụ, dựa trên mối liên hệ giữa các sự vật.

Độc đáo hơn, kẻ khởi tạo mưu mẹo tận dụng dung hoà âm thanh, tạo ra từ đồng âm đủ phiền phức cho não bộ đối phương nghe hiểu. Từ đồng âm tồn tại là tất yếu trong bối cảnh số lượng âm thanh chúng ta phát ra dùng làm vỏ ngữ âm, dù nhiều đến mấy, cũng có giới hạn. Sean Trott dẫn lại ví dụ hợp nhất âm theo thời gian, như “cot” và “catch” trong một số phương ngữ tiếng Anh, khiến hai từ xa lạ sở hữu chung cách phát âm. Khi ấy, đồng âm là nghệ thuật chơi chữ, đòi hỏi khả năng suy luận của cả hai bên sử dụng - tiếp nhận, từ đó kích thích tư duy khởi tạo - lĩnh hội nhằm chạm tới những hiệu quả đặc biệt trong giao tiếp của con người...

Lê Nam
.
.