Khoản "tiền cước lực" thời xưa

Thứ Bảy, 11/11/2023, 08:02

Ngày nay, nhân viên các cơ quan tư pháp đi thực thi công vụ được nhà nước trả "công tác phí" thì thời xưa, nhân viên công lực được phép lấy khoản tiền gọi là "tiền cước lực".

"Cước lực tiền", tức là món tiền trả cho "chân chạy" của những người được triều đình phái đi làm việc thừa sai. Khoản tiền này được tính theo ngày đường và không được quy định cụ thể trong bộ hình luật triều Lê, ban hành thời Vua Lê Thánh Tông, tức "Quốc triều hình luật" mà chúng ta thường gọi là Luật Hồng Đức.

binhlinh.jpg -0
Sai nha, binh lính thời Lê đi phục vụ việc xử án hay đưa công văn đều được nhận món "tiền cước lực".

Theo bộ sử "Lịch triều tạp kỷ" do Ngô Cao Lãng biên soạn, thì đến thời Lê trung hưng, năm Vĩnh Thịnh thứ 8 (1712) đời Vua Lê Dụ Tông, vào cuối tháng 5, Ngự sử đài mới vâng mệnh liệt kê các điều lệ về đòi gọi, xét xử, thu tiền công và đưa công văn, cùng với cách thức làm sổ, để ban hành đến các nha môn khám xử kiện tụng trong kinh đô và ngoài các trấn.

Theo đó, có hai hình thức triệu tập đương sự lên quan để điều tra là "câu" và "khám". "Câu", nghĩa là bắt đến hầu kiện (ngày nay vẫn dùng chữ "câu lưu", là yêu cầu đến cơ quan công quyền và giữ lại để làm rõ, mà chưa phải là lệnh bắt) và "khám" là xét xử kiện tụng. Theo đó, những người được sai đi bắt người đến hầu kiện (hành câu) chỉ được phép đi một lần thôi; nếu gặp sự trở ngại, hay gặp phải kẻ bướng bỉnh trốn tránh thì mới được phép đi bắt 2-3 lần. Tiền cước lực đi đường, trong đơn của quan nếu có kê là gọi bắt nhiều người nhưng nếu cùng ở một xã thì cho tính tròn làm 10 người, còn nếu dính dáng đến nhiều xã trong một tổng mà không phải cùng một xã thì cho tính là mỗi xã 3 người. Đối với những người làm chứng (chứng tá) thì số tiền đòi gọi (câu tiền) này giảm đi một nửa.

Điều lệ ban hành năm đó quy định, từ đó về sau, cứ một lần được sai đi bắt người đến hầu kiện thì được lấy tiền cước lực theo lệ định. Nếu người đi kiện (nay ta gọi là đương sự) không đến thì được phép đi thúc giục một lần nữa, nhưng chỉ được tiền thừa sai chứ không được tiền cước lực. Khi bị cáo bị dẫn đến có khiếu nại dính líu đến người khác, nếu quan xét rõ sự tình thấy nên bắt người dính líu đó đến hầu kiện thì cũng cho phép đi đòi gọi một lần. Còn đối với những người làm chứng thì phải tùy theo người đi kiện nếu có đơn khất nại mới được đòi đến xét hỏi. 

Ngoài ra, thời Lê có một quy định khác ngày nay là nhân viên được sai phái đi được gia đình đương sự cung đốn cơm ăn, mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa 1 mâm, thì không được yêu sách lấy tiền nữa. Dù vậy, quy định không nêu rõ mỗi mâm có mấy món. Tuy nhiên, có quy định về giá trị bữa ăn như sau: Nếu người đi kiện tình nguyện đưa tiền để thay cho bữa cơm thì cho phép người thừa sai chỉ được lấy mỗi bữa cơm là 36 đồng tiền. Nếu người bị đòi hầu kiện chưa nộp được tiền thì cho phép người thừa sai được ở lại 1-2 ngày, nếu người ta nộp tiền rồi thì phải tức tốc đi ngay, không được nấn ná ở lại lâu.

Về tiền thừa sai, thì từ quan của hai ty Thừa chính và Hiến sát trở lên chỉ được 3 tiền, quan phủ chỉ được 2 tiền, quan huyện chỉ được 1 tiền "là để thay thế cho tiền trầu cau". Còn các loại tiền ngoại lệ khác đều cấm tiệt.

duacongvan.jpg -0
Hình ảnh binh lính dùng ngựa vận chuyển sớ, tấu, công văn thời xưa.

Người đi kiện chống án và bị cáo đã được đòi đến thì trước hết cho phép khai rõ những sự tốn kém ở nha môn đã đến lần đầu tiên. Nếu thấy có sự đòi hỏi không hợp lệ và có gì hà lạm, thì đến ngày tái xử (sách xưa viết là "điệu án") sẽ đem đơn ấy điều tra, nếu quả có sự hà lạm thật thì phải thu trả cho người ấy.

Về người thừa sai đi thu tiền tang vật thì tiền lễ về giấy tờ có thể lệ định rõ, không được yêu sách thêm khoản gì nữa. Còn về ăn uống thì y như thể lệ khi đi đòi, đi bắt.

Người thừa sai đưa công văn và đi việc công, nếu đến nha môn nào ăn uống cũng chỉ được mỗi ngày 2 bữa, chứ không được lấy tiền. Tiền thừa sai thì như thể lệ sai đi đòi người hầu kiện. ("Lịch triều tạp kỷ" cũng bổ sung rằng, trước đó, nhân viên thừa sai thời nhà Lê hay quen lối đòi tiền đưa công văn tính bằng 3 lần đi đòi người hầu kiện (nhất tống tam câu). 

Về việc người đi kiện xin xử lại, thì số người được sai đi điều tra để giúp việc xét xử chỉ cho mỗi ngày 1 người. Khi bị cáo đã được dẫn đến rồi thì số được sai đi điệu án chỉ được 2 người thôi. Nếu người đi kiện lại kêu xin xét lại thì cho xếp việc điều tra lấy lời khai của bên bị, việc điệu án gộp làm một và chỉ cho 2 người được sai đi. Về tiền hành lý, đều như thể lệ tính từng ngày đường.

Trong "Lịch triều tạp kỷ", Ngô Cao Lãng cũng cho biết các nha môn sau khi có lệnh đòi người, thúc giục, thu tiền, đưa công văn... đều lưu lại các giấy tờ điều động có bút phê của quan sở tại, cùng các đơn nộp tiền, đóng lại thành tập, hằng năm đến kỳ soát kiện thì làm sổ, nộp ở nha môn để kiểm tra và phê chuẩn, sau đó lưu hồ sơ.

Trong cuốn "Hình luật chí" thuộc bộ bách khoa thư "Lịch triều hiến chương loại chí" của học giả Phan Huy Chú biên soạn, hoàn thành vào đầu triều Nguyễn, cũng chép chi tiết về lệ cử người đi đòi bắt nghi phạm, can phạm như trên. Riêng phần cung đốn nuôi cơm cho người thừa sai, sách này có bổ sung rằng mỗi bữa ăn trị giá 1 tiền gián (là tiền tiêu trong dân gian, bằng 36 đồng, như Ngô Cao Lãng đã viết ở trên, khác với 1 tiền quý tức tiền dùng trong hệ thống nhà nước, bằng 60 đồng. Mỗi quan tiền gián là 360 đồng, 1 quan tiền quý là 600 đồng) cùng 1 bát quan đồng gạo. Nếu đi các trấn xa thì cho mỗi bữa 2 tiền gián và 2 bát quan đồng gạo, không được đã lấy tiền "chiết can" lại đòi ăn cơm tạm, còn tiền tiễn chân đi về đều không được lấy.

"Hình luật chí" nói rõ hơn về đối tượng phải trả tiền cước lực, theo đó, đường đi 1 ngày, người bị bắt phải chịu 1 tiền quý, đường đi nửa ngày thì trả 30 đồng. Ngoài ra, người được đòi gọi đến làm chứng cũng phải trả tiền cước lực cho người thừa sai, nhưng chỉ bằng một nửa bị cáo.

Sách của Phan Huy Chú cũng bổ sung lệ sai người đi bắt can phạm ở trấn ngoài (tức các địa phương ngoài 4 nội trấn là Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam), theo đó, nếu người kiện bị xét hỏi ở Chính đường (phủ chúa Trịnh) thì Chính đường truyền lệnh, ở Ngự sử đài thì Ngự sử đài làm công văn và trát gửi giao cho trấn quan hạt ấy chuyển báo. Người được sai đến các nha môn thì phải chiểu theo nhật trình mà cấp cho tiền hành lý đi về, mỗi ngày 2 tiền quý.

Theo "Hình luật chí" thì các món tiền đi đường, tiền thừa sai và tiền cơm đều lấy vào chính thân người bị thu, không được bắt đến họ hàng của họ và dân xã. Khi sai người đi thu tiền, chuộc tội và tiền phạt, thì tiền thừa sai cũng như lệ sai đi bắt tội phạm, tiền phái thì cho 5 tiền quý. Về kỳ hạn thu tiền, tùy số tiền thực tang, cứ 10 quan cho ngồi thu 2 ngày, còn nếu số tiền đó nhiều cũng không được ngồi thu quá 1 tháng. Khi thu tiền đủ thì phải trở về ngay, không cứ hạn ngày. Lệ nuôi cơm khi ngồi thu tiền cũng như lệ sai đi bắt. Biên thu thì cứ 1 quan tiền tang được thu tiền lễ 1 tiền. 

Đó là việc tống đạt các quyết định "câu" và "khám". Còn khi đi bắt phạm nhân thì luật thời Lê nghiêm cấm việc sách nhiễu lấy tiền của gia đình. Điều 704, tức điều thứ 47 trong chương Đoán ngục của Luật Hồng Đức quy định: Ngục giám, ngục lại đi bắt phạm nhân, mà lấy tiền của người ta, việc nhẹ thì phải biếm 3 tư, việc nặng thì đồ làm khao đinh, nếu đòi lấy tiền nhiều quá đến nỗi người ta phải khánh kiệt tài sản, thì đồ làm chủng điền binh; đòi tiền đến nỗi cả xã ấy bị phá sản, thì xử tội lưu hay tội chết và bắt bồi thường gấp đôi số tiền nhũng nhiễu. Nếu không có trát nã đóng dấu của bản ty, mà tự tiện bắt người thì xử biếm 2 tư; nếu bắt người vô tội thì xử biếm 3 tư; lại lấy tiền của hay đồ vật, để đến nỗi người ta bị phá sản thì tội lại nặng hơn tội có trát đi bắt mà sách nhiễu 2 bậc nữa...".

Tuy nhiên, có một điểm phiền phức với người dính kiện tụng thời xưa, là các nha môn xử kiện đều thu lễ tạ, lễ đảm, mỗi đảm là 5 tiền (và nộp cho cơ quan công quyền thì phải là tiền quý, mỗi tiền bằng 60 đồng), số tiền quy định cho các cơ quan xử án từ cao xuống thấp hơn kém nhau, như Ngự sử đài và quan cai đạo cộng được 7 đảm rưỡi; nha môn phủ Phụng Thiên (phủ cai quản kinh thành Thăng Long) được 3 đảm rưỡi; nha môn quan Đề lĩnh (như cảnh sát trưởng của kinh thành) 3 đảm; các huyện Thọ Xương, Quảng Đức (là 2 huyện của phủ Phụng Thiên, bao gồm các phường, xã của kinh thành Thăng Long) mỗi nha môn 3 đảm, thừa ty 5 đảm, hiến ty 5 đảm; trấn ty 5 đảm rưỡi; nha môn phủ huyện 3 đảm; các tiền gà, rượu, gạo, thịt thì đều thôi cả.

Tiền lễ đảm đều nộp ở công đường, chia theo bậc khác nhau. Phần của trưởng quan bằng với phần của tất cả lại viên. Tiền lễ tạ thì việc kiện lớn mỗi nha môn được thu tiền rượu lớn là 1 quan 2 tiền quý; việc kiện nhỏ, mỗi nha môn được thu tiền gà rượu 6 tiền quý. Nếu vụ kiện xử hòa thì cả hai bên nguyên và bị đều phải nộp nửa tiền tạ, tiền đảm.

Lê Tiên Long
.
.