Khoa học di truyền thay đổi khái niệm Thập Tự Chinh

Thứ Năm, 26/10/2023, 14:08

Hóa ra, thuật ngữ Thập Tự Chinh không có nghĩa là người châu Âu hay người đã chiến đấu nhân danh Chúa Kitô vào thời Trung cổ. Các nhà khoa học từ lâu đã bày tỏ sự không hài lòng tột độ với thuật ngữ lỗi thời này và đề xuất từ bỏ chúng.

Những khuôn mẫu đáng bác bỏ

Hầu hết mọi người khi nghe đến cái tên Thập Tự Chinh đều tưởng tượng ra những hiệp sĩ mặc áo giáp sắt của một chế độ quân chủ thời Trung cổ nào đó ở châu Âu. Lý tưởng nhất, quân Thập Tự là một thanh niên da trắng cao lớn, trang nghiêm. Tuy nhiên, khuôn mẫu đã được thiết lập này, giống như một số khuôn mẫu khác trong lịch sử, đã bị các nhà khoa học di truyền bác bỏ. Các chuyên gia đã chứng minh rằng khái niệm được chấp nhận rộng rãi “quân Thập Tự có nghĩa là người châu Âu” là không đúng sự thật.

Theo Wikipedia thì Thập Tự Chinh là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo, được kêu gọi bởi Giáo hoàng và tiến hành bởi các vị vua và quý tộc là những người tình nguyện cầm lấy cây thập giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh… Các cuộc Thập Tự Chinh xảy ra chủ yếu giữa người Giáo hội Công giáo Roma chống lại người Hồi giáo và các tín hữu Kitô giáo theo Chính Thống giáo Đông phương trong Byzantium, với các chiến dịch nhỏ hơn tiến hành chống lại người Slav ngoại giáo, Balts ngoại giáo, Mông Cổ và người Kitô giáo ngoại đạo. Chính Thống giáo Đông phương cũng tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo trong một số cuộc Thập Tự Chinh. Tuy nhiên các cuộc Thập Tự Chinh đều chịu tác động từ chính trị, kinh tế và xã hội sâu rộng ở châu Âu: xuất phát từ lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo đế chế Byzantine để được giúp đỡ chống lại sự mở rộng của đạo Hồi, có mục tiêu ban đầu là đánh chiếm lại Jerusalem và Đất Thánh khỏi sự kiểm soát của người Hồi giáo.

Các cuộc Thập Tự Chinh đã có một số thành công tạm thời, nhưng quân Thập Tự cuối cùng bị buộc phải rời khỏi Đất Thánh.

Khoa học di truyền thay đổi khái niệm Thập Tự Chinh -0
Quân Thập Tự Chinh.

Những phát hiện khảo cổ

Mùa thu năm 2023 tại ngoài khơi bờ biển Israel, một thợ lặn đã vô tình có một phát hiện vô cùng ấn tượng: một thanh kiếm thời trung cổ được bao phủ bởi vỏ hà, nhưng nhìn chung nó được bảo quản hoàn hảo. Các nhà khảo cổ đã làm sạch vũ khí một cách hết sức cẩn thận. Hóa ra thanh kiếm này thuộc về một hiệp sĩ từ thời Thập Tự Chinh và thực tế là tất cả các phương tiện truyền thông đều tung hô về hiện vật này nhưng có rất ít thông tin về nó.

Bằng chứng nữa là những phát hiện khảo cổ học được phát hiện trong quá trình khai quật ở thành phố Saida nằm trên bờ Địa Trung Hải, cách Beirut của Lebanon 36 km, cách biên giới với Israel 34 km.

Những khu định cư đầu tiên trên địa điểm có thành phố Saida hiện nay xuất hiện vào thế kỷ IV TCN. Tuy nhiên, 3 thế kỷ sau, thành bang này đã đạt được quyền lực và vinh quang thực sự và sau đó mới được gọi là Sidon.

Vào giữa thế kỷ VII, ở thời điểm đó thành phố là một trong những trung tâm cấp tỉnh của Đế chế Đông La Mã (Byzantium) đã bị người Arab chinh phục. Sau đó, người La Mã đã nhiều lần cố gắng chiếm lại. Sidon được nhắc đến hơn chục lần trong Kinh thánh, tên của nó gắn liền với tên của đứa con đầu lòng (cũng được đặt là Sidon) của người vùng Canaan (vùng đất cổ bao gồm Lebanon, Israel, Palestine, phần phía Tây Jordan và Tây Nam Syria, còn được gọi là Ngã Tư Tây Á). Lịch sử này của Sidon khiến nó trở thành một trong những mục tiêu chính của các cuộc Thập Tự Chinh ở châu Âu. Năm 1110, quân Thập Tự Chinh, do Vua Jerusalem Baldwin I và vua Sigurd I của Na Uy chỉ huy, đã đánh bật người Arab ra khỏi thành phố và chiếm được nó. Sidon vẫn nằm dưới sự kiểm soát của người Cơ đốc giáo cho đến năm 1249 thì bị quân đội Saracen của dân du mục phá hủy.

Năm 2019, trong quá trình khai quật trên tàn tích pháo đài cổ Sidon, các nhà khoa học đã phát hiện ra hai hố, mỗi hố chứa đều hài cốt người. Tổng cộng, có 25 bộ xương người nam đã được xác định. Các nhà cổ sinh vật học bắt đầu nghiên cứu phát hiện này.

Tuy nhiên, danh tính của hài cốt nhanh chóng được xác định. Sau khi nghiên cứu các hình vẽ trên khóa thắt lưng và một số đồng xu cũng được tìm thấy trong lăng mộ, các nhà khảo cổ đi đến kết luận rằng những bộ xương thuộc về những người lính Thập Tự Chinh. Bằng phương pháp carbon phóng xạ, xác định được tuổi của hài cốt là thế kỷ XIII. Vào thời điểm đó, các cuộc Thập Tự Chinh diễn ra đều đặn. Các nhà nghiên cứu cho rằng người chết có thể là “những người lính của Chúa Kitô”, những người đã bảo vệ Sidon và đẩy lùi cuộc tấn công dữ dội của quân đội Saracen. Tất cả hài cốt đều thuộc về đàn ông và họ có dấu hiệu rõ ràng về cái chết do bạo lực.

Nghiên cứu di truyền học đã chống lại khuôn mẫu thông thường

9 trong số 25 bộ xương đã được gửi đi xét nghiệm di truyền. Các nhà khoa học rất tỉ mỉ trong công việc của họ, thậm chí còn kiểm tra kỹ một số dữ liệu, tuy nhiên, kết quả vẫn không thay đổi. Phân tích ADN cho thấy một trong những bộ xương thuộc về một người đàn ông trung niên có quê hương ở đảo Sardinia. Hai trong số những người thiệt mạng có cặp dấu hiệu di truyền của các dân tộc Trung Đông và châu Âu - những người nhập cư từ Tiểu Á, miền nam Italy và người Do Thái Ashkenazi. Hai người nữa là người miền bắc Italy hoặc xứ Basque.

Nhưng thú vị nhất là bộ gen của 4 bộ xương cuối cùng. Hóa ra chúng là hài cốt của những người mang ADN đặc trưng của các dân tộc Trung Đông và Bắc Phi. Về mặt di truyền, bốn người đàn ông này gần gũi nhất với cư dân Lebanon vào thế kỷ II-VI cũng như người Lebanon hiện đại.

Tất nhiên, có thể giả định rằng trong (hoặc sau) trận chiến đẫm máu, những người theo đạo Thiên chúa và người theo đạo Hồi đã được chôn cất vội vã trong cùng một ngôi mộ tập thể. Về mặt lý thuyết điều này là có thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học xem xét một phiên bản khác của những gì đã xảy ra.

Đối thủ chính của quân Thập Tự Chinh trong thế kỷ XIII thuộc dân tộc nào? Để hình dung đầy đủ toàn bộ tình huống, cần phải thực hiện một chuyến du ngoạn ngắn vào lịch sử của các cuộc Thập Tự Chinh thời Trung cổ. Do đó, từ vô số tài liệu (cả Cơ đốc giáo và cả Hồi giáo) của thế kỷ XII-XIII mà các nhà nghiên cứu có thể sử dụng, người ta có thể tìm ra những dân tộc nào vào thời điểm đó đã chiến đấu chống lại quân đội của quân Thập Tự Chinh.

Vì vậy, đối thủ chính của “các chiến binh của Chúa Kitô” khi đó là các bộ lạc Bedouin trên sa mạc, cũng như những người đến từ Ai Cập, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hiện đại. Đương nhiên, phân tích ADN sẽ chỉ ra sự hiện diện của gen từ các quốc tịch này. Tuy thế, một nhóm các nhà khoa học di truyền có thẩm quyền quốc tế lại không tìm thấy bất cứ điều gì như thế.

Khoa học di truyền thay đổi khái niệm Thập Tự Chinh -0
Di tích cổ Sidon (nay là Saida) trên bản đồ Lebanon.

Lính đánh thuê điển hình

Và bây giờ là điều quan trọng nhất: 4 người Trung Đông được chôn trong một cái hố gần Sidon có dấu hiệu di truyền chung với những người theo đạo Cơ đốc thời hiện đại ở Lebanin. Vì vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng quân đội Thập Tự Chinh thường được tuyển mộ từ những cư dân trong khu vực diễn ra cuộc giao tranh.

Đối với hài cốt thuộc về “con lai”, ở đây các nhà khoa học nhất trí đồng ý rằng những chiến binh này rất có thể là hậu duệ của những du khách châu Âu hoặc Trung Đông từ những cuộc hôn nhân hỗn hợp (hoặc quan hệ bình thường) với phụ nữ địa phương. Ngoài ra, khả năng cao cha mẹ của những người đàn ông này có thể là những người Thập Tự Chinh đầu tiên tham gia cuộc chinh phục Sidon vào năm 1110.

Vì vậy, ý tưởng từng tồn tại lâu đời về “quân Thập Tự Chinh là những chiến binh châu Âu nguyên thủy” đã bị các nhà khoa học di truyền bác bỏ. “Quân đội của Chúa Kitô” hầu hết là đội quân vũ trang tạm thời, và các cuộc Thập Tự Chinh là một cách tốt để kiếm tiền, để nhận được sự phân bổ phong kiến từ nhà thờ khi chiến tranh kết thúc, hoặc tham gia vào các vụ cướp của người Hồi giáo.

Do đó, những người lính Thập Tự Chinh bình thường là những người lính đánh thuê điển hình, tuyệt nhiên không có một liên kết chủng tộc hoặc di truyền nào. Không phải tất cả những người theo đạo Cơ đốc đều là “quân Thập Tự Chinh”. Các cuộc Thập Tự Chinh được thực hiện không chỉ chống lại người Hồi giáo mà còn chống lại người Do Thái và thậm chí chống lại cả những người theo đạo Cơ đốc có cùng chí hướng.

Đất Thánh là một khu vực nằm giữa Địa Trung Hải và bờ Đông sông Jordan, thường được xem là đồng nghĩa với Vương quốc Israel như được xác định trong bộ kinh Tanakh. Thuật ngữ "Đất Thánh" cũng được những người Hồi giáo và Kitô giáo sử dụng để chỉ toàn bộ khu vực giữa sông Jordan và Địa Trung Hải.

Một phần tầm quan trọng của đất Thánh xuất phát từ ý nghĩa tôn giáo của Jerusalem (hay còn gọi là Yerushalayim trong tiếng Hebrew, và Al-Quds trong tiếng Arab). Với người Do Thái, đây là nơi vua David xây dựng thủ đô của vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ đầu tiên.

Với người Kito giáo, đây là nơi chứng kiến Chúa Jesus bị đóng đinh, quan trọng chỉ sau Mecca và Medina. Theo Kinh Koran, Jerusalem là điểm dừng chân trong hành trình Đêm kỳ bí của Nhà tiên tri Mohammed. Với những lý do trên, Jerusalem trở thành thánh địa quan trọng của cả 3 tôn giáo.

Đăng Bẩy
.
.