Khó thuyết phục vì thiếu chứng cứ khoa học
Mộ "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương hiện đang ở đâu, quy mô và kiến trúc như thế nào là vấn đề đã được con cháu dòng họ Hồ và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa đặc biệt quan tâm tìm hiểu từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, kết quả vẫn đang trong tình trạng "mò kim đáy bể", bởi tư liệu ghi chép về ngôi mộ của nữ thi sĩ cũng chỉ mới phát hiện ở dạng truyền miệng dân gian (tương truyền) hay khảo thơ tìm sử, chứ chưa có một tài liệu đáng tin cậy nào.
1. Gần đây, bà Nghiêm Thị Hằng (Hà Nội) có tờ trình gửi cơ quan chức năng và UBND tỉnh Quảng Nam xin khai quật "ngôi mộ cổ vô thừa nhận có minh bia 1850 phục vụ khảo cổ liên quan đến các giả thuyết về phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương" tại địa chỉ hai ngôi mộ cổ thuộc phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam).
Chúng tôi cũng đã đọc nhiều lần tờ trình của bà Nghiêm Thị Hằng gửi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam nhằm tìm ra dữ liệu quan trọng nào đó để bà đề nghị được khai quật hai ngôi mộ cổ có liên quan đến nghi vấn đó là mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhưng thật tiếc nó lại rất chung chung, khó có thể đưa ra đoán định một cách có căn cứ.
Trong tờ trình, bà Nghiêm Thị Hằng có viết: "Trong quá trình nghiên cứu về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ năm 2020 tôi đã phát hiện ông Trần Phúc Hiển (tức Mai Sơn Phủ) là người chồng thứ hai của nữ sĩ Hồ Xuân Hương quê ở (làng Tam Kỳ cổ) bài thơ "Thu nguyệt hữu ức Mai Sơn phủ ký" có hai câu thơ "Bên am Nhất trụ trông còn đó/ Ngọn nước Tam Kỳ chảy lại đâu" trong tập thơ "Lưu Hương ký" của Hồ Xuân Hương.
Trong quá trình nghiên cứu quê hương của ông Trần Phúc Hiển và dấu tích liên quan đến phần mộ của nữ sĩ, tôi đã nhiều lần đi điền dã vào TP Tam Kỳ tìm hiểu ngôi mộ cổ Giày thầy Lánh ở bãi Sơn làng Hương Trà Tây, kết nối thông tin với 2 ngôi vô thừa nhận ở khu phố 8 phường An Sơn TP Tam Kỳ có minh bia năm 1857 của cụ Phan Thị Chi và ngôi mộ minh bia 1850 có tên Huỳnh Hoàn Nhân…".
Với đoạn này có thể hiểu, sau khi viên quan Tham hiệp trấn Yên Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) tên là Trần Phúc Hiển bị triều đình khép án tử hình vì tội ăn hối lộ, ít năm sau nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng mất, và khoảng ít nhất sau năm 1842 thì thân nhân đã cải táng đưa nữ sĩ vào chôn cất tại quê chồng ở thành phố Tam Kỳ hiện nay?
Ông Trần Phúc Hiển là chồng của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được nhiều tài liệu khẳng định từ rất lâu, nhưng việc có cải táng mộ của nữ sĩ rồi đưa vào quê chồng ở thành phố Tam Kỳ hiện nay chôn cất hay không thì hiện chưa có tài liệu đáng tin cậy nào chỉ ra. Vì thế, những lý giải của bà Nghiêm Thị Hằng ở trên, theo chúng tôi cũng chỉ mới dựa vào yếu tố tâm linh và phương pháp khảo thơ tìm sử để đoán định mộ cổ có văn bia năm 1850 nghi là mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, và đề xuất được khai quật các ngôi mộ để xác định chủ nhân.
2. Thật ra, nữ sĩ Hồ Xuân Hương mất vào ngày, tháng, năm nào, ở đâu, lý do mất và được chôn cất tại nơi nào vẫn đang là câu chuyện bí ẩn, chưa thể giải mã dù đã được con cháu dòng họ Hồ và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa quan tâm khảo cứu, tìm hiểu từ lâu.
Gần đây, nhà thơ Trần Nhuận Minh trong một bài viết "Về Hồ Xuân Hương, viết thế nào cho phải?" đăng trên nhiều tạp chí đã đưa ra thông tin: Sau khi ông Hiển chết, "bà xuống tóc đi tu ở Yên Tử, cũng là lẽ đương nhiên, và hết tang chồng thì thắt cổ chết theo chồng ở chùa Giải Oan - Yên Tử năm 1822, cũng là điều có thể tin được… Trước khi bà chết, ông Phạm Quí Thích, người Bình Giang, Hải Dương, bạn thân nhất của Nguyễn Du, đã đến tận Yên Tử thăm bà.
Nguyễn Du đã mất trước bà 2 năm (1820). Phạm Quí Thích là người được Nguyễn Du rất tin cậy, giao cho bản thảo "Đoạn trường tân thanh" (tức Truyện Kiều) cầm ra Hà Nội. Khoảng cuối năm 1825 hay cuối năm 1826, tức là 3 - 4 năm sau, thân nhân mới đưa hài cốt bà về táng ở gần Hồ Tây, Hà Nội (mà Tùng Thiện vương đã đến viếng, năm 1842), rồi sau đó, không biết sau năm 1842 bao nhiêu năm, đưa về Tam Kỳ, Quảng Nam, để ở gần mộ chồng".
Trong khi đó, một tài liệu chưa được chứng thực lại cho biết, "tương truyền sau khi chồng mất, Hồ Xuân Hương có vào chùa Giải Oan núi Yên Tử, nhưng rồi không hợp cảnh thiền môn, nàng trở về làng Nghi Tàm, vài năm sau năm 1822 thì mất, hưởng dương 51 tuổi. Mộ được chôn tại nghĩa địa Đồng Táo trước chùa Kim Liên".
Còn con cháu dòng họ Hồ và một số nhà nghiên cứu lại ngả theo hướng tìm mộ phần nữ sĩ Hồ Xuân Hương dựa vào những câu thơ chữ Hán trong "Long Biên trúc chi từ" của Tùng Thiện Vương, em trai vua Thiệu Trị, năm 1842 theo anh ra Bắc tiếp sứ thần nhà Thanh có ghé lại thắp hương cúng Phật tại ngôi chùa bên Hồ Tây và làm một bài thơ. Sau này được GS Hoàng Xuân Hãn dịch: "Đầy hồ rực rỡ hoa sen/ Sai người xuống hái để lên cúng dàng/ Chớ trèo qua mộ Xuân Hương/ Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/ Sen tàn, phấn rữa mồ hoang/ Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh/ U hồn say tít làm thinh/ Gió xuân mấy độ thổi tình không hay...".
Nhờ vào những thông tin chứa đựng trong những câu thơ trên, nhiều con cháu dòng họ Hồ cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử đã tìm kiếm mộ phần của nữ sĩ. Vào đầu những năm 2000, một nhóm người của dòng họ căn cứ vào các tài liệu thu thập để đi tìm và bước đầu tạm thời xác định rằng, Hồ Xuân Hương mất tại Khán Xuân, được nhân dân trong phường chôn cất chu đáo.
"Mộ bà trước đây được xây vuông, đặt ở ven nghĩa địa Đồng Táo. Cạnh mộ của bà còn có bia khắc tên nữ sĩ Xuân Hương. Trải qua bao nắng mưa của thời gian, lũ lụt, vỡ đê, nghĩa địa Đồng Táo nay đã chìm sâu trong làn nước xanh mát của hồ Tây. Nhiều người đánh cá lội xuống hồ Tây, có những ngày nước rút còn chạm cả vào những mộ phần dưới đấy", một tài liệu cho biết.
Một giả thuyết khác nữa, năm 2010, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc viết bài "Hồ Xuân Hương (?-?)" đăng trong cuốn "Hà Nội nhân vật văn hóa" có cho biết: "Trên tạp chí văn học số 3/1974 có đăng bản dịch bài "Xuân Đường đàm thoại" của Tam nguyên Trần Bích San (1840-1878), một danh nhân của Nam Định. Bài này cho biết vào năm Tự Đức (tức 1870), một nhóm văn nhân họp bạn cuối năm, một người đến chậm cáo lỗi vì phải đi dự một đám tang "tài nữ", quê ở Nghệ An, hiệu là Cổ Nguyệt Đường, tự là Xuân Hương, nàng ở Từ Sơn, mộ nằm bên núi Nguyệt Hằng, tức núi Chè, nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Bà cũng là người Nghệ An, cũng là tài nữ, có kiếp sống long đong…". Dẫn ra như vậy để thấy mộ phần của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đang yên nghỉ tại đâu, thuộc tỉnh thành nào đang là vấn đề còn phải tiếp tục tìm kiếm, chưa thể có hồi kết.
3. Trở lại với đề xuất của bà Nghiêm Thị Hằng, Bảo tàng Quảng Nam đã vào cuộc khảo cứu hai ngôi mộ cổ tại phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, trong đó có ngôi mộ cổ mang văn bia năm 1850. Theo nhiều chuyên viên phòng Nghiệp vụ của Bảo tàng Quảng Nam cho biết, "qua thông tin lạc khoản trên bia mộ, người đàn ông có tên chữ là Huỳnh Hoàn Nhân. Niên đại tạo lập bia mộ là năm Canh Tuất.
Với kiểu thức hoa văn trang trí trên bia mộ, thư phong và niên đại năm Canh Tuất thuộc thời Đại Nam, chúng tôi đoán định bia được lập thời nhà Nguyễn, khoảng giữa thế kỷ XIX, nên có lẽ là năm 1850. Như vậy, ngôi mộ này đã được tạo dựng cách ngày nay khoảng 174 năm. Căn cứ các cứ liệu trên, chúng tôi tạm đoán người được an táng dưới mộ có thể là người đàn ông họ Huỳnh, do con trai có tên là Văn Dục cẩn tạo".
Cũng tại ngôi mộ cổ này còn có bài minh văn ở bình phong hậu. Nguyên văn dịch nghĩa như sau: "Đức độ thay bậc cao nhân, từ lâu được khen là người tốt ở đời. Tính ngài vốn tự nhiên như thế, lòng dạ chất phác lắm thay. Lời nói và việc làm của ngài đều đáng khen ngợi, cúi xuống không thẹn với đất, trông lên không thẹn với trời. Tay trắng lập gia đình, một thân gầy dựng cơ đồ. Sự tốt đẹp và mẫu mực của ngài đáng để noi theo, những mưu cầu tốt đẹp như thế phải ghi chép lại. Vợ chồng cư xử với nhau, thuận hòa hết mức. Tình cha với con, hết mực từ tâm. Xử trị việc nhà bằng phép tắc, lấy sự ngay thẳng làm đầu. Đáng ra ngài phải được hưởng phúc dài lâu, sao lại vội lìa cõi đời? Ngày lành tháng 2 năm Canh Tuất, năm Tự Đức thứ 3. Học trò Trần Hòa Phủ, người Tam Kỳ, Hà Đông chuyên soạn".
Ngôi mộ cổ nằm cách mộ cụ Huỳnh Hoàn Nhân 7m về hướng Tây Bắc cũng được khảo tả kỹ, và xác định mộ của cụ bà Phan Thị. Mặt sau của bia mộ này cũng có bài minh văn gồm 16 câu, mỗi câu 4 chữ. Qua khảo tả chi tiết hai ngôi mộ cổ, Bảo tàng Quảng Nam nhận định: "Kết quả nghiên cứu cho thấy hai ngôi mộ cổ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh, cụ bà Phan Thị ở phường An Sơn là những ngôi mộ cổ có kiểu xây dựng mang đặc trưng phong cách kiến trúc mộ ở Quảng Nam khoảng giữa thế kỷ XIX. Bia mộ hiện còn nguyên vẹn, chứa đựng thông tin trung thực về mộ chủ (họ tên, danh xưng, tên chữ, quê quán, phẩm hàm, chức tước, niên sinh, niên tử, niên tạo, quyến thuộc,…).
Hai ngôi mộ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh và cụ bà Phan Thị có hai người con trai tên là Văn Dực, Văn Lập. Đây là những ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, văn chương, nghệ thuật, rất cần được bảo vệ và nghiên cứu. Việc đưa ra những suy đoán không có cơ sở hoặc dựa vào những chứng cớ huyền hoặc để thay đổi nhân thân người nằm trong hai ngôi mộ này là điều không được làm".
Trên cơ sở này, mới đây UBND tỉnh Quảng Nam không đồng ý với đề xuất của bà Nghiêm Thị Hằng.