Khi vua tự trách mình

Chủ Nhật, 14/11/2021, 10:08

Theo quan niệm thời xưa, vua là con trời, thay trời chăn dân, nên mỗi khi trời giáng thiên tai, dịch bệnh, các vị quân vương phong kiến thường thực hiện các nghi lễ tạ lỗi với trời, tự trách phạt mình để mong trời bớt giận, không trút tai họa xuống muôn dân nữa.

Vua tự xét mình

Việc tự xét mình của các vị vua Đại Việt diễn ra từ thời Lê, khi Nho giáo lên ngôi. Còn từ thời Lý, chưa thấy sử chép việc này. Như thời Lý Thánh Tông, năm 1070, “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo”. Việc phát chẩn, miễn thuế cũng được thể hiện nhiều trong thời Trần.

Sang đến thời Lê, khi có hạn hán, các vua nhà Lê làm lễ cầu mưa theo nghi lễ Đạo giáo. Đó là chuyện xảy ra mùa hạ năm 1437, thời Lê Thái Tông, đất nước bị hạn hán, có sâu hại lúa, nhà vua hạ lệnh cho các lộ, trấn làm lễ cầu mưa. Hay năm 1476, thời Vua Lê Thánh Tông, sử viết: “Từ mùa đông năm trước đến tháng 4 mùa hạ năm nay, không mưa. Nhà vua thấy qua mùa này đến mùa khác không mưa, thân hành cầu đảo đấng thượng đế”.

Năm 1496, cuối thời Lê Thánh Tông, trời cũng không mưa dài ngày, nhà vua thân hành cầu đảo. Bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết chi tiết: “Lúc ấy, đã lâu không mưa, nhà vua tự mình thành tâm cầu đảo và tự soạn bài thơ, sai Nguyễn Đôn đem treo vào tường đền thờ thần Hoằng Hựu. Tối hôm ấy mưa to”.

Khi cầu đảo không có hiệu nghiệm, vua nhà Lê đã sử dụng đến biện pháp “cao cấp” hơn. Đó là chuyện năm 1449, khi có đại hạn, Vua Lê Nhân Tông cũng “đảo vũ ở cung Cảnh Linh; lại sai Bùi Cầm Hổ đến núi Tản Viên và núi Tam Đảo làm lễ cầu mưa nhưng đều không ứng nghiệm”. Nhà vua bèn hạ chiếu xét mình.

Bài chiếu đại lược nói: "Luôn mấy năm nay hạn hán, thóc lúa hỏng, không thu hoạch được; dân tình sầu oán! Có lẽ vì trẫm không hết sức thành thực để cảm cách lòng trời, không tròn đạo hiếu để kính thờ tông miếu? Lại không biết sử dụng người hiền năng, còn những người mình dùng đó đều là hạng người mờ tối nhỏ nhen mà nên nỗi chăng?”.

"Hay là nạn hối lộ thịnh hành và việc nữ sắc quá nhiều chăng? Hay là không cẩn thận tiết độ trong việc tiêu dùng, làm hao hại tiền tài của dân chăng? Hay là đại thần giúp rập chưa làm hết phận sự điều hòa xoay chuyển trời đất chăng? Tướng súy và bầy tôi nơi phiên trấn chưa biết yêu thương quân dân, làm nhiều việc xà xẻo, bóc lột chăng? Các chức thú lệnh không biết vỗ về chăn nuôi dân, chỉ chăm bề xâm phạm đục khoét của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không biết giữ sự công bằng, chỉ rông rỡ tham lam khắc nghiệt, khiến cho oán khí bốc xông lên trên đến nỗi thế chăng? Hay là các quan thừa hành chỉ chuyên ưa chuộng giấy tờ hư văn, làm cho ơn trách không nhuần thấm xuống dưới, tình hình kẻ dưới không đề đạt được lên trên chăng?

Những nhà quyền quý cậy thế ra oai làm cho người dân nhỏ mọn phải chịu oan uổng chăng? Người làm chủ súy đạo lộn công lao của quân nhân, làm hại đến phép công chăng? Chằm (đầm) đã khô cạn không có cá, thế mà ngạch thuế vẫn chưa giảm bớt, dân còn phải nộp thuế khống chăng? Con cháu các nhà công thần kỳ cựu chưa lục dụng được hết chăng? Những lỗi lầm dồn dập chứa chất ấy làm thương tổn đến khí hòa thuận của trời đất. Vậy nay nếu không kê cứu lời xưa dạy bảo sửa lỗi và tìm hết đường lối xét mình thì làm thế nào để trên có thể xoay lại lòng trời, dưới có thể cứu chữa đau khổ cho dân được?".

Sử quan triều Lê cố viết rõ để tán dương việc xuống chiếu xét mình của Vua Lê Nhân Tông: “Tờ chiếu vừa ban xuống thì buổi tối hôm ấy, trời mưa”.

Người tốt thì thiên thời hòa

Sau bài chiếu của Vua Lê Nhân Tông, các quan do Hà Phủ cầm đầu, dâng sớ nói: “Thần nghe: biết lỗi không khó, sữa lỗi mới khó, nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó. Nay trời giáng tai họa hạn hán, trong tờ chiếu của bệ hạ có điều nói là chằm cạn không có cá, dân phải nộp thuế nhiều, thần xin giảm ngạch thuế đó để ban ân huệ thực". Là một vị vua sáng suốt, Lê Nhân Tông đã nghe theo lời tâu này.

Khi vua tự trách mình -0
Khi có hạn hán, các vua nhà Lê từng làm lễ cầu mưa. Ảnh: S.t

Cũng năm đó, hai đại thần là Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ lên nhà vua, đại lược nói rằng: "Những đời thịnh trị hễ gặp có tai biến tất biết răn sợ: vua thì xét mình, đại thần thì nhận tội, trên dưới đồng lòng kính cẩn sợ hãi để làm cho thiên tai qua khỏi. Quốc triều ta, từ niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) đến khoảng Thiệu Bình (1434-1439) và Đại Bảo (1440-1442), thóc lúa luôn được phong đăng, phúc trời nhuần thấm. Ngày nay, từ khi bệ hạ nối ngôi đến giờ, việc làm chưa có gì là lỗi lầm, thế mà nước lụt và hạn hán vẫn tiếp diễn, tai biến luôn xảy ra. Đó đều vì bọn thần không biết tuyên dương đức ý của nhà vua và làm lầm lỡ về việc điều hòa khí âm khí dương. Thật đúng như lời trong tờ chiếu sáng suốt đã vạch ra đó. Vậy, cúi mong nhà vua cho vời bọn thần đến chính sự đường để xét hỏi về việc quân, việc nước: điều gì nên làm, điều gì nên bỏ, chỉ cốt sát với sự thực, chứ không làm chuyện giấy tờ hư văn".

Mẹ vua, Tuyên Từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh hạ chiếu đáp rằng: "Sách xưa có câu: "Việc người tốt thì thiên thời hòa". Nay quan gia còn trẻ mà thiên tai xảy ra luôn, trẫm rất lo sợ. Mối hại ngày nay có thể là do gây bè cánh, tiến cử không công bằng, có thể vì cậy thế công thần nơi tiềm để cho vợ con chạy chọt nhờ vả nơi quyền thế, có thể do bọn gia nô làm hại dân lành, hay thậm thụt ở các nhà quyền thế để xin khỏi tội. Làm thế nào để trừ bỏ mối tệ hại đó cho vua tôi ta một lòng một dạ để trừ tai biến của trời, trên thì có thể phù trì quan gia giữ vững cơ nghiệp của tông miếu, dưới thì có thể giữ yên thiên hạ, thỏa lòng mong đợi của quân dân".

Bớt thức ăn, bỏ âm nhạc

Đến thời Lê Thánh Tông, nhà vua còn thực hiện nhiều biện pháp khác để tránh thiên tai cho dân. Tháng 7, mùa thu năm 1463, đất nước gặp đại hạn, theo “Toàn thư” nhà vua đã “lánh đến ở cung điện nhỏ, bớt thức ăn, triệt bỏ âm nhạc”.

Còn năm 1480, tháng Giêng thì mưa đá, đến tháng 6 lại đại hạn, Vua Lê Thánh Tông ra dụ chỉ nói: “Ít lâu nay Bộ Hình cùng Thừa ty, Hiến ty, phủ huyện các xứ khám xét kiện tụng, phần nhiều theo bụng riêng của mình lấy tiền một cách nhảm nhí, hoặc văn án để đình trệ, hoặc kẻ trên người dưới suy tị lẫn nhau, gian trá trăm đường, không ai vì dân làm sáng tỏ lẽ phải trái; vì thế mà kẻ bị tội oan, người bị phạt lạm, để cho dân sầu khổ oán thán, đến nỗi trời làm hạn hán. Vậy từ nay đối với hình quan cùng các quan Thừa chính, Hiến sát, phủ, huyện, người nào nên tuyển dụng, người nào nên sa thải, các bầy tôi trong triều đều phải giữ lòng công bằng, cốt làm thế nào lựa chọn được người tốt để việc hình ngục đi đến chỗ công bằng thỏa đáng”.

Năm Hồng Đức thứ 20 (1489), mùa hè lại có đại hạn, Vua Lê Thánh Tông cũng hạ lệnh ân xá. Năm 1490, tháng 2, mùa xuân, cũng có đại hạn lâu ngày, các phủ huyện thuộc Đông đạo không thể cày cấy được, nhân dân nhiều người bị chết đói. Nhà vua sai các quan ở Hàn lâm viện, Lục khoa, Ngự sử đài và Hiệu úy vệ Cẩm Y chia nhau đến các phủ huyện, đem thóc trong kho phát chẩn cho dân vay.

Mùa thu năm 1491, miền Bắc có đợt mưa lụt rất to. Ở kinh thành, nước dâng lên dữ dội, điện Kính Thiên cũng bị ngập 2 thước 2 tấc, ruộng bằng phẳng ở các huyện Thanh Oai và Thanh Đàm (tức Thanh Trì ngày nay) nước sâu đến 4 thước. Nhà vua hạ lệnh cho chỉ huy, hiệu úy hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô chia nhau đi khơi tháo những chỗ nước mưa làm hại thóc lúa.

Nhà vua dụ bảo bầy tôi rằng: “Chính sự thiếu sót lầm lỗi nên trời gia tai vạ. Đấy là do đức trạch của trẫm không thấm khắp đến dân, lòng thành chưa cảm động đến trời, cho nên đến nổi tai vạ như thế, chứ trăm họ có tội gì đâu!”.

Sang đến đời Lê Hiến Tông, năm 1497 cũng có đại hạn, Đông các hiệu thư là Dương Trực Nguyên dâng sớ nói nhà vua nên tu dưỡng đạo đức để tiêu án thiên tai.

Có phải trách nhiệm của tể tướng?

Vua biết tự răn mình khi đất nước gặp tai ương, vậy còn các đại thần, lên đến Hành khiển (tể tướng), nghĩ thế nào. Chuyện thời Trần cho biết, vào năm 1315 đời Trần Minh Tông, mùa hè có hạn hán. Quan ngự sử dâng sớ lên nhà vua nói rằng: "Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hòa âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp đất trời cho khí tiết điều hòa, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì".

Bị đổ lỗi, Trần Khắc Chung biện bạch với nhà vua rằng: "Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết có sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?".

Sau đó, nước sông lên to, Vua Trần Minh Tông đích thân đi xem đắp đê. Quan ngự sử tâu: "Bệ hạ nên chăm sửa đức chính, xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt". Trần Khắc Chung thì nói: "Khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai họa khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó, cần gì phải ngồi thinh, tư lự rồi bảo là "sửa đức chính”?".

Chép chuyện này trong “Toàn thư”, các sử quan viết: “Có người bàn rằng: "Khắc Chung đổ lỗi cho Long Vương, ngự sử quan chê đắp đê là việc nhỏ nhặt, hai bên đều sai cả"”. Không rõ lời bàn này là của ai hay của chính các sử quan.

Lê Tiên Long
.
.