Khi sứ thần phạm tội, làm nhục quốc thể
Thời xưa, sử sách luôn ca ngợi những sứ thần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao, với lời khen "đi sứ bốn phương, không nhục mệnh vua". Tuy nhiên, cũng có những sứ thần không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí mắc lỗi hay phạm tội khi đi sứ, đến nỗi phải chịu phạt.
Bang giao giữa triều đình phong kiến nước ta với các nước lân cận như Trung Quốc, Chiêm Thành, hay sang Ai Lao (Lào), Chân Lạp (Campuchia hiện nay)... đã khởi đầu từ thời kỳ các vua Đinh, Tiền Lê mới xây nền tự chủ. Việc bang giao là việc hệ trọng nhất của quốc gia. Học giả Phan Huy Chú, trong sách "Bang giao chí" thuộc bộ "Lịch triều hiến chương loại chí", đã viết: "Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường, cho nên nghĩa tu hiếu (sửa việc giao hiếu) chép ở kinh Xuân Thu, đạo giao lân (giao thiệp với các nước láng giềng) chép ở Hiền truyện (tức sách Mạnh Tử), chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận".
Tuy việc bang giao quan trọng như vậy, nhưng cũng có những thời đại, triều đình không tuyển chọn được người có tài ngoại giao, đủ trình độ và bản lĩnh để làm sứ thần, nên mới xảy ra trường hợp làm nhục quốc thể, như vụ án dưới thời Vua Lê Thái Tông.
Năm 1433, Lê Thái Tổ băng hà, Vua Lê Thái Tông lên nối ngôi, triều đình đã cử sứ thần sang nhà Minh báo tang và cầu phong cho vua mới. Theo ghi chép trong "Đại Việt sử ký toàn thư" thì: "Sai bọn Tuyên phủ sứ Nguyễn Tông Trụ, Trung thư hoàng môn thị lang Thái Quân Thực, kỳ lão Đái Lương Bật mang tờ biểu và lễ vật địa phương sang nhà Minh cầu phong". Tuy nhiên, khi đó, nước ta mới trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ với quân Minh, ở thời Vua Lê Thái Tổ, các nghi lễ triều đình chưa được sắp đặt quy củ, nhân tài chưa được đào tạo, kinh nghiệm bang giao còn thiếu, luật lệ cũng chưa nghiêm, nên đã xảy ra sự cố đáng tiếc.
Đó là khi các quan này vâng lệnh đi sứ rồi, hữu ty làm giấy tờ, theo thứ tự trước sau, ghi Tông Trụ là bồi thần (danh nghĩa là đại phu đi sứ), còn Quân Thực là kỳ lão. Quân Thực có lẽ vì tuổi tác, thâm niên cao hơn mà bị xếp dưới nên có ý bất bình. Nhưng, không chỉ bất bình trong lòng, khi đến nước Minh, chiếu theo thứ bậc để triều Minh ban áo thì áo của Quân Thực không có hoa văn kim tuyến, trong lòng ông ta hậm hực mới bảo các quan nước Minh rằng: "Ta là quan tứ phẩm lại ở dưới Tông Trụ là làm sai". Đến khi dự yến, Quân Thực không mặc áo được vua Minh ban, mà mặc áo dệt kim tuyến của mình vào dự. Đó đã là một sai lầm của vị sứ thần này.
Nhưng, sau đó thì Nguyễn Tông Trụ còn phạm tiếp những lỗi lầm nặng nề hơn. "Toàn thư" kể lại: "Thực còn đem bản tâu do thừa chỉ Tham tri Nguyễn Trãi soạn ra mà chửi bới, lại chửi luôn cả Tham tri Đông đạo Đào Công Soạn, vì ông này đã cử Tông Trụ cùng đi với mình. Tông Trụ cũng giận dữ tranh cãi không ngớt, đến nỗi hai người đánh lộn nhau, Tông Trụ bị vỡ cả mặt, người đi theo can ngăn cũng không được. Hai người lại kiện nhau ở Hồng lô tự (cơ quan phụ trách việc tiếp sứ của nhà Minh) nói xấu lẫn nhau. Tông Trụ còn lén tới nhà viên nội quan của Bắc triều ở Long Châu (thuộc Quảng Tây) nhận lễ vật tặng, lại nói với viên quan đi tiễn của Long Châu là Lã Hồi về chuyện khi đi sứ Ai Lao nói vụng Tiên đế (tức Vua Lê Thái Tổ) nghe gièm giết bậy".
Quả là một loạt sai lầm không thể dung thứ của cả hai vị sứ thần, không chỉ ở hành vi ẩu đả lẫn nhau mà nghiêm trọng nhất là xúc phạm đại quan trong triều đình nước mình, lại còn to gan xúc phạm cả tiên đế.
Vì vậy, vào đầu năm 1435, khi sứ đoàn này về nước, triều đình đã lập tức đem tội trạng của họ ra xét xử. Với những tội lỗi này, từ tự tiện giao thiệp với người nước ngoài, đến báng bổ triều đình, mạo phạm nhà vua, đều đáng tội chém cả. Tuy nhiên, Vua Lê Thái Tông vẫn còn nể tình họ là những bề tôi có công nên chỉ xử tội đi đày. Quân Thực tội nặng hơn, phải đày đi châu xa, tức châu Bố Chính, giáp ranh với nước Chiêm Thành thời đó. Còn Tông Trụ bị đày đi châu gần, tức vùng miền núi Nghệ An.
Năm 1434, có viên quan Nội mật viện là Hà Đức Chính, khi được cử làm hành nhân sang sứ nước Minh đã phạm tội giao du với người nước sở tại mà không phải trong cơ quan ngoại giao nước họ, với hành vi cụ thể được sử sách ghi lại là "đánh cờ vây với người nước Minh". Nhưng, ông này còn mắc phải tội nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến quốc thể, là "cãi nhau với chánh sứ". Do đó, khi về nước, Hà Đức Chính bị xử tội, phải đồ làm thuộc đinh ở bản đạo.
Trong chuyến đi sứ báo tang và cầu phong kể trên, Nguyễn Tông Trụ còn phạm thêm một tội nữa là đem nhiều tiền lụa sang mua hàng phương Bắc đem về. "Toàn thư" cho biết: "Vua (Lê Thái Tông) ghét Trụ vi phạm lệnh cấm mà làm tiền, liền lấy hết hành trang chia cho các quan".
Bởi vì cũng vào thời Vua Lê Thái Tông, năm 1434, triều đình đã ban lệnh "Cấm quan lại và dân chúng mua bán vụng trộm hàng hóa với nước ngoài".
Hành vi lợi dụng việc đi sứ để buôn bán kiếm lời thời phong kiến bị phê phán rất nặng nề. Cho nên "Toàn thư" mới chép chuyện sứ thần nhà Minh là Chu Bật và Tạ Kinh, vào cuối năm Ất Mão (1435) sang nước ta báo việc Vua Minh Anh Tông lên ngôi và việc gia tôn thái hoàng thái hậu nước họ, đã có những hành động đáng chê trách như: "Bọn Bật tham lam thô bỉ, trong bụng rất hám tiền của nhưng ngoài mặt làm ra vẻ liêm khiết, mỗi khi có tặng lễ vật vàng bạc, đều từ chối không nhận, nhưng lại nhìn những người đi theo nét mặt ngần ngại. Triều đình biết ý, mới đưa những người đi theo sang dự yến ở phòng khác, rồi nhân lúc rót rượu, ngầm lấy mấy nén vàng ấn vào lòng bọn Bật. Bật mừng rỡ khôn xiết. Bọn Bật lại mang nhiều hàng phương Bắc sang, đặt giá cao, ép triều đình phải mua. Đến khi về nước, phải bắt đến gần 1.000 dân phu khiêng gánh đồ cống vật và hành lý của bọn Bật".
Vào đời Vua Lê Thái Tông, tháng 11 năm Thiệu Bình thứ nhất (1434), có viên chánh sứ là Lê Vĩ, Nguyễn Truyền, tuân mệnh đi sứ nước Minh, mà khi về mua nhiều hàng hóa phương Bắc, số lượng lên đến 30 gánh. "Triều đình ghét là buôn bán, muốn làm cho xấu hổ trong lòng, mới sai người thu lấy hết số hàng hóa đó, đem bày ra ở điện đình, rồi sau trả lại. Việc này sau đó thành lệ thường", "Toàn thư" cho biết.
Đến tháng 12 năm đó, ngôn quan (quan ngự sử, chuyên phát giác tội lỗi của các quan) là Phan Thiên Tước lại dâng sớ hặc tội Tiền quân tổng quản Lê Thụ về một số tội, như đang có quốc tang mà lấy vợ, làm nhà cao cửa rộng và tội sai người nhà xuất cảnh mua bán vụng trộm với người nước ngoài. Cuối cùng, các tội khác của Lê Thụ đều được nhà vua bỏ qua, riêng về hành vi buôn bán vụng trộm với người nước ngoài thì bị nhà vua xử phạt, sai tịch thu 15 lạng vàng, 100 lạng bạc mà vị quan này thu lợi từ việc buôn bán này vào công quỹ.
* * *
Trong bộ hình luật của triều Lê, với tên gọi "Quốc triều hình luật" hay thường được gọi là Luật Hồng Đức vì được ban hành dưới niên hiệu Hồng Đức, đời Vua Lê Thánh Tông (1470-1498), ở chương Vệ cấm, Điều 30 quy định cụ thể: "Sứ thần đi sứ nước ngoài, hay sứ thần nước ngoài vào trong nước, mà trò chuyện riêng (nhân dân dọc đường mà thông đồng riêng tư cũng cùng tội) hoặc lấy hối lộ mà tiết lộ công việc nhà nước thì đều phải tội chém, các vị chánh, phó sứ cùng các nhân viên cùng đi, biết mà cố ý dung túng thì cũng cùng một tội, nếu không biết thì được giảm tội".
Vậy nên, có một viên quan tham gia sứ đoàn ngoại giao đã bị xử phạt vì mắc tội này. Đó là vị quan mang tên Phạm Tư Minh, đi sứ nước Minh cũng đầu đời Vua Lê Thái Tông, năm 1434. Ông này dùng giấy cũ trong sứ đoàn đề bồi những cái đai lưng bán cho người phương Bắc lấy tiền tiêu. Nhưng, trong số giấy này, lại có cả giấy tờ chép việc điểm binh của triều đình. Mà việc quân sự là việc vô cùng hệ trọng của đất nước, để lộ thông tin ra, nhiều khả năng bị án chém. May cho Phạm Tư Minh là những tờ giấy đó khi bồi làm đai đã bị biến đổi hình dạng, chữ viết, người nhận cũng không khai thác được nhiều thông tin, nên khi về nước, ông này chỉ bị phạt mức là "biếm 1 tư". Thời đó, mỗi bậc quan chức cỡ vừa (hàng ngũ, lục phẩm) được chia ra làm 4-5 "tư", ai được thưởng 5 tư thì thăng 1 bậc, phạt 5 tư thì giáng 1 bậc. Như vậy, mức phạt "biếm 1 tư" của Phạm Tư Minh là nhẹ nhàng, chủ yếu mang tính cảnh báo.
Cũng ở chương Vệ cấm của Bộ luật Hồng Đức, Điều 27 quy định: "Những người đem binh khí và các thứ thuốc có thể chế hỏa pháo, hỏa tiễn bán cho người nước ngoài hay tiết lộ việc quân cơ ra nước ngoài đều phải tội chém". Như vậy, tội tiết lộ bí mật nhà nước ra nước ngoài thời xưa là một trọng tội, ai vi phạm có thể bị xử tử.