Khi “siêu bão” trở nên… quen thuộc

Thứ Tư, 18/09/2024, 11:25

Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã trở thành một chủ đề nóng không chỉ trong các hội nghị toàn cầu mà còn trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người khi ảnh hưởng của nó ngày càng dễ nhận ra. Một trong những hậu quả đáng chú ý nhất là sự gia tăng về tần suất và cường độ của các cơn bão lớn, hay còn gọi là “siêu bão”.

Hậu quả các cơn bão ngày càng thảm khốc

Chưa bao giờ trong lịch sử khí tượng, cụm từ siêu bão (chỉ những cơn bão đạt cấp 4 trở lên trong thang đo bão của WMO) được lặp lại nhiều đến thế. Các siêu bão như Katrina (2005), Haiyan (2014), Maria (2017), Dorian (2019) đều ghi dấu kinh hoàng trong lịch sử nhưng đều nhanh chóng bị phá vỡ bởi những “đàn em” của nó.

Một ví dụ gần đây là bão Idalia vào tháng 8/2023 đã tàn phá nhiều khu vực ở Florida và vùng Đông Nam nước Mỹ, với sức gió lên đến 257km/giờ. Cơn bão này tăng cấp từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong 24 giờ. Bão Idalia đổ bộ vào bờ biển nước Mỹ ở cấp 5 (cấp thảm họa). Để dễ so sánh thì bão Yagi mới đổ bộ vào miền Bắc nước ta những ngày đầu tháng 9/2024 vừa qua mới chỉ đạt cấp 4. Tuy nhiên điểm chung của cả hai cơn bão này đều là sức gió kỷ lục được ghi nhận tại mỗi khu vực trong lịch sử.

Dẫu vậy, những kỷ lục này ngày càng dễ bị phá vỡ. Siêu bão Bebinca được hình thành gần khu vực chỉ vài ngày sau bão Yagi nhưng cũng lập tức mạnh lên cấp 4 và tàn phá những thành phố ở bờ biển phía Đông của Trung Quốc. Cơn bão này cũng được ghi nhận là lớn nhất trong lịch sử đổ bộ vào đất nước này.

Khi “siêu bão” trở nên… quen thuộc -0
Những siêu bão ngày càng xuất hiện dày đặc.

Báo cáo của Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết, trong hai thập kỷ qua, số lượng bão cấp 3 trở lên đã tăng hơn 30%. Điều này không chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể mà là trên phạm vi toàn cầu. Cho dù vậy, vẫn có một số nơi phải chịu đựng những hậu quả nặng nề hơn so với những nơi khác. Các quốc gia nhỏ và các đảo ở Thái Bình Dương như Fiji, Vanuatu và Kiribati đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi các cơn bão và nước biển dâng cao trong nhiều năm liền. Tại châu Á, các quốc gia như Philippines và Bangladesh thường xuyên đứng đầu trong danh sách thiệt hại vì tác động của bão lũ.

Tại khu vực Caribbean, các hòn đảo như Puerto Rico và Barbuda thường xuyên bị bão ghé thăm đến độ làm ngưng trệ cả ngành du lịch và nông nghiệp, những trụ cột kinh tế của đất nước.

Bão lũ càng lớn, thiệt hại càng nhiều. Theo ước tính từ tổ chức bảo hiểm Swiss Re, năm 2021, tổng thiệt hại do các hiện tượng khí hậu cực đoan bắt nguồn từ những cơn bão đã lên đến 300 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng khi biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn. Hai cơn bão Katrina và Harvey (2017) đi vào lịch sử nước Mỹ với thiệt hại kinh tế lên tới 125 tỷ USD. Bão Yagi gây thiệt hại hơn 10 tỷ USD ở những khu vực mà nó quét qua đồng thời dự kiến làm suy giảm khoảng 0,15% tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. Các quốc gia đang phát triển hay các quốc đảo thường là các khu vực dễ bị tổn thương nhất. Ở đây, cơ sở hạ tầng còn yếu kém dễ dàng bị đánh sập bởi một siêu bão. Điển hình là bão Maria từng phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng của Puerto Rico với tổng thiệt hại ước tính 97 tỷ USD.

Thiệt hại về người sau những trận bão lớn cũng thường rất đáng sợ. Kỷ lục được ghi nhận trong thế kỷ 21 là siêu bão Nargis (2008) khiến cho khoảng 138.000 người thiệt mạng riêng tại Myanmar. Cơn bão Haiyan tại Philippines làm chết 6.300 người. Tại Mỹ, cơn bão Katrina khiến 1.836 người thiệt mạng, chủ yếu là tại New Orleans. Phạm vi ảnh hưởng rộng của bão và lũ kèm theo thường lên đến hàng triệu người chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhiều người dân mất nhà cửa, trở thành người tị nạn khí hậu.

Sau bão Maria, khoảng 200.000 người Puerto Rico đã phải di cư sang Mỹ để tìm kiếm nơi ở mới. Bão Haiyan khiến cho 500.000 người dân Philippines mất nhà cửa chỉ sau một đêm. Ngay cả việc di dời hàng nghìn hay thậm chí đến triệu người khỏi các khu vực ảnh hưởng của bão lũ cũng tạo nên những biến đổi xã hội lớn. Hầu hết những cuộc di dời này đều được thực hiện dưới hình thức “cưỡng bức”. Chính vì vậy, sự gia tăng tần suất của các cơn bão cũng dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Vì sao ngày càng nhiều “siêu bão”?

“Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và sức mạnh của các cơn bão”. Không khó để tìm ra các nghiên cứu xác thực cho nhận định này. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu làm tăng nhiệt độ bề mặt đại dương, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của bão nhiệt đới. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), một tổ chức nghiên cứu trực thuộc Liên hợp quốc chuyên đánh giá rủi ro do biến đổi khí hậu cũng thường xuyên đề cập đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm cả các cơn bão. Họ khẳng định rằng nhiệt độ đại dương ấm lên do khí hậu biến đổi có thể làm tăng cường độ và tần suất của các cơn bão nhiệt đới.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), một tổ chức chuyên nghiên cứu về khí hậu được chính phủ Mỹ tài trợ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh trong các báo cáo của mình rằng biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ của các cơn bão nhiệt đới, đặc biệt là do sự gia tăng của nhiệt độ mặt nước biển và độ ẩm trong khí quyển.

Khi “siêu bão” trở nên… quen thuộc -0
Siêu bão Idalia (tháng 8/2023) là một trong những cơn bão lớn nhất từng được ghi nhận.

Về mặt khoa học, nguyên nhân của việc những cơn bão ngày càng mạnh lên có thể được giải thích bằng những lý do căn bản sau:

 Nhiệt độ đại dương tăng cao: Nước biển ấm hơn sẽ cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các cơn bão, làm tăng cường sức mạnh của chúng.

Độ ẩm khí quyển tăng: Khí hậu ấm lên khiến không khí chứa nhiều hơi nước cung cấp nhiều nhiên liệu hơn cho các cơn bão. Lượng mưa tăng còn dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng hơn khi bão đổ bộ vào đất liền.

Sự thay đổi trong mô hình gió và dòng khí quyển: Những thay đổi trong dòng chảy khí quyển, bao gồm cả gió cắt, một yếu tố ảnh hưởng đến hướng di chuyển và sức mạnh của các cơn bão, khiến cho các cơn bão di chuyển chậm hơn, tích tụ nhiều năng lượng hơn, khó đoán hơn, dẫn đến thời gian mưa kéo dài và thiệt hại lớn hơn.

Mực nước biển dâng: Khi mực nước biển cao hơn, sóng gió có thể đẩy nước sâu hơn vào đất liền, gây ra ngập lụt và gia tăng thiệt hại.

Báo cáo của WMO đưa ra năm 2023 cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Một nghiên cứu của Đại học Yale khẳng định rằng mỗi 1°C nhiệt độ tăng có thể làm tăng 7% độ ẩm trong khí quyển. Đây là lý do cơ bản để giải thích cho hàng loạt những cơn bão mạnh đến siêu bão xảy ra liên tiếp trong hai thập kỷ qua.

Các nhà khoa học và chuyên gia môi trường đã không ngừng cảnh báo về mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với con người. Tiến sĩ Michael Mann, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Pennsylvania, cho rằng: “Sự gia tăng cường độ của các cơn bão là không thể tránh khỏi nếu chúng ta không cắt giảm lượng khí thải nhà kính”. Ông nhấn mạnh rằng, các quốc gia cần phải tăng cường nỗ lực trong việc thực hiện các thỏa thuận quốc tế như Hiệp định Paris 2015 nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,5°C.

IPCC từ năm 2021 đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không giảm nhanh lượng khí CO2, thế giới có thể chứng kiến sự gia tăng không chỉ về số lượng mà còn về mức độ tàn phá của các cơn bão trong thập kỷ tới”. Để ngăn chặn thảm họa, các chuyên gia khuyến nghị các quốc gia cần tăng cường đầu tư vào các biện pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng, cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai, và quan trọng nhất là giảm thiểu lượng khí thải từ ngành công nghiệp, giao thông và năng lượng.

Dù các giải pháp đã được đề xuất, việc triển khai không hề dễ dàng. Các quốc gia giàu có thường có khả năng tài chính để đầu tư vào các biện pháp phòng ngừa và ứng phó, nhưng các quốc gia đang phát triển lại không có đủ nguồn lực. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2020 cho thấy, khoảng 80% thiệt hại về người đến từ các cơn bão xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi không có đủ hạ tầng để đối phó với thảm họa.

Thêm vào đó, các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như chuyển đổi sang năng lượng tái tạo hoặc cắt giảm lượng khí thải, cũng đòi hỏi sự cam kết lâu dài và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, với tình trạng các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu còn nhiều bất đồng, việc đạt được sự đồng thuận về các biện pháp mạnh mẽ vẫn là một thách thức lớn.

Tiểu Phong
.
.