Khi công nghệ “mất tích”
Sự mất tích đáng ngạc nhiên của công nghệ trong một bối cảnh mà con người cần nó nhất đang tạo ra những bi kịch thực sự, khi hệ thống trở nên quá tải, các lực lượng tuyến đầu kiệt sức và số ca nhiễm cũng như người chết tăng dần.
Trung Quốc chống dịch bằng công nghệ ra sao?
Trong khi hàng chục bệnh viện dã chiến được xây dựng với tốc độ chóng mặt, tiến độ của chúng được chính quyền Trung Quốc theo dõi bằng cách sử dụng GaoFen, một chùm vệ tinh cho hình ảnh có độ phân giải rất cao. Đại học Vũ Hán đã tích cực thu thập và phân tích nhiều nguồn dữ liệu để xác định địa điểm xây bệnh viện phù hợp nhất.
TFSTAR, một vệ tinh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ thứ hai được thiết kế bởi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ vệ tinh của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (UESTC), có khả năng phân tích, xử lý và sàng lọc dữ liệu mạnh mẽ. Bằng cách kết hợp khả năng đó của TFSTAR và mã hóa địa lý, chính quyền Trung Quốc có thể khoanh vùng phạm vi hoạt động của virus, cũng như sự lây nhiễm đang diễn ra như thế nào.
Bắc Đẩu, hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc, đã hỗ trợ đắc lực cho việc theo dõi những nơi bị ảnh hưởng và các bệnh nhân, xác định các khu vực rủi ro nhất để tổ chức hậu cần, cũng như xây thêm bệnh viện dã chiến. Tại tỉnh Giang Tây, cảnh sát đã sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) được Bắc Đẩu hỗ trợ để giám sát các khu vực công cộng có mật độ người qua lại cao.
Từ việc chuẩn bị các bữa ăn tại bệnh viện cho đến phục vụ trong những nhà hàng, phun thuốc khử trùng, bán cơm tự động và phân phối nước rửa tay, các robot đều có thể đảm nhiệm để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19. Tại nhiều bệnh viện ở Vũ Hán, tâm điểm của đợt dịch thứ nhất, các robot đảm nhiệm hầu hết những công việc đơn giản. Bệnh viện Vũ Xương, China Mobile và Cloud Minds, một nhà sản xuất robot hệ thống dựa trên nền tảng đám mây, đã hợp tác với nhau để thiết kế mô hình bệnh viện kỹ thuật số hoàn toàn tự động.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt tay với các gã khổng lồ công nghệ để phát triển một hệ thống đánh giá sức khỏe được mã hóa bằng màu sắc có thể theo dõi hàng triệu người mỗi ngày. Ứng dụng trên điện thoại thông minh đầu tiên được triển khai tại Hàng Châu với sự hợp tác của Alibaba, hiện 3 màu xanh lá cây, vàng và đỏ, dựa trên dữ liệu đi lại và y tế của họ. Tại các khu công nghiệp ở Thâm Quyến, một phần mềm tương tự được Tencent triển khai.
Việc một người nên bị cách ly hay được phép di chuyển vào không gian công cộng được quyết định dựa trên các mã màu như vậy. Công dân phải đăng nhập vào ứng dụng bằng các dịch vụ ví thanh toán như Alipay của Alibaba hay ví của Ant. Hầu hết các địa điểm công cộng đều có trạm kiểm soát để kiểm tra mã số và nhiệt độ cơ thể. Hơn 200 thành phố của Trung Quốc đã sử dụng hệ thống này.
Các ứng dụng trên điện thoại thông minh cùng được sử dụng để theo dõi lịch trình của mọi người và xác định xem liệu họ có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh hay không. Tập đoàn viễn thông China Mobile thậm chí có thể gửi văn bản trực tiếp tới các cơ quan truyền thông nhà nước để thông báo chi tiết lịch sử dịch tễ của một người. Camera cũng được lắp đặt ở nhiều địa điểm để đảm bảo rằng những người bị cách ly không bước ra ngoài. Bạn đọc có thể cảm thấy choáng ngợp sau khi đọc xong từng ấy thông tin: cứ như thể đó là một đô thị của thế giới tương lai, ở hành tinh xa xôi nào đó.
Trung Quốc đã thiết kế một mô hình quản lý xã hội thời dịch bệnh khá trơn tru dựa trên nền tảng công nghệ mạnh mẽ nhưng đấy không chỉ là thành công của các ứng dụng khô khan hay chuyện tiền bạc đơn thuần. Nhìn rộng ra, đấy chỉ là các công cụ trên nền tảng một xã hội đã quá quen với tư duy công nghệ: tiền mặt được sử dụng rất hạn chế, thay vào đó là các ứng dụng ví điện tử và mã QR; cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ và được hệ thống hóa nhiều năm; người dân đã quá quen các thao tác công nghệ; cũng như tiềm lực sản xuất mạnh mẽ của các tập đoàn lớn.
Bi kịch của thiếu vắng công nghệ
Cho đến giờ, tôi vẫn có thể truy cập vào các ứng dụng theo dõi phòng, chống dịch phổ biến ở Việt Nam như Bluezone hay Ncovi nhưng chúng dường như đã biến mất trong đời sống thật, sau một thời gian ầm ĩ ban đầu. Tháng 7 vừa qua, báo cáo của Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết có đến hơn 40 triệu người đã cài ứng dụng này, trong đó có khoảng 24 triệu cài đặt cả số điện thoại, một con số không hề nhỏ. Nhưng, chúng ta không cần thêm khảo sát xã hội học nào để biết rằng nó hầu như không được sử dụng.
Đầu tháng 8, khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai kiểm soát các phương tiện bằng ứng dụng di biến động dân cư, cửa ngõ thành phố lại ùn tắc nghiêm trọng vì không ít người dân chưa quen dùng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Ở khu phố nhà tôi nói riêng và có lẽ là nhiều khu phố Hà Nội nói chung, lực lượng trực chốt nhiều khi chỉ là các tổ trưởng dân phố, vốn đã già cả và phải kiêm luôn nhiều nhiệm vụ không tên, như đi chợ hộ, hay gõ cửa từng nhà lên danh sách tiêm vaccine. Cho đến giờ, người dân ra đường vẫn cần in giấy đi đường, thay vì quét mã QR khi đi qua các chốt. Tại Thanh Hóa, một xã đã bất lực trong việc quản lý người dân đến nỗi đã... khóa trái cửa nhốt gần 300 hộ trong nhà.
Trong những tình huống cùng quẫn này, công nghệ hoàn toàn vắng mặt. Dịch bệnh làm mọi thứ tê liệt và chúng ta phải tương tác thủ công trong một xã hội đã trở về những năm 1990. Mọi thứ hóa ra vẫn phải chạy bằng “cơm”. Muốn ra đường thì lật đật đi xin giấy, chen chúc ở các trụ sở cơ quan nhà nước. Muốn cho các F yên thân ở nhà thì... khóa cửa. Muốn lập danh sách tiêm vaccine cũng phải đi từng nhà, gặp từng người, lấy từng chữ ký. Mọi thứ đều chạy hoàn toàn bằng sức người, trong khi các nguồn lực đang kiệt quệ.
Khi gõ lên Google các cụm từ “chuyển đổi số” và “phát triển công nghệ”, chúng ta như bước vào một thế giới khác: đáng ra với từng ấy dữ liệu trưng bày trên internet về quyết tâm đầu tư vào công nghệ, chúng ta ít nhất không phải xua những người già ra đứng chốt đầu ngõ tổ dân phố khi dịch bệnh ập đến. Hình ảnh thường thấy là các CEO công nghệ lên nhận một giải thưởng khoa học nào đó, với các phát biểu đao to búa lớn về một đất nước chuyển đổi số hùng cường, cùng các khoản đầu tư có thể lên đến hàng triệu đô.
Nhưng, có lẽ lỗi không chỉ nằm ở những ông chủ công nghệ. Một hành động đơn giản trong ngày bình thường là đặt shipper giao hàng bản thân nó đã bao gồm rất nhiều tích lũy công nghệ: dữ liệu và khả năng xử lý dữ liệu, trước khi cụ thể hóa trong các ứng dụng người dùng và kết thúc bằng việc giao hàng. Đấy là một quá trình bồi đắp theo năm tháng không chỉ về hạ tầng và các ứng dụng, mà là việc tạo ra các hành vi công nghệ: người dân cần biết phải làm gì với các ứng dụng họ có và thực hiện chúng như một việc đương nhiên. Như là ở đô thị bây giờ, khi nói về chuyển tiền thì các công dân sẽ mở điện thoại đã cài internet banking và ấn giao dịch, thay vì cầm một cục tiền đến đưa tận tay.
Nhưng, khi đại dịch ập đến và các thủ tục ra đường đang ngặt nghèo hơn bao giờ hết thì ở hầu hết các đô thị hiện tại, khi phải khai báo xin giấy đi đường, việc đầu tiên người dân nghĩ đến có lẽ không phải là bật máy tính lên và gõ vào trình duyệt một địa chỉ nạp dữ liệu, mà là chen chúc ở cổng một cơ quan nhà nước nào đó. Trong khi đó, các ứng dụng vẫn được ra mắt rầm rộ, được động viên cài vào điện thoại và... bỏ xó.
Sự mất tích đáng ngạc nhiên của công nghệ trong một bối cảnh mà con người cần nó nhất đang tạo ra những bi kịch thực sự, khi hệ thống trở nên quá tải, các lực lượng tuyến đầu kiệt sức, số ca nhiễm cũng như người chết tăng dần. Các tiến bộ về khoa học và công nghệ cũng như những khẩu hiệu thường thấy của chúng ta trong lĩnh vực này, đã tồn tại vô thưởng vô phạt quá lâu, giống như một phần mềm virus thương hiệu Việt Nam lâu năm: cài vào máy cũng được mà không cài thì cũng chẳng làm sao cả.
Và, câu chuyện công nghệ không phải đơn giản là viết ra một phần mềm, nhét vào tay ai đó và bảo dùng đi, hay một con robot biết bắt chước. Đó là một cách mạng về hành vi lẫn tư duy của mỗi người tham gia vào nó. Chúng ta không thể có được điều đó chỉ trong một đêm sực tỉnh.