Khi chuyên chế lại là điều cần thiết

Chủ Nhật, 13/03/2022, 21:27

Điều gì từng tồn tại, nghĩa là trong bối cảnh cụ thể nào đó, nhất thiết sẽ có lý do quan trọng để nó hiện hữu và tồn tại. Lịch sử lập quốc của nước Nga “mới”  trong những năm 1200 – 1450 cũng góp phần minh chứng điều này, trên tiến trình trỗi dậy và tập trung quyền lực của Đại công quốc Moskva (Grand Duchy of Moscow/Muscovy), sau khi nước Nga cổ Kievans Rus – với cố đô Kiev – sụp đổ dưới những vó ngựa xâm lăng.

Sau cơn tai ách 

Nikolai Mikhailovich Karamzin – một sử gia Nga nổi tiếng – từng nhận định: Cuộc xâm lược nước Nga của đế chế Mông Cổ, mà cụ thể là hãn Bạt Đô, là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến việc nước Nga tụt hậu so với các cường quốc hàng đầu châu Âu. Ông cũng chính là người đầu tiên xác định rõ ảnh hưởng của cuộc xâm lược này, đối với hướng phát triển của nước Nga mang tính bản sắc hóa.

Chia sẻ nhận định với Karamzin, sau này, không ít sử gia phương Tây tán đồng quan điểm ấy. Thí dụ, trong cuốn Civilazation in the west (Văn minh phương Tây), cho dù vẫn nhấn mạnh nguyên nhân đầu tiên là yếu tố Chính thống giáo Đông phương cũng như ảnh hưởng từ đế quốc Byzance, nhóm tác giả thuộc Đại học Harvard và Đại học Rochester vẫn thừa nhận: “Người Tarta (âm Hán Việt là Thát Đát, cách người Nga và châu Âu gọi chung các dân tộc du mục Trung Á) tuy giỏi về quân sự, nhưng có một nền văn minh thấp kém hơn người Nga trong giai đoạn Kievans Rus. Như thế là ngoài yếu tố Chính thống giáo Byzance, còn có thêm một trở ngại nữa khiến sự phát triển của nền văn minh Nga đình trệ trong hai thế kỷ”.

Nhưng dù sao, cũng vẫn lác đác hiện hữu những hệ lụy tích cực, trong đống đổ nát mang tên Kievans Rus, sau thảm bại trong đại chiến sông Kalka dưới tay hai danh tướng Mông Cổ Triết Biệt – Tốc Bất Đài, cũng như sau những cuộc tấn công ào ạt mà Bạt Đô tiến hành, để xóa sổ Kievans Rus, gom toàn bộ lãnh thổ các tiểu quốc Nga sơ khai ấy vào hãn Kim Trướng mênh mông dưới sự cai trị của mình.

Khi chuyên chế lại là điều cần thiết -0
Sự gắn bó mật thiết giữa thần quyền, thế quyền và quân quyền.

Một cách đau đớn, khi “nước Nga cũ” không còn tồn tại, thì những căn cốt ì trệ của nó cũng vì thế mà bắt đầu được “phẫu thuật”, dù rằng đó là cả một quá trình xuyên thế kỷ.

Vấn đề quan trọng nhất là đây: Trong thời vàng son, khi một vương hầu ở Kiev mất, con cái của ông ta sẽ chia lãnh thổ ra làm nhiều phần, dẫn đến sự phân tán về đất đai cũng như quyền lực. Trong khi đó, mối đe dọa từ những tiểu quốc ngoại bang thù nghịch càng lúc càng trở nên rõ nét.

Đơn cử, trước khi vó ngựa trường chinh Mông Cổ ập đến, những bộ lạc Turk (Thổ Nhĩ Kỳ, hay Đột Quyết) dòng Polovtsy xuất hiện ở phía nam Ukraine hiện đại. Nhiều vương công Nga tuyển mộ họ làm lính đánh thuê, và cũng như trường hợp những sắc dân Germany đối với đế chế La Mã trước đó, quân Polovtsy khiến nội bộ Kievans Rus thêm phần hỗn loạn (nếu không muốn nói là suy đồi).

Sự phân tán quyền lực, hay nói theo cách ngược lại, là sự thiếu vắng tính chuyên chế tập quyền ấy, đưa đến thảm họa lớn nhất, chính là trận đại bại sông Kalka, khi tám vạn liên quân Nga nhập trận trước quân Mông Cổ “mạnh ai nấy đánh”, để rồi bị hai vạn quân của Triết Biệt và Tốc Bất Đài tàn sát. Các vương công Nga bị bắt, bị bắc ván lên đầu kê làm chỗ yến ẩm tiệc tùng cho tướng sĩ Mông Cổ (theo Nguyên sử).

Trong 250 năm sau khi Kievans Rus sụp đổ, như giới nghiên cứu lịch sử phương Tây đánh giá, sinh hoạt quốc gia theo truyền thống của người Nga vẫn tiếp tục tại nhiều nơi. “Vùng Tây Nam, gồm cả Kiev, hầu như đã tách thành một miền độc lập, với một giai cấp quý tộc vô kỷ luật, không chấp nhận cho vương hầu củng cố chính quyền để chống lại những láng giềng hùng mạnh - Liên bang (Khối thịnh vượng chung) Đại công quốc Litva – Vương quốc Ba Lan”.

Và vào thời điểm đó, khi Kiev sụp đổ, tiểu quốc Moskva mới chỉ là một vùng mới định cư gần biên giới.

Sức mạnh của tập quyền

Có vài đặc điểm rất đáng lưu ý về vị trí địa lý của Moskva khi ấy – những đặc điểm đưa thành bang này trở thành trái tim của một nước Nga hoàn toàn mới, dù vẫn còn liên hệ chặt chẽ với Kievans Rus về đặc tính chủng tộc Slave, về nền tảng Chính thống giáo Đông phương, và về cội nguồn theo các sử thi hay truyền thuyết.

Tuy không phì nhiêu bằng những đồng bằng ở phía Tây Nam, nghĩa là lãnh thổ Ukraine hiện đại, đất đai quanh Moskva cũng vẫn đủ màu mỡ để cung cấp lương thực cho dân chúng.

Moskva ở gần đất Tarta nhất, do đó, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trước khi tàn phá Kiev, Bạt Đô đã xua quân công hãm và dễ dàng tiến chiếm Moskva (năm 1237). Những gánh nặng triều cống nặng nề và nhục nhã nhất từ Mông Cổ trên toàn đất Kievans Rus, chính là dội xuống Moskva.

Cũng chính Moskva quật khởi đầu tiên khi hãn Kim Trướng có dấu hiệu suy thoái, với những chiến thắng nhỏ nhoi vào các năm 1378 – 1380, trước khi bị dìm trong bể máu. Rồi sau khi hãn Kim Trướng phân rã, Moskva cũng vẫn còn bị kìm kẹp suốt một thế kỷ rưỡi nữa.

Khi chuyên chế lại là điều cần thiết -0
Có những thay đổi mạnh mẽ được bắt đầu tại đất Nga, sau cuộc xâm lăng và dưới ách thống trị của đế quốc Mông Cổ.

Vấn đề là, giữa muôn trùng sức ép, các vương công Moskva lại có cơ hội rèn giũa được cá tính, sự khôn ngoan cũng như bản sắc của chính mình.

Họ cố gắng kết thân với các gia đình quyền thế trong khu vực, hướng đến bành trướng đất đai qua con đường thông hôn, thừa kế, mua bán hay thậm chí là cưỡng đoạt. Quan trọng hơn, họ đặt ra quyền trưởng tử, theo lề lối của các triều đình quân chủ phong kiến châu Á, để lãnh thổ không còn bị chia cắt như tấm gương tày liếp ở Kiev.

Họ chịu nhẫn nhịn nép mình dưới sự khống chế của triều đình Kim Trướng, qua đó giành được quyền đứng trên các tiểu quốc láng giềng khác, thu thuế từ những người hàng xóm ấy, trực tiếp mang đến cống nộp ở kinh đô Kim Giác (Sarai, trên sông Volga), theo sát tình hình chính trường Kim Trướng để chờ đợi cơ hội.

Họ liên kết và nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của Giáo hội Chính thống giáo Đông phương. Họ mô phỏng, đúc rút và học hỏi những tinh túy trong cách điều binh hành trận từ chính kẻ cai trị - người Mông Cổ.

Như vậy, qua hơn hai thế kỷ âm thầm, “nước Nga mới” với trái tim Moskva đã dần dần kiện toàn và thiết lập được một mô hình nhà nước chuyên chế về mọi mặt: Thần quyền – thế quyền – quân quyền, điều hoàn toàn trái ngược với tình trạng ở phía Tây – tức là Kievans Rus. Ngược với miền Tây, giới quý tộc Nga không chống lại nền quân chủ chuyên chế ngày càng mạnh mẽ của Sa hoàng (Tsar).

Không thể phủ nhận, bất kể lời khen tiếng chê từ hậu thế, đây chính là điểm khởi đầu, là một trong những nền tảng quan trọng nhất để nước Nga trỗi dậy (một cách muộn màng, vào thế kỷ XVIII), với những chiến công hiển hách của Pyotr Đại đế: Hạ đại cường Thụy Điển trong “Chiến tranh phương Bắc”, và đánh bại đế quốc Ottoman ở phía Nam, mở thông những con đường ra biển, chính thức đưa nước Nga bước vào hàng “liệt cường” châu Âu.

Trên lập trường quan điểm lợi ích của nước Nga, tính chuyên chế trong hành trình 500 năm lịch sử ấy, rõ ràng, vẫn mang những giá trị nhất định.

* Đầu thế kỷ XIV, Thượng phụ giáo chủ - Đại chủ giáo Chính thống giáo giáo hội Nga dời địa phận của mình từ Kiev về Moskva, biến nơi này thành thủ đô tôn giáo của toàn Nga. Vua Ivan III (trị vì 1462 – 1503) tự nhận mình là người kế vị các vương hầu Kiev, tuyên bố quyết chiếm lại những phần đất đã bị người Ba Lan – Litva Thiên Chúa giáo cũng như người Tarta Hồi giáo chiếm đoạt, dưới sự cổ vũ của Giáo hội Nga. Nhiều quý tộc miền Tây, do đó, không thuần phục Ba Lan - Litva nữa, về quy thuận Ivan III. Bởi vậy, năm 1492, vua Ba Lan – Litva phải thừa nhận Ivan III là “Chúa tể của toàn bộ người Nga”.

Nhưng trước đó, năm 1472, Ivan III, nhờ cưới cháu gái của Hoàng đế Byzance cuối cùng và nhờ sự ủng hộ của Giáo hội, đã có được danh hiệu “Hoàng đế”, dùng biểu tượng đại bàng hai đầu của Byzance làm triện, và tự xưng “Sa hoàng”.

* Sau khi hãn Kim Trướng tan rã vào đầu thế kỷ XV, Moskva vẫn còn bị kẹp giữa ba quốc gia Tarta hậu duệ của nó: Một ở Kazan, trung lưu sông Volga; một ở Astrakhan, trên cửa sông Volga ra biển Caspienne; và một ở Crimea. Cả ba, sau này, đều bị gồm thâu vào đế quốc Nga Sa hoàng, sau những cuộc chinh phạt.

Trong những cuộc chinh phạt đó, giai cấp vũ huân quý tộc ngày càng gắn bó và lệ thuộc hoàn toàn vào triều đình trung ương. Những điền sản của quý tộc Nga, dù vẫn có tính chất truyền thừa, nhưng nếu không phục vụ triều đình thì sẽ bị sung công. Đi kèm hệ thống này, dĩ nhiên, là chế độ nông nô đen tối, kéo dài đến tận Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Thiên Thư
.
.