Khi “cha đẻ” của AI lại mất việc vì AI

Thứ Hai, 27/11/2023, 11:03

Ngày 17/11, Sam Altman, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của OpenAI, người đi đầu trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển, đã bị sa thải. Sự việc này gây chấn động, làm rung chuyển gã khổng lồ của ngành trí tuệ nhân tạo và được cho có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát AI - một trong những công nghệ then chốt của tương lai.

Mất việc bởi AI

Sam Altman sinh năm 1985, là người Do Thái, sinh ra và lớn lên ở St. Louis, Missouri, Mỹ. Năm 8 tuổi, anh lần đầu tiên được dùng máy tính Apple Macintosh và từ đó thần tượng Steve Jobs.

Năm 2005, sau một năm học ngành Khoa học máy tính tại Đại học Stanford, Sam Altman đã bỏ học mà không lấy được bằng cử nhân. Ở tuổi 20, anh đã đồng sáng lập Loopt - một ứng dụng di động mạng xã hội dựa trên vị trí. Với tư cách là Giám đốc điều hành của Loopt, Sam Altman đã huy động được hơn 30 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho công ty nhưng đáng tiếc là Loopt không thu hút được đủ người dùng.

Khi “cha đẻ” của AI lại mất việc vì AI -0
Sam Altman bất ngờ bị sa thải khỏi chức CEO của OpenAI.

Tháng 3/2012, Loopt được Green Dot Corporation mua lại với giá 43,4 triệu USD và một tháng sau, Sam Altman lại cùng với anh trai Jack Altman đồng sáng lập Hydrazine Capital. 2 năm sau, khi Giám đốc điều hành của Reddit, Yishan Wong từ chức, Sam Altman là nhân vật thay thế, rồi được mời về làm Chủ tịch của Y Combinator.

Tháng 10/2015, Sam Altman công bố thành lập Y Combinator Continuity, một quỹ đầu tư trị giá 700 triệu USD và một tuần sau thì giới thiệu Y Combinator Research, một phòng thí nghiệm nghiên cứu phi lợi nhuận và quyên góp được 10 triệu USD tiền tài trợ.

Tháng 3/2019, Y Combinator thông báo về việc chuyển đổi Sam Altman từ Chủ tịch công ty sang vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị ít trực tiếp hơn để ông tập trung vào OpenAI. Từ đầu năm 2020, Sam Altman không còn liên kết với Y Combinator nữa.

Về OpenAI, ban đầu được tài trợ bởi Sam Altman, Greg Brockman, Elon Musk, Jessica Livingston, Peter Thiel, Microsoft, Amazon Web Services, Infosys và YC Research, nhưng khi ra mắt vào năm 2015, đã huy động được 1 tỷ USD. Với vai trò Giám đốc điều hành OpenAI, ngày 16/5/2023, Sam Altman đã làm chứng trước Tiểu ban Tư pháp Thượng viện Mỹ về Quyền riêng tư, Công nghệ và Luật về các vấn đề giám sát AI.

Trong bài đăng trên mạng xã hội X/Twitter của Greg Brockman đã tóm tắt chuỗi sự kiện dẫn đến việc Sam Altman bị sa thải như sau: Tối 16/11, Sam Altman nhận được tin nhắn từ Ilya Sutskever, một người đồng sáng lập khác của OpenAI và là nhà khoa học trưởng, yêu cầu tham dự cuộc họp vào ngày hôm sau.

“Sam đã tham gia cuộc họp trên Google Meet với toàn bộ hội đồng, ngoại trừ tôi. Ilya nói với Sam rằng, anh ấy bị sa thải và tin tức này sẽ sớm được đưa ra ngoài. 12h19 cùng ngày, tôi nhận được tin nhắn từ Ilya yêu cầu một cuộc gọi nhanh. 12h23, Ilya đã gửi liên kết Google Meet rồi thông báo rằng tôi bị loại khỏi Hội đồng quản trị và Sam đã bị sa thải. Cùng lúc đó, OpenAI đã xuất bản một bài đăng trên blog”, Greg Brockman viết. Sau khi nhận được thông báo về việc mình bị loại khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Greg Brockman cũng đã tuyên bố rời công ty.

Theo The New York Times, việc sa thải Sam Altman diễn ra sau những gì công ty mô tả là một “quy trình xem xét có chủ ý của Hội đồng quản trị” với kết luận rằng, Sam Altman không nhất quán, thẳng thắn trong giao tiếp với Hội đồng quản trị, cản trở khả năng thực hiện trách nhiệm của mình. Ngay sau khi Sam Altman bị sa thải, ba nhà nghiên cứu cấp cao của OpenAI cũng xin từ chức. 

Khi “cha đẻ” của AI lại mất việc vì AI -0
Mira Murati, người thay thế vị trí của Sam Altman phát biểu trong Hội nghị trực tiếp công nghệ WSJ của The Wall Street Journal, tháng 10/2023.

Sự biến động nhân sự tại OpenAI đã gây sốc cho thế giới công nghệ bởi những gì Sam Altman, đã đạt được trong vài năm ngắn ngủi quả là thần kỳ. Trong khi những gã khổng lồ công nghệ như Google đã nỗ lực nhiều năm để phát triển AI, OpenAI đã vượt lên dẫn trước họ khi công bố ChatGPT vào tháng 11/2022. Chatbot đã thể hiện những khả năng chưa từng được công bố rộng rãi trước công chúng - như khả năng viết giống con người hơn rất nhiều. Ngay lập tức thu hút được 100 triệu người dùng, ChatGPT đã giúp OpenAI huy động hàng tỷ USD, khiến Google quay cuồng và đưa AI vào trung tâm của ngành công nghệ. Nó cũng giúp Sam Altman trở thành người nổi tiếng chỉ sau một đêm và giờ đây cũng chính nó đã khiến anh mất việc.

Cuộc đấu nội bộ

CNN trích dẫn một nguồn tin nội bộ của OpenAI cho hay, nguyên nhân dẫn đến quyết định nhanh chóng của Hội đồng quản trị OpenAI xuất phát từ những lo ngại của Ilya Sutskever. Điều này dường như đã trở nên trầm trọng hơn bởi Hội nghị các nhà phát triển gần đây của OpenAI và thông báo về cách để mọi người tạo phiên bản ChatGPT của riêng họ. Kate Swisher phân tích trên X/Twitter: “Các nguồn tin cho tôi biết rằng, định hướng lợi nhuận của công ty dưới thời Sam Altman và tốc độ phát triển của nó có thể được coi là quá rủi ro và phía phi lợi nhuận cam kết an toàn, thận trọng hơn đang mâu thuẫn với nhau. Một người bên phía Sam Altman đã gọi đây là một “cuộc đảo chính”, trong khi một người khác cho rằng, đó là bước đi đúng đắn. Các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu chống lại Sam Altman vì họ cảm thấy anh ấy là người lôi kéo, cứng đầu và muốn làm những gì mình muốn. Đối với tôi, điều đó nghe có vẻ giống một CEO điển hình ở Thung lũng Silicon, nhưng đây có thể không phải là một công ty điển hình ở Thung lũng Silicon. Họ chắc chắn có rất nhiều điều phải giải thích”.

Tờ New York Times lưu ý một số yếu tố cụ thể đóng vai trò quan trọng trong chuyện này, bao gồm cả việc Sam Altman không có được những biện pháp bảo vệ giống như những nhà sáng lập công ty công nghệ khác được hưởng. OpenAI bắt đầu hoạt động vào năm 2015 với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận và vào năm 2019 đã thành lập công ty con có lợi nhuận giới hạn - một thỏa thuận mới, trong đó lợi nhuận của nhà đầu tư được giới hạn ở một số tiền nhất định cao hơn khoản đầu tư ban đầu của họ. Nhưng nó vẫn giữ nguyên sứ mệnh của tổ chức phi lợi nhuận và trao cho Hội đồng quản trị của tổ chức phi lợi nhuận quyền quản lý các hoạt động của tổ chức có giới hạn lợi nhuận, bao gồm cả việc sa thải giám đốc điều hành.

Hội đồng quản trị của AI chỉ có 6 thành viên gồm Sam Altman, Greg Brockman và một số chuyên gia về AI không nắm giữ cổ phần trong công ty. Các giám đốc của OpenAI không có trách nhiệm tối đa hóa giá trị cho các cổ đông, như hầu hết các hội đồng quản trị công ty khác, mà thay vào đó bị ràng buộc bởi nghĩa vụ ủy thác để tạo ra AI an toàn.

Khi “cha đẻ” của AI lại mất việc vì AI -0
Sau khi làm mưa làm gió trong ngành công nghệ bởi ChatGPT, hồi tháng 4, OpenAI xác nhận tạm dừng phát triển AI.

Tương lai bất định

Cùng với việc tuyên bố sa thải Sam Altman, OpenAI đã bổ nhiệm Giám đốc công nghệ Mira Murati giữ chức vụ CEO tạm thời.

Năm nay 34 tuổi, Mira Murati đã là thành viên ban lãnh đạo của OpenAI được 5 năm. Tuyên bố cho biết, cô sẽ tham gia khi Hội đồng quản trị “tiến hành tìm kiếm chính thức một CEO lâu dài”. Động thái này ngay lập tức đưa Mira Murati – vốn đã là một nhân vật quan trọng trong lĩnh vực AI – trở thành một trong những phụ nữ nổi tiếng và dễ nhận biết nhất trong lĩnh vực công nghệ trên toàn cầu. Và việc Mira Murati lên làm CEO của OpenAI được đánh giá là đã cho thấy đường hướng của Hội đồng quản trị và cả mục đích của OpenAI về phát triển trí tuệ nhân tạo. Mira Murati từng tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư ở Dartmouth, đã được chú ý nhiều vào tháng 7 khi đảm nhận vị trí quản lý tạm thời của bộ phận tin cậy và an toàn ở OpenAI. Năm 2022, Mira Murati từng nói về hy vọng cao của cô đối với AI, đưa AI “thực sự là một phần mở rộng của tâm trí con người” và “tìm ra cách triển khai nó theo những cách mang lại lợi ích và hiệu quả mạnh mẽ”.

Kara Swisher nhận định, bất kể ai, Mira Murati hay người nào khi chịu trách nhiệm làm CEO của OpenAI vào thời điểm này, đều phải đối mặt với vô số thách thức với sự có mặt ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI cũng như các quy định ngày càng gia tăng từ các chính phủ có thể cản trở sự phát triển của ngành. Quyết định sa thải Sam Altman khiến nhiều đối tác quan trọng của OpenAI bất ngờ. Tuy nhiên, Microsoft, tập đoàn đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI vẫn khẳng định tiếp tục hợp tác với OpenAI. "Microsoft cam kết với Mira và nhóm của họ khi mang kỷ nguyên AI tiếp theo này đến với khách hàng của mình", Frank Shaw, người phát ngôn của Microsoft cho biết.

Trong khi đó, Sam Altman đã đăng trên mạng xã hội X/Twitter rằng anh “thích làm việc với những người tài năng” tại OpenAI và rằng anh “sẽ có nhiều điều để nói về những gì tiếp theo sau này”. Theo The Information, Sam Altman đã nói với các nhà đầu tư về kế hoạch thành lập một công ty mới về AI. Doanh nghiệp mới sẽ ở dạng liên doanh, nhưng chưa rõ quy mô và hình thức hoạt động. Nguồn tin này cũng khẳng định, Sam Altman đã thảo luận với lãnh đạo một số công ty bán dẫn, trong đó có nhà thiết kế chip ARM, về việc tạo một mẫu chip AI mới có sức mạnh lớn hơn, tiết kiệm điện năng hơn nhằm giảm chi phí huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - một nỗ lực dự kiến mất nhiều năm để hoàn thành. Ngày 21/11, Sam Altman xác nhận về đầu quân cho Microsoft và chịu trách nhiệm điều hành một nhóm AI độc lập. Đây có thể coi là bước đệm để anh quay lại OpenAI. 

Sông Thương
.
.