Khi các giác quan giao thoa

Thứ Năm, 19/08/2021, 10:20

Mỗi lần Nicolas Rothen nghe tiếng hát của ban nhạc Mỹ “Earth, Wind, and Fire”, những giai điệu hiện lên trong đầu anh có màu đỏ thẫm của rượu vang, pha chút xanh lơ của sự tươi trẻ. Ký ức của một cậu bé ngày nào giờ đây trở thành nền tảng cho một nghiên cứu về thần kinh ở con người, với những khả năng đặc biệt chưa thể lý giải.

Lồng ghép cảm giác

Cuộc đối thoại kéo dài 3 tiếng đồng hồ gợi lên những điều quen thuộc. Anh X (tình nguyện viên trong dự án nghiên cứu thần kinh của Nicolas Rothen) nhắc về người bạn bị mù màu nhưng có gu âm nhạc cực kỳ hợp nhau. Cô bé luôn ao ước được nhìn thấy màu sắc, và chính X vẽ lại thế giới trước mắt cô bằng cách chơi nhiều bài nhạc. “Bầu trời hôm nay có màu như lời ca Satin Doll của Duke Ellington, hay nghe thấy nốt Rê thì tưởng tượng ra sắc xanh dương biển cả, còn âm sol lại tựa màu xanh cây cối”.

Cách miêu tả màu sắc như thể X đang nhìn thấy âm thanh - vốn chỉ cảm nhận được bằng thính giác. Và đôi khi, những câu hát lại thoang thoảng mùi vị của những viên chocolate lễ giáng sinh, khiến X cảm thấy thật đặc biệt. Lần này, Nicolas Rothen biết X thậm chí có thể “nếm” âm nhạc bằng đôi tai của mình. Nicolas Rothen không ngạc nhiên, bởi chính anh cũng từng có trải nghiệm kiểu này, bất chợt ngửi được mùi của lời nói, nhìn thấy âm nhạc hay hình hài của hương vị. Anh nhắc đến nhiều nhân vật nổi tiếng, như nhà văn Vladimir Nabokov với các sáng tác lung linh sắc màu nhờ khả năng cảm màu qua âm thanh. Họa sĩ Kandinsky phối màu từ âm nhạc, tạo nên các bức tranh chẳng khác nào một bản hòa tấu. Người ta đồn rằng Kandinsky có thể đọc được trong tranh của ông ẩn chứa âm thanh nào, và được vẽ bởi màu gì. Trong một cuộc phỏng vấn, nhà khoa học Richard Feynman tiết lộ trước mắt ông hiện lên từng màu sắc nhất định khi cố gắng trình bày các biểu thức vật lý.

Quay trở lại khoảng 20-30 năm về trước, đa số mọi người sẽ không dám lên tiếng về năng lực kỳ lạ của bản thân vì sợ bị gắn mác khác người. Thực ra, một số nhà triết học thế kỷ 16 đã đề cập đến hiện tượng “cảm giác đồng thời” ở con người. Mãi đến giữa những năm 1800 mới xuất hiện thuật ngữ synaesthesia (trong tiếng Hy Lạp cổ chỉ sự “lồng ghép cảm giác”). Bấy giờ, dư luận mới biết đến sự tồn tại của một nhóm người có giác quan khác thường: nghe được màu sắc, nếm được hình dáng, hay ngửi được chữ nghĩa.

Khoa học hiện đại bước đầu chứng minh có hơn 100 dạng thức của “lồng ghép cảm giác” tác động tới khoảng 1-4% dân số thế giới, bao gồm các hiện tượng hiếm thấy như trải nghiệm không gian tưởng tượng khi nhìn thấy số, hay não tự gán màu sắc khi thấy các động tác bơi. Nicolas Rothen khẳng định, điểm chung của những trải nghiệm kết hợp cảm giác là sự ngẫu nhiên được kích thích từ một yếu tố ngoại cảnh bất ngờ, và có thể lặp lại nhiều lần tạo thành một phản ứng có điều kiện trên não bộ.

Bản chất của synaesthesia là sự giao thoa ngẫu nhiên giữa các giác quan, nhưng vẫn tồn tại nhiều sai lệch giữa từng đối tượng. Trong một thử nghiệm kích thích sóng não, Nicolas Rothen nhìn thấy chữ A và ra tín hiệu về một sắc đỏ rực hiện lên trước mắt, nhưng anh X lại quả quyết về trải nghiệm màu lam nhạt như bầu trời quang mây ngày hè. Sự pha trộn cảm giác của X đa dạng hơn, khi chữ A bình thường còn khiến anh nghe thấy tiếng gió thổi rất nhẹ bên tai.

Khi các giác quan giao thoa -0
Tâm trí của những người mang trong mình “món quà” luôn tràn ngập sắc màu. 

Món quà của tạo hóa

Trong một thời gian dài, không hề có bất cứ hướng đi cụ thể nào cho nghiên cứu “lồng ghép cảm giác”. Tuy nhiên, mọi chuyện dần thay đổi sau khi nghệ sĩ người Mỹ Carol Steen chia sẻ câu chuyện bị bắt nạt ở trường học từ khi mới lên 7 tuổi chỉ vì khả năng khác thường. Người phụ nữ này đã thành lập một hiệp hội bao gồm những người mang trong mình năng lực “lồng ghép cảm giác”, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu như Nicolas Rothen.

Tranh luận bùng nổ gay gắt khi nhiều quan điểm gán ghép synaesthesia với một dạng đột biến như dị nhân, không thuộc về người thường mà phải đến từ vũ trụ. Họ xem synaesthesia như một dạng khiếm khuyết về thể chất bởi nó làm thay đổi cảm nhận thông thường của con người trước sự vật. Vì vậy, rất nhiều người mang trong mình synaesthesia, nhất là giới nghệ sĩ, muốn giấu khả năng “nghe nhạc nhìn màu” vì sợ bị kì thị, hay cho rằng đang PR quá lố khiến thế giới không tin vào nỗ lực tập luyện để thành công.

Khoảng hai năm trở lại đây, Carol Steen và Nicolas Rothen đã phát động dự án “Thế giới đa giác quan”, kêu gọi tài trợ nghiên cứu sâu hơn về “lồng ghép cảm giác”. Chúng ta có nhiều bằng chứng ban đầu nhờ chụp cộng hưởng từ, cho thấy khi tiếp nhận một kích thích từ môi trường, lưu lượng máu đến các khu vực xử lý tín hiệu như âm thanh hay hình ảnh trên não bộ ở nhiều người đồng loạt thay đổi. Theo Nicolas Rothen, các vùng não chuyên biệt sẽ phụ trách từng loại tín hiệu của cùng một sự vật được nhìn thấy, như màu sắc, hình dáng hay chuyển động.

Điều thú vị ở chỗ, sự đan xen và liên kết dày đặc của neuron thần kinh ở các vùng não giác quan ở những người sở hữu synaesthesia mạnh hơn bình thường, đồng thời lượng chất xám cũng tăng lên. Quan trọng hơn, khoa học thừa nhận con người khi sinh ra đều mang trong mình synaesthesia, và năng lực chỉ biến mất vào khoảng 8-10 tháng tuổi. Điều đó cho thấy, tất cả chúng ta đều bình đẳng, “lồng ghép cảm giác” không phải lập dị mà chỉ như “món quà” đặc biệt của tạo hóa.

Nicolas Rothen vẫn băn khoăn. Cuốn nhật ký của ông nội có vài trang kể lại thời điểm cảm giác lẫn lộn khó tả, như kiểu nhìn thấy màu đỏ lại nghe tiếng lửa bập bùng, rồi vị đắng của thuốc tan trong miệng vẽ lên kết cấu dạng khối của viên thuốc trong đầu. Sự trùng hợp này khiến chàng trai ngờ vực về tính di truyền của “lồng ghép cảm giác”, bên cạnh ảnh hưởng của đặc trưng văn hóa và lối sống hình thành trong cộng đồng người. Chỉ duy nhất một điều Nicolas Rothen quả quyết: phải hiểu ý nghĩa của kích thích trước, sau đó mới có trải nghiệm kết hợp giác quan. Nói đơn giản, biết chữ A và các màu sắc, mùi vị trong tự nhiên, rồi nếu được ban tặng “món quà” thì sẽ nếm hay ngửi được chữ A.

Khi các giác quan giao thoa -0
Thử nghiệm học tập synaesthesia bằng phương pháp đọc văn bản chữ màu hàng ngày thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. 

Tiềm năng tập luyện

Đa phần những người mang trong mình “món quà” đều theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ hiện nay đang cố gắng phát triển tư duy và liên kết khả năng nghệ thuật gắn với các giác quan để tạo ra bảng màu riêng cho mình. Cuộc sống với họ, dưới bàn tay kết hợp tài tình của các giác quan, luôn tràn ngập sắc màu. Đôi tai của Carol Steen đem đến thứ âm nhạc với tiếng trống màu bụi than, từng nốt nhạc chuyển màu cam vàng đến đỏ thẫm, rồi âm vực người hát lúc xanh, lúc hồng. Thậm chí, tiếng xe tải ồn ào trên đường là khắc tinh của bao người, nhưng với tâm trí Carol Steen lại tựa bức họa ba màu đen, trắng và cam.

Tham gia tổ chức của Carol Steen và quan sát từ thử nghiệm, Nicolas Rothen đưa ra phỏng đoán con người hoàn toàn có thể học được cách lồng ghép cảm xúc đồng thời. Bên cạnh xác suất di truyền, nhiều bằng chứng gợi ý mối liên hệ giữa synaesthesia, kinh nghiệm và học tập. Trò chơi chữ cái sắc màu gắn nam châm trên tủ lạnh từ thời thơ ấu có thể khiến não bộ “nhớ” màu cho từng chữ cái, để lớn lên đem lại trải nghiệm “nhìn chữ, thấy màu”. Trên thực tế, ý tưởng học tập synaesthesia không mới, xuất hiện cách đây gần 9 thập kỷ, với hai thí nghiệm năm 1934 và 1944 liên quan đến ghi nhớ mùi, màu và vị của các vật chất hình dạng khác nhau. 

Khi các giác quan giao thoa -0
 “Lồng ghép cảm giác” có thể là sự giao thoa ngẫu nhiên giữa các giác quan, đem lại trải nghiệm có một không hai.

Tất nhiên, synaesthesia có nhiều yếu tố hoàn toàn không dễ để lĩnh hội. Nghiên cứu tại đại học Bern (Thụy Sĩ) nhấn mạnh tiếp xúc liên tục và ghi nhớ dài hạn là chìa khóa phát triển năng lực đặc biệt. Bản chất của luyện tập là “mắc lại” mạng lưới  neuron thần kinh phức tạp trên não, ép tế bào thần kinh phải học hỏi và lưu lại trải nghiệm để tiếp tục phát triển. Tưởng tượng chúng ta dành vài phút mỗi ngày nhìn vào chữ B màu vàng, luyện tập trong nhiều tháng với các tình huống gắn chữ B màu đen thuần túy với chỉ duy nhất màu vàng trong sinh hoạt sẽ giúp tạo nên trải nghiệm “nhìn chữ, thấy màu” sau này.

Gợi ý này không tồi, đặt nền móng cho nhiều chương trình luyện tập thay thế ý niệm chủ quan cố hữu của con người (chữ B màu đen) bằng trải nghiệm mới lạ (chữ B màu vàng). Đi tiên phong phải nhắc đến đại học Amsterdam (Hà Lan) thử nghiệm phương pháp đọc văn bản chữ màu hàng ngày, hay đại học Sussex (Anh) yêu cầu tình nguyện viên hoàn thành thử thách bằng cách sử dụng một số chữ cái và số có màu đặc biệt trong vài tuần. Dù vậy, mọi chuyện vẫn ở giai đoạn đầu. Như Nicolas Rothen từng nói, mây mù vẫn bao phủ thế giới của “lồng ghép cảm giác”, còn khoa học cần thêm nhiều bằng chứng trong tương lai để khẳng định liệu con người có thể tập luyện và lĩnh hội synaesthesia hay không...

Việt Dũng
.
.