Khi các chính trị gia dùng AI để tranh cử
Làn sóng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chính trị đang ngày càng phổ biến và phát triển. Trong khi tại Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và nhiều quốc gia khác, các chính trị gia đã sử dụng công nghệ AI để gia tăng ảnh hưởng của mình thì tại Anh, trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7, cử tri đang có cơ hội bầu ra một nhà lập pháp AI đầu tiên trên thế giới.
Ứng viên AI
Trung tuần tháng 6 này, doanh nhân Steve Endacott là một trong hàng trăm ứng viên tranh cử nghị sĩ Anh trong cuộc tổng tuyển cử ngày 4/7. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất của doanh nhân 59 tuổi này khiến ông thu hút sự chú ý của cử tri Anh nói riêng và dư luận quốc tế nói chung là khuôn mặt trên tờ rơi tranh cử của ông là một hình đại diện do AI tạo ra.
Lý giải điều này, ông Steve Endacott nói: "Tôi quyết định tranh cử với tư cách ứng viên độc lập cho khu vực bầu cử Brighton Pavilion của Brighton and Hove, một thành phố trên bờ biển phía Nam nước Anh. AI Steve - cái tên này đã xuất hiện trên các lá phiếu, tương tác theo thời gian thực với người dân địa phương về các chủ đề khác nhau, từ quyền con người đến nhà ở, thu gom rác và nhập cư. Chúng tôi đang thành lập một đảng mới và sẽ tuyển thêm nhiều ứng cử viên AI trên khắp đất nước. Đây là một sự khởi đầu, nền tảng cho một điều gì đó lớn lao".
Steve Endacott là Chủ tịch của Neural Voice, một công ty tạo ra trợ lý giọng nói được cá nhân hóa cho các doanh nghiệp dưới dạng hình đại diện AI và AI Steve là một trong bảy nhân vật mà công ty tạo ra để giới thiệu công nghệ của mình. Năm 2022, Steve Endacott từng tranh cử trong cuộc bầu cử địa phương nhưng không thành công. Khi đó, ông chỉ nhận được dưới 500 phiếu ủng hộ. Do đó, lần này, Steve Endacott quyết định tranh cử theo cách riêng và ý tưởng của ông là sử dụng AI để tạo ra một chính trị gia luôn có mặt và nói chuyện với cử tri. Mọi người có thể đặt câu hỏi cho AI Steve hoặc chia sẻ ý kiến của họ về các chính sách của Steve Endacott trên trang web và được AI Steve trả lời trực tiếp dựa trên cơ sở dữ liệu thông tin về các chính sách mà doanh nhân này đang theo đuổi.
Việc ứng cử kiểu này của Steve Endacott đã khuấy động một số cuộc trò chuyện trên mang xã hội X vào trung tuần tháng 6 và thúc đẩy khoảng 1.000 cuộc gọi tới AI Steve chỉ trong một đêm. "Hàng loạt vấn đề hàng đầu mà cử tri quan tâm đã được gửi đến như: lo ngại về sự an toàn của người Palestine, thùng rác, làn đường dành cho xe đạp, nhập cư và phá thai. Việc có một đại diện AI cho phép tôi phản hồi nhanh nhất tới hàng ngàn cử tri, kéo gần khoảng cách giữa ứng viên và cử tri. Tôi không cần phải đến gõ cửa nhà họ, thuyết phục họ lắng nghe mình. Đó là hình thức vận động tranh cử cũ. Giờ đây, mọi người có thể chọn liên hệ với AI Steve theo ý muốn và sự thuận tiện của mình.
Sau khi tiếp xúc cử tri, AI Steve cũng yêu cầu họ chấm điểm các chính sách mỗi tuần một lần theo thang điểm từ 1 đến 10. Và nếu một chính sách đạt hơn 50% ủng hộ, nó sẽ trở thành chính sách chính thức của đảng. Có thể nói, mỗi chính sách này không phải là quyết định của đảng mà là quyết định của cử tri. Và hàng tuần, tôi được kết nối với cử tri của mình bất cứ lúc nào thông qua các phương tiện điện tử", Steve Endacott nói.
Trước những tranh cãi của dư luận, trong một cuộc phỏng vấn với hãng Reuters, Steve Endacott cũng vẫn khẳng định: "AI Steve chỉ là nhân vật phụ. Nếu AI Steve được bầu, về lý thuyết, đây sẽ là nhà lập pháp AI đầu tiên được bổ nhiệm vào cơ quan công quyền. Nhưng thực tế, tôi mới là chính trị gia sẽ vào Quốc hội và đây không phải là một trò đùa. Không phải AI đang thống trị thế giới. Đó là AI đang được sử dụng như một phương pháp kỹ thuật để kết nối với các cử tri của chúng ta và tái tạo lại nền dân chủ bằng cách nói: "Bạn không chỉ bỏ phiếu cho ai đó bốn năm một lần; mà ngược lại, bạn thực sự kiểm soát cuộc bỏ phiếu một cách liên tục".
Những tranh cãi ở Mỹ
Tại Mỹ, các cử tri cũng được giới thiệu tới ứng cử viên thị trưởng AI. Victor Miller, 42 tuổi, gần đây đã nộp hồ sơ giấy tờ để tranh cử chức thị trưởng Cheyenne, bang Wyoming và dùng một chatbot AI tùy chỉnh trên lá phiếu. Victor Miller lập luận rằng, chatbot có tên VIC - nghĩa là "công dân tích hợp ảo" sẽ sử dụng công nghệ từ Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI để đưa ra mọi quyết định chính trị và giúp quản lý thành phố. (VIC không liên kết với một đảng chính trị nào). Khi trả lời phỏng vấn hãng CNN, Victor Miller cho hay: "AI đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cuộc sống, như giúp viết sơ yếu lý lịch. Tôi nghĩ nó có thể góp phần giúp ích cho thị trấn. Tôi thực sự muốn thấy điều đó".
Tuy nhiên, đến ngày 18/6, OpenAI ra tuyên bố đã chặn quyền truy cập của Victor Miller vào công cụ đang được sử dụng để tương tác và thuyết phục cử tri. Theo công ty này, việc sử dụng chatbot VIC theo cách trên là trái với chính sách của công ty. Trên trang web của mình, OpenAI cũng tuyên bố cấm "tham gia vào các chiến dịch chính trị hoặc vận động hành lang, bao gồm cả việc tạo ra các tài liệu chiến dịch được cá nhân hóa hoặc nhắm mục tiêu đến các nhóm cử tri cụ thể".
Rõ ràng, AI đang khiến chính trị trở nên phức tạp hơn khi các cơ quan quản lý của chính phủ, các công ty và người tiêu dùng vẫn tìm cách sử dụng các công cụ AI và công nghệ này đang phát triển nhanh hơn các rào cản xã hội, pháp lý và quy định. Victor Miller cho biết, ông quyết định tạo ra chatbot VIC sau khi bị từ chối truy cập vào hồ sơ thành phố về các chính sách và thủ tục. "Nếu tôi có thể hỏi AI và tương tác với trí thông minh mới này, nó sẽ biết luật và tôi sẽ nhận được hồ sơ", Victor Miller nói. Cho đến nay, chính quyền bang Wyoming đã từ chối bình luận về thông tin Victor Miller bị từ chối truy cập hồ sơ, nhưng tuyên bố theo dõi chặt chẽ việc tranh cử thị trưởng của ông.
Dù phiên bản công khai của chatbot VIC đã bị OpenAI xóa nhưng ông Victor Miller cho biết vẫn tiếp tục sử dụng nó trên tài khoản ChatGPT của mình và dự định mang chatbot này cùng một chiếc micro đến thư viện địa phương để cử tri có thể trực tiếp đặt câu hỏi thông qua tính năng chuyển giọng nói thành văn bản. Trên trang web của mình, Victor Miller hiện cũng đang cung cấp một ChatGPT, nơi cử tri có thể để lại ý kiến và giúp tạo ra chính sách.
Làn sóng AI tranh cử trên thế giới
Trên thực tế, việc sử dụng AI để tham gia tranh cử không còn là hiện tượng mới. Ngược lại, nó khá phổ biến và ngày càng phát triển. Ở Mỹ, một công ty khởi nghiệp tên là Civox đang cung cấp AI cho các chiến dịch vận động chính trị. Người đồng sáng lập công ty này còn khẳng định, trong tương lai, không phải những chiến dịch tranh cử được tài trợ nhiều nhất sẽ có lợi thế mà là những chiến dịch áp dụng công nghệ mạnh nhất.
Ứng cử viên đảng Dân chủ Peter Dixon trong cuộc bầu cử Hạ viện đang sử dụng một chatbot AI tên Jennifer để vận động cho mình. Trong những ngày cuối tuần, chatbot Jennifer đều dành thời gian gọi hàng ngàn cuộc điện thoại để thuyết phục các cử tri bang California bỏ phiếu cho ông Peter Dixon. Bằng giọng nói hơi giống người máy, được thiết kế có chủ đích để người nhận cuộc gọi hiểu rõ rằng cô không phải là con người, chatbot Jennifer đã giới thiệu ứng cử viên Peter Dixon, đặt câu hỏi và trả lời những câu hỏi nhận được từ cử tri.
Còn ở Ấn Độ, dù cuộc tổng tuyển cử 2024 đã kết thúc với phần thắng thuộc về đương kim Thủ tướng Narendra Modi, song người ta vẫn nhắc nhiều đến những cách thức mới mà các ứng viên và đảng phái ở nước này sử dụng để tranh cử. Đó là các hình đại diện AI gọi cử tri bằng tên thân mật, nói chuyện với họ qua tin nhắn bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Và trên môi trường kỹ thuật số chính trị đó, một phiên bản Thủ tướng Narendra Modi do AI tạo ra đã được chia sẻ trên ứng dụng nhắn tin WhatsApp cho thấy khả năng tiếp cận siêu cá nhân hóa ở quốc gia có hơn 1,4 tỷ dân… Ở cấp độ thấp hơn, các đảng viên trong đảng cầm quyền BJP của ông Narendra Modi đã gửi video qua WhatsApp, trong đó hình đại diện AI của riêng họ gửi thông điệp cá nhân tới các cử tri cụ thể về những lợi ích của chính phủ mà người dân đã nhận được và đề nghị các cử tri hãy bỏ phiếu cho BJP….
Rõ ràng, các chatbot AI ngày càng thông minh hơn nhưng một số chuyên gia nhận định rằng, công nghệ này không bao giờ nên thay thế sự phán xét của con người trong việc điều hành bất kỳ cơ quan nào của chính phủ. Jen Golbeck, Giáo sư tại Trường Khoa học thông tin thuộc Đại học Maryland (Mỹ) cho biết: "Khi nói đến AI hiện tại và nó sẽ như thế nào trong tương lai, không bao giờ được sử dụng nó để đưa ra các quyết định. AI luôn được thiết kế để hỗ trợ, cung cấp một số dữ liệu, giúp con người đưa ra quyết định nhưng không được thiết lập để tự đưa ra quyết định".
Khi được hỏi về sự xuất hiện của các ứng cử viên AI trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc lan truyền thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử, giáo sư Jen Golbeck nhấn mạnh, có thể có một vị trí dành cho AI trong chính trị khi giúp thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như trả lời các biểu mẫu từ cử tri hoặc chỉ đạo cách giải quyết vấn đề. Nhưng việc đưa ra quyết định luôn phải được giao cho con người.
Đồng ý quan điểm này, David Karpf, phó giáo sư về truyền thông và các vấn đề công cộng tại Đại học George Washington (Mỹ) lưu ý rằng, những người đứng sau ứng cử viên AI chỉ đang dùng mánh lới quảng cáo. "ChatGPT hay chatbot AI không đủ điều kiện để điều hành chính phủ và tôi tin rằng, các nhà lập pháp không cần đưa ra luật chính thức về việc chatbot AI tranh cử vì sẽ không có ai bỏ phiếu cho một chatbot AI để điều hành một chính quyền".