Khảo hạch quan lại thời xưa

Chủ Nhật, 12/02/2023, 12:45

Thời xưa, sĩ nhân phải đỗ đạt qua đường thi cử hay được đề cử mới được ra làm quan. Việc thăng chức không dễ. Như thời Lý, phải 9 năm mới có một đợt "khảo khóa" để các quan có cơ hội thăng chức, trong khi đầu thời Trần, thời hạn này lên tới 15 năm.

Việc thăng chức cho các quan dù không có kỳ hạn cụ thể được đề cập từ thời Lý Thái Tông, năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 3 (1051). Theo "Đại Việt sử ký toàn thư" thì năm đó, nhà vua định cho các quan văn võ làm lâu năm không có tội lỗi được thăng chức theo thứ bậc khác nhau.

Sang đời Lý Anh Tông, tháng 2 năm Đại Định thứ 23 (1162), nhà vua cho khảo khóa các quan văn, võ, người nào đủ niên hạn khảo mà không có lỗi thì thăng trật, định làm phép thường, cứ 9 năm là một kỳ khảo. Đến đời Lý Cao Tông, năm Thiên Tư Gia Thụy thứ 8 (1193), triều Lý cũng có đợt khảo khóa các quan văn, võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng.

Khảo hạch quan lại thời xưa -0
Ảnh: S.t

Sang đến đời Trần, sau những năm đầu củng cố quyền lực, đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (1246) đời Trần Thái Tông, triều Trần mới bắt đầu xét duyệt các quan văn, võ, trong ngoài và định lệ cứ 15 năm một lần xét duyệt, 10 năm thăng tước 1 cấp, 15 năm thăng chức 1 bậc. Chức quan nào khuyết thì chức chánh kiêm chức phó. Chánh phó đều khuyết thì lấy quan khác tạm giữ, đợi đủ hạn xét duyệt thì bổ chức ấy.

"Toàn thư" viết: "Bấy giờ quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các, 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục, 15 năm mới được xuất thân". Theo chế độ nhà Trần, quan chức cấp nào cũng phải qua khảo duyệt mới được thăng bổ, như chức An phủ sứ qua trị nhậm các lộ (như các tỉnh ngày nay), đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, là phủ quan trọng được coi như kinh đô thứ 2 của nhà Trần, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê Thái Tổ lên ngôi, năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) đã cho khải xét quan lại trong ngoài để xếp hạng. Đến đời Vua Lê Thánh Tông, vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), dù nhà vua đang trên đường chỉ huy chiến dịch đánh Chiêm Thành, nhưng không rõ lý do gì mà đã cho định lệ khảo khóa quan lại nơi cai quản. Theo như trong sách "Toàn thư" thì ở đoạn này, câu trên cho biết "Ngày 18 tháng Chạp, thủy quân vào đến đất Chiêm Thành" thì ở dưới viết tiếp rằng: "Định lệ khảo khóa quan lại nơi cai quản. Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khóa các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm. Nếu quả là có lòng chăm nom yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh, thì mới là xứng chức. Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì là không xứng chức".

Việc định lệ lựa thải quan viên tiếp tục được Vua Lê Thánh Tông ban bố vào tháng 11 năm 1478, với nội dung gồm 3 điều, có những trường hợp cụ thể được nêu tên, gồm:

Bậc trưởng quan các nha môn văn chức trong ngoài, đều phải công bằng xét kỹ các quan viên dưới quyền mình, nếu có kẻ hèn kém, như Tham nghị Lạng Sơn Trần Duy Hinh, Tri phủ Trần Khánh Ninh Tháp Nhung, Tri phủ Phú Bình Phạm Tháo... và những tên đần độn bỉ ổi, không làm nổi việc, đáng phải cho nghỉ, thì làm bản tâu lên, giao cho Lại Bộ xét thực, đều bắt phải nghỉ việc; lại chọn người đã từng làm việc có tài năng, kiến thức, quen thạo việc mà bổ.

Bậc trưởng quan các nha môn quản quân trong ngoài, phải công bằng xét kỹ các quan vệ sở dưới quyền mình, nếu có kẻ nào mỏi mệt hèn kém như bọn Nguyễn Trí Nghiêu, Đỗ Hữu Trực, Đỗ Công Thích... cùng những tên đê tiện, bỉ ổi, không có tài cán, không làm nổi việc, đáng cho về nghỉ, thì làm bản tâu lên, giao cho Lại Bộ xét thực, hoặc đổi đi chỗ ít việc, hoặc bắt nghỉ việc; lại chọn những người đã từng qua chinh chiến, có tài năng, kiến thức làm được việc mà bổ vào thay.

Trưởng quan các nha môn cần lựa thải thì phải công bằng, sáng suốt, không được theo sự ưa ghét riêng của mình để khi làm công việc ấy được mọi người thành tâm tin phục. Nếu xét người hay - dở mà sai sự thực thì Lục khoa, Ngự sử đài, Hiến ty kiểm xét hoặc tâu để trị tội.

Đến năm 1488, Vua Lê Thánh Tông tiếp tục ban lệ khảo khóa, quy định cụ thể thời hạn là 3 năm sơ khảo, 6 năm tái khảo, 9 năm thông khảo, rồi mới làm việc thăng - giáng. Trong 9 năm đã lấy công khác được thăng trật, đến khi khảo lại xứng chức đáng được thăng đến nhị phẩm trở lên, thì Bộ Lại làm bản tâu lên xin chỉ của vua, còn tam phẩm trở xuống thì cứ theo lệ mà thi hành.

Quan các nha môn tại chức đủ 3 lần khảo thì khai đủ những công việc đã làm qua trong nhiệm kỳ, có phạm lỗi hay không, trình lên cho trưởng quan nha môn công bằng xét lại. Tuy nhiên, quy đình này cũng có điều ngoại lệ là "Nếu có người tài năng kỳ dị được đặc cách thăng bổ thì không câu nệ lệ này".

Về việc sơ khảo, các quan trưởng, quan viên phải khảo sát quan lại trực thuộc đưới quyền của mình. Việc đánh giá từng quan viên dựa vào tình hình an ninh, ổn định ở mỗi địa phương. Nếu địa phương nào ổn định, dân tình ái mộ thì được giữ chức. Nếu địa phương nào có nhiều người lưu vong, dân tình phẫn uất thì bị giáng chức (tùy theo mức độ) vì cho là người chưa làm đúng chức trách của mình. Viên quan nào phạm tội thì bị chịu phạt mà không cần đến 3 năm sau mới khảo khóa. Mọi quan lại đều phải trải qua 3 kỳ khảo khóa này. Việc thăng thưởng, thuyên chuyển, thành tích, lỗi lầm của quan lại đều được ghi chép đầy đủ trong sổ của Bộ Lại làm cơ sở thưởng phạt.

Nối ngôi Lê Thánh Tông, Vua Lê Hiến Tông cũng để lại những lời răn dạy cụ thể với các quan về vấn đề khảo khóa. Tháng 10, năm Cảnh Thống thứ 2 (1499), nhà vua sắc dụ Thượng thư Bộ Lại Trần Cận và Cấp sự trung Lại khoa Lê Tung rằng: "Tước thưởng là để khuyến khích người đời, khảo khóa là để xét thực các quan. Thăng - giáng người hay, người dở. Ngu Thuấn nhờ đó là làm tròn mọi việc, tóm xét về danh về thực; Hàn Tuyên do đó mà nên nghiệp trung hưng. Vì rằng ở trên đã có máy thần tình để cổ vũ, thì bên dưới tất mài giũa lấy tâm trí giỏi giang. Việc ưa ghét không công bằng thì khuyên răn thế nào được. Nước nhà ta, đặt quan theo đời xưa, dùng người giúp chính sự, quyền tuyển cử đã công minh, việc khảo xét rất kỹ và đủ. Tại sao các quan lại cho là hư văn? Trưởng quan không biết người hiền, người ngu, theo thể lệ mà chia hơn kém; cai ty (ty phụ trách) không rõ kẻ hay, kẻ dở, chỉ nhất khái cho là liêm năng. Thuyên tào (tức Bộ Lại) chỉ cân nhắc lấy lệ, Lại khoa cũng ít khi bác đi. Người cần lao hết sức cũng lâu năm mới được thăng lên; kẻ hơn kém làm gian mà ít ngày cũng được thăng trật. Quan trường nhũng lạm, bởi đó mà ra. Nay lúc ta lên ngôi buổi đầu, chính trị càng nên đổi mới. Sự lệ nên làm thế nào, dụ cho các ngươi biết".

Trong sắc dụ, Vua Lê Hiến Tông quy định rõ: "Từ nay trở đi, các quan viên văn, võ trong ngoài, tại chức đủ 9 năm không có tham tang can phạm gì, lệ được khảo khóa, thì quan giữ việc khảo xét theo như lệ trước mà xét kỹ sự thực. Viên nào có tài cán mà làm được việc, quả không phải hạng tầm thường, theo người mà tiến lui, thì mới được xét vào hạng xứng chức, cho thăng thưởng như lệ. Nếu viên nào tuy tại chức đủ 9 năm, không tham tang can phạm, nhưng là người không có tài năng gì, nhờ người khác mà nên việc, thì không được khảo xét thăng thưởng, cùng kẻ lười biếng hèn ngu hạng như Cục phó Trân mỹ cục là Nguyễn Lao, nhẹ thì phải biếm, nặng thì phải giáng. Quan khảo xét dám có tình riêng mà khảo xét bậy, Bộ Lại xét lại cũng không rành, Lại khoa xét bác không đúng, thì giao cả cho Bộ Hình theo luật trị tội".

Đánh giá về chính sách khảo khóa, nhà sử học Phan Huy Chú cho rằng: "Cho nên chính sách yên dân chẳng gì hơn việc chấn chỉnh quan trường, mà cách chấn chỉnh quan trường tất phải khảo công để xét rõ người hơn, người kém mà thăng - giáng cho rõ ràng".

Ở thời Lê trung hưng, chúa Trịnh còn tổ chức các kỳ thi khảo hạch các quan lại. Tuy nhiên, trong việc khảo hạch này cũng có lúc diễn ra những vụ tiêu cực như trường hợp "lộ đề" năm 1696, niên hiệu Chính Hòa thứ 17, đời Vua Lê Hy Tông. Theo sách "Lịch triều tạp kỷ" của Ngô Cao Lãng, năm đó, có kỳ khảo công các quan trong kinh, ngoài trấn. Chúa Trịnh Căn vời Thượng thư Bộ Lại Lê Hy và Thượng thư Bộ Binh kiêm Bồi tụng Nguyễn Quán Nho vào phủ, sai nghĩ các đầu đề và răn rằng kẻ nào làm tiết lộ sẽ bị tội. Khi Quán Nho ngồi nói chuyện với Đặng Đình Tướng, lại để lộ ý vấn đề ra. Thái giám Ngô Phan Lân vốn không ưa Quán Nho, liền vào mách với chúa. Chúa Trịnh giận lắm, hạ lệnh biếm truất Quán Nho xuống làm Tả thị lang Bộ Binh, ngày hôm sau, lại đổi làm Ngự sử thay cho Nguyễn Quý Đức cũng vừa bị giáng.

Việc khảo khóa theo thời hạn tiếp tục được tiến hành dưới triều Nguyễn, với một số lần thay đổi về cách thức, phương pháp và hệ thống phân loại. Nếu thời Hậu Lê, kết quả khảo khóa chia thành 3 bậc: Thượng, trung, hạ thì thời Nguyễn chia thành 4 hạng: Thượng khảo, trung khảo, hạ khảo và hạng kém. Căn cứ vào kết quả xếp loại mà quyết định thưởng phạt với các hình thức: Thăng chức (từ 1 đến 2 bậc), thưởng tiền, biếm giảng (từ 1 đến 2 bậc), đổi đến nơi ít việc, buộc về hưu, bãi chức... Trường hợp có công hay phạm tội lớn thì không cần phải đợi đến niên hạn.

Lê Tiên Long
.
.