Kết thúc văn mẫu và mở ra tâm hồn

Thứ Năm, 15/12/2022, 14:30

Tôi còn nhớ mãi một kỷ niệm của đời đi học: Khi viết cảm tưởng về truyện ngắn nổi tiếng “Lặng lẽ Sapa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, tôi chỉ nhận được 2 điểm vì lạc đề. Thay vì viết về sự hy sinh thầm lặng của những con người ngày đêm cống hiến cho Tổ quốc, tôi viết về nỗi cô đơn của con người, ở một nơi quá buồn tẻ.

Giá trị của tưởng tượng

Đấy tất nhiên là cảm xúc thật của tôi sau khi đọc tác phẩm, nhưng nó đi lệch với các ý có thể giành được điểm, trong các sách văn mẫu và giáo trình dành cho giáo viên dạy văn. Và, thế hệ 8x chúng tôi đã quen với việc này. Khi tôi còn học tiểu học, việc học văn đơn giản diễn ra một chiều: Các thầy cô sẽ chép nguyên một bài văn lên bảng, chúng tôi chép lại, rồi học thuộc và vào phòng thi có thể viết lại nguyên xi cũng được.

Trong nhiều năm, chúng ta phủ nhận giá trị của trí tưởng tượng, một cách công khai, bằng việc mặc đồng phục cho nó. Đọc một tác phẩm trong sách giáo khoa có nghĩa là bạn sẽ tự tiêu diệt cảm nhận của mình ngay từ khi giáo viên phác thảo các ý cần có lên bảng, để đi theo các lối đã được vạch sẵn này.

Kết thúc văn mẫu và mở ra tâm hồn -0
Trí tưởng tượng không chỉ là mơ mộng, mà còn là năng lực định hướng hành vi một cách linh hoạt để giải quyết các vấn đề. Nguồn ảnh: Adobe stock

Năm 2015, trong một nghiên cứu quan trọng về giáo dục được công bố trên tạp chí nổi tiếng Phát triển nhận thức, các nhà khoa học đã chia trẻ em thành 2 nhóm, một đọc các câu chuyện có chủ đề thực tế (nấu ăn chẳng hạn), còn nhóm kia sẽ đọc các câu chuyện có tính kỳ ảo (về những con rồng và thế giới phép thuật). Họ nhận ra rằng nhóm thứ hai, những đứa trẻ đọc truyện có yếu tố tưởng tượng, phát triển vốn từ vựng tốt hơn rất nhiều. Tức là trẻ em thu nhặt được nhiều kiến thức hơn từ những câu chuyện giả tưởng, hơn là những cuốn sách thực tế đơn thuần.

Phát hiện này, khi ấy, rất đáng ngạc nhiên, vì nó đi ngược lại lý thuyết thông thường chúng ta hay nghĩ về học tập. Nhiều tài liệu tâm lý học chỉ ra rằng bối cảnh học tập càng giống bối cảnh thực tế bao nhiều thì học sinh sẽ áp dụng chúng tốt hơn. Nhưng, điều này chỉ đúng với các mô phỏng máy móc: Với các kỹ năng mang tính tự phát triển thì rõ ràng trí tưởng tượng tốt hơn nhiều so với bắt chước.

Lý do là việc chìm đắm trong một tình huống mà chúng chưa từng lường trước có thể thu hút sự chú ý và buộc chúng phải suy nghĩ về cách xử lý sâu sắc hơn, chính xác là vì chúng không thể coi các tình huống này giống như mọi tình huống khác mà chúng đã gặp phải trong thực tế.

Chúng phải xem xét mọi sự kiện bằng con mắt mới mẻ, đặt câu hỏi xem liệu nó có phù hợp với thế giới của câu chuyện hay không và thậm chí, có phù hợp quy luật thực tế không. Nhu cầu liên tục đánh giá một câu chuyện có thể khiến những tình huống này đặc biệt chín muồi để kích thích sự học hỏi.

Các công việc trong tương lai sẽ trả lời rõ ràng hơn về nhận định này, nhưng ngay trong hiện tại, những phát hiện kiểu này có thể có ý nghĩa lớn với giáo dục. Ngay cả khi việc trẻ học tốt hơn chỉ vì lý do chúng chăm chú hơn với các câu chuyện kích thích khả năng tưởng tượng, thì thực tế này cũng có thể được sử dụng để thiết kế những bài giảng tốt hơn.

Tự chủ tâm hồn

Trong nhiều năm, trí tưởng tượng chỉ được xem như một “kỹ năng mềm”, kéo dài từ nhận thức logic, nhưng giáo sư triết học và khoa học não bộ Stephen T Asmais của Đại học Columbia, Chicago (Mỹ), thì không nghĩ thế. Nhóm nghiên cứu của ông phát hiện rằng, ngoài việc đóng vai trò là một năng lực của trí óc, nó còn có khả năng định hướng hành động linh hoạt: Một cách thực dụng, trí tưởng tượng giúp các sinh vật nắm bắt được môi trường đang thay đổi xung quanh nó một cách nhạy bén. Nó thực sự là một hệ thống năng lực và ứng dụng dựa trên sự vận hành của não bộ.

Học văn thực chất là đào sâu vào nội tâm, phát triển trí tưởng tượng và văn mẫu là dấu chấm hết cho quá trình này, ngay từ khi bắt đầu. Sau này, khi rời trường phổ thông, tách biệt khỏi cách học văn đọc - chép và buộc phải nắn cảm nhận theo ý vạch sẵn, tôi thấy việc đọc sách và cảm nhận trở nên dễ dàng hơn. Các tác phẩm văn học đặc biệt ở chỗ chúng tạm thời đưa chúng ta vào tâm trí của tác giả. Nhờ chúng, ta có thể thực sự có cái nhìn thoáng qua về trải nghiệm rất thực của người khác.

Kết thúc văn mẫu và mở ra tâm hồn -0
Giáo dục là kiến tạo các tâm hồn. Nguồn ảnh: Adobe Stock

Kể chuyện, dưới mọi hình thức, về bản chất, là thiết kế ra những thế giới khác để con người có thể suy ngẫm và sống vượt ra ngoài kinh nghiệm hạn hẹp của họ. Tôi chưa bao giờ nghĩ về phong trào giải phóng nô lệ, cho đến khi đọc “Túp lều của bác Tôm”. Tôi lớn lên khi chiến tranh đã kết thúc, nhưng có thể nghĩ về nỗi đau của nó, khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh). Tôi không thể hiểu được nội tâm của cha ông, trong những ngày kháng chiến oai hùng nhưng vẫn lãng mạn, nếu không đọc “Tây Tiến” (Quang Dũng). Tôi không thể tưởng tượng được rằng trong những năm tháng mà miếng ăn ám ảnh, có những nhà văn như Thạch Lam, Nam Cao đã nghĩ về những thứ cao quý hơn rất nhiều, như là vẻ đẹp, hay thân phận con người.

Tháng 7 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức gửi công văn đến các sở giáo dục và đào tạo để hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn ở trường phổ thông. Đấy không phải là điều mới mẻ gì với thế giới, nhưng nó là một bước ngoặt, trả lại cho tất cả chúng ta một đặc quyền trong giáo dục: tưởng tượng các tác phẩm theo ý mình.

Văn học, về cơ bản, rèn luyện sự đồng cảm của chúng ta: Nó dạy chúng ta nhìn thế giới theo quan điểm của những người khác, để hiểu quan điểm của họ, thậm chí sống trong nó, ngay cả khi chúng ta không nhất thiết phải đồng ý hoặc thích chúng. Một cách thực dụng, nhận thức mới tạo ra từ văn học thậm chí cũng vượt xa sự đồng cảm: Nó làm tăng khả năng giao tiếp, suy luận, sáng tạo và năng lực nhìn ra mối liên hệ giữa các sự kiện.

Mà rốt cục thì, điều quý giá chúng ta có thể có từ giáo dục, có lẽ là sự tự chủ về mặt tâm hồn. Đi học không chỉ là một hành trình kiến tạo tri thức, mà còn là làm giàu tâm hồn.

Ban Cầm
.
.