Iraq - một cuộc chiến dài của... nước Anh

Thứ Sáu, 31/03/2023, 11:36

Nó thường chỉ được nhớ đến như một cuộc chiến ngắn ngủi, khi liên quân Mỹ - Anh dễ dàng đánh bại các lực lượng quân sự cũng như bán quân sự dưới trướng Tổng thống Iraq Saddam Hussein, tròn 20 năm trước. Tuy nhiên, ở phần tiếp nối của Cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ hai đó, nếu đến tận lúc này nước Mỹ vẫn còn phải duy trì các đơn vị binh sĩ của mình tại Iraq, thì những người lính Anh cũng đã phải ở lại chiến địa cát nóng ấy thêm sáu năm, trước khi có thể “thở phào” rời đi.

Một chiến thắng có vẻ như dễ dàng

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Thủ tướng Anh Tony Blair đã công khai cam kết sát cánh với những người đồng minh Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố mà Iraq bị cáo buộc có dính líu và sở hữu vũ khí hóa học, sinh học… Suốt năm 2002, quân đội Mỹ chuẩn bị cho cuộc tấn công quân sự vào Iraq. Theo chính trang mạng National Army Museum của Anh, các quân nhân Anhlàm việc với người Mỹ đều biết về kế hoạch mở rộng “Cuộc chiến chống khủng bố'” Lựa chọn đầu tiên của các chỉ huy quân sự Anh là sử dụng các căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công Iraq từ phía bắc, thông qua lãnh thổ thân thiện của người Kurd. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng được đưa ra là tấn công từ phía nam, sử dụng Kuwait làm bệ phóng.

101605.jpg -0
Lính Anh đào công sự ở miền bắc Iraq, năm 2004.

Ngày 20/3/2003, tối hậu thư yêu cầu Saddam Hussein rời khỏi Iraq hết hiệu lực. Mỹ và các đồng minh lập tức phát động chiến tranh toàn diện. Họ áp dụng chiến lược “Sốc và sợ hãi” (Shock and Awe), với ý định triệt phá ý chí chiến đấu của phía Iraq, thông qua việc phô trương lực lượng áp đảo. Đêm 20/3/2003, liên quân Anh – Mỹ (cùng một số quốc gia khác) tiến vào Iraq. Buổi tối hôm sau, các cuộc không kích và tên lửa trên diện rộng đã đánh trúng các mục tiêu trên khắp Iraq, được thiết kế để gây ra “sốc và sợ hãi”, cũng như vô hiệu hóa quyền chỉ huy và kiểm soát cơ sở hạ tầng. Hệ thống phòng thủ của Iraq sớm sụp đổ trước sức tấn công chủ đạo của quân đội Mỹ, với thiết giáp được hỗ trợ bởi pháo binh, trực thăng và các cuộc không kích.

Trong khi đó, Biệt kích Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã đánh chiếm thành công nhiều địa điểm quan trọng, bao gồm cả các mỏ dầu Rumaila. Phần lớn thiết giáp của Anh cũng đã đến Iraq vào ngày 21-22/3/2003. Vai trò quan trọng của các đơn vị Anh là chiếm khu vực mang tên “Hộp Basra”, án ngữ ở đường lên phía bắc. Trên bán đảo Al Faw, Lữ đoàn biệt kích 3 đã chiếm thị trấn Abu Al-Khasib, với sự hỗ trợ từ không quân và xe tăng của Vệ binh Hoàng gia Scotland (Royal Scots Dragoon Guards). Trong khi phần lớn Lữ đoàn không quân số 16 bảo vệ các mỏ dầu phía nam, một số đơn vị lính Anh khác di chuyển về phía bắc để hỗ trợ mũi tiến công chính của Hoa Kỳ.

Ngày 6/4, các chỉ huy Anh đánh giá rằng các điều kiện đã hội tụ đủ để tiến vào Basra. Quân đội Anh đã dễ dàng chiếm đóng các địa điểm chiến lược với thương vong tối thiểu. Và với việc những đơn vị trung thành với Saddam Hussein bị phân tán, ban đầu, quân Anh được phần lớn dân chúng chào đón. Tuy nhiên, bất cứ ai nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc êm thấm vào thời điểm đó đều đã quá lạc quan.

Chống nổi dậy - phần khó khăn nhất

Chế độ của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein đã sụp đổ. Song, ngay lúc ấy, liên minh Mỹ - Anh phải đối diện với một thách thức mới: Ổn định tình hình, và quản trị một quốc gia đã (bị họ làm cho) vỡ vụn thành nhiều mảnh, khi cùng lúc xuất hiện hàng loạt khoảng trống quyền lực nguy hiểm.

Cuộc xâm lược (invasion, đúng như cách dùng từ phổ biến của giới nghiên cứu quốc tế về chiến dịch quân sự tiến đánh Iraq năm 2003 này) không có nhiều thời gian để lên kế hoạch, do đó, có lẽ các nhân vật có thẩm quyền chưa hình dung được rõ ràng về chuyện đất nước Iraq sẽ cần phải được quản lý như thế nào sau khi chính quyền Saddam Hussein sụp đổ. Cũng có người không hiểu được những vấn đề liên quan đến sắc tộc và tôn giáo sẽ ảnh hưởng đến đất nước ra sao, một khi sự lãnh đạo của chế độ cũ bị loại bỏ.

Và rồi, khi chính quyền mới do phương Tây kiểm soát cố gắng giải tán các lực lượng vũ trang của Iraq, đồng thời loại trừ những người theo đảng Ba'ath trước đây khỏi quân đội cũng như bộ máy chính quyền, một phong trào chống đối bằng bạo lực đã manh nha xuất hiện. Ban đầu tập trung vào “Tam giác Sunni” xung quanh Baghdad, Fallujah và Tikrit, cuộc nổi dậy sau đó đã lan sang Najaf, Kut, Nasiriyah và Basra. Trong số các nhóm tham gia, có những người theo đảng Ba'ath trước đây, có tàn dư của lực lượng bán quân sự Fedayeen, có những người theo chủ nghĩa dân tộc cùng nhiều dân quân các nhóm vũ trang sắc tộc và tôn giáo.

Chính sách thanh lọc của chính quyền đã dẫn đến việc các cựu quân nhân Iraq sẵn sàng chia sẻ chuyên môn của họ, đồng thời tận dụng kho vũ khí và đạn dược đáng kể đang trong tình trạng “vô chủ”.

Tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng. Số lượng tội phạm và các cuộc tấn công liên tục vào các lực lượng Anh ở Basra và Maysan đã làm chệch hướng những đội quân này khỏi các nhiệm vụ tái thiết – vốn được thiết kế với mục tiêu bình định và thu phục “trái tim và khối óc” của người dân Iraq. Việc binh lính Anh lạm dụng tù nhân Iraq trong thời kỳ này, sau đó, đã bị công khai cáo buộc vào năm 2004.

Trong khi quân đội Mỹ tập trung chú ý vào các nhóm quân nổi dậy thuộc chế độ cũ và người Hồi giáo Sunni, một mối đe dọa khác cũng ngày càng tăng từ các nhóm giáo đồ Hồi giáo thuộc phái Shia, đang trở nên bất mãn sâu sắc. Cuộc nổi dậy của người Shia vào mùa xuân năm 2004, do giáo sĩ Muqtada al-Sadr lãnh đạo, dẫn đến việc lực lượng dân quân “Quân đội Mahdi” của ông ta chiếm được các khu vực của thành phố Sadr, Najaf và Nasiriyah. Trong ba tháng tiếp theo, hơn 1.500 dân quân, hàng trăm dân thường và hàng chục binh sĩ liên minh đã thiệt mạng bởi giao tranh.

“Một ngày nào đó họ có thể là một người nổi dậy, và ngày hôm sau là một người dân địa phương bình thường. Và thậm chí không phải hằng ngày, họ có thể làm điều đó từng phút một. Vì vậy, anh chàng mà bạn nhìn thấy với chiếc điện thoại di động ở góc phố, người đang nói cho người khác biết bạn đang ở đâu để họ có thể bắn hạ, có thể hòa vào đám đông mà không gặp vấn đề gì...” - Thiếu tá Fidelix Datson, Pháo binh Hoàng gia Anh, nhận xét.

Đến giữa năm 2006, các nhóm nổi dậy khác nhau ngày càng được tổ chức và trang bị tốt. Vào ngày 6/5/2006, một chiếc trực thăng Lynx của Anh bay qua Basra đã bị phá hủy bằng một tên lửa đất đối không. Rút quân khỏi Iraq, vì thế, bắt đầu được xem là ưu tiên hàng đầu đối với nước Anh.

Vào mùa thu năm 2006, người Anh bắt đầu triệt thoái khỏi các căn cứ ở Basra. Các đơn vị Anh vẫn đang bị tập kích, và ngày càng có nhiều thương vong. Ngay cả những chiếc xe bọc thép của họ giờ cũng trở thành nạn nhân của các thiết bị kích nổ mới. “Vào thời điểm tiểu đoàn của tôi ở đó, bom nổ vài quả mỗi ngày, và họ (quân nổi dậy) đã cải tiến công nghệ để có thể xuyên thủng tất cả các phương tiện bọc thép của chúng tôi” – Hạ sĩ Ryan Alexander, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn Anglian Hoàng gia Anh, nhớ lại.

Đến mùa xuân năm 2007, quân đội Anh đã bàn giao tất cả (trừ một căn cứ duy nhất trong sân bay Basra) cho phía chính quyền Iraq. Nơi đồn trú cuối cùng ấy, do Tiểu đoàn 4 The Rifles trấn giữ, đã trở thành tâm điểm của các cuộc tấn công dữ dội từ quân nổi dậy, mang tới số thương vong cao nhất trong cả chiến dịch.

Một thỏa thuận chính trị cục bộ được gấp rút thương thảo với phía các nhóm vũ trang Shia, làm dịu tình hình. Các cuộc tấn công ngừng lại, các cuộc hành quân bị hạn chế, và tù nhân được thả. Người Anh rút khỏi căn cứ cuối cùng của họ mà không có thương vong. Sau đó, các đơn vị lính Anh chỉ còn hoạt động trong phạm vi an ninh, cố vấn và tuần tra biên giới.

Vào cuối năm 2008, Thủ tướng Anh khi đó là Gordon Brown đã xác nhận ngày rút quân khỏi Iraq. Phái bộ Huấn luyện và Cố vấn của Anh vẫn ở lại Iraq cho đến năm 2011, nhưng các đơn vị binh sĩ cũng như các nhân viên tham gia Chiến dịch Telic cuối cùng đã rời khỏi “vũng lầy” này, vào tháng 5/2009.

Quá sớm sủa và thật sự nhẹ nhàng, nếu so sánh với tình cảnh “lưỡng nan” của người đồng minh lớn bên kia Đại Tây Dương. 

* Kế hoạch hành động của quân đội Anh tại Iraq mang tên Chiến dịch Telic. Lực lượng mặt đất của Anh tham gia vào Chiến dịch Telic chủ yếu gồm Sư đoàn Thiết giáp số 1, do Thiếu tướng Robert Brims chỉ huy. Sư đoàn bao gồm Lữ đoàn xung kích đường không 16, Lữ đoàn thiết giáp số 7 được trang bị xe tăng Challenger và xe chiến đấu bọc thép Warrior, và Lữ đoàn hậu cần 102. Lữ đoàn Biệt kích 3 Thủy quân lục chiến Hoàng gia được đặt dưới sự chỉ huy tác chiến của Sư đoàn Thiết giáp số 1. Các lực lượng đặc biệt cũng được triển khai, cùng với các nhân viên chuyên trách được giao nhiệm vụ xác định vị trí và chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD).

* Vào tháng 8/2003, tình trạng thiếu nhiên liệu dẫn đến bạo loạn khắp khu vực phía nam và lực lượng Anh lại trở thành mục tiêu. Các biện pháp khẩn cấp đã khôi phục nhiên liệu và năng lượng, giúp làm dịu tình hình. Nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn. Vào ngày 14/8, Lữ đoàn 19 chịu tử vong đầu tiên do một thiết bị nổ tự chế (IED). Thêm bốn nhân viên phục vụ đã thiệt mạng vào ngày 23/8.

Thiên Thư
.
.