Iraq: 20 năm và những mất mát không thể bù đắp

Thứ Sáu, 14/04/2023, 12:17

“Phần lớn các di sản văn hóa của Iraq đã đối diện nguy cơ bị đánh mất vĩnh viễn. Các nhóm quân sự đã và đang tàn phá các thánh đường Hồi giáo, các nhà thờ, các khu cầu nguyện. Họ đập phá hiện vật, san phẳng các di chỉ khảo cổ, đồng thời buôn bán trái phép cổ vật với tốc độ kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử. Di sản văn hóa Iraq đã bị tổn hại nghiêm trọng, và trong rất nhiều trường hợp, tình trạng này là không thể đảo ngược”.

Đó là phần mở đầu tài liệu mang tên: “Sự tàn phá di sản văn hóa ở  Iraq – như một phương thức vi phạm nhân quyền”, được công bố cuối năm 2016, mười ba năm sau khi một liên minh quân sự quốc tế do Mỹ và Anh dẫn đầu tiến vào Baghdad, lật đổ chính phủ của Tổng thống Iraq Saddam Hussein, và tạo nên trạng thái hỗn loạn đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn toàn kết thúc trên đất nước ấy.

Đoạn đầu của sự hủy hoại

Trong một bài viết mang tên “Quân đội Mỹ đã phá hủy cuộc sống của chúng tôi: Năm người Iraq trong cuộc chiến đã thay đổi Trung Đông” của các tác giả Emma Graham-Harrison và Salim Habib, đăng tải ngày 19/3/2023, tờ The Guardian (Anh) dẫn những hồi ức của một nhân vật đặc biệt, đó là bà Luma Yas al-Duri, người từng làm việc ở rất nhiều cương vị trong ngành bảo tồn – bảo tàng của Iraq, và là một quan chức cao cấp của ngành giáo dục:

“Đó thực sự là những ngày ác mộng, mà chúng tôi phải vật lộn để có thể sống sót. Sống sót là mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất, nhưng tôi cũng rất lo lắng về khả năng các bảo tàng bị cướp phá. Tôi đã dành 18 năm làm việc ở bảo tàng quốc gia. Tôi biết rõ mọi tác phẩm, bởi vì công việc của tôi là giải thích chi tiết và lịch sử của chúng cho du khách. Vì vậy, đối với tôi, các tác phẩm nghệ thuật ấy đều là những đứa con của tôi. Tôi không thể quên lãng bất cứ “đứa con” nào. Trước cuộc tấn công quân sự, nhân viên bảo tàng đã quyết định đóng gói tất cả các cổ vật trong hộp gỗ và chuyển chúng đến khu vực lưu trữ chính, để tránh thiệt hại do các cuộc không kích hoặc cướp bóc. Chỉ có hội trường Assyria là không bị chất đầy, vì nó chứa một số cổ vật rất lớn và nặng. Tôi sống gần đó, vì vậy khi tôi xem video đầu tiên trên truyền hình về những sự xâm nhập bảo tàng, tôi đã liên hệ với giám đốc của chúng tôi, “Mr Donny”, George Youkhanna. Ông ấy đã nói chuyện với lính Mỹ, nhưng họ nói rằng họ không được lệnh bảo vệ bảo tàng.

museum-facade.jpg -0
Một phát đạn xe tăng bắn thẳng vào cổng vòm Bảo tàng Quốc gia Iraq.

Vào tháng 5/2003, chúng tôi quyết định quay trở lại bên trong. Chúng tôi đã thấy thiệt hại khủng khiếp đối với tất cả các thùng, ở tất cả các sảnh. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra rằng những kẻ cướp bóc đã vào khu vực kho chính, để lấy đi những vật phẩm độc đáo và cực kỳ giá trị. Điều này có nghĩa là những tên trộm phải rất chuyên nghiệp, và hiểu rõ công việc chuyên môn của chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu than khóc, trong khi những chiếc xe bọc thép Mỹ vẫn đứng trước cổng bảo tàng. Họ không ngăn cản, không ngăn cản bất kỳ ai vào lấy trộm mọi thứ, và khi Donny tranh luận với họ, họ chỉ nói: “Chúng tôi không được lệnh làm điều đó”. Khảo cổ học bị hư hại nặng nề trên khắp đất nước này, vì hầu hết các lính canh tại các di tích lịch sử đều đào tẩu. Vụ cướp phá bảo tàng Iraq là vụ cướp di sản văn hóa có tổ chức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, và nó được thực hiện với sự giúp đỡ của quân đội Hoa Kỳ”.

Lời kết tội thật nặng nề. Nhưng, đó vẫn chưa phải là tất cả.

Tàn phá, từ một phía khác

Không lâu sau khi liên quân Anh- Mỹ và đồng minh đổ bộ vào Iraq, Nhà nước Hồi giáo (Islamic State/IS, của Iraq và khu vực Levant cổ) tự xưng đã bắt đầu thực sự trỗi dậy, và khuếch trương ảnh hưởng với một tốc độ khủng khiếp, cùng tham vọng bành trướng “cương thổ” của một Đế quốc Hồi giáo (Caliphate) đích thực.

Đến năm 2014, các lực lượng an ninh của chính phủ Iraq do Mỹ hậu thuẫn bị IS đánh bật khỏi phần lớn những đô thị quan trọng nhất của đất nước, mà hầu như không thể kháng cự. Đến cuối năm 2015, tổ chức bị Liên hợp quốc xem là khủng bố với lá cờ đen chết chóc ấy vẫn còn nắm giữ một khu vực ước tính có khoảng 8 đến 12 triệu dân, trải dài từ miền Tây Iraq đến miền Đông Syria, cho dù các cường quốc hàng đầu thế giới (bao gồm cả Mỹ lẫn Nga) đều đã phải triển khai các hoạt động quân sự, nhằm chặn đứng cơn sóng triều tàn bạo này.

Chính là vào thời điểm đó, tài liệu “Sự tàn phá di sản văn hóa ở  Iraq – như một phương thức vi phạm nhân quyền” được công bố bởi RASHID – một mạng lưới toàn cầu gồm các nhà khảo cổ học, các chuyên gia di sản văn hóa, và những gương mặt hàng đầu trong ngành bảo tồn – bảo tàng Iraq.

Thí dụ tiêu biểu được họ nhắc tới trong tập tài liệu là Mosul, nơi IS tiến hành chiến dịch phá hủy các di sản văn hóa một cách “có kế hoạch và có hệ thống”. Theo RASHID, đến cuối tháng 5/2016, đã có 41 tòa nhà có giá trị lịch sử ở Mosul đã được xác minh là đã bị hủy hoại hoặc san bằng hoàn toàn. Có 114 trường hợp di sản thời kỳ hoàng kim của Hồi giáo khác được xác nhận là bị phá hủy, chỉ riêng ở tỉnh Nineveh, theo những khảo sát không đầy đủ.

Có rất nhiều di sản mang giá trị độc nhất vô nhị đã không còn hiện hữu, sau những trận tàn phá công khai của IS. Việc những công trình kiến trúc Hồi giáo cổ ở Mosul bị xâm phạm được RASHID đánh giá là “kéo theo những hậu quả chết người và không thể đảo ngược”, cho sự toàn vẹn của quần thể cảnh quan thành cổ Mosul nói riêng cũng như cho kho tàng di sản văn hóa thế giới nói chung.

 Gần như tất cả các các công trình kiến trúc tạo thành bức tranh toàn cảnh độc đáo của thành phố Mosul đã bị xóa sổ (ví dụ: Nhà thờ Đấng Tiên tri, Đền thờ Imam Yahya ibn al-Qasim, Nhà thờ Hồi giáo Tiên tri Seth và Nhà thờ Hồi giáo al-Khidr).

Tất cả những sự hủy hoại văn hóa này được thực hiện chỉ để vinh danh các tín điều cực đoan. Nhưng vấn đề là, những tín điều ấy lại cũng đã từng “có đất sống”, đã từng được ủng hộ, và đã từng hiện hữu như một thứ tai ách của thế giới đương đại.

2464.jpg -0
Quang cảnh trong Bảo tàng Quốc gia Iraq, tháng 5/2003.

20 năm nhìn lại

Đó là bởi, IS chọn được đúng thời điểm để trỗi dậy, từ mảnh đất màu mỡ được chăm bón bởi thù hận, xung đột đức tin và cả mâu thuẫn văn hóa, điều mà các đoàn quân phương Tây ngạo nghễ do nước Mỹ dẫn đầu đã không hình dung được, khi tiến hành cuộc chiến tranh, cuộc chiến đã luôn bị giới phân tích quốc tế gọi là “xâm lược/invasion”.

Ngày 16/3/2023, nhà nghiên cứu Joost Hilterman viết trên trang Crisis-Group.org: “Hai mươi năm sau, rõ ràng là cuộc xâm lược đã thất bại thảm hại ở hầu hết các khía cạnh”. Ông hồi tưởng:  “Sự mâu thuẫn trở nên rõ ràng ngay sau cuộc “giải phóng” tháng 4/2003, khi trong một chuyến thăm tới Baghdad, tôi được những cư dân từng chào đón sự xuất hiện của quân đội Mỹ hỏi: Tại sao binh lính không lập lại trật tự công cộng, để các băng nhóm cướp phá các tòa nhà chính phủ và kiếm được những chiến lợi phẩm vô giá từ các viện bảo tàng và thư viện quốc gia? Những người Iraq này không thể hiểu nổi quân đội Hoa Kỳ lại để xảy ra tình trạng lộn xộn như vậy; họ giải thích đó là ý định xấu xa - một âm mưu nhằm thúc đẩy sự thống trị của đế quốc thông qua sự hủy diệt”.

Bên cạnh đó, và hơn thế nữa, những sự tàn bạo càng dễ dàng đẩy không ít người Iraq phản kháng về phía IS hơn. Đơn cử, trên The Guardian, ký ức của nhân vật Abu Omar Al-Timimi, một người nông dân bị bắt do có kẻ cáo buộc hòng chiếm công việc làm ăn của anh ta, vẫn còn hằn in nỗi căm phẫn và khiếp hãi, về nhà tù Abu Graib: “Chúng tôi có khoảng 70 người trong phòng giam, và tất cả đều bị tra tấn giống nhau. Nữ sĩ quan cai ngục (người Mỹ) có một chiếc dùi cui bằng nhựa, và sẵn sàng quất vào bộ phận sinh dục của tôi khi bắt tôi ngồi xổm. Cuối cùng, họ thả tôi ra mà không bị buộc tội vào cuối năm 2005 và chỉ đưa cho tôi 20 USD, mặc dù trong ví của tôi có khoảng 300.000 dinar (hơn 200 USD) khi tôi bị bắt, số tiền thu được từ việc bán hàng rong. Khi trở về nhà, tôi liên tục gặp ác mộng, và thậm chí đến tận bây giờ con mụ cai ngục vẫn khiến tôi sợ hãi”.

 Nhìn từ khía cạnh này, có lẽ quá trình tàn phá cả một nền văn hóa sẽ hiện lên rõ ràng hơn. Bởi, gốc rễ của văn hóa không nằm trong các đền đài, di chỉ hay hiện vật, mà đầu tiên, văn hóa hiện hữu cùng phẩm giá của mỗi con người. Khi thứ phẩm giá ấy đã bị tước đoạt và chà đạp thô bạo bởi các đoàn quân viễn chinh ngoại quốc, thì đương nhiên, sức phản chấn cũng vô cùng mãnh liệt.

Và trong bối cảnh “không đội trời chung” như vậy, khi những trầm tích văn hóa nghìn năm vô hình trong tâm khảm từng người cũng đã bị đánh sập, thì làm gì có cách gì bảo toàn cho những di tích ở Baghdad, Mosul hay Palmyra (Syria)? 

*Trong sự hoang tàn khủng khiếp, gần như toàn bộ các nhà thờ Hồi giáo và đền thờ được xây dựng dưới triều đại của Badr al-Din Lu'lu' (d. AD 1259), đại diện cho trường phái 'Đại học Mosul' của kiến trúc thời Trung cổ, đã chỉ còn là những cái tên. Ngôi trường này đại diện cho sự tổng hợp của các hình thức kiến trúc Cơ đốc giáo và Shi'ite.

* Một số nhà thờ Hồi giáo Ottoman thời kỳ đầu (thế kỷ 16-18 sau Công nguyên) cũng biến mất. Các thành phố của Iraq, vốn trước đây là một trong những trung tâm lịch sử hấp dẫn nhất vùng Cận Đông, đã bị tước đoạt quá nhiều yếu tố lịch sử chân thực.

Thiên Thư
.
.