ICC và hành trình tranh cãi về truy tố, kết án

Thứ Tư, 29/03/2023, 12:32

Tòa Hình sự quốc tế (ICC) không phải là một bộ phận của Liên hợp quốc (LHQ) và chỉ chịu trách nhiệm với các nước đã phê chuẩn Quy chế Rome. Đặc biệt, các nguyên thủ quốc gia trong mọi trường hợp sẽ không miễn trừ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, quy chế là một chuyện còn việc thực thi nó lại là việc khác.

Hành trình 60 lần bỏ phiếu

ICC là một tổ chức liên chính phủ và tòa án quốc tế có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án quốc tế thường trực đầu tiên và duy nhất có thẩm quyền truy tố các cá nhân về tội ác diệt chủng quốc tế, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. ICC khác với Tòa án Công lý quốc tế (một cơ quan của LHQ chuyên xét xử tranh chấp giữa các quốc gia).

ICC và hành trình tranh cãi về truy tố, kết án -0
Trụ sở ICC tại The Hague, Hà Lan. Ảnh: Getty

ICC lần đầu tiên được Ủy ban Trách nhiệm đề xuất trong Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919 sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Gần 20 năm sau, vấn đề lại được giải quyết tại một hội nghị được tổ chức ở Geneva (Thuỵ Sĩ) dưới sự bảo trợ của Hội Quốc Liên năm 1937, dẫn đến việc ký kết công ước đầu tiên quy định việc thành lập một tòa án quốc tế thường trực để xét xử các hành động khủng bố quốc tế. Công ước này được 13 quốc gia ký kết nhưng không quốc gia nào phê chuẩn và không bao giờ có hiệu lực.

Năm 1948, Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên công nhận sự cần thiết của một tòa án quốc tế thường trực để xử lý các hành vi tàn bạo thuộc loại bị truy tố sau Thế chiến thứ hai. Theo yêu cầu của Đại hội đồng, Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã soạn thảo hai đạo luật vào đầu những năm 1950 nhưng những đạo luật này đã bị gác lại trong Chiến tranh Lạnh.

Tháng 6/1989, Thủ tướng Trinidad và Tobago, A.N.R.Robinson đã làm sống lại ý tưởng về một tòa án hình sự quốc tế thường trực bằng cách đề xuất thành lập tòa án để giải quyết tình trạng buôn bán ma túy bất hợp pháp xuyên quốc gia.

Năm 1994, ILC trình bày dự thảo quy chế cuối cùng về ICC trước Đại hội đồng LHQ và khuyến nghị triệu tập hội nghị để đàm phán một hiệp ước sẽ đóng vai trò là quy chế của tòa án. Đại hội đồng LHQ đã thành lập Ủy ban đặc biệt về thành lập ICC. Từ năm 1996 đến năm 1998, sáu phiên họp của Ủy ban trù bị đã được tổ chức tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), trong đó các tổ chức phi chính phủ đóng góp ý kiến và tham dự các cuộc họp dưới sự bảo trợ của tổ chức Liên minh Tòa án Hình sự quốc tế (CICC).

Tháng 6/1998, Đại hội đồng LHQ đã triệu tập một hội nghị tại Rome (Italia) với mục đích hoàn thiện hiệp ước để làm quy chế của Tòa án. Tổng cộng, sau 60 lần phê chuẩn, Quy chế Rome có hiệu lực vào ngày 1/7/2002 và ICC chính thức được thành lập.

Để mở một cuộc điều tra, công tố viên của ICC phải kết luận sau khi kiểm tra sơ bộ rằng, tội phạm bị cáo buộc là “đủ nghiêm trọng”. Khi một cuộc điều tra được mở, văn phòng công tố của ICC thường gửi các điều tra viên và nhân viên đến để thu thập bằng chứng. Bất kỳ lệnh bắt giữ hoặc triệu tập nào phải được cơ quan tư pháp phê chuẩn, dựa trên thông tin do công tố viên cung cấp. Cuối cùng, một nhóm thẩm phán trước khi xét xử sẽ quyết định xem có nên đưa một vụ án ra xét xử hay không. Bản án của ICC cần có sự biểu quyết của ít nhất 2/3 thẩm phán trên băng ghế xét xử. Bị cáo bị kết án có thể kháng cáo lên tòa phúc thẩm của ICC, bao gồm 5 thẩm phán.

ICC nhằm bổ sung chứ không thay thế các tòa án quốc gia và chỉ có thể hành động khi các tòa án quốc gia được phát hiện là không thể hoặc không muốn xét xử một vụ án nào đó. Ngân sách hàng năm của ICC (thống kê năm 2021) là khoảng 170 triệu USD. Phần lớn số tiền tài trợ này đến từ các quốc gia thành viên.

Truy tố và kết án

ICC hiện có 123 quốc gia thành viên và được chia làm 4 cơ quan chính gồm: Hội đồng Chủ tịch, Bộ phận tư pháp, Văn phòng công tố viên và Cơ quan đăng ký. ICC sử dụng hơn 900 nhân viên từ khoảng 100 quốc gia và tiến hành tố tụng bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Với mục đích đóng vai trò là "tòa án cuối cùng", ICC bổ sung cho các hệ thống tư pháp quốc gia hiện có và chỉ có thể thực thi quyền tài phán của mình khi các tòa án quốc gia không muốn hoặc không thể truy tố tội phạm. Thống kê cho thấy, hàng chục cá nhân đã bị truy tố tại ICC bao gồm: thủ lĩnh phiến quân người Uganda Joseph Kony, cựu Tổng thống Omar al-Bashir của Sudan, Tổng thống Uhuru Kenyatta của Kenya, người đứng đầu nhà nước Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Laurent Gbagbo của Bờ Biển Ngà và cựu Phó Tổng thống Jean Pierre Bemba của Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngoài truy tố và mở phiên tòa xét xử, ICC còn giam giữ một số tù nhân tại trung tâm giam giữ của tòa án, nằm trong một nhà tù của Hà Lan ở Scheveningen, The Hague. Tính đến nay, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ công khai đối với gần 50 cá nhân và gần 20 người trong số này hiện đang bị tòa án giam giữ.

Những tranh cãi không hồi kết

Điều 27 của Quy chế Rome quy định rằng quy chế “sẽ áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người mà không có bất kỳ sự phân biệt nào. Đặc biệt, các nguyên thủ quốc gia trong mọi trường hợp sẽ không miễn trừ trách nhiệm hình sự”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc truy tố các quan chức cấp cao của nhà nước, đặc biệt là các nguyên thủ quốc gia, vẫn còn gây tranh cãi. Chẳng hạn, việc ICC buộc tội Tổng thống Sudan lúc bấy giờ là Omar al-Bashir về tội ác chiến tranh và tội diệt chủng, đã gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài hàng thập kỷ giữa ICC và các quốc gia châu Phi.

Trong trường hợp của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, năm 2009 và 2010, ICC đã ban hành hai lệnh bắt giữ liên quan đến tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh ở Darfur. ICC đã yêu cầu các quốc gia thành viên của mình bắt giữ ông al-Bashir nếu ông vào lãnh thổ của họ và giao nộp cho ICC. Song có vẻ như không quốc gia nào muốn thực hiện lệnh này cho đến khi ông al-Bashir bị cách chức vào tháng 5/2019. 14 quốc gia thành viên ICC đã cho phép ông al-Bashir đến thăm và từ chối lệnh bắt giữ. Các quốc gia còn lại cũng không khen ngợi hay lên án những quốc gia đã cho phép ông al-Bashir đến thăm hay không thực hiện lệnh bắt giữ.

Các lệnh bắt giữ khác mà ICC đưa ra với các nguyên thủ khác cũng vậy. Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta từng bị ICC truy tố vì những tội ác chống lại loài người trong vụ bạo lực sau bầu cử ở Kenya năm 2007-2008 đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử tháng 8/2017. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống (đắc cử năm 2013), ông đã bị ICC ban lệnh bắt giữ.

Năm 2011, Tổng thống Libya Gaddafi cùng con trai là Saif al-Islam và người em rể Abdullah al-Sanussi cũng từng bị ICC cáo buộc liên quan đến các tội ác chống lại loài người, bao gồm giết hại và tra tấn người biểu tình trong giai đoạn 15 đến 28/2/2011. Nhưng Libya khi đó đã bác bỏ các lệnh truy nã của ICC, tuyên bố tổ chức này không có tính hợp pháp để bắt giữ ông Gaddafi.

Còn cựu Phó Tổng thống Cộng hòa dân chủ Congo Jean-Pierre Bemba năm 2016 đã bị ICC kết án phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người. Phán quyết của ICC được đưa ra sau khi tòa xem xét 733 chứng cứ, 5.724 tài liệu cùng lời khai của 77 nhân chứng. Phiên tòa kéo dài 4 năm, nhưng các thẩm phán vẫn phải mất hơn 1 năm để nghị án trước khi đưa ra phán quyết ngày 21/3/2016. Nhưng hai năm sau, tức là vào năm 2018, ông Jean-Pierre Bemba lại trở về nước để nộp hồ sơ đăng ký ứng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống…

Việc thành lập ICC là một thiết chế pháp lý cho phép cộng đồng quốc tế đấu tranh với hiện tượng bao che của một số quốc gia đối với công dân của nước mình. Với thẩm quyền này, ICC có quyền khởi tố điều tra và yêu cầu quốc gia liên quan chuyển giao người phạm tội để toà án xét xử. Tuy nhiên, ICC lại không có chế tài đối với quốc gia không thực hiện yêu cầu này. Đây rõ ràng chưa phải là cách giải quyết hiệu quả nhất. Nhưng sự hiện diện của ICC vẫn có một ý nghĩa đặc biệt là nếu phán xử của tòa án quốc gia chỉ là sự lên án của nhân dân, của quốc gia đó đối với người phạm tội, thì phán quyết của ICC chính là sự lên án của cả cộng đồng quốc tế, của các quốc gia đối với những hành vi đặc biệt nguy hiểm, chống lại chính loài người. 

Nga điều tra ngược lại ICC vì ra lệnh bắt ông Putin

Ngày 20/3, Ủy ban Điều tra của Nga cho biết họ đã mở một cuộc điều tra hình sự chống lại công tố viên và thẩm phán của ICC sau khi ICC ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 “Ủy ban Điều tra Nga đã mở một vụ án hình sự chống lại công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Ahmad Khan” và một số thẩm phán của ICC, Ủy ban Điều tra Nga cho biết. “Hành động của thẩm phán và công tố viên ICC cho thấy dấu hiệu vi phạm luật pháp Nga, bao gồm vu khống người vô tội và tìm cách tấn công đại diện nước ngoài được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, nhằm gây phức tạp quan hệ trên thế giới”.

Trước đó, ngày 17/3, ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của Tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc “di chuyển bất hợp pháp” trẻ em Ukraine sang Nga. ICC cho rằng hoạt động nói trên diễn ra sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng động thái của ICC chỉ mang tính biểu tượng và không mấy hiệu quả. Nga và Mỹ cũng từng là thành viên của tổ chức này, tuy nhiên sau đó đã rút lui. Trung Quốc và Ấn Độ cũng không công nhận thẩm quyền của ICC.

Quyết định được ICC đưa ra sau cuộc điều tra về cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người liên quan đến cuộc chiến Ukraine, điều mà Moscow nhiều lần phủ nhận.

Sông Thương
.
.