Hồn Trương Ba, tim loài lợn
“Mình có biết mình đang làm gì không nhỉ?”, bác sĩ phẫu thuật Bartley Griffith ngẫm nghĩ vào cái đêm trước khi ông thực hiện ca phẫu thuật điên rồ bậc nhất trong lịch sử y học: ghép tim lợn cho người. Ông đã có kinh nghiệm phẫu thuật 40 năm nhưng đêm đó ông gần như không ngủ được.
25 năm trước Griffith, một bác sĩ ở Ấn Độ đã thử làm điều này, kết quả là người bệnh chết sau một tuần vì phản ứng đào thải, vị bác sĩ bị bỏ tù 40 ngày và khi được trở về thì ông thấy phòng khám của mình đã bị ai đó nổi giận đốt trụi. Dẫu cho trường hợp của Griffith có lẽ không kết thúc thê thảm thế, bởi ít ra ông đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cấp phép thực hiện nhưng những gì mà ông và những đồng nghiệp của mình sắp thực hiện có cấp độ ngoài sức tưởng tượng chẳng thua gì bác sĩ Victor Frankenstein trong câu chuyện viễn tưởng của Mary Shelley. Khi tôi đang viết những dòng này là 2 tháng sau khi cuộc phẫu thuật ấy đã diễn ra và bệnh nhân được ghép tim vẫn sống, sống với một quả tim lợn.
Mặc dù đó là một quả tim lợn đã được loại bỏ 3 gene tạo đường cùng 1 gene kiểm soát tốc độ phát triển của tim và được thêm vào 6 gene giúp điều chỉnh kháng thể, phản ứng viêm và chu kỳ đông máu như của con người nhưng đó vẫn là trái tim từng đập trong lồng ngực một con lợn và giờ đang bơm máu cho con người. Vài năm trước, có một bộ phim truyền hình Hàn Quốc kể về một người đàn ông lạnh lùng, ác nghiệt sau khi trải qua ca phẫu thuật tim bỗng chốc thay đổi tính cách và bắt đầu biết yêu thương.
Một bộ phim khá vô lý, bạn có thể nói như vậy. Dẫu trái tim tuy mang nhiều biểu tượng về nhân tính (hãy nhớ trong bộ phim “Chết ở Venice” chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên của Thomas Mann, nhà làm phim Luchino Visconti đã để nhân vật chính chết vì đau tim trong tiếng bản giao hưởng của Mahler và hình ảnh cậu thiếu niên ông say đắm đang đi xa dần ra biển, thay vì chết vì bệnh thổ tả như nguyên tác, rõ ràng cơn trụy tim ở đây không chỉ mang nghĩa đen) nhưng kỳ thực trái tim chỉ là một cỗ máy tuần hoàn máu. Trái tim trong thực tế mang một nhiệm vụ rất vật lý và nó không biết yêu. Đấy là nếu như ta xét rằng những tế bào đơn lẻ không có trí nhớ.
Nhưng, có không ít bằng chứng khoa học cho thấy tế bào có trí nhớ. Từ những thí nghiệm đối với loài đơn bào khổng lồ hình chiếc kén tên Stentor đến những con sên biển Aplysia hay cả những con chồn sương và các loài gặm nhấm đều cho thấy, ký ức có thể hình thành ở cấp độ tế bào không phải thần kinh. Tham khảo bài viết “Một tế bào có biết nhớ không?” của nhà báo khoa học từng giành nhiều giải thưởng Jennifer Frazer. Vậy có hay không ký ức còn lại trong trái tim của con lợn đã dâng hiến trái tim nó cho một con người?
Mỗi năm trên thế giới có 50.000 bệnh nhân cần được ghép tim và số lượng tạng hiến chỉ đáp ứng được khoảng 1/10. Nếu như có một ngày lợn trở thành nguồn hiến tạng phổ biến và gần 50.000 con người kia đều được trao trái tim của lợn, điều này có gây tổn hại gì tới bản chất con người? Liệu có cái gì gọi là “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, thậm chí không những là da hàng thịt mà còn là da của loài sinh vật ngày ngày chết dưới tay hàng thịt?
Ý niệm về con người mang những bộ phận của loài vật khác đã xuất hiện trong suốt dọc lịch sử phát triển của con người, từ buổi ban đầu. Theo thần thoại Hindu từ 2000-3000 năm trước Công nguyên, thần Shiva sau khi chặt đầu con trai mình là thần Ganesha đã sửa sai bằng cách ban cho Ganesha một chiếc đầu voi. Truyện còn kể rằng, sau ca ghép đầu ấy, Shiva ban cho Ganesha một thứ tiên dược, rất có thể là một thứ gần như thuốc ức chế thải ghép ngày nay. Và, còn biết bao những sinh vật nửa người nửa thú trong các thần thoại trên khắp thế giới.
Còn ở thế giới thực, đến thế kỷ 20, câu chuyện về em bé Fae được ghép tim một con khỉ đầu chó và qua đời chỉ sau 1 tháng đã trở thành điển tích văn hóa đi vào phim ảnh và âm nhạc: “Y học là phép màu và phép màu là nghệ thuật/ Hãy nghĩ về cậu bé bong bóng và em bé với trái tim khỉ đầu chó”, nhạc sĩ huyền thoại Paul Simon viết trong một ca khúc của Graceland, album nhận giải Grammy cho “Album của năm” năm 1987 và bán được ít nhất 16 triệu bản trên toàn cầu.
Ta cùng cầu chúc cho người bệnh được ghép tim kia có thể tiếp tục cuộc đời mình nhưng thành thực mà nói, một người bình thường khó tránh khỏi cảm giác sởn tóc gáy, nếu không nói là ghê sợ, trước việc đưa tim một loài thú vào cơ thể người có gì mang tính xúc phạm với con người. Không phải những nhân vật nửa người nửa thú nào cũng được yêu quý như Ganesha ở Ấn Độ hay siêu anh hùng Người Nhện. Phần lớn những sinh vật này bị coi là thấp hơn con người, hoặc không, đại diện cho một giai đoạn man dã khi con người chưa tách hẳn khỏi tự nhiên hoang sơ. Mà đây lại còn không phải trái tim của một con tinh tinh hay một con hổ, mà lại là một con lợn!
Trong tất cả những nguồn tạng động vật, lợn được coi là phù hợp nhất với chúng ta, về kích thước, về cấu tạo, về chức năng.Tôi từng đọc một bài báo của học giả Lawrence B. Schook, một tên tuổi lẫy lừng trong ngành gene so sánh. Mấy năm trước, ông cho biết đã thực hiện một dự án cắt gene người thành 173 mảnh ghép rồi sắp xếp lại để tạo nên một con lợn. Ông đã làm được, điều đó chỉ cho thấy lợn giống người đến thế nào.
Nhưng, lợn có lẽ cũng là loài động vật thường bị khinh thường hơn cả.Không chỉ ở Việt Nam mới có những so sánh miệt thị một người nào đó với lợn. Trong vở “Vua Richard III” của Shakespeare, nhân vật chính bị chửi rủa là “một con lợn hung hãn, tham lam, kẻ cắm rễ trên những cánh đồng mùa hạ và những vườn nho sai trĩu của các người, hút dòng máu ấm của các người, làm đẫy bụng mình trên cái bụng rã rời của các người”. Người Do Thái và người Hồi giáo tuyệt nhiên không được ăn thịt lợn, họ coi thịt lợn là thứ thịt bẩn thỉu. Khi tôi hỏi tại sao, một người bạn của tôi giải thích rằng bởi truyện kể khi Thượng đế đang rao giảng cho muôn loài, lợn là loài duy nhất không nghe vì còn mải vục đầu vào ăn. Và, giờ đây, ta có một người mang trái tim lợn.
Chi tiết mà tôi để ý nhất trong ca phẫu thuật lịch sử này là về người cộng sự của bác sĩ Griffith: Muhammad M. Mohiuddin là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về ghép tạng khác loài và ông cũng là một người gốc Pakistan, sinh ra ở thành phố Karachi, hay nói cách khác, ông là một người Hồi giáo sùng đạo. Hãy nghĩ về những trăn trở mà ông phải đấu tranh giữa niềm tin khoa học và niềm tin tôn giáo để có thể tham gia vào sự kiện lịch sử này. Có lẽ, ông đã phải vượt qua lòng tự tôn của một con người để “hạ mình” xuống ngang hàng với loài lợn, loài động vật mà trong văn hóa của ông, người ta không chỉ kiêng kị ăn nó, mà còn tránh không nhắc tới nó.
Một cách rất tự nhiên, ta thường yêu thích những thứ thân thuộc với mình và thấy những thứ xa lạ đều là gớm ghiếc. Hẳn chỉ trong trường hợp chính mình là người có trái tim hỏng hóc thì ta mới sẵn sàng tiếp nhận trái tim của lợn để tiếp tục sinh tồn, còn nếu có một lựa chọn khác, không đời nào ta muốn thế. Ta luôn cho rằng con người mang một dòng máu khác nhưng giờ đây, viễn cảnh một thế giới đầy những người mang tim lợn, thận lợn đang bước đi trên phố, thậm chí cùng ngồi trong văn phòng với chúng ta, thậm chí có thể là người bạn đời tương lai của chúng ta, khiến ta buộc phải suy nghĩ lại về vấn đề này, rằng ta là ai trong vũ trụ. Ta có cao quý hơn một con lợn hay không, khi mà trái tim lợn có thể đập trong lồng ngực ta, bơm máu và mang lại cuộc đời cho ta?
Con người đã luôn cố gắng tách khỏi thiên nhiên và không chịu cúi mình trước tự nhiên. Nói cho cùng, một ca phẫu thuật ghép tạng cũng là biểu hiện của sự bướng bỉnh, kiêu ngạo và không phục tùng quy luật ấy. Để rồi đi một vòng, ta lại thấy mình kết nối với một sinh vật ta luôn coi là thấp cấp hơn mình. Và ta, một con người, chia sẻ chung một trái tim với sinh vật ngày ngày ăn trong máng ấy. Sau rốt, tự nhiên vẫn luôn lớn hơn chúng ta.
Trong một bộ phim tài liệu xuất sắc của Wim Wenders kể về cuộc đời của vị nhiếp ảnh gia nổi tiếng Sebastião Salgado, vị nhiếp ảnh gia sau mấy chục năm đi tới Nam Tư cũ, Rwanda hay Ethiopia để ghi lại những khoảnh khắc kinh khủng nhất trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo thế kỷ 20, quyết định rời bỏ xã hội con người để đi chụp thiên nhiên. Có một đoạn phim, ông cho ta xem tấm ảnh chân một con kỳ đà. Và, ông nói: “Khi tôi nhìn chân con kỳ đà, nó làm tôi nhớ về tay của một hiệp sĩ thời Trung cổ với những vảy sắt. Tôi nghĩ con kỳ đà là họ hàng của tôi. Nó và tôi được tạo nên từ những thứ giống nhau”.
Nếu như con người luôn chấp nhận gạt bỏ sự kiêu ngạo của mình, nếu ta chấp nhận rằng ta cũng được tạo nên từ cùng một thứ, như kỳ đà, như lợn, phải chăng tương lai sẽ dễ sống hơn với tất cả chúng ta?