Hội nghị Tehran - Đâu chỉ là D-Day!

Thứ Bảy, 18/12/2021, 15:05

Sẽ là thiếu sót và phiến diện, nếu chỉ xem Hội nghị Tehran (diễn ra từ ngày 28/11 đến 1/12/1943) là “cái nôi” của cuộc đổ bộ lừng lẫy Normandy (tháng 5/1944). Trên thực tế, Tehran cũng chính là nơi phác thảo không ít đường nét hình hài của một trật tự thế giới mới, cũng như diện mạo của Đại chiến Thế giới lần thứ hai.

Mặt trận Thái Bình Dương

“Ngày nay, đang tồn tại khá vững chắc một trong những “huyền thoại” nhằm cố ý hạ thấp vai trò của Liên Xô đập tan chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, giải phóng bán đảo Triều Tiên, cũng như chấm dứt Thế chiến II nói chung.

“Huyền thoại” cho rằng: Liên Xô đã lợi dụng hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki để dồn ép Nhật Bản phải đầu hàng. Và cũng theo cách diễn giải lịch sử thiếu chính xác như vậy để nói rằng: Liên Xô đòi tham dự vào cuộc chia chác chiếc bánh Viễn Đông. Những phỏng đoán hoàn toàn trái với chứng cứ lịch sử đang ngày càng được mạnh dạn nhắc đi nhắc lại. Nhưng sự thật cho thấy Liên Xô đã tham chiến bởi sự thúc giục của các đồng minh, trước hết là Mỹ”. – Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà nghiên cứu lịch sử Nga Alexander Zhebin - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên Học viện Viễn Đông, Viện HLKH Nga, ngày 18/5/2015.

“Người Mỹ tính toán rằng: Nếu Nhật Bản huy động kịp lực lượng quân sự tinh nhuệ từ lục địa, chủ yếu được tập trung ở Mãn Châu và Triều Tiên, chiến tranh có khả năng kéo dài thêm một năm nữa. Tổn thất khi đổ bộ xuống Nhật Bản có nguy cơ vượt quá con số một triệu người Mỹ. Do đó, Mỹ thực sự muốn Liên Xô giúp họ đánh Nhật Bản.

Chính theo yêu cầu của các nước đồng minh mà trong Tuyên bố Potsdam đã ghi: Liên Xô sẽ tham chiến chống Nhật Bản trong vòng hai đến ba tháng sau khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc. Như chúng ta biết, chiến thắng ở châu Âu đạt được vào ngày 9/5. Ba tháng sau, Liên Xô thực thi đúng nghĩa vụ của mình trước các đồng minh chứ không hề bởi lý do nào khác. Toàn bộ đều được ghi trong các tài liệu quốc tế của hội nghị đồng minh ở Yalta và Potsdam, thậm chí, trong thư tín của các nhà lãnh đạo quốc tế. Vì vậy, mọi cách trình bày khác đều giả mạo và thiếu cơ sở lịch sử” - ông Zhebin diễn giải thêm, về khoảng thời gian gấp gáp và đầy biến động đó.

Và trên thực tế, thời điểm Hội nghị Tehran chuẩn bị diễn ra, nghĩa là cuối năm 1943, hải quân Nhật Bản cũng mới chỉ bắt đầu bị đẩy lui về thế phòng ngự bị động. Liên tiếp phải nhận các thất bại chấn động Midway và Guadalcanal trước Hải quân Mỹ, nhưng trên lục địa châu Á, lục quân và không quân Nhật Bản vẫn đủ sức khống chế một vùng rộng lớn.

Hội nghị Tehran - Đâu chỉ là D-Day! -0
Ba nhà lãnh đạo và một trật tự thế giới mới.

Đầu tháng 11/1943, Hội nghị Đại Đông Á được triệu tập tại Tokyo, với sự tham gia của các chính quyền bù nhìn hoặc thân Nhật tại Trung Quốc (chính quyền Uông Tinh Vệ), Mãn Châu quốc, Phillipines, Miến Điện (Myanmar) cùng các quốc gia trung lập như Thái Lan hay Ấn Độ - một cuộc “duyệt binh” về tầm ảnh hưởng và vị thế của Nhật Bản ở châu Á vào thời điểm đó.

Chính bởi vậy, mục tiêu đổ quân lên quần đảo Nhật Bản, đánh thẳng vào Tokyo, làm sụp đổ hoàn toàn chế độ quân phiệt Nhật là một cái đích vẫn còn cực kỳ xa vời đối với quân đội Đồng minh nói chung cũng như quân đội Mỹ nói riêng.

Và cũng chính vì vậy, theo tác giả Erhman John trong cuốn “Grand Strategy” (Đại chiến lược), ngay từ Hội nghị Tehran, Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt đã hỏi Nguyên soái Liên Xô Josef Stalin nhiều điều về các thông tin tình báo liên quan đến quân đội Nhật Bản, như một lời gợi ý. Dĩ nhiên, khi vẫn còn đang dồn sức cho Mặt trận phía Đông ở châu Âu chống Đức Quốc xã, nhà lãnh đạo Liên Xô chưa thể chính thức hứa hẹn về việc tuyên chiến với Nhật Bản. Song, ông cũng vẫn để ngỏ khả năng cho Không quân Liên Xô tham gia chiến sự tại Viễn Đông trong trường hợp cần thiết.

Từ tiền đề này, hai năm sau, tới Hội nghị Yalta, chuyện “Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật Bản ở châu Á sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu” chính thức được xác lập, như một trong các nội dung then chốt.

Một trật tự thế giới mới

Không chỉ có những cuộc thảo luận về cách thức đánh bại nước Đức Quốc xã ở châu Âu với kế hoạch đổ bộ Normandy (Chiến dịch Overlord), hay chuyện Stalin hứa sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản, đáp lại việc Mỹ và Anh đồng ý mở “mặt trận thứ hai” ở phía Tây để “chia lửa” với Liên Xô, ba nhà lãnh đạo “Tam cường Đồng minh” còn bắt đầu phác họa một trật tự thế giới mới, tại Hội nghị Tehran.

 Trong Tuyên bố chung ngày 1/12, Churchill, Stalin và Roosevelt thừa nhận: “Trách nhiệm tối cao đặt lên vai chúng tôi và Liên Hiệp Quốc là đạt được một hòa ước giành được sự ủng hộ thiện chí của đông đảo các dân tộc trên thế giới, cũng như xua đuổi tai họa và nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong nhiều thế hệ”. Điều đó có nghĩa là Hội nghị Tehran cũng chính là những cuộc hội đàm đa phương chính thức đầu tiên đề cập đến sự ra đời của Liên Hiệp Quốc – trong vai trò là tổ chức kế thừa Hội Quốc Liên (League of Nations) đã bị tuyên bố giải tán.

Đó cũng là lần đầu tiên, hai nguyên thủ của hai siêu cường Liên Xô – Mỹ thảo luận trực tiếp với nhau về một tổ chức quốc tế bao gồm tất cả quốc gia, một địa điểm để giải quyết những vấn đề chung, và một vật cản chống lại những kẻ xâm lược trên thế giới. Trước đó, những cuộc đối thoại về chủ đề này vẫn chỉ diễn ra song phương, giữa Anh – Mỹ và Anh – Liên Xô.

Hội nghị Tehran - Đâu chỉ là D-Day! -0
Mặt trận Thái Bình Dương khốc liệt không kém gì mặt trận châu Âu.

Với việc nước Đức đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn lần thứ hai, cả Nguyên soái Stalin, Tổng thống Mỹ Roosevelt lẫn Thủ tướng Anh Winston Churchill đều đồng ý rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn một cuộc chiến tương tự diễn ra. Tất cả những người tham dự đều nhất trí rằng Đức phải bị chia cắt sau chiến tranh, như cách mà đế quốc Áo – Hung và đế quốc Ottoman đã phải chấp nhận sau Đệ nhất Thế chiến.

Về phần mình, Stalin muốn có một vùng đệm giữa Liên Xô và Đức – được tạo thành từ các quốc gia Baltic, Ba Lan và một phần của Đức – và đây là điều kiện tiên quyết trong bất kỳ cuộc dàn xếp hòa bình nào ở thời hậu chiến. Nói cách khác, chịu nhiều đau thương và tổn thất nhất trong Đệ nhị Thế chiến (27 triệu quân dân thiệt mạng), Liên Xô bằng mọi giá đòi hỏi được bảo đảm rằng quanh họ luôn có những “vùng độn” cần thiết, che chở cho các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Đây cũng chính là tiền đề để đến Hội nghị Postdam, Mông Cổ được Liên Xô đề nghị giữ nguyên hiện trạng lãnh thổ.

Và cuối cùng, theo Tuyên bố Tehran, với sự tham dự và ký kết của ba đại cường Xô – Mỹ - Anh, có sự tham vấn với chính phủ Trung Hoa dân quốc cũng như Chính phủ Pháp kháng chiến (chống phát xít Đức), cơ chế 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có thể nói, đã hình thành kể từ ngày 1/12/1943 ấy.  

* Chiến dịch Overlord đã được Stalin hối thúc các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ thực hiện từ năm 1941. Song, do nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan, Churchill cũng như Roosevelt chưa thể đáp ứng. Thậm chí, đến tận thời điểm cuối năm 1943, Thủ tướng Anh vẫn cho rằng chuyện thực hiện cuộc đổ bộ quy mô lớn này là không khả thi, do thiếu phương tiện chuyên chở cũng như đổ bộ. Bởi vậy, D-Day được dời đến tận tháng 5/1944, với điều kiện Hồng quân Liên Xô cũng phải đánh thật mạnh ở phía Đông, để buộc Đức Quốc Xã phải bớt quân ở miền Bắc nước Pháp.

* Bất kể vượt trội so với Nhật Bản cả về quân số lẫn vũ khí, trang thiết bị, chiến hạm…, mỗi bước tiến của Hải quân Mỹ ở Mặt trận Thái Bình Dương vẫn đầy khó khăn và cạm bẫy. Điển hình, tháng 11/1943, phải mất một tuần, Sư đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Mỹ mới chiếm được đảo Tawara, một đảo nhỏ được trấn giữ bởi 5.000 quân Nhật. Phía Mỹ mất 1.000 lính tử trận và hơn 2.000 người bị thương. Đến đầu năm 1944, những đợt phản công mãnh liệt của quân đội Nhật Bản trên lục địa Đông Á càng tô đậm thêm rằng việc đánh bại họ hoàn toàn là một nhiệm vụ gian nan đến thế nào.

Thiên Phong
.
.