Hi vọng từ những đốm xám dưới lòng đại dương
Doreen Cunningham tìm thấy cuốn sổ cũ với vài dòng viết nguệch ngoạc. Trời mưa tầm tã, ánh mắt mệt mỏi nhìn qua khung cửa sổ của trại tị nạn dành cho những người phụ nữ chịu cảnh bạo lực gia đình. Cô không nhớ mình nghĩ gì khi viết ra sự thật đầy bi thương này, thế nhưng lướt qua những trang giấy sau đó, ký ức cứ thế hiện về.
Kiếm tìm niềm tin
10 năm trước, bên trong trại tị nạn là những nghịch cảnh đáng thương mắc kẹt sau những bức tường bởi định kiến xã hội. Bên ngoài, trời mưa rả rích, che khuất tương lai của chính họ, không thể nhìn rõ đường chân trời. Xã hội lúc ấy coi Doreen Cunningham chẳng phải là người mẹ hoàn chỉnh, "không đạt chuẩn" nuôi dạy con cái điển hình, không bạn đời cũng không có nhà cửa. Công việc viết lách không đủ để trang trải ngay cả những thứ cơ bản. Bản thân cô như kẻ du mục, nay đây mai đó, ở trại tị nạn rồi qua dãy trọ dành cho những bà mẹ đơn thân.
Trong “Nhật ký bên ô cửa sổ”, Doreen Cunningham viết rằng cuộc sống thực sự vô nghĩa ở vào thời điểm mức sống kiệt quệ nhất vì cô lập, bị tổn thương sau cuộc ly hôn để lại vết sẹo không thể lành. Bước ngoặt xảy đến khi Doreen Cunningham gặp bác sĩ trị liệu ở trại tị nạn. Ánh mắt nhìn thẳng như xuyên vào tâm trí người phụ nữ từ vị bác sĩ khiến Doreen Cunningham có phần e dè. Không một lời chỉ trích, bác sĩ chỉ nhẹ nhàng mỉm cười, kể câu chuyện về chú cá voi cô đơn giữa đại dương. Bác sĩ khiến cô tin vào bản thân, từ đó vững thêm niềm tin trong cuộc đời gắn bó với cậu bé Max 6 tháng tuổi.
Một đêm tháng 7, cô ngồi lặng trước hình ảnh biển cả bao la, cùng từng con chữ chạy dọc trên màn hình. Bắt đầu từ thước phim yêu thích của David Attenborough - nơi chú cá voi xanh khổng lồ xuất hiện bên cạnh chiếc thuyền nhỏ của nhà khoa học, trước khi cô lạc vào cuộc di cư vĩ đại của loài cá voi xám. Là bậc thầy nghiên cứu tự nhiên, David Attenborough cho chúng ta đắm mình vào thế giới hoang dã bằng trải nghiệm cùng kiến thức cá nhân uyên bác. Những tư liệu, dù đen trắng hay màu sắc, đều khiến Doreen Cunningham thích thú bởi tư tưởng vô cùng đáng giá.
Tựa những bà mẹ đơn thân ở trại tị nạn, cá voi mẹ cũng chiến đấu chống lại những kẻ săn mồi, nuôi con và bảo vệ những sinh linh yếu ớt trong hành trình nửa vòng Trái Đất từ Mexico đến Bắc Cực. Chúng là hiện thân của sự bền bỉ, cùng tình mẫu tử thiêng liêng, gợi nhắc đến đứa con 6 tháng đang tò mò về thế giới loài người. Một sự đồng cảm nhất định, đến độ Doreen Cunningham nói với bác sĩ rằng cô sẽ học từ cá voi cách làm mẹ, cách chịu đựng, cách sống. "Chúng bơi đến chân trời mới, còn tôi sẽ đi cùng Max hàng ngày trên xe buýt, qua tàu lửa hay tản bộ, để biết cuộc sống này còn nhiều điều quan trọng hơn là cảm giác tuyệt vọng".
Một ngày tháng 8, Doreen Cunningham cùng Max bắt đầu hành trình lênh đênh trên biển, tìm kiếm ánh nhìn về phía những chú cá voi xa lạ. Chúng tiếp cận thuyền, như bạn lâu năm, trên cung đường vượt qua các bãi muối từ thị trấn Guerrero Negro đến eo biển San Ignacio (Mexico) - nơi chúng bắt đầu chuyến di cư vĩ đại. Tiếng "ào" đột ngột, sắc nét, kéo theo âm thanh phun trào mãnh liệt tựa hơi thở hữu hình của đại dương. Những giọt nước li ti ánh lên sắc cầu vồng, và sau màn sương mờ ấy là đầu chú cá voi xám nhô lên khỏi mặt nước, từ từ vươn lên trời.
Bản năng bảo vệ
Những người săn cá voi phát hiện eo biển San Ignacio vào năm 1857. Họ gọi cá voi xám là "quỷ nước", săn bắt chúng đến mức gần như tuyệt chủng. Khi những con non lọt vào tầm ngắm của kẻ săn mồi và bị tấn công, cá voi mẹ tỏ ra hung dữ, nhưng bằng tất cả nỗi tuyệt vọng. 27 năm sau, thuyền trưởng Charles Melville Scammon đã viết trong nhật ký hải trình rằng, cá voi mẹ, trong cơn điên cuồng của tình mẫu tử, sẽ đuổi theo những con thuyền, lao mình để biến chúng thành từng mảnh bằng một "cú vuốt ve đầy âu yếm".
Bản năng bảo vệ con của chúng khiến chúng ta hiểu nhầm rằng cá voi xám đang... tấn công loài người vô căn cứ. Đến độ, trong nhiều thập kỷ, ngư dân ở Mexico luôn tìm cách né eo biển San Ignacio vì nỗi ám ảnh lật thuyền. Những năm 1970, câu chuyện về ngư dân Pachico và bàn tay chạm vào cá voi xám đã thay đổi tư duy của tất cả. Không phải trốn chạy, cá voi ép mình sát chiếc thuyền nhỏ, ngẩng nhìn khuôn mặt loài người đang chảy mồ hôi vì lo sợ, như cảnh báo nguy hiểm sắp cận kề, để xua đuổi sinh vật kia về chốn an toàn.
Đại dương là nơi cô đơn của cá voi xám, khi chúng ẩn mình dưới làn nước sâu để thoát khỏi nanh vuốt loài người. Nhà sinh học Toni Frohoff miêu tả các cuộc gặp gỡ vô tình giống tư duy hợp tác trong xã hội con người, phản ánh trí thông minh và khả năng giao tiếp có chủ đích. Sự chuyển đổi từ hung dữ sang thân thiện cho thấy tính linh hoạt trong hành vi, đánh giá các mối đe dọa, đón nhận các cơ hội mới và học hỏi từ những loài khác. Doreen Cunningham phải thốt lên trong “Âm thanh của đại dương”, cá voi đến với cô, và với Pachico, còn hơn cả những người bạn. Chúng thực sự là gia đình.
Cá voi xám được cho là có thể nhìn về phía trước và nhìn xuống, điều này rất hữu ích khi chúng dò xét con mồi hay kẻ thù dưới đáy đại dương. Cá voi đang hướng đôi mắt về loài người kỳ quặc, còn Doreen Cunningham không còn cảm giác sợ hãi với thứ sinh vật khổng lồ tưởng chừng chỉ thấy trên phim ảnh. Bà mẹ đơn thân đã học hỏi từ những chú cá voi cách đối diện với thực tại, để trở lại với cuộc đời, thoát khỏi chấn thương tâm lý trong quá khứ. Âm thanh của đại dương nói rằng, giây phút chạm mắt ấy mở ra sự tin tưởng, cho đến khi khoảng rộng màu xám lốm đốm chìm xuống, biến mất khỏi tầm nhìn của cô.
Hành trình nối tiếp, băng qua một hẻm núi dưới đáy biển nơi cá voi sát thủ săn mồi theo đàn lớn nằm chờ những đứa con màu xám, với chiếc lưỡi giàu protein. Một trận chiến sinh tử, mà ở đó "đòn tử thần" đoạt mạng sẽ quyết định kẻ thắng cuộc. Cá voi xám ôm sát đường bờ biển, nơi vùng nước đủ nông để thoát khỏi tầm nhìn của lũ sát thủ. Chúng ở cạnh con non không rời nửa bước, lúc bị phục kích thì lăn lộn trên lưng và giữ con trên mặt nước, ở giữa các "cánh tay". Hệt người mẹ ôm chặt con vào lồng ngực, đan vòng tay bảo vệ xung quanh trước mọi tấn công ở phía trước.
Đối diện rủi ro
Bình minh ló rạng, con tàu đến gần bờ biển của bang Washington. Doreen Cunningham bắt gặp hình ảnh cá voi xám Earhart - thủ lĩnh của nhóm Sounders đánh cược tính mạng để tìm nguồn thức ăn mới. Nhà sinh vật học John Calambokidis lần đầu tiên phát hiện Earhart ở vùng nước Puget Sound vào năm 1990. Bất chấp nguy cơ mắc cạn khi thủy triều lên, mắc bẫy, nhiễm độc, hay bị ngư dân đánh bắt, vùng nước giống như một ngân hàng thực phẩm khẩn cấp tiếp thêm năng lượng cho đàn cá voi trong hành trình di cư. Hơn hai năm qua, số lượng cá voi thiếu ăn gia nhập Sounders ngày càng tăng lên.
Doreen Cunningham tự hỏi làm sao Earhart tìm thấy lũ tôm ma, và cả vùng nước đặc biệt để cứu sống đồng loại. Tình cờ lạc đường tới Puget Sound, hay là sự định đoạt của số phận? Chúng ta không biết câu trả lời, càng chẳng thể gieo súc sắc để cầu may một đáp án ngẫu hứng. Sự thật là, nếu chúng ta, và cả Doreen Cunningham, muốn đi tiên phong trên con đường của riêng mình, thì có lẽ phải chấp nhận rủi ro giống Earhart. Được ăn cả, mà ngã thì đành về... không.
Doreen Cunningham xem lại những thước phim ghi hình dưới nước, tất cả không gian một màu xanh nhạt, lẫn những đốm xám xoáy tròn. Từng ngày lênh đênh trên biển, cô hiểu rằng tự do đem lại sức mạnh, để thất bại và khó khăn không khiến trái tim phải chùn bước. Chuyến đi giúp bồi đắp tình yêu biển cả cho cậu bé Max, nuôi dưỡng tri thức về hải trình đầy sóng gió, mà cũng nhiều bất ngờ. Có thể ai đó chỉ trích hành trình kì lạ của cô, nhưng nụ cười của Max mỗi lần thấy cột nước cao vút trên không trung là món quà vô giá. Tựa chú cá voi xám, an toàn trong vòng tay cá voi mẹ, thanh thản đắm mình trôi theo dòng chảy về phương Bắc.
Trong quá khứ, “Nhật ký bên ô cửa sổ” tái hiện cảm giác tự ti của người mẹ đơn thân không đủ nhạy bén để chăm sóc một đứa trẻ. Doreen Cunningham, giống như bao người ở trại tị nạn, đang trốn tránh trách nhiệm, lo sợ cho tương lai của con trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, hoàn toàn thiếu vắng hình bóng người đàn ông. Giờ đây, ngồi trước bé Max đang mải mê nhìn những chuyến tàu lênh đênh ngoài khơi, Doreen Cunningham chợt thấy yên lòng, dù vẫn còn chút do dự bên trong nội tâm.
Doreen Cunningham chạm ngón tay vào những cơn sóng dập dềnh. Cột nước vút lên, ánh cầu vồng của kính vạn hoa thổi vào không khí. Khi tuyệt vọng, cá voi xám đã nhắc Doreen Cunningham rằng cảm giác lạc lõng là một phần của thay đổi, của những con đường mới vượt qua khủng hoảng. Cá voi không có khái niệm hy vọng hay buông bỏ, mà chúng sống trong từng hơi thở, từng hành trình khám phá cho đến lúc rời xa cõi đời. Trong hành trình ấy, chúng sẽ đi đến tận cùng Trái Đất vì những đứa con...