Hastings - khúc bi ca cuối cùng

Chủ Nhật, 31/10/2021, 21:30

Ngày 14/10/1066, trên đồi Senlac, có một nhà vua tử trận - cái chết dọn đường cho một nhà vua khác áp đặt quyền lực của mình lên toàn đất Anh. Cả người thắng và kẻ bại đều được lưu danh thiên cổ, và nước Anh vẫn luôn tôn vinh cả hai người. Cho dù, trận đánh mà họ đối mặt với nhau ấy đã trở thành một cột mốc, chính thức đánh dấu sự sụp đổ của hệ thống quyền lực mà người Anglo Saxon từng sở hữu trên đảo quốc.

Có một dân tộc mới ra đời

Chúng ta đang nói về trận Hastings - một trong những trận đánh được nhắc đến nhiều nhất trong quân sử thế giới. Người ngã xuống là vua Harold II - nhà vua cuối cùng của người Anglo Saxon, tộc người đang nắm quyền cai trị đảo Anh. Và người chiến thắng là William Người chinh phục (William the Conqueror), khi đó vẫn đang chỉ là Quận công xứ Normandy nước Pháp, nhưng sau trận đánh này sẽ là vị vua khai quốc của người Norman trên đất Anh.

Kể từ trận đánh ấy cho đến tận bối cảnh mà Walter Scott đặt cuốn danh tác Ivanhoe của mình vào, nghĩa là cả trăm năm sau, sự chia rẽ Anglo Saxon - Norman vẫn hằn sâu trong xã hội Anh quốc, đặc biệt là giữa các tầng lớp quý tộc xưa cũ của nước Anh cổ kính với những kẻ xâm lược đến từ nước Pháp bên kia eo biển Manche. Ta có thể cảm nhận được rõ lằn ranh này, qua cách Walter Scott - dựa trên căn bản là những thư tịch cổ - xây dựng sự thù địch dành cho triều đình Norman của vua Richard Sư tử tâm và hoàng tử John, cũng như ý chí "quang phục" kiên định của trưởng lão quý tộc người Saxon Cedric. 

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, sau khi William Đại đế toàn thắng, tiến trình hòa huyết đã thực sự tạo nên một nước Anh mới với vị thế cao hơn, can dự nhiều hơn vào cán cân quyền lực tại châu Âu lục địa, thậm chí là tranh hùng ngang ngửa với các đại cường như Pháp hay Tây Ban Nha.

Và cũng từ đó, một dân tộc Anh mới đã xuất hiện, đặt nền móng cho những đức tính vẫn gắn liền với các công dân Anh hiện đại, với một ngôn ngữ chung được đặt trên nền móng là ngôn ngữ Bắc Âu - Celtic - Britain cổ, nhưng đã thu nhập thêm rất nhiều những yếu tố Pháp.

Hastings khúc bi ca cuối cùng -0
Trận Hastings trong tranh cổ.

Lời hứa truyền ngôi

Căn cứ vào đâu mà William the Conqueror có thể điều động quân sĩ, giong thuyền vượt biển, tiến đánh Harold II để đòi quyền thừa kế ngai vàng nước Anh?

Khi ấy, William mới chỉ là Quận công xứ Normandy, nghĩa là thần tử của vua Pháp. Song, vấn đề là trong quá khứ gần, xứ Normandy từng có quan hệ mật thiết với vua Anh Edward the Confessor (Edward Người xưng tội). Edward từng có thời gian dài trú ngụ ở Normandy trước khi tiếp nhận ngai vàng nước Anh, và theo một số tài liệu - cũng không loại trừ khả năng là William sau này có tác động để thêm thắt các dữ kiện, Edward từng hứa sẽ truyền ngôi cho William, bởi cô của William chính là mẹ của Edward. Điều này, theo William, còn được xác nhận một lần nữa, khi ông tới Luân Đôn thăm Edward năm 1052.

Thậm chí, theo trang Historic Figuire (thuộc BBC), năm 1064, chính Harold II cũng đã từng hứa sẽ trung thành và ủng hộ các yêu sách của William the Conqueror, khi gặp nạn đắm tàu ở bờ biển Normandy. Sau đó, họ đã cùng nhau đánh bại công tước xứ Bretagne - một kẻ thù chung.

Tuy vậy, thực tế là khi Edward qua đời mà không có con trai nối dõi vào tháng 1/1066 ấy, người được tiếp nhận ngai vàng là Harold Goldwine, tức Harold II - người đứng đầu một "hào môn thế tộc" Anglo Saxon, thậm chí là còn giàu quyền lực hơn chính Edward.

Có nhiều cơ sở để tin rằng (kể cả khi cứ cho là có "lời hứa truyền ngôi" mà William the Conqueror nhận được từ Edward the Confessor thật) chuyện Harold II trở thành vua Anh là không thể khác được. Trước đó, trong suốt một thời gian dài ở vị trí Bá tước xứ Wessex, Harold II đã liên tục chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của người Norman trên đất Anh, nhằm bảo vệ các giá trị cũng như lợi ích của người Anglo Saxon. Nghĩa là, Harold chống lại điều mà vua Edward cho phép cũng như khuyến khích, và Harold nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới quý tộc Saxon.

Harold, qua những hành trạng, cũng là một nhân vật đầy tham vọng quyền lực. Mới năm 1065, khi những nông dân ở Northumbria chống lại Tostig - bá tước Northumbria, cũng là em trai của Harold - thì người kế vị ngai vàng tương lai của nước Anh thậm chí đã nhân cơ hội đó để tự mình tiếp quản tước hiệu của em trai, qua đó tập trung thêm quyền lực cũng như sức mạnh quân đội.

Và sau khi vua Edward qua đời, "câu chuyện truyền ngôi" còn dính dáng đến một người nữa: Vua Na Uy Harald Hardrada, người được Tostig thúc đẩy và dẫn đường, trong mối căm hận dành cho anh trai mình. Không khó để phỏng đoán, cả Tostig lẫn Harald đều cùng mơ về việc trở thành vua Anh. 

Hastings khúc bi ca cuối cùng -0
Lễ hội tái hiện trận Hastings ở nước Anh thời hiện đại.

Cái chết của Harold

Không hẹn mà gặp, cả Harald của Na Uy lẫn Willam the Conqueror cùng đổ quân lên đảo Anh, tạo nên một thế gọng kìm uy hiếp Harold II. Tuy vậy, nhờ cả tầm nhìn chiến lược lẫn may mắn ngẫu nhiên, William đã "lợi dụng" được sức quân Na Uy, để trở thành người chiến thắng cuối cùng.

May mắn ngẫu nhiên ấy là chuyện cho dù phản đối chuyện Harold II thừa kế ngôi vua Anh ngay lập tức, thậm chí còn "đệ đơn" lên tận Giáo hoàng ở La Mã, thì do gặp gió chướng, hạm đội của William vẫn phải trì hoãn việc băng qua eo biển Manche suốt tám tháng.

Trong thời gian đó, do thiếu hậu cần, tinh thần chiến đấu của quân đội Harold trở nên trễ nải. Thậm chí, do yêu cầu từ mùa vụ, ông đã cho giải ngũ một số lớn binh lính vào đầu tháng 9. Không chỉ vậy, với tư duy bó hẹp, Harold còn tập trung tất cả các chiến thuyền của mình về quanh Luân Đôn, buông lỏng các điểm chiến lược khác, mở đường cho William tiến chiếm vị trí đắc địa Hasting.

Cũng chính vào lúc ấy, Harald III và Tostig Godwinson đổ bộ cách York 10 dặm. Harold II buộc phải cấp tốc gọi tái ngũ binh sĩ, gấp rút tiến đến York. Họ đánh một trận để đời tại Stamford Bridge, giết chết cả Tostig lẫn Harald trên trận tiền vào ngày 25/9/1066.

Ba ngày sau, được tin quân Norman đã đặt chân lên Hastings, Harorld II lại lật đật thúc quân xuôi về nam. Quãng thời gian nghỉ ngơi là quá ngắn ngủi, và một người em trai khác của Harold - bá tước Gyrth- đề xuất hành binh chậm lại, để vừa dưỡng quân, vừa tiếp tục tập trung lực lượng phòng thủ.

Tuy nhiên, chiến thắng dễ dàng trước quân Viking Na Uy đã khiến Harold trở nên kiêu ngạo. Ông tin mình có thể đánh bại bất cứ kẻ thù nào. Bên cạnh đó, từ góc nhìn của mình, ông muốn bằng mọi giá kiểm soát được đồi Senlac - nơi chắn ngang con đường nối từ Hastings đến Luân Đôn, cách Hastings khoảng sáu dặm.

Ở nhiều khía cạnh, định hướng chiến thuật đó của Harold có lý. Trong giai đoạn đầu của trận Hastings, bộ binh Anglo Saxon, vẫn còn kỷ luật, lại chiếm được địa lợi, và được che chắn hiệu quả bởi những lớp tường khiên chắn, đã không chỉ đứng vững trước các trận mưa tên của quân Norman, mà còn thừa thắng đánh gãy kỵ binh cánh trái của kẻ địch.

Song, tử huyệt bộc lộ chính vào lúc ấy. Đang chiếm ưu thế khi giữ vững trận địa phòng ngự, những toán quân Anglo Saxon chuyển sang phấn khích và tràn xuống tấn công. Harold và các lãnh chúa tùy tùng không còn kiểm soát được trận địa. Những khe hở chết người xuất hiện, và khi ấy, William tập hợp lại được lực lượng trên một không gian chiến trường mở. Lính Norman dễ dàng chia cắt các toán quân Anglo Saxon đơn lẻ, bao vây họ, tàn sát họ, đẩy họ lùi về một cách xộc xệch. Những cơn mưa tên bắn cầu vồng qua lớp rào khiên chắn đã mỏng đi, đến lúc này, phát huy hiệu quả sát thương khủng khiếp.

Một trong những mũi tên ấy, tương truyền, cắm thẳng vào mắt Harold vẫn còn đang đứng chỉ huy. Cho dù các tướng lĩnh vẫn sát cánh quanh ông, thì sự mệt mỏi của binh sĩ đã trở thành cánh cửa mở toang cho sự sụp đổ. Quân Norman vượt qua bức tường khiên chắn, giết chết hẳn Harold cùng hàng trăm quý tộc khác.

Binh bại như núi đổ. Những chiến sĩ Anglo Saxon dũng cảm nhất đã nằm lại với Hastings, trong cuộc tử chiến vô vọng cuối cùng. Chỉ còn một dúm tàn binh thoát thân được. Và sau đó, mọi việc còn lại cũng như đường đến ngai vàng ở Luân Đôn không còn chướng ngại vật nào chắn trước mặt William…

"Sau khi Harold tử trận, một nhân vật trẻ tuổi và thiếu kinh nghiệm trong hoàng gia - Edgar Atheling - được gấp rút đưa lên nối ngôi. Song, hầu như không có uy tín gì, vị "phế vương" này đành bất lực nhìn các bá tước chư hầu còn lại rút hết về lãnh địa riêng. Họ xem như cuộc xâm chiếm của người Norman không phải là việc của mình, và Edgar cũng chỉ còn cách chấp thuận thoái vị, đầu hàng, mở cửa thành Luân Đôn đón William.

"William chính thức lên ngôi vua Anh ngày 24/12/1066. Sau khi lên ngôi, ông đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ và triệt để trong xã hội Anh, đặt nền móng cho một hệ thống Thông luật đồ sộ. Nhà nghiên cứu lịch sử Paul Davis nhận xét: ""Chiến thắng của William đã đưa một nhà thống trị nước ngoài lên ngai vàng nước Anh, qua đó mang đến cho hòn đảo tách biệt này một xã hội kiểu châu Âu, thay thế tư duy biệt lập kiểu Scandinavia trước đó".

Thiên Thư
.
.