Hai chữ rủi ro, một lịch sử kỳ lạ

Thứ Bảy, 12/03/2022, 11:31

Mỗi khi nhắc tới risk (rủi ro), trong tâm trí giáo sư Karia Mallette lại hiện lên hình ảnh mấy người đàn ông đang trò chuyện rôm rả, nghĩ kế để bình yên mà qua hải cảng Genoa những năm 1100. Ánh mắt của họ dường như chia làm hai: một hướng về những món hàng triệu đô đổi đời, một hướng về chân trời với mấy mỏm đá chênh vênh trên hành trình vượt biển đầy giông bão.

Những từ đầy ma lực

Bản thân từ risk trải qua lịch sử đầy biến động, nhưng cũng không kém phần thú vị. Karia Mallette gợi lại câu chuyện đi buôn của giới thương nhân Genoa, với bản giao kèo bạc tỉ mà ở đó “tiền nhân” của từ tiếng Anh lần đầu xuất hiện. Resicum đến từ ngôn ngữ Latin, được phát hiện trên một trang giấy đề ngày 26-4-1156, đánh dấu tham vọng của một thuyền trưởng vượt khó khăn đưa một tay lái buôn tới Valencia.

Những ám tiêu, hay bãi đá ngầm, rồi mỏm đá chênh vênh ngoài khơi đe dọa hành trình của họ, và vì thế chính tay lái buôn phải trả 25% tiền lời để thuyền trưởng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng. Cứ như thế, nguy cơ được đánh giá bởi resicum, các khoản tiền được chi trả chẳng khác nào một loại bảo hiểm tính mạng cho những người lái tàu, với hành trình càng dài thì phí càng lớn. Và tất nhiên, đi tới đâu, nhận bao tiền, phải được cánh lái tàu gật đầu trước.

Giáo luật cấm triệt để việc trã lãi khi vay nợ ở châu Âu thời trung cổ, nhưng resicum lại “lách” khe hở khéo léo, đem rủi ro núp bóng hình thức hoa hồng giống như một thứ hương thơm đầy mê hoặc sau mỗi hành trình dài trên biển. Karia Mallette nghi ngờ, hành vi trao tiền kiểu này chính là tiền thân của đầu tư mạo hiểm thời nay, khi tay lái buôn chấp thuận gửi niềm tin vào một ông lái tàu xa lạ để kiếm lời từ các mối hàng ở cuối hành trình. Đôi bên đều có lợi, đặc biệt là những người không thể tự mình xoay xở nên cần nhờ cậy vào người khác như phụ nữ hay thủy thủ về hưu.

Chuyện về những hợp đồng hàng hải xuyên Địa Trung Hải khiến Karia Mallette bất ngờ, bởi chính resicum vô hình chung phân chia bớt rủi ro (và cả lợi nhuận) cho các bên liên quan, thay vì một người ôm hết tất cả. Lịch sử cho thấy, resicum đã thay đổi tư duy con người lúc bấy giờ, đặt trong bối cảnh giao thương Địa Trung Hải đầy rẫy nguy cơ đến từ bão lớn, biển động, hay cướp biển. Trước thế kỷ 12, phân chia rủi ro không hề tồn tại, khi tư duy bấy giờ theo kiểu “được thì ôm cả, mà ngã thì về... không”.

1.jpg -0
Một xã hội rủi ro ngày càng bận tâm đến tương lai, tìm cách đối phó với những mối nguy hại dựa trên thuật toán và xác suất thống kê.

Từ hình ảnh ám tiêu, resicum dần chuyển mình để trở thành công cụ chia rủi ro của các giao ước. Không chỉ giới hạn trong đám lái buôn mà ngày càng xuất hiện nhiều trong bảo hiểm thiệt hại mà giới siêu giàu sở hữu, hay khế ước về nô lệ. Ngay cả mấy “ông lớn” làm ăn kinh doanh cũng tự mình đánh cược bằng rủi ro để xem mình tồn tại bao lâu trên thương trường cạnh tranh khốc liệt. Cho đến cuối thế kỷ 14, phân chia rủi ro xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực của Genoa và Venice, ngay cả mấy tay cờ bạc cũng tìm cách “quăng bớt vận đen” cho kẻ khác để đỡ bị thiệt một mình. 

Nếu như cả châu Âu bị xâm chiếm bởi một từ đầy ma lực thì người Ý lại có phần thờ ơ. Tiếng Ý bấy giờ vẫn non trẻ, giới văn thơ “xứ chiếc ủng” chuộng những gì thuộc về cội nguồn hơn là... đi mượn. Từ khoảng thế kỷ 14, rischio xuất hiện, như cách người Ý khẳng định về khái niệm nguy hiểm trong thơ ca, lịch sử, luật pháp hay giao kèo. Không còn mang ý nghĩa hoa hồng đậm mùi Địa Trung Hải, rishchio phảng phất tư duy truyền thống của rủi ro: mất mát sẽ đến theo cách bất ngờ.

Hai trăm năm sau chính là quãng thời gian để chúng ta nhìn thấy sự đúng đắn về định nghĩa rủi ro của người Ý. Lính đánh thuê xuất hiện, bè phái tranh chấp từ Milan đến Roma, rồi yêu sách ngai vàng của người Aragon cùng Angevin đối với vương quốc Naples vẽ lên bức tranh u tối nửa đầu thế kỷ 15. Sự sụp đổ của thành Constantinopolis, sau cuộc vây hãm năm 1453 bởi Đế quốc Ottoman đánh dấu sự kết thúc của đế chế La Mã đã kéo dài gần 1.500 năm.

Rồi đến thế kỷ 16, rủi ro bao trùm khắp miền đất Ý bởi chiến tranh ủy nhiệm Pháp - Tây Ban Nha. Karia Mallette nhắc lại hai tượng đài của những tháng năm khốc liệt, đầy mất mát hàm chứa bên trong rischio. Nhà văn Machiavelli với tác phẩm “Quân vương”, cùng với Hồi ký của sử gia Guicciardini, vẽ lên những thay đổi hỗn loạn của thế kỷ 15-16 đầy biến động, khắc họa nữ thần vận mệnh Fortuna, khơi gợi suy tư về số phận cùng hiểm nguy rình rập.

2.jpg -0
Resicum phản ánh hành vi đầu tư mạo hiểm, khi tay lái buôn chấp thuận gửi niềm tin vào một ông lái tàu xa lạ để kiếm lời từ các mối hàng ở cuối hành trình.

Đi tìm chỗ đứng

Nghe thấy chữ risk, đa phần chúng ta nghĩ ngay tới những điều không mấy tốt đẹp. Tư duy thông thường của con người luôn vẽ ra vô số thứ hoàn mỹ, tạo nên phản ứng xoa dịu cảm xúc để tăng hàm lượng dopamine (hormone hạnh phúc) bên trong cơ thể. Chúng ta sợ, và có phần e dè vì cái gọi là “hậu quả hay thiệt hại cho cuộc sống”, đồng thời coi mọi thứ không may, hay bất cứ tổn thất nào không theo mong muốn, là rủi ro.

Cho đến nay, vẫn chưa có một ai định nghĩa hoàn chỉnh về rủi ro. Trường phái cổ điển tin rằng, risk hàm ý tiêu cực, là sự mất mát ngoài dự tính, không thể lường trước được về không gian, thời gian, cũng như mức độ nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều quan niệm hiện đại coi risk như con đường hai chiều, vừa mang đến bất lợi song lại gợi mở cơ hội, và quan trọng hơn có thể đo lường. Nói một cách tích cực, risk tạo ra tiềm năng nghiên cứu giải pháp hạn chế tiêu cực, để giúp đón nhận kết quả tốt đẹp cho tương lai.

Thời hiện đại, chúng ta đã quá quen thuộc với khái niệm đánh giá rủi ro hay chuyên gia quản lý rủi ro. Mỗi ngày, não bộ tư duy hàng triệu dòng suy nghĩ, chúng ta nói về nguy hiểm của bất cứ điều gì đe dọa cuộc sống, giãi bày những dòng Tweet hay Facebook kể lại khó khăn trong công việc. Thật khó khi mường tượng một thế giới không rủi ro, trong khi nó vốn dĩ là phần cơ bản của mọi suy đoán được - mất trong hoạt động của loài người. Vậy nhưng, ngôn ngữ của rủi ro, hay từ tiếng Anh risk phổ biến nhất bây giờ lại không phải lựa chọn đầu tiên để nói đến rủi ro.

Mãi mới chen chân được vào “rừng ngôn ngữ” của Tây Âu từ thế kỷ 12, risk không hề được đón nhận, và phải chật vật tìm chỗ đứng cho mình. Một số cá nhân không tỏ ra mặn mà với thứ đi mượn. Còn giới triết học thì ngược lại, ủng hộ việc tận dụng một từ ở ngôn ngữ khác mang nét nghĩa bao trùm hơn để “tiện” cho diễn đạt. Chúng ta thấy hình ảnh resicum mờ dần đi, mà thay vào đó những ký tự risk ngắn gọn, vẫn ám chỉ giao kèo hoa hồng nhẩm tính giữa lái buôn và thuyền trưởng, mở đường cho quản lý rủi ro phát triển, tiếp cận nhiều góc độ của đời sống ngày nay.

3.jpg -0
Nhiều quan niệm hiện đại coi rủi ro như con đường hai chiều, vừa mang đến bất lợi song lại gợi mở cơ hội.

Cuối thế kỷ 16, risk dần ăn sâu vào tiếng nói của người Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đức, biến resicum chỉ còn là dĩ vãng ở một số phương ngữ. Quản trị và đánh giá rủi ro cũng nở rộ sau đó, đặc biệt được quan tâm khi thuyết xã hội rủi ro của Ulrich Beck (giáo sư xã hội học hàng đầu người Đức) xuất hiện. Theo đó, một xã hội rủi ro ngày càng bận tâm đến tương lai (và cả sự an toàn), tạo ra một hệ thống cách đối phó với những mối nguy và sự bất an dochính quá trình hiện đại hóa gây ra dựa trên xác suất thống kê cùng số liệu nhằm dự đoán kết quả của một chuỗi các sự kiện.

Ulrich Beck cho rằng, con người thường coi đánh giá rủi ro như chuyện của riêng giới chuyên gia giàu chất xám và dày dặn kinh nghiệm, ngồi quanh bàn tròn tự tính toán thẩm định rủi ro bằng mấy con số. Ai cũng có thể thuê được người như thế, như kiểu nhà tiên tri cho họ biết điều gì sẽ xảy đến, với cái giá phải trả là gì. Nhưng thời nay đã khác, chúng ta không cần phải mặc cả như tay lái buôn với ông thuyền trưởng sắp vượt Địa Trung Hải. Số phận con người là một hành trình đầy bất ngờ, trong đó risk, resicum hay rischio cùng vô vàn từ ở các ngôn ngữ khác đều mang tới các ngã rẽ khác nhau mà chúng ta phải tự mình cân đo đong đếm trước khi bước tiếp trên hành trình cuộc đời.

Và ai biết được, sau từng ngã rẽ ấy, điều gì đang đón chờ?

Việt Dũng
.
.