Giáo dục hạnh phúc

Thứ Sáu, 15/04/2022, 10:08

Báo cáo thường niên về trẻ em thế giới 2021 của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có gần 45.800 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử và cứ 7 em từ 10 đến 19 tuổi thì có nhiều hơn 1 em bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Áp lực của xã hội hiện đại, tưởng như chỉ là gánh nặng của người lớn, giờ đây đã tìm được một đối tượng yếu thế hơn.

Rousseau và mong muốn giáo dục con người hạnh phúc

“Emile hay là bàn về giáo dục” (xuất bản năm 1762) của triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau có lẽ là tác phẩm viết về giáo dục có ảnh hưởng bậc nhất trong thế giới hiện đại. Việc Rousseau chủ trương học tập thông qua trải nghiệm trực tiếp và vui chơi sáng tạo đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhà cải cách giáo dục người Thụy Sĩ Johann Pestalozzi và nhà giáo dục người Đức Friedrich Froebel, những người đã tạo ra nền móng cơ bản cho giáo dục mẫu giáo. Việc ông nhấn mạnh vào rèn luyện cơ thể cũng quan trọng như trí óc chính là tiền đề cho phong trào thể thao cuồng nhiệt càn quét các trường nội trú Anh vào thế kỷ 19 và truyền cảm hứng cho nam tước Pierre de Coubertin sáng lập Thế vận hội vào năm 1896. Quan sát của ông về các giai đoạn phát triển của trẻ em, với năng lực nhận thức và cảm xúc riêng, chính là cơ sở cho lý thuyết tâm lý học trẻ em của nhà tâm lý người Thụy Sĩ Jean Piaget vào những năm 1920.

Giáo dục hạnh phúc -0
Charles Fourier, người đã đưa ra một thử nghiệm lập dị về giáo dục hạnh phúc. Nguồn ảnh: Academia.

Tuy nhiên, chính Rousseau đã nhận xét rằng, tác phẩm của ông “chưa đạt đến tầm một luận thuyết giáo dục nhưng vượt qua một tầm nhìn giáo dục bình thường”. Emile là một thử nghiệm tư duy của chính ông, trong đó triết gia tưởng tượng ra một hệ thống giáo dục được thiết kế để bảo vệ cái hồn nhiên trong ý thức của học trò khỏi những sa đọa của nền văn minh. Xuất phát điểm của tư duy này là sự lạc quan của Rousseau về bản chất con người: ông lập luận rằng, chỉ theo thời gian, khi các mối liên kết xã hội được mở rộng và nền văn minh trở nên phức tạp hơn, thì sự hồn nhiên nguyên thủy này mới bị xáo trộn. Con người tự nhiên vốn lương thiện, trong sáng và tự do, còn con người xã hội - ông gặp kiểu người này thường xuyên trong các tiệm rượu ở Paris vào thời đại Khai sáng - lại ích kỷ, tính toán, dối trá, tự cao và trụy lạc. Mục tiêu của Rousseau là thiết lập một hệ thống giáo dục có thể tạo ra một con người tự nhiên hoàn chỉnh, tự do và tốt đẹp.

Rousseau gọi quá trình mà các nhà trường truyền thống dạy học sinh là “giáo dục tiêu cực” và kêu gọi giáo viên hãy bắt đầu lại bằng cách “tìm hiểu học trò của bạn tốt hơn”. Thay vì nhồi nhét cho trẻ đầy đủ các giới luật đạo đức và kiến thức học thuật, nhà trường nên làm việc nhiều hơn với các năng lực và mong ước bẩm sinh của học trò. Rousseau là một trong những người đầu tiên đặt niềm tin lãng mạn vào sự cao quý của ấu thơ, sự tự do của nó thoát khỏi những ràng buộc, tha hóa của xã hội người lớn và gần gũi hơn với tự nhiên.

Trong tác phẩm, Emile đã được học trực tiếp từ thiên nhiên, trong khung cảnh đồng quê. Cậu được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của sách vở cho đến năm 12 tuổi và sau đó sẽ được giới hạn tiếp trong vài năm với chỉ một cuốn duy nhất: “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe (1719), vì thông điệp về sự tự lập và tầm quan trọng của tự nhận thức mọi thứ trong bản thân mình. Cho đến năm 15 tuổi, Emile sẽ học các kỹ năng thủ công thực tế, thay vì các môn học đầy lý thuyết như lịch sử và tôn giáo.Vai trò của gia sư là thiết kế môi trường để cậu có thể tự mình nghiệm ra các quy luật tự nhiên và đạo đức. Đối với Rousseau, Emile có thể hạnh phúc, tự do và tử tế chỉ với điều kiện “được nhìn thấy tận mắt, cảm nhận bằng chính trái tim mình, (và) không có quyền lực nào chi phối cậu ngoài lý trí của cậu”.

Tuy nhiên, dù có ảnh hưởng rất lớn đến ngày nay, di sản của Rousseau được cảm nhận với tư cách lý tưởng văn hóa về thiên tính và ấu thơ nhiều hơn là đi vào các chương trình giảng dạy thực tế. Các hệ thống giáo dục đại chúng trong thế kỷ 19 và 20 chủ yếu chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức học thuật và chuẩn bị cho học sinh đến công sở trong tương lai, thay vì nuôi dưỡng hạnh phúc, sự tự do và tốt đẹp vốn có của chúng. Nhìn chung, giáo dục hiện đại có nghĩa là ngồi trong phòng, cắm cúi trước bàn, nghe lời giáo viên, cố gắng vượt qua các kỳ thi và ưu tiên học vấn đầu óc hơn là các môn thủ công và dạy nghề.

Ngay cả với các phương pháp được dán nhãn “cấp tiến” hay “lấy trẻ làm trung tâm” thì mục đích cuối cùng vẫn là chuẩn bị cho học sinh các vai trò sau này trong một xã hội hiện đại ngày càng phức tạp và quan liêu. Các khía cạnh cơ bản nhất trong triết lý của Rousseau - và các câu hỏi triết học sâu sắc nhất mà nó giải quyết về bản chất tự do và hạnh phúc của con người - phần lớn đã bị loại trừ khỏi hoạt động kinh tài thực tế của giáo dục. Trong những đoạn cực đoan nhất của tác phẩm, Rousseau thậm chí tuyên bố rằng mục tiêu của ông là dạy cho học trò “nghệ thuật của sự dốt nát”, cố gắng tiến vào bản chất hạnh phúc và các suy nghĩ sâu sắc hơn về chính mình.

Giáo dục hạnh phúc -0
Cuốn sách giáo dục nổi tiếng “Emile hay là bàn về giáo dục” của triết gia Jean Jacques Rousseau. Nguồn ảnh: Avensar.

Một trong những nỗ lực cấp tiến nhất - và cũng lập dị nhất - nhằm giảm áp lực của giáo dục tiêu cực đã xuất hiện trong tư tưởng chủ nghĩa xã hội lý tưởng (utopia) vào đầu thế kỷ 19 của Fourier. Ông hình dung ra một xã hội phổ cập học hành mà không có trường học hay giáo viên, trong đó giáo dục sẽ xuất hiện một cách tự phát từ việc trẻ em được vui chơi và tự do theo ý thích. Giống như Rousseau, Fourier không tin tưởng vào sự sàng lọc của các nền văn minh. Nhưng, khác với Rousseau, người cho rằng Emile phải rèn luyện sự tự chủ theo trường phái khắc kỷ để có thể chịu đựng cuộc sống trong một xã hội người lớn vốn sa đọa. Fourier cho rằng tự do và hạnh phúc chỉ có thể đạt được thông qua việc giải phóng những say mê của con người, một quá trình đòi hỏi sự tái thiết hoàn toàn.

Fourier cho rằng giáo dục là trọng tâm của việc xây dựng một xã hội lý tưởng, với niềm tin rằng trẻ em ít bị biến dạng nhiều khi tiếp xúc với các trọng bệnh của nền văn minh.Ở mỗi giai đoạn của chương trình học kiểu Fourier, trẻ em được phép khám phá những mong muốn đích thực của bản thân thông qua các hoạt động phục vụ những nhu cầu rộng lớn hơn của cộng đồng.Ví dụ, trẻ em từ độ tuổi 9-15 có thể chọn trở thành thành viên của các nhóm nhỏ, tùy thuộc vào tính cách của chúng. Chúng có thể chơi trò tuần tra cộng đồng để thu gom rác thải hoặc dọn sạch nhà vệ sinh, tạo ra đam mê bẩm sinh với trật tự và sự ngăn nắp. Coi việc ham muốn và các ước vọng bị kìm nén là nguồn gốc của bất hòa và rối loạn xã hội, Fourier ưu tiên thừa nhận và đáp ứng những điều này.

Trong suốt cuộc đời mình, Fourier đã phải vật lộn để gây quỹ cho kế hoạch lớn của ông và phải sau khi ông qua đời vào năm 1839, ý tưởng này bắt đầu đi vào hiện thực, với ví dụ sinh động nhất là Brook, một trang trại tại West Roxbury, Massachusetts. Đấy là cộng đồng kiểu Fourier lâu đời và nổi tiếng nhất ở Mỹ, nơi đã áp dụng những thiết kế của nhà tư tưởng người Pháp để cố gắng nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc và tự do. Chúng được tự do chọn các nhóm sinh hoạt cộng đồng, từ nhà trẻ, xưởng thủ công, rạp hát và có thể đóng góp cho cộng đồng theo cách chúng muốn từ nhỏ. Tuy nhiên, ở phần cuối của hệ thống giáo dục này, chương trình vẫn phải tập trung vào các môn học truyền thống để chuẩn bị cho học sinh thi vào đại học.

Đấy có thể là một giải pháp hài hòa mang tính thỏa hiệp để làm dịu đi sự khắc nghiệt của giáo dục chính thống, nơi đang đậm đặc tính cạnh tranh và khoảng cách giữa các tầng lớp tương tự xã hội người lớn.Ngày nay, khi chúng ta ngày càng nhận ra rằng “công việc” học tập của trẻ em đang ngày một nặng nề và gây ra những hậu quả tinh thần ngày một nặng nề hơn, thì việc suy ngẫm lại triết lý của Rousseau và Fourier, cũng như nhớ lại thời ấu thơ của chính chúng ta, là không thừa.Chính bản thân bạn và các con của mình có thể cảm thấy hạnh phúc hơn thế với việc học.

Ban Cầm
.
.