Giãn cách, cà phê và nhìn lại lịch sử thế giới từ cà phê
Trong những ngày giãn cách xã hội kéo dài, những người nghiện cà phê hẳn sẽ bứt rứt, đứng ngồi không yên. Như gió thì phải thổi, mây thì phải bay và mùa thu Hà Nội thì phải có hương hoa sữa, người nghiện cà phê đành phải tự pha cho mình một cốc rồi động viên bản thân nhâm nhi tại gia.
Không được ngồi ở quán quen phố cũ, không được cùng bạn bè cao đàm khoát luận, thưởng cà phê tại gia có thể mất đi một nửa lí thú. Nhưng thật ra, trong lịch sử dằng dặc, bất tận sự kiện của mình, cà phê và con người từng phải rất nhiều lần "thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau".
1. "Ngày 1 tháng 9 năm 1939", nhà nghiên cứu Mark Pendergrast viết trong một khảo cứu công phu của mình, “Hành trình cà phê. Lịch sử thế giới quanh ly cà phê” (Uncommon Grounds: The History of Coffee and How It Transformed Our World), "các trận đánh blitzkieg [chớp nhoáng] của Hitler gây bão tố qua biên giới Ba Lan. Châu Âu chìm trong khói lửa chiến tranh, và một thị trường với nhu cầu 10 triệu bao cà phê - gần đến một nửa lượng tiêu thụ của thế giới thời điểm đó - đóng sầm lại".
Sự kiện Hitler tấn công Ba Lan khởi đầu cho Thế chiến II cách đây 82 năm, một cách trực tiếp, đã khiến thị trường cà phê đảo lộn: các cảng vùng Scandinavia đóng cửa, cà phê từ Mỹ La tinh khó vào châu Âu; trong khi đó, 500 người Đức ở Guatemala, một khu vực trồng cà phê quan trọng lúc đó, bắt đầu công khai thiện cảm với Nazi và tìm cách kiểm soát việc xuất khẩu cà phê. Ngày 10 tháng 6 năm 1940, chỉ năm ngày sau khi Pháp thất thủ, Hội nghị Cà phê Hoa Kỳ lần thứ 3 nhóm họp ở New York, để phân chia hạn ngạch cho 14 nước trồng cà phê. Nhưng Jorge Ubico, nhà độc tài Guatemala thân Nazi không chấp nhận hạn ngạch 500.000 bao cà phê khiến Mỹ phải nỗ lực điều đình.
Cả trong năm 1941, ngành cà phê của Mỹ lao đao, một phần vì giá tăng, phần vì chất lượng sụt giảm trong khi cả dân và quân đội đều mong mỏi "cà phê cho ra cà phê". Năm 1942 thì biển hiệu "hết cà phê" treo khắp các cửa hàng ở Mỹ và chỉ có những quí nhân mới được tuồn lén một túi cà phê như thể buôn hàng quốc cấm. Thật may, vào đầu tháng 2 năm 1943, sau thảm bại ở trận Stalingard, tàu ngầm Đức không còn đe dọa trên Đại Tây Dương nên cà phê từ Brazil, hơn cả một chiến thắng, tự do chảy ra thế giới hơn và phần nào giúp người Mỹ vượt qua cơn bấn loạn thèm khát cà phê.
Mọi bĩ cực chỉ dần dừng lại khi các nhà độc tài Mỹ La tinh bắt đầu ngả về phe Mỹ, loại trừ người Đức trên xứ sở mình. Kết quả, có đến hơn 4.000 người Đức-Mỹ La tinh bị bắt cóc, bị đưa lên tàu về Hoa Kỳ, trong số đó, có cả những chủ trang trại cà phê lớn, hoàn thành cái gọi là "giải trừ tính Nazi trên đất Mỹ La tinh".
Đấy cũng là thời điểm, như màn khởi đầu bi kịch của một thiên tiểu thuyết, đồ uống Coca và Pepsi đã được dúi vào tay những đứa trẻ vừa mới lọt lòng. Ở vòng chung kết Euro 2020 vừa qua, chỉ vì Ronaldo nhấc giấu chai Coca-Cola mà từ thị trường chứng khoán cho đến mạng xã hội được phen chao đảo. Nhưng dám chắc, khi anh làm điều đó với cốc cà phê trứng Hà Nội, chẳng mấy ai phải buông thứ đồ uống độc đáo bậc nhất ấy.
Trong suốt Thế chiến II, Hoa Kỳ bỏ ra hơn 4 tỉ USD để nhập khẩu cà phê nhân, trở thành quốc gia có nhu cầu tiêu thụ cà phê lớn bậc nhất thế giới. Năm 1833, James Wilde mới nhập khẩu chiếc máy rang cà phê thương mại đầu tiên từ nước Anh vào New York, thế mà đến năm 1845, số lượng thiết bị rang cà phê ở New York có thể đủ cung cấp nhu cầu tiêu thụ cho toàn bộ Vương quốc Anh.
Đến thập niên 1920 và 1930, các công ty đa quốc gia như Standrd Brands và General Foods bắt đầu lăng xê các thương hiệu cà phê; đến thập niên 1950, cà phê là đồ uống của tầng lớp trung lưu Hoa Kỳ. Ngày 26 tháng 6 năm 1992, Starbucks phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và thương hiệu này, giờ đây, tạo hơn 17.400 cửa hàng đã có mặt khắp nơi, từ trên không trung cho đến dưới mặt đất, trong đó khoảng 60 cửa hàng là ở Việt Nam kể từ 2013.
2. Nhưng trước đó hàng ngàn năm, theo truyền thuyết, một cậu bé chăn dê tên Kaldi người Ethiopia là người đầu tiên phát hiện ra cây cà phê. Sau đó, cà phê tiến vào vùng Ảrập trong những trang trại "qahwa" (khởi thủy cho từ coffee, xuất hiện lần đầu bằng chữ viết vào thế kỉ X), chủ yếu vì chất kích thích của thức uống này (thậm chí, truyền thuyết còn kể rằng, thánh Mohammed từng tuyên bố, với tác dụng tăng cường sinh lực của cà phê, ngài có thể "làm cho 40 gã đàn ông ngã ngựa và “quán xuyến” được 40 người phụ nữ"!). Cho đến cuối thế kỉ XV, theo chân những chuyến hành hương bất tận của người Hồi giáo, cà phê đã có mặt ở Ba Tư, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi…
Năm 1683, quán cà phê đầu tiên được mở Venice, Ý. Cuối năm 1675, vua Charles II của Anh ban hành Tuyên bố lệnh cấm hoạt động đối với các quán cà phê bởi chúng đã trở thành "nơi bù khú tuyệt vời cho những kẻ lười biếng và những kẻ bất mãn". Nhưng chỉ một tháng sau, nhà vua phải rút lệnh vì dân chúng thành London quá phẫn giận, nguy cơ chế độ quân chủ bị lật đổ rất cao! Bất khả cấm đoán cho nên, năm 1700, đã có tới 2.000 quán cà phê ở London. Cách mạng công nghiệp của Anh, với tầng lớp nhân công rẻ mạt, đôi khi mang đến những cốc cà phê nhạt cầm hơi mà thôi.
Đầu thế kỉ XVII, người Hà Lan, bởi đang thống trị thương mại hàng hải thế giới, đem cây cà phê từ Yemen về trồng, rồi nhân rộng khắp vùng Đông Ấn; năm 1689, người Pháp chậm chân hơn, mới mở quán cà phê Café de Procope, nhưng những bộ óc tinh hoa Voltaire, Rousseau, Diderot đều thích uống. Đầu thế kỉ XVIII, người Pháp chế cà phê thành "cà phê sữa" (café au lait) và công thức mới này khiến văn sĩ Balzac si mê "thức trắng gò mình trên trang giấy".
Ở Đức, cà phê xuất hiện năm 1670, đến 1721 thì các phố chính đều có quán cà phê. Beethoven nghiện, còn Johann Sebstain Bach từng viết vở nhạc hài hước có tên Coffee. Nhưng chỉ định mệnh mới chọn Brazil và cả vùng Mỹ Latinh là nơi trồng cà phê lớn nhất thế giới. Năm 1727, một quan chức gốc Bồ Đào Nha lai Brazil đã biển thủ một ít hạt giống cà phê để trồng trên quê nhà.
Sau đó, thực dân người Bồ Đào Nha đã tiến hành phá hủy hầu hết trang trại trồng mía để tạo ra những fazendas (trang trại cà phê) khổng lồ, nơi nô lệ làm việc quần quật ngày đêm. Kể từ đó cho đến năm 1900, cà phê ở Brazil, theo Mark Pendergrast, đã "góp phần hình thành nên luật pháp và những thể chế chính phủ, trì hoãn tiến trình xóa bỏ chế độ nô lệ, làm trầm trọng thêm tình trạng bất công, tác động đến môi trường tự nhiên, và mang đến một động cơ mạnh mẽ cho tăng trưởng".
Ở phạm vi nhỏ hơn nhưng không kém sinh động, cà phê dần có mặt ở các nghị sự, các thương thảo, các chiến lược truyền thông, các xu hướng công nghệ pha chế, các sở thích hay thói quen thưởng thức, và dĩ nhiên, cả chứng nghiện cà phê quá mức (caffeinism) có thể gây rối loạn tâm thần. "Giáo phái" cà phê, có thể gọi như vậy, cũng đi vào văn chương, âm nhạc, điện ảnh,… và ngày nay, là hàng trăm hội nhóm trên mạng xã hội, nơi những kẻ hâm mộ (aficionados) vừa thưởng thức cà phê vừa "chém gió" liên miên ngày tháng.
3. Cà phê theo chân người Pháp vào Việt Nam vào khoảng nửa sau thế kỉ XIX. Lúc đầu, nó được trồng ở các tỉnh Bắc Kỳ chủ yếu với giống Arabica (cà phê chè), sau dần lan vào khu vực Trung kì và Tây Nguyên nhiều hơn với giống Robusta (cà phê vối). Việc thiết lập các đồn điền trồng cà phê của thực dân Pháp là một sự kiện lớn, cả về mặt kinh tế lẫn đời sống xã hội trên đất An Nam. Giá cà phê lúc đó luôn cao hơn hẳn lúa, 120 đồng/1ha cà phê sinh lợi, trong khi ngô thì chỉ khoảng 80 đồng và lúa thì 40 đồng.
Các chủ đồn điền cố sức mở rộng diện tích trồng cà phê và sử dụng một lượng lớn nhân công bản địa cho việc chăm sóc, thu hoạch. Diện tích cà phê ở Bắc Kỳ năm 1929 là 3.502 ha, năm 1930 là 3.672 ha, năm 1931 lên đến 3.960 ha, năm 1932 sụt xuống 3.221 ha, năm 1933 chỉ còn 2.790 ha, chẳng ăn nhằm gì so với 140.000 ha trên đảo Java (Indonesia) thuộc địa Hà Lan. Bởi thế, đóng góp cà phê của thuộc địa Đông Dương cho mẫu quốc khá khiêm tốn: năm 1914, trong số 108.955 tấn cà phê nhập vào Pháp, Đông Dương chỉ có 2.328 tấn, còn Brazil là 64.751 tấn, Haiti nhỏ bé cũng có đến 30.280 tấn.
Người Pháp nổi tiếng nghiện cà phê. Tướng De Castries khi chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ vẫn mang theo máy xay cà phê. Tướng quân ra trận mà phong lưu như thế thì sao chống nổi quân đội Việt Minh kiên cường chịu đựng gian khổ, "khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt". De Castries bị bắt sống, máy xay cà phê để lại trong hầm. Và khi thực dân Pháp hoàn toàn rút lui khỏi Việt Nam, thì từ cà phê, phiên âm tiếng Phú Lang Sa "café" ấy, thật thú vị, đã ở lại thân quen cho đến hôm nay trong tiếng Việt.