Giải mã “Hồ sơ S”

Thứ Hai, 11/12/2023, 21:05

Sau mỗi lần nước Pháp bị tấn công khủng bố, người ta lại thấy dấy lên những tranh cãi về cái gọi là “Hồ sơ S”.

Những kẻ khủng bố liên quan tới  “Hồ sơ S”

Khoảng 20h ngày 2/12/2023 (giờ địa phương), một người đàn ông dùng dao tấn công du khách trên phố Quai de Grenelle ở trung tâm thủ đô Paris, cách tháp Eiffel chỉ vài mét, khiến một công dân Đức thiệt mạng. Trong lúc bị cảnh sát truy đuổi, nghi phạm đã dùng búa tấn công thêm 2 người, buộc cảnh sát dùng súng điện khống chế và bắt giữ. Người này sau đó được xác nhận mắc chứng rối loạn tinh thần. Điều đáng nói, nghi phạm, một công dân Pháp 26 tuổi, từng bị kết án 4 năm tù vào năm 2016 vì lên kế hoạch tấn công khủng bố, có tên trong danh sách theo dõi của cơ quan an ninh Pháp.

Trước đó, ngày 13/10/2023, Mohammed M., 20 tuổi, một thanh niên Hồi giáo cực đoan, cũng có tên trong “Hồ sơ S”, đã dùng dao đâm chết thầy giáo tại Arras và làm bị thương ba người khác. Anh trai của Mohammed M., hơn anh ta 2 tuổi, đã bị kết án vào tháng 4/2023 về 2 tội danh liên quan đến khủng bố với mức tù giam 5 năm 18 tháng. Mohammed M. sinh năm 2003 tại nước Cộng hòa Ingushetia, Bắc Caucasus, nơi có đa số người Hồi giáo sinh sống, và chuyển đến Pháp vào năm 2008 cùng với bố mẹ và 4 anh chị em. Theo một số nguồn tin, Mohammed M. đã bị coi là có thể có nguy cơ an ninh quốc gia chỉ 11 ngày trước khi gây án và đã bị cơ quan tình báo nước này giám sát.

Giải mã “Hồ sơ S” -0
Cảnh sát Pháp tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Arras, miền Bắc nước Pháp, ngày 13/10/2023.

Năm năm trước, tháng 12/2018, nước Pháp rúng động với vụ nổ súng hàng loạt xảy ra tại Strasbourg. Thủ phạm Chérif Chekatt, 29 tuổi, nổ súng trong chợ Giáng sinh sầm uất của thành phố, giết chết 4 người và làm bị thương 12 người trước khi chạy trốn bằng taxi. Vụ tấn công khiến mối đe dọa khủng bố dường như trở lại trung tâm châu Âu sau một giai đoạn tạm lắng dịu từ đỉnh điểm làn sóng đẫm máu hồi năm 2015-2016.

Công dân Pháp 29 tuổi này có tới... 27 tiền án ở Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Các nhà chức trách xác nhận Chekatt nằm trong danh sách “Hồ sơ S” (fichier S), gồm những cá nhân bị giới chức theo dõi vì tình nghi hoặc tiềm ẩn mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, sau thời gian ngồi tù vào năm 2015 - một chi tiết có nghĩa là người ta hoài nghi anh ta đã bị cực đoan hóa và có thể là đối tượng để giám sát. Một số nghi phạm khủng bố khác trong cùng giai đoạn cũng có tên trong danh sách.

Chekatt chưa bao giờ bị kết án về tội liên quan đến khủng bố, và một số quan chức Pháp đã nói rằng mặc dù thanh niên này theo chủ nghĩa cực đoan tôn giáo nhưng không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy hắn đang chuẩn bị một cuộc tấn công. Theo nhà chức trách Pháp, Chekatt sinh ra ở Strasbourg, bị kết án lần đầu tiên vào năm 13 tuổi. Hắn có 27 tiền án - hầu hết ở Pháp, ngoài ra ở Thụy Sĩ và Đức - về nhiều tội, trong đó có cướp có vũ trang. Thời điểm vụ việc Chekatt gây rúng động dư luận, giới chức xác nhận Chekatt dường như không có ý định tới Syria. Thay vào đó, hắn có vẻ như đã bị cực đoan hóa khi ở tù và tiếp tục bị cơ quan tình báo Pháp theo dõi sau khi được thả vào cuối năm 2015.

“Hồ sơ S” là gì?

Từ năm 1969, Pháp đã triển khai hệ thống FPR cùng với 21 loại hồ sơ khác nhau được đặt tên theo bảng chữ cái như IT - hồ sơ về những người bị cấm trên lãnh thổ Pháp, V - hồ sơ về những người trốn tù), T - hồ sơ về những người nợ tiền nhà nước, TE - hồ sơ về những người bị cấm nhập cảnh vào Pháp, E người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp, J và PJ lần lượt là hồ sơ về những người bị tư pháp hay cảnh sát truy tìm. Những người liên quan đến an ninh quốc gia được gắn mã S - viết tắt của “Sécurité de lEtat” – nghĩa là an ninh quốc gia. Một người có thể có tên trong nhiều hồ sơ khác nhau, song hồ sơ thuộc hệ thống FPR cũ, bao gồm cả mã S này chỉ mang tính tạm thời. Nếu đối tượng có liên quan không có hành vi phạm pháp thì hồ sơ sẽ bị xóa sau 2 năm, và bảo lưu khả năng khôi phục bất cứ khi nào nếu họ vi phạm.

Từ năm 2015, chính phủ Pháp xây dựng hệ thống khác có tên FSPRT, liên quan đến việc xử lý các báo cáo nhằm ngăn chặn nguy cơ cực đoan hóa mang tính khủng bố. Khác với mã S trong FPR, mã S trong hệ thống FSPRT bí mật hơn, gồm nhiều thông tin hơn về nơi cư trú, nghề nghiệp, dấu hiệu cực đoan… của những người đang cư trú tại Pháp có dấu hiệu tình nghi đã trở nên cực đoan.

Hệ thống FSPRT cho phép giám sát vĩnh viễn những người bị các cơ quan địa phương, cơ quan tình báo và thậm chí cả các cá nhân báo cáo. Những người bị xếp vào danh sách FSPRT được chia thành 6 nhóm, căn cứ vào mức độ cực đoan hóa của đối tượng và mức độ giám sát của lực lượng an ninh. Trung tuần tháng 10/2023, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin công bố số liệu cho thấy có hơn 20.100 người có tên trong hệ thống giám sát FSPRT, trong đó có 5.100 người đang có liên hệ với các nhóm thánh chiến Hồi giáo và 1.411 người là người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Pháp.

Danh sách này bao gồm nhiều cá nhân được cho là có thể gây ra rủi ro an ninh: từ những người bị nghi ngờ âm mưu thực hiện hành động khủng bố cho đến những người biểu tình chính trị thiên hướng bạo lực. Những đối tượng khác bị cho là tiềm ẩn nguy cơ cực đoan hóa vì thái độ thiếu thân thiện – nhất là với phụ nữ tại nơi làm việc hoặc vì lịch sử theo dõi các hoạt động tuyên truyền Hồi giáo có xu hướng cực đoan trực tuyến.

“Hồ sơ S” căn cứ thông tin được các cơ quan tình báo cung cấp gồm Tổng cục An ninh ngoài nước (DGSE), Cục Giám sát Lãnh thổ (DST), Cục Tình báo quân sự (DRM), Sở Cảnh sát Paris và lực lượng Hiến binh. “Hồ sơ S” thường gồm họ tên, ảnh, lý do bị đưa vào hồ sơ, cách hành xử của giới chức khi gặp đối tượng.

Tờ “The Conversation” cho biết, thông tin trong “Hồ sơ S” lại được phân thành 11 loại khác nhau, đánh số theo thứ tự từ S1 đến S11, ứng với cách hành xử mà cảnh sát, hiến binh được hướng dẫn thực hiện khi kiểm tra đối tượng có liên quan. Về cơ bản thông tin cá nhân bị đưa vào “Hồ sơ S” thường không được lực lượng chức năng trực tiếp cảnh báo cho đối tượng vì không phải ai bị gắn thẻ S cũng “nguy hiểm”. Tùy từng trường hợp, cảnh sát hoặc cơ quan chức năng có thể bắt giữ tại chỗ hoặc chỉ báo cho cơ quan tình báo về địa điểm và hành tung của đối tượng.

Giải mã “Hồ sơ S” -0
Hầu hết những kẻ khủng bố liên quan đến vụ tấn công ngày 13/11/2015 đều có tên trong “Hồ sơ S” (Frederic Legrand).

Chỉ để tham khảo?

Thực tế “Hồ sơ S” chỉ mang tính tham khảo, được dùng để tìm hiểu thông tin của một số người nhất định. Không phải tất cả những người có tên trong đó đều liên quan đến khủng bố và cực đoan hóa. Nhiều người trong danh sách chưa làm điều gì phạm pháp. Một số có thể bị xếp vào danh sách vì những mối liên hệ của họ, hoặc người thân, bạn bè… của người có tên trong “Hồ sơ S” cũng sẽ được đưa vào hồ sơ này. Và việc bị xếp vào “Hồ sơ S” không có nghĩa là họ đã cực đoan hóa, và cũng không có nghĩa là họ là những người nguy hiểm.

Những người trong “Hồ sơ S” không bị coi là “tội phạm” hay đối tượng tình nghi cụ thể, do đó về mặt pháp lý không thể bắt giữ hay trục xuất họ như nhiều ý kiến đòi hỏi. Nói cách khác, “Hồ sơ S” chỉ được dùng để phục vụ các cơ quan tình báo trong việc giám sát và thu thập thông tin.

Thực tế việc có tên trong “Hồ sơ S” chắc chắn có ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người có liên quan. Trên nguyên tắc, các nhà điều tra hành chính đều có quyền truy cập “Hồ sơ S” và có thể bác bỏ quyết định tuyển dụng người này vào một cơ quan nhà nước hay một công ty tư nhân trong lĩnh vực an ninh. Người có tên trong “hồ sơ S” cũng có thể bị từ chối cấp hộ chiếu Pháp hay một số loại giấy phép, chẳng hạn giấy phép sử dụng vũ khí…

Bộ Nội vụ Pháp khẳng định sự tồn tại của “Hồ sơ S” là nhằm chia sẻ thông tin giữa cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác, bao gồm cả ở cấp độ châu Âu. Do đó các cơ quan tình báo từ các quốc gia khác cũng có thể cung cấp thêm thông tin về các cá nhân nhằm mục đích kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật trong khối Schengen.

Khi thủ phạm của một số vụ tấn công khủng bố ở Pháp được tiết lộ là đã được cảnh sát biết đến và nằm trong “Hồ sơ S”, nhiều người chỉ trích nói rằng danh sách này không đủ để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, trong khi những người khác cho rằng chính quyền Paris đã quá ôn hòa trước điều mà họ cho là “những quả bom hẹn giờ” này.

Và thậm chí khi đối tượng khủng bố lại là một cái tên xa lạ với những người giám sát “Hồ sơ S”, những câu hỏi vẫn không thôi bủa vây. Năm 2020, Abdoulakh A., một thanh niên 18 tuổi sống cùng gia đình và chưa bao giờ xuất hiện trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Pháp, đã dùng dao chặt đầu Samuel Paty, một giáo viên lịch sử trường cấp hai, người đã chiếu phim hoạt hình chế nhạo Nhà tiên tri Mohammad cho học sinh trong lớp học về quyền tự do ngôn luận. Nghi phạm bị cảnh sát bắn chết vài phút sau vụ tấn công. Điều đáng nói là trước đó, Abdoulakh A. hoàn toàn không có tên trong danh sách, dù hắn từng có tiền án phạm tội ở tuổi vị thành niên. Tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên các cơ quan tình báo bị “che mắt”.

Chỉ 2 tháng trước vụ việc trên, một người đàn ông Pakistan 25 tuổi đã dùng dao tấn công 2 người bên ngoài văn phòng cũ của tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris, nơi xuất bản các phim hoạt hình đả kích Nhà tiên tri Mohammad. Và người đàn ông này, cũng như một nhân viên IT làm việc trong lực lượng cảnh sát Pháp và đâm chết 4 đồng nghiệp hồi năm 2019, đều không có tên trong “Hồ sơ S”.

Dương Anh
.
.