Falklands - Như một tiền lệ
World Cup 1986, cuộc đối đầu Anh – Argentina ở vòng tứ kết diễn ra trong một bầu không khí nóng bỏng đến cực điểm. Bởi, chỉ mới bốn năm trước, giữa hai quốc gia đã xảy ra một cuộc xung đột quân sự nhằm tranh chấp phần lãnh thổ mà phía Argentina gọi là quần đảo Malvinas, còn người Anh gọi là Falklands. Bốn mươi năm sau, cũng có thể nói: Mọi chuyện xem như đã an bài, cho dù có thể vĩnh viễn Buenos Aires sẽ không từ bỏ chủ quyền.
Những lá phiếu định đoạt
Ngày 12/3/2013, kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý được công bố - cuộc trưng cầu dân ý các cư dân sống tại Falklands/Malvinas, về việc họ muốn tiếp tục là công dân Anh, hay trở thành công dân Argentina.
Kết quả không ngoài dự liệu của giới quan sát quốc tế. Có tới 99,8% số người đi bỏ phiếu mong muốn rằng quần đảo nào tiếp tục mang cái tên Falklands, như một lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Hơn 90% dân số tại Falklands mang dòng máu Anh. Họ là con cháu của những người thực dân Anh di cư, bắt đầu đến Falklands từ năm 1833 – thời điểm hải quân hoàng gia Anh xác lập chủ quyền tại đây.
Cũng đúng như dự đoán, cuộc trưng cầu dân ý ngày 10/3/2013 đó khiến quan hệ ngoại giao Anh – Argentina thêm một lần căng thẳng, cho dù nó đã luôn căng thẳng suốt ba thập kỷ (tính đến thời điểm ấy).
Từ năm 2010, Luân Đôn bắt đầu cho phép các công ty khai khoáng của mình thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp này. Với diện tích vùng biển có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Falklands/Malvinas được các chuyên gia đánh giá có trữ lượng lên đến khoảng 8 tỷ thùng dầu. Bên cạnh đó, vị trí địa – chiến lược của quần đảo gần với khu vực phía nam của Nam Mỹ và Nam Cực sẽ là bàn đạp lý tưởng cho bất kỳ lực lượng nào muốn tiến hành các nhiệm vụ quân sự và dân sự ở Nam Cực. Với riêng nước Anh, vị trí này còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì ảnh hưởng ở Nam Mỹ.
Trong khi đó, sự trì trệ của nền kinh tế đang đi vào suy thoái trầm trọng càng tạo động lực thúc đẩy Argentina giành quyền khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên được phát hiện với trữ lượng dồi dào đó. Mà thực tế, Falklands/Malvinas lại chỉ nằm cách bờ biển phía đông của Argentina 300 dặm (khoảng 480 km), tức là nằm trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán quốc gia (tức là vùng đặc quyền kinh tế) của Argentina.
Suốt từ năm 1833 đến khi Argentina giành được độc lập, nước Anh vẫn luôn cự tuyệt những đòi hỏi chủ quyền này. Và đến năm 2013, bằng cuộc trưng cầu dân ý, trên thực tế, Luân Đôn củng cố vững chắc thêm nữa lập trường của mình, khi được hậu thuẫn bởi những lá phiếu đã biết trước kết quả.
Đây hiển nhiên là một thông lệ hay một tiền lệ, để phủ cái bóng của mình lên mọi cuộc trưng cầu dân ý trong thế giới hiện đại của thế kỷ XXI, đặc biệt là các tranh chấp về lãnh thổ.
Cho dù, một chính khách Anh nổi tiếng - lãnh đạo Công đảng Clement Attlee – từng phản đối việc Thủ tướng Winston Churchill lừng lẫy của nước Anh đề xuất rằng người dân Anh sẽ bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục duy trì chính phủ liên minh thời chiến hay không, với nhận xét: “Trưng cầu dân ý không phải phong cách của người Anh”, mà là “phương tiện của những kẻ độc tài và mị dân”.
Cuộc chiến 10 tuần
Chiến tranh Falklands/Malvinas bùng nổ ngày 2/4/1982, khi Argentina thực hiện một hành động (mà sau này thực tế chứng minh là vô vọng) nhằm nỗ lực giành lại và áp đặt chủ quyền (cũng có thể còn nhằm mục đích củng cố sự ủng hộ trong nước dành cho chính phủ). Các lực lượng đổ bộ của Argentina nhanh chóng vượt qua các đơn vị đồn trú quy mô nhỏ của lính thủy đánh bộ Anh ở thị trấn Stanley thuộc đảo Đông Falkland, và đến ngày hôm sau thì chiếm đóng các lãnh thổ hải ngoại Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich.
Trang History.com cho biết: Theo lệnh của chỉ huy, quân đội Argentina đã không gây thương vong cho người Anh, bất chấp những tổn thất cho đơn vị mình. Tuy nhiên, nước Anh đã nổi giận, và Thủ tướng Margaret Thatcher – “Bà đầm Thép” (Iron Lady) đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm hải quân gồm 30 tàu chiến để chiếm lại quần đảo. Do nước Anh nằm cách quần đảo Falkland 8.000 dặm, phải mất vài tuần các tàu chiến Anh mới đến được đây. Đến ngày 25, đảo Nam Georgia được tái chiếm, và sau nhiều trận hải chiến khốc liệt xung quanh Falkland, quân đội Anh đã đổ bộ lên đảo Đông Falkland vào ngày 21/5. Sau nhiều tuần chiến đấu, các đơn vị đồn trú lớn của Argentina tại Stanley đầu hàng vào ngày 14/6, về cơ bản chấm dứt cuộc xung đột.
Sự bất lực bốn thập niên
Đã tròn 40 năm, kể từ cuộc tập kích đầu tháng Tư ấy, cũng như thất bại hồi giữa tháng Sáu ấy. Argentina không thay đổi lập trường, nhưng cũng chưa có cách nào để thay đổi cục diện. Năm 1982, sự chênh lệch về sức mạnh quân sự (cũng như tiềm lực kinh tế) giữa hai phía là quá lớn, khiến cho các lực lượng quân đội Argentina, dù sở hữu yếu tố bất ngờ vào lúc đầu, cuối cùng cũng không đủ sức bám trụ nhằm áp đặt một hiện trạng. Và đến bây giờ, sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2013, những thách thức trước mặt Argentina lại càng trở nên gian nan.
Cơ sở lập luận của Argentina là gì? Đầu tiên, theo Bộ Ngoại giao Argentina tuyên bố năm 1982, từ năm 1833, nước Anh đã “chiếm đóng một cách phi pháp quần đảo trên và trục xuất những nhà chức trách người Argentina”, đồng thời ngăn chặn sự cư trú và sinh sống của người Argentina tại đây. Thứ hai, Argentina cho rằng Anh quốc đang hành xử như một chính quyền thực dân và đi ngược lại Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Đáp lại, Luân Đôn cho rằng: Họ đã chiếm đóng một cách liên tục và hợp pháp quần đảo Falklands kể từ năm 1833 – nghĩa là quản lý trên thực tế; và rằng những cư dân trên quần đảo có quyền tự quyết, căn cứ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Quả thật, cả hai mệnh đề này, xét trên bình diện công pháp quốc tế, Argentina đều ở thế yếu.
Hơn thế, không chỉ Anh, cả Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cũng không thừa nhận việc năm 1820, chính quyền độc lập vừa mới hình thành của Liên Hiệp các Tỉnh vùng Sông Plate - tiền thân của nước Argentina ngày nay - tuyên bố kế thừa chủ quyền đối với các hòn đảo này từ tay thực dân Tây Ban Nha. Năm 1829, đã từng có một Thống đốc Malvinas được chính quyền Buenos Aires bổ nhiệm, song khu định cư mà ông vừa xây dựng ngay lập tức bị giải tán dưới vũ lực của tàu chiến Mỹ.
Sau đó, đến tận bây giờ, với Bách khoa toàn thư Britanica hay với rất nhiều trang nghiên cứu lịch sử uy tín khác, hiện thực được ghi chép vẫn là Argentina “xâm lược” (invasion) Falkland. Dường như, quan điểm chủ đạo này sẽ khó có thể thay đổi trong ngắn hạn hay trung hạn, và cả dài hạn. Lý lẽ, xét cho cùng, vẫn nằm trong tay kẻ mạnh. Hay nói đúng hơn, cần phải đủ mạnh để bảo vệ được lý lẽ của mình.
Còn thực tế, “vết thương Malvinas” vẫn cứ ở đó, và vẫn luôn gắn với lời tuyên bố của huyền thoại vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Argentina – Diego Armando Maradona – sau khi ông “kết liễu” đội tuyển Anh năm ấy bằng “Bàn tay của Chúa”: “Đây là sự trả thù của chúng tôi!”.
Một sự “ve vuốt nỗi đau” đầy tính “mộng mơ”.
* Ngày nay, Falklands có khoảng hơn 3.000 cư dân, một vài trong số các hộ dân này đã sinh sống tại khu vực này hơn 7 thế hệ. Họ là hậu duệ của những người dân Xứ Wales hay Scotland được đưa đến định cư từ thế kỷ XIX. Nền kinh tế Falklands chủ yếu dựa trên ngư nghiệp và khai thác dầu khí.
* “Đáng lẽ tôi không nên tham dự World Cup 1982. Rất nhiều trẻ em đã thiệt mạng. Và tôi, trên cương vị đội trưởng, cần phải làm gì đó để ngăn cản họ trên sân” – Daniel Passarella, thủ quân đội tuyển Argentina tham dự World Cup 1982.
“Đây là sự trả thù của chúng tôi! Một điều gì đó cho Malvinas. Ta hay nói rằng không nên lẫn lộn điều này với điều khác, nhưng như vậy là dối trá. Chúng tôi không nghĩ đến bất cứ điều gì ngoài báo thù” – Diego Maradona.