Dưới "ngọn roi của Thượng đế"
"Liệu một con bướm đập cánh ở Brazil có thể dẫn đến một trận bão ở Texas?". Khi đặt ra mệnh đề ấy năm 1972 để minh họa cho "hiệu ứng cánh bướm", có lẽ nhà khí tượng học đồng thời là chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn người Mỹ - Edward Norton Lorenz - cũng không hình dung được rằng vô tình, ông đã cô đọng cả một tiến trình vận động lịch sử rộng lớn, để dẫn đến kết cục là việc Đế chế Tây La Mã sụp đổ dưới tay viên tướng thuộc tộc "rợ Germanic" - Odoacer (hay Odovacar), ngày 4-9-476.
Những cơn bão quật đổ thành Rome
Ngày 4-9-476, theo sự công nhận rộng rãi của giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, là thời điểm kết thúc chính thức của Đế chế Tây La Mã, sau gần 500 năm tồn tại (tính cả lịch sử của Đế quốc La Mã nguyên thủy, khi chưa phân liệt thành Tây La Mã và Đông La Mã/Byzantine).
Vào ngày đó, Odoacer truất phế Romulus Augustulus - Hoàng đế chính thống cuối cùng của Tây La Mã. Odoacer là một viên tướng người Germanic, cụ thể là thuộc nhánh Ostrogoth.
Trước ông ta và trước người Ostrogoth (người "rợ Goth miền đông" - theo ngôn ngữ của triều đình La Mã), cũng đã từng có những lần thành La Mã (Roma) chao đảo, trước sức tấn công hủy diệt của những sắc dân Germanic khác. Thí dụ, người Visigoth (người Goth ở phía tây) cướp phá La Mã năm 410, rồi xuôi nam, vượt dãy Pyrenee đến Tây Ban Nha. Kế đó, Roma phải chịu một trận đột kích tàn khốc từ người Vandal (năm 455).
Trong số rất nhiều những nguyên nhân mà các sử gia đề cập gắn liền với lộ trình sụp đổ của Tây La Mã, những đợt tấn công như vậy của các bộ tộc Germanic luôn chiếm lĩnh vai trò quan trọng hàng đầu, vượt qua các vấn đề như những khó khăn về kinh tế, sự lệ thuộc vào lực lượng nô lệ, sự cạnh tranh của "người anh em thù hận" Đông La Mã, gánh nặng quá lớn từ chi phí quân sự cũng như sự suy thoái của các quân đoàn La Mã, bất ổn chính trị nội tại, hay thậm chí là cả sự xuất hiện và phát triển của thần quyền Thiên Chúa giáo…
Song, những bộ tộc Germanic này xuất hiện từ đâu, để lũng đoạn lãnh thổ của một đại đế chế?
"Ngọn roi của Thượng đế"
Câu trả lời không nằm ở châu Âu, mà đến từ châu Á. Nó gắn liền với một danh từ: "Huns (tức Hung Nô)", và cũng liên hệ mật thiết với một cái tên: Atilla Đại đế - Thiền vu (vua) của người Hung Nô, được ghi lại trong thư tịch cổ với biệt danh "Ngọn roi của Thượng Đế", hay "tai họa của trời".
Có điều, cho đến tận nửa sau thế kỷ XX, đơn cử như trong cuốn "Văn minh phương Tây" (Civilaztion in the West - nhóm tác giả là các giáo sư Đại học Harvard và Đại học Rochester, bao gồm Crane Brinton, John B.Christopher và Robert Lee Wolff), nhận thức chung vẫn là: "Vào thế kỷ thứ IV, tình trạng ở Trung Á (ngày nay vẫn chưa được xác nhận ra sao) đã khiến một giống rợ châu Á hung dữ - giống Hung Nô - tràn đến lãnh thổ của sắc dân Goth. Có thể sống trên lưng ngựa hàng mấy ngày liền, di chuyển như bão tố và cực kỳ hiếu chiến, những người Hung Nô trở thành nỗi kinh hoàng cho người Goth và các bộ tộc khác". Do đó, "những làn sóng di cư cường bạo bắt đầu từ nửa cuối thế kỷ thứ IV, tiếp tục qua hết thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VI".
Nghĩa là, người Hung Nô cướp bóc và tàn sát các sắc dân Germanic, để rồi những sắc dân ấy, trên đường di tản cầu sinh, lại tàn phá các cơ cấu xã hội Tây La Mã.
Nhưng không chỉ vậy, chính người Hung Nô dưới trướng Attila cũng tự mình "chèn ép" cả hai đế quốc La Mã, tạo lập một đế chế riêng. Ồ ạt đánh tới từ thế kỷ V, "người Hung Nô chẳng bao lâu đã chiếm được những lãnh thổ mà ngày nay chúng ta gọi là Romania, Hungaria", cùng vài miền thuộc Serbia, Czech, Slovakia và Ba Lan. Một cách hình tượng (cho dù có thể chưa hoàn toàn chuẩn xác), đế chế ấy trải dài từ Rừng Đen đến dãy Ural, từ sông Danube tới biển Baltic (sử gia Franz Birnbaum).
Trong thời kì đó, ông đã chinh phạt bán đảo Balkan hai lần và tiến tới tận xứ Gaul (tức là nước Pháp hiện đại). Thậm chí có lần ông còn suýt nữa tiến chiếm kinh thành Constantinople của Byzantine, nhưng một trận dịch bệnh khiến ông không thành công. Nhưng dù sao, trong hoàn cảnh nguy ngập, hoàng đế Byzance phải chấp nhận quy phục Hung Nô, và hằng năm chịu tiến cống một khoản tiền lớn. Thất bại trước quân Tây La Mã trong trận kịch chiến Chalons năm 451, ông phải rút quân trở về. Ngay năm sau, tức là năm 452, Attila lại dẫn quân đánh thẳng vào đất Ý. Tuy nhiên, ở đây, Giáo hoàng Leo đã "đích thân xuất mã", và thuyết phục được Attila ngừng "động binh".
Giống như đa số các đế quốc của những giống dân du mục khác, đế chế của người Hung Nô ở châu Âu tan rã gần như ngay lập tức, sau cái chết của vị thủ lĩnh kiệt xuất Attila, năm 452. Thêm một trận dịch lớn nữa, và hầu hết những người lính của Attila trở về Trung Á. Song, từ rất nhiều khía cạnh, những kẻ xâm lăng gốc Á đầu tiên đến châu Âu ấy không những đã tạo nên các đợt "sóng thần" Germanic di cư khắp cựu lục địa, mà còn đập tan sự thống trị của (cả hai đế chế) La Mã ở Trung Âu.
Nếu Attila không đoản thọ, chưa biết diện mạo châu Âu cũng như dòng chảy lịch sử sau đó sẽ còn thay đổi đến mức độ nào. Nhưng, đó là một câu chuyện khác.
Vấn đề là, từ đâu và vì sao, những người Hung Nô từ Trung Á tràn tới châu Âu?
"Cánh bướm" ở Trung Hoa
Đó là cả một tiến trình dài, mà nói ngắn gọn, chính người Hung Nô cũng bị xua đuổi khỏi quê hương bản quán của mình, ở Trung - Bắc Á.
Một cách chính xác, những "ngọn roi của Thượng Đế" hoành hành tại châu Âu vào thế kỷ thứ V ấy chỉ là một nhánh đã bị phân rã của Đế chế Hung Nô từng khiến Tần Thủy Hoàng phải hạ lệnh đắp Vạn lý Trường thành, và từng vây Hán Cao Tổ đến độ phải nghị hòa. Tuy nhiên, sau những võ công lừng lẫy đó, tính thiện chiến vô song của các chiến binh du mục Hung Nô vẫn không thể so sánh được với sức đồng hóa cũng như mưu sâu kế hiểm của các triều đình Hoa Hạ (Trung Quốc).
Đến cuối thời Tây Hán (thế kỷ I sau CN), tiềm lực của Hung Nô đã dần trở nên kiệt quệ, sau những trận đại bại dưới tay các danh tướng nhà Hán là Vệ Thanh, Hoắc Khú Bệnh, Đậu Hiến…. Các bộ lạc Hung Nô bị triều đình nhà Hán chia thành hai bộ phận: Nam Hung Hô (quanh vùng Hà Sóc) và Bắc Hung Nô (từ Nội Mông đến bình nguyên Mông Cổ).
Từ đó, người Hung Nô tiếp tục bị phân liệt thành ba nhánh. Một nhánh ngược xa hơn lên phía Bắc, hòa huyết với các bộ tộc du mục ở đó, và trở thành một phần của cư dân Mông Cổ sau này. Một nhánh xuôi về Nam dưới trướng Nam Thiền vu, chịu thần phục các triều đình nhà Hán - Ngụy - Tấn, bắt đầu một tiến trình Hán hóa lâu dài và sâu sắc. Trải qua các biến thiên lịch sử ở Trung Quốc, sau thời Tam Quốc phân tranh, bộ phận quý tộc người Hung Nô (vốn đã đổi sang họ Lưu), nhân nhà Tây Tấn loạn lạc mà cùng bốn tộc Khương, Đê, Yết, Tiên Ti cùng tranh đoạt giang sơn, đưa lịch sử Trung Hoa vào thời Ngũ Hồ thập lục quốc.
Còn một nhánh nữa, cố gắng trụ lại ở vùng lãnh thổ Bắc Hung Nô cũ, nhưng liên tục bị truy kích bởi liên quân Hán - Nam Hung Nô (bị lung lạc bởi cả quyền uy lẫn lợi lộc). Không còn cách nào khác, họ cứ thế lùi dần về phía Tây, trong những cuộc di cư với quy mô lớn.
Kéo dài gần ba thế kỷ, những cuộc di cư miệt mài chạy trốn sự truy sát và tìm chốn nương thân đó đã đào luyện nên một dân tộc chiến binh du mục mới, thiện chiến, chịu được gian khổ và tàn bạo, đủ để nhấn chìm châu Âu trong tai ách, và dẫn đến ngày 4-9-476 bi thảm của Tây La Mã.
Odoacer, từ khía cạnh này, là một hệ quả của Vệ Thanh…
* "Quá trình "Tây tiến" của người Hung Nô được chia thành ba giai đoạn chính: Giai đoạn đầu tiên, từ năm 91 đến 160, chủ yếu đến các khu vực thuộc Tân Cương ngày nay; giai đoạn thứ hai, từ năm 160 đến năm 373, tới các khu vực từ biển Aral đến lưu vực các sông Volga và sông Don thuộc nước Nga; và giai đoạn thứ ba, từ năm 374 đến năm 468, tới Đông Âu, với khu vực định cư chủ yếu thuộc lãnh thổ Hungary ngày nay.
* "Năm 452, khi Giáo hoàng Leo cố gắng thuyết phục thiền vu Hung Nô dàn xếp hòa ước với người La Mã và, Attila nhận ra rằng quân đội của ông đang gặp tình trạng khan hiếm lương thực cũng như bệnh dịch. Có lẽ tự đánh giá khả năng tiến đánh Roma thành công là không cao, Atilla chấp nhận đề xuất của Giáo hoàng, nhưng với điều kiện Tây La Mã cũng phải cống nạp cho mình một số vàng lớn, giống như Đông La Mã.